SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đổi mới sáng tạo trong khu vực công đang là yêu cầu hết sức thiết thực đối với công chức, viên chức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời giúp giải quyết các thách thức xã hội.

Làm xong người ta có dùng không?

Đây là câu hỏi của ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đặt ra để minh chứng cho tính thiết thực của giá trị đổi mới sáng tạo đối với xã hội tại Lớp tập huấn Đổi mới sáng tạo trong khu vực công cho Đoàn viên thanh niên ở Cụm Hành chính - Sự nghiệp.

220516hk1.jpg

Lớp tập huấn do Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ thuộc Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng đăng cai tổ chức, với sự tham dự của hơn 180 công chức, viên chức trẻ. Lớp tập huấn là một trong những hoạt động chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 năm 2022, đồng thời đẩy mạnh phong trào Tuổi trẻ sáng tạo, thiết thực chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI và Đại hội Đoàn Toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.

Tại buổi tập huấn, công chức – viên chức trẻ Cụm Hành chính - Sự nghiệp đã trao đổi, chia sẻ những thắc mắc về đổi mới sáng tạo trong công việc hàng ngày, tìm hiểu những ý tưởng, giải pháp nhằm tháo gỡ các rào cản trong công việc.

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, đổi mới sáng tạo có 3 đặc trưng cơ bản là: tạo ra cái mới hoặc cải tiến đáng kể, có khả năng triển khai trong thực tế để giải quyết vấn đề, mang lại giá trị cho xã hội.

Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới sáng tạo trong khu vực công là chìa khóa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời giúp giải quyết các thách thức xã hội. Từ đó, đổi mới sáng tạo có thể làm thỏa mãn sự hài lòng của người dân, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển khoa học - công nghệ, như phát triển đô thị thông minh và thực hiện chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo khu vực công nếu phát triển cũng sẽ kéo theo khu vực tư phát triển, đồng thời đổi mới sáng tạo khu vực công còn tạo ra môi trường năng động để thu hút nguồn nhân lực tài năng vào lảm việc.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, công nghệ chỉ là công cụ, vấn đề là công chức – viên chức trẻ biết cách khơi lên vấn đề. Vì dụ trong chuyển đổi số, phải xác định vấn đề bắt nguồn từ đâu, xác định quy trình – mô hình nào bằng tư duy đổi mới sáng tạo, từ đó ứng dụng công nghệ hoặc hợp tác đổi mới sáng tạo với các nhà cung cấp giải pháp.

Mình làm xong người ta có dùng không? Đó mới là thước đo giá trị đổi mới sáng tạo có thiết thực với xã hội hay không.”, ông Nguyễn Việt Dũng đặt ra câu hỏi để minh chứng cho tính thiết thực của giá trị đổi mới sáng tạo đối với xã hội.

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công

Nhiều báo cáo cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công gặp nhiều rào cản như: tính quan liêu, thiếu tinh thần khởi tạo (entrepreneurial spirit), thiếu chiến lược đổi mới sáng tạo… Vậy “làm thế nào để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, trong điều kiện nguồn lực có hạn?” cũng là thắc mắc mà nhiều Đoàn viên thanh niên trăn trở.

220516hk2.jpg

Báo cáo tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng công chức – viên chức trẻ cần xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo bằng cách xây dựng phẩm chất tinh thần khởi tạo; xây dựng phương châm hợp tác đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở; xây dựng phương pháp, kỹ năng thực hành đổi mới sáng tạo. Nhìn chung, cần xác định vấn đề, từ đó tiến hành xây dựng ý tưởng, giải pháp, sau đó ươm tạo giải pháp, thử sai liên tục để hoàn thiện. Triển khai và tiếp tục học hỏi để cải tiến và phát triển.

Theo đó, từng cá nhân cần tập cách nhìn vấn đề phải tự nghĩ xem có cách nào làm tốt hơn không, có dám mạo hiểm chấp nhận làm thử hay không. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị, tổ chức cũng cần xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo để định vị được vị trí hiện tại, xác định các bước tiến trong thời gian tới. Vai trò xung kích của Đoàn viên thanh niên cũng cần được phát huy trong hoạt động xây dựng các mô hình sáng tạo nhằm rèn luyện năng lực phản xạ, suy nghĩ những hướng đi đổi mới sáng tạo để giải quyết vấn đề, cũng như phát huy tính chủ động trong chia sẻ, học tập lẫn nhau ở thanh niên.

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang triển khai một số chính sách, chương trình hỗ trợ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo như:

+ Inno-Coffee: sự kiện kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để trình bày vấn đề và tìm kiếm đối tác, giải pháp.

+ R&D: chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển giải pháp.

+ Sandbox: chính sách hỗ trợ thử nghiệm.

Thực tế cho thấy, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong thực tiễn, nên đầu vào cho đổi mới sáng tạo trong khu vực công là rất nhiều. Các giải pháp về công nghệ cũng có sẵn nhưng chưa được khai thác, sử dụng hợp lý để phục vụ xã hội. Mặt khác, hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công không chỉ giới hạn thực hiện qua con đường đầu tư công, mà còn có thể thực hiện bằng các mô hình hợp tác công tư, xã hội hóa… thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia.

Hoàng Kim (CESTI)

Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành (Techmart) Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch 2022 sẽ diễn ra trong hai ngày 19&20/5 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI) tổ chức, thu hút gần 200 công nghệ của 87 đơn vị là các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM tham gia quảng bá và xúc tiến thương mại.

Tiếp nối thành công của năm 2021, Techmart Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch năm 2022 được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến: trưng bày gian hàng trực tiếp tại Sàn Giao dịch công nghệ (79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1) và triển lãm trực tuyến tại địa chỉ techmart.techport.vn. Hai hình thức này giúp người tham gia có thể lựa chọn hình thức phù hợp; chủ động, linh hoạt hơn trong việc tham quan, tìm hiểu, tiếp cận các sản phẩm công nghệ, thiết bị mà không bị hạn chế về không gian và thời gian.

Với 3 hoạt động chính là trưng bày, giới thiệu công nghệ và thiết bị (CN&TB), hội thảo giới thiệu công nghệ và tư vấn chuyên gia về công nghệ. Techmart lần này tập trung giới thiệu các xu hướng công nghệ mới, công nghệ phù hợp với tình hình sản xuất tại Việt Nam trong các lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; công nghệ cao, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi;… Đặc biệt, có gần 20% công nghệ được giới thiệu là công nghệ ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

02HDKHLVsapdienratechmarth1.jpg

Các CN&TB nổi bật được trưng bày tại Techmart có thể kể đến như: hệ thống giám sát và điều khiển chất lượng nước tự động cho ngành thủy sản; hệ thống tự động hóa SCADA cho dây chuyền xay xát lúa gạo; giải pháp nông nghiệp thông minh Nextfarm dùng trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản; giải pháp tích hợp hệ thống châm phân bón và kiểm soát môi trường tăng năng suất cây trồng; giải pháp chuỗi cung ứng lạnh (kho lạnh, vận chuyển, phân phối hàng đông lạnh).

Ngoài ra còn có các công nghệ sản xuất dầu neem chứa hoạt chất azadirachtin hàm lượng cao và ứng dụng trong dược mỹ phẩm và chế phẩm bảo vệ nông nghiệp sạch; công nghệ sản xuất nước từ trường giúp nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; công nghệ xử lý nước thải nhà máy chế biến nông sản thực phẩm  bằng phương pháp màng lọc MBR để tái sử dụng; công nghệ kiểm soát khí quyển giúp kéo dài thời gian bảo quản nông sản gấp 2-4 lần; công nghệ trồng rau khí canh.

Bên cạnh đó là các CN&TB cho lĩnh vực sau thu hoạch như công nghệ tiệt trùng thực phẩm bằng áp lực nước HPP; thiết bị sấy ứng dụng năng lượng mặt trời (kết hợp IoT để giám sát và điều khiển từ xa); hệ thống làm sạch, tiệt trùng và bảo quản rau củ quả công nghệ Plasma; công nghệ chiên chân không giúp giữ được màu sắc tự nhiên của thực phẩm, hạn chế mất mát vitamin và khoáng chất có lợi, giảm lượng dầu chiên,…

Về công nghệ chuyển đổi số, Techmart chú trọng các CN&TB giúp tăng cường ứng dụng công nghệ số vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Đây là những giải pháp công nghệ hiện đại, bắt kịp xu hướng ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, giúp nâng cao năng suất làm việc, tối ưu hóa sản xuất và tạo ra những sản phẩm có giá trị cao hơn.

Điển hình như Phần mềm quản lý kinh doanh NextCRM - Ứng dụng quản lý bao tiêu nông sản trong hệ sinh thái nông nghiệp thông minh NextFarm; Phần mềm quản lý trang trại thủy sản FARMPRO; Tracechain Blockchain quản lý và phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị đặc sản địa phương; Máy bay không người lái ứng dụng trong canh tác nông nghiệp;…

Lễ khai mạc Techmart Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch sẽ diễn ra lúc 8g00 ngày 19/5/2022.

Chi tiết về Techmart Nông nghiệp & Công nghệ sau thu hoạch vui lòng liên hệ:

Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN

Phòng Giao dịch công nghệ

79 Trương Định, Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: (028) 3521 0735 – 3822 1635

Email: giaodichcongnghe@cesti.gov.vn

Mobile: 079 652 3381 (gặp anh Khanh).

Lam Vân (CESTI)

Hai bên thiết lập mối quan hệ hợp tác hiệu quả, tích cực trong thúc đẩy sự phát triển về chất lượng và số lượng của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh trong 5 năm tới.

Theo thỏa thuận, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ chia sẻ thông tin về kế hoạch tổ chức các hoạt động thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố, tạo điều kiện thuận lợi để Công ty Cổ phầnTập Đoàn GREEN+ đồng hành trong các hoạt động thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố từ năm 2022 đến năm 2026.

IMG9581.jpg

Hai bên cùng phối hợp vận động doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động như Tuần lễ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Giải thưởng I-Star)…, làm nên một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo bền vững, mang lại hiệu quả thiết thực, xây dựng và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự phát triển của Thành phố.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết: “Để tiếp tục thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn tới, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình từ phía các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị. Với vai trò kiến tạo hệ sinh thái, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ chủ động tạo điều kiện để phát huy hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng, cùng chung tay vì một thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”.

Công ty Cổ phần Tập Đoàn GREEN+ sẽ phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai thu hút các nguồn lực xã hội phục vụ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, giới thiệu các nguồn đầu tư tài chính và các chương trình hỗ trợ cho các startup, đồng thời phối hợp với mạng lưới doanh nghiệp trong các lĩnh vực mà hai bên đã kiến tạo để cùng hỗ trợ, tư vấn hoặc đầu tư cho các startup đang và sẽ khởi nghiệp tại TP.HCM, xây dựng và lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần tạo ra những đột phá mới cho sự phát triển của Thành phố.

Ông Đặng Đức Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập Đoàn Green+ cho biết: “Nhận thấy hoạt động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM là vấn đề mang ý nghĩa thiết thực cho xã hội và phù hợp với tôn chỉ hoạt động của mình, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Green+ mong muốn được đồng hành với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố. Chúng tôi sẽ đồng hành và vận động các doanh nghiệp trong mạng lưới của Công ty cùng tham gia cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, tăng cường hỗ trợ cho startup”.

Hiện nay, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Green+ đang tích cực đồng hành cùng Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trong triển khai Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 (I-Star 2022).

Thông qua buổi ký kết, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Công ty Cổ phần Tập đoàn GREEN+ sẽ cùng phối hợp tổ chức các hoạt động, sự kiện, trao đổi nhằm huy động những sáng kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp, góp phần tăng tính sáng tạo và hiệu quả của hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP.HCM trong thời gian tới.

Hoàng Kim (CESTI)

 

Đây là hoạt động rất thiết thực nhằm thực hiện chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người lao động có thu nhập thấp ở Thành phố.

Ngày 28/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Xây dựng tổ chức buổi tọa đàm “Tìm kiếm ý tưởng sáng tạo phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM”. Ban tổ chức mong muốn Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cùng các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản khai thác các yếu tố về khoa học và công nghệ; tìm những ý tưởng mới, những hướng đi mới giàu tính đổi mới sáng tạo để phục vụ cho hoạt động tạo phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM. Qua đó, có thể góp phần thúc đẩy thay đổi công nghệ xây dựng, cả về kiến trúc lẫn nội thất, nhằm kéo giảm chi phí trong điều kiện vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lao động.

220428hk1.jpg

Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại buổi tọa đàm

Ba lần thất bại vì vật liệu mới

Đó là chia sẻ của ông Lê Hữu Nghĩa (Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành) về những lần thử nghiệm vật liệu nhẹ trong thi công công trình nhà ở nhằm hiện thực hóa mục tiêu giảm giá thành. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, tuy vật liệu mới có ưu điểm vượt trội là rút ngắn thời gian thi công, nhưng những “bất ngờ” mà chúng mang đến thì rất tốn kém. Do đó việc ứng dụng trong thực tế xây dựng nhà ở xã hội về cơ bản vẫn khó khả thi.

Thực tế là khi doanh nghiệp đầu tư ứng dụng vật liệu nhẹ (giá đầu vào cao hơn vật liệu thông thường), họ rất kỳ vọng vào việc giảm chi phí đầu tư cho nền, móng, cột… Nhưng do chưa có tiêu chuẩn – thông số đo lường chính thức áp dụng cho vật liệu mới, nên các đơn vị thẩm tra thiết kế đều không chấp nhận, vẫn buộc phải xây dựng theo tiêu chuẩn vật liệu thông thường. Tiếp đó, khi thi công nội thất, việc khoan cắt vật liệu mới cũng phức tạp hơn vật liệu cũ, không đồng bộ, làm đội lên rất nhiều chi phí nhân công cũng như vật tư phụ trợ.

Tuy khó khăn là vậy, ông Lê Hữu Nghĩa vẫn hứa sẽ xem xét sử dụng vật liệu mới ở những khâu, công đoạn xây dựng nếu có thể, để phối hợp hài hòa chi phí và tiến độ thi công.

Cần nhiều hơn nữa sự đóng góp của khoa học và công nghệ

Nhận xét về việc ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nhà ở xã hội, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM) cho rằng muốn giảm giá thành thì cần nguồn vật liệu mới, điển hình như bê tông nhẹ, các panel vách lắp ghép dạng khổ lớn với chi phí sản xuất thấp dựa trên nguồn nguyên liệu mới.

Với “bài học đầy nước mắt” từ Công ty Lê Thành nêu trên, ông Lê Hoàng Châu đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Sở Xây dựng quan tâm hơn đến việc phát triển, nghiên cứu các nguồn vật liệu mới, đồng thời có các kiến nghị cần thiết với Bộ Xây dựng (cụ thể là Vụ Khoa học - Công nghệ) về các tiêu chuẩn của vật liệu mới. Chẳng hạn như câu chuyện của gạch không nung được quy định "buộc phải sử dụng trong xây dựng nhà ở xã hội", bởi gạch không nung về cơ bản có kích thước và trọng lượng lớn, dẫn đến câu chuyện năng suất lao động của công nhân giảm, trong khi đó chi phí đầu tư cho phần móng cũng tương ứng cao lên. Hay câu chuyện về tiêu chuẩn và ứng dụng cát nhân tạo, đất nhân tạo… vẫn là những chương, hồi dài kỳ nhiều tập chưa có lời kết.

220428hk2.jpg

Ông Lê Hoàng Châu đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Sở Xây dựng

Góp ý tại buổi tọa đàm, ông Khương Văn Mười (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) cho rằng, trong phát triển và xây dựng nhà ở xã hội, ngoài phần kiến trúc thì vật liệu cần phải được linh hoạt thay đổi, và khoa học - công nghệ chắc chắn sẽ phát huy ở chỗ này. "Tùy chiều cao mà loại vật liệu được điều chỉnh và chúng ta cần đưa vật liệu mới vào sử dụng ở các chỗ này để phù hợp với sức khỏe người sử dụng, mục đích sử dụng phù hợp với công năng của công trình", ông Khương Văn Mười nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, đồng chí Huỳnh Thanh Khiết (Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM) bày tỏ quan điểm, trước mắt rất cần các nhà khoa học góp sức hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiến trúc, kết cấu; định mức (diện tích) đối với nhà ở xã hội.

Dịp này, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Xây dựng cũng chính thức đặt hàng đến các nhà khoa học, doanh nghiệp và startup công nghệ về những ý tưởng đổi mới sáng tạo tập trung vào tiêu chí giá thành, vật liệu mới và quy trình xây dựng phát triển nhà ở xã hội.

Hoàng Kim (CESTI)

Kết quả của Chương trình Kết nối đầu tư sẽ là cơ sở đánh giá lại chất lượng cũng như sự phát triển của startup, từ những ý kiến phản biện của các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây là một trong những hoạt động của Chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới 21.4 và Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26.4

Ngày 22/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM) và Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo Victory tổ chức Chương trình Kết nối đầu tư cho các startup (dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo).

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết: “Chương trình SPEEDUP đã được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã triển khai từ năm 2017. Sau 5 năm triển khai SPEEDUP, đến nay nhiều startups đã dần đạt được nhiều mục tiêu, như thành lập doanh nghiệp, xác lập mô hình kinh doanh phù hợp, có thị trường và khách hàng, có sản phẩm đầu ra hoàn chỉnh để gọi vốn. Chương trình Kết nối đầu tư cho các startup không chỉ mang đến cơ hội để startup tham gia gọi vốn cho giai đoạn tiếp theo, mà còn là dịp để Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM ghi nhận ý kiến phản biện của nhiều bên như quỹ đầu tư, cơ sở ươm tạo – tăng tốc, chuyên gia… trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó đánh giá lại chất lượng cũng như sự phát triển của startup trong thời gian qua.”.

220422hk2.jpg

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc

Chương trình Kết nối đầu tư lần này có sự tham gia của 31 startup thuộc Chương trình hỗ trợ phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SPEEDUP) và một số startup đang trong giai đoạn ươm tạo và tăng tốc.

220422hk3.jpg

220422hk5.jpg

Theo số liệu thống kê từ Chương trình SPEEDUP, gần 70% startup đã được nghiệm thu. Tất cả startup đều đã có sản phẩm hoàn thiện và mô hình kinh doanh phù hợp. Do đó, Chương trình là cơ hội để các startup giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nhằm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn phát triển mới của dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, Chương trình cũng góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.

Hoàng Kim (CESTI)

Ngày 20/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ tổ chức hội nghị “Triển khai công tác thẩm định, có ý kiến công nghệ dự án đầu tư theo quy định Luật Chuyển giao công nghệ và các quy định pháp luật liên quan”.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ (CGCN) năm 2017 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2018. Đến nay, Luật CGCN đã tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, thúc đẩy hoạt động CGCN, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu từ khoa học công nghệ hiện đại.

Thời gian qua, việc áp dụng các quy định về công tác thẩm định, có ý kiến công nghệ theo Luật CGCN đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực như hạn chế các công nghệ thủ công, lạc hậu gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe; thay vào đó là các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới giúp nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ được chuyển giao tại Thành phố.

10HDKHLVhoinghiluatCGCNh5.jpg

Bà Chu Vân Hải (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc hội nghị

Theo bà Chu Vân Hải, Sở KH&CN đã thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký CGCN, thẩm định/góp ý công nghệ cho 59 dự án, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác thẩm định, có ý kiến công nghệ các dự án đầu tư, Sở cũng nhận thấy các quy định đánh giá, thẩm định công nghệ giữa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường còn có nhiều nội dung cần hướng dẫn.

Do đó, hội nghị được tổ chức nhằm hướng dẫn các quy định về công tác thẩm định, có ý kiến công nghệ dự án đầu tư, bao gồm các thẩm quyền, thẩm định, có ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư; tổng quan chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động CGCN tại Việt Nam.

Thông qua hội nghị, các sở ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước giải đáp, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, cũng như tạo kênh kết nối với Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ để ngày càng hoàn thiện công tác quản lý nhà nước trong việc thẩm định, có ý kiến công nghệ dự án đầu tư, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tốt hơn trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Sỹ Đăng (Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ), trên cơ sở kế thừa nội dung còn phù hợp của Luật CGCN 2006, Luật CGCN 2017 đã đổi mới tư duy và phương thức quản lý về hoạt động CGCN phù hợp với giai đoạn mới, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật. Luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định đáp ứng với yêu cầu thực tiễn như cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đặc biệt, Luật bổ sung giải pháp phát triển thị trường KH&CN; quy định về CGCN trong nông nghiệp; sửa đổi quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về CGCN.

10HDKHLVhoinghiluatCGCNh4ok.jpg

Ông Nguyễn Sỹ Đăng (Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ) phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Sỹ Đăng cho hay, một điểm hoàn toàn mới trong Luật CGCN năm 2017 là quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, có ý kiến về công nghệ. Điều này tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư nhằm hạn chế, ngăn chặn công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, môi trường và phát triển bền vững của quốc gia.

Tuy nhiên, công tác thẩm định công nghệ còn chịu chi phối bởi các quy định của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường.

Tại hội nghị, Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ đã hướng dẫn những quy định mới về công tác thẩm định hoặc có ý kiến công nghệ dự án đầu tư theo Luật Chuyển giao công nghệ; hướng dẫn về đối tượng và thẩm quyền thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư theo quy định Luật Chuyển giao công nghệ; vai trò của các cơ quan trong công tác thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP),…

Trong đó, ông Đặng Quốc Huy (đại diện Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ) đã trình bày hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền thẩm định, có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020. Việc thẩm định, có ý kiến về công nghệ thuộc giai đoạn chuẩn bị đầu tư gồm giai đoạn chủ trương đầu tư và giai đoạn quyết định đầu tư. Ông Đặng Quốc Huy đã hướng dẫn cụ thể về các đối tượng dự án được đầu tư, thẩm quyền thẩm định công nghệ các dự án đầu tư ở 2 giai đoạn này theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư và Luật PPP.

Lam Vân (CESTI)

Ngày 19 tháng 4 năm 2022, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Kế hoạch số 1169/KH-UBND về tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ năm 2022” nhân dịp kỷ niệm 132 năm Ngày sinh nhật Bác.

Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần triển khai phát động bình quân mỗi người dân Thành phố trồng 01 cây xanh chung sức “Vì một Việt Nam xanh” hưởng ứng “Đề án 1 tỷ cây của Thủ tướng Chính phủ” và thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”nhằm góp phần thiết thực triển khai phát động bình quân mỗi người dân Thành phố trồng 01 cây xanh chung sức “Vì một Việt Nam xanh” hưởng ứng “Đề án 1 tỷ cây của Thủ tướng Chính phủ” và thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19 tháng 10 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Cuộc vận động “Người dân Thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Thiết lập mối liên kết chặt chẽ cùng Viện – trường là một trong những hướng đi để thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ở TP.HCM.

Ngày 5/4/2022, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã có buổi làm việc cùng Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Hai bên cùng chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, phương thức đánh giá trình độ công nghệ của doanh nghiệp, các giải pháp hỗ trợ và đào tạo về ứng dụng công nghệ trong doanh nghiệp, giải pháp hỗ trợ chuyển giao công nghệ và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

220406hk1.jpg

Trao đổi với phía Sở Khoa học và Công nghệ HN, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã xây dựng mối quan hệ gắn kết với Viện – trường và các tổ chức – đơn vị có hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, qua đó thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cũng như phối hợp tổ chức các kỳ hội thảo khoa học trong nước và quốc tế. Những cuộc thi, chương trình hỗ trợ và giải thưởng về đổi mới sáng tạo đều được kết nối, vận động doanh nghiệp – startup tham gia, thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo và các cơ sở ươm tạo trên địa bàn Thành phố và các tỉnh thành lân cận.

220406hk3.jpg

Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang phối hợp cùng Viện – trường hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ trong Viện - trường, đồng thời Sở cũng đang xây dựng liên minh các vườn ươm doanh nghiệp – khởi nghiệp. Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ hỗ trợ các cơ sở ươm tạo đưa vào vận dụng Bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo mô hình vườn ươm quốc tế (gồm 26 tiêu chí đánh giá về hạ tầng cơ sở, hoạt động và dịch vụ, quản lý vận hành, hiệu quả đầu ra), tăng hiệu quả hoạt động hỗ trợ startup. Bên cạnh đó, Sở cũng đang xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H-OIP.

Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề giao quyền và tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ, kinh nghiệm triển khai Sàn giao dịch công nghệ, những thủ tục và cách thức triển khai hoạt động, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, làm tiền đề để xúc tiến hợp tác giữa HN và TP.HCM.

Hoàng Kim (CESTI)

H-OIP được định hướng làm nền tảng để các tổ chức ươm tạo, vườn ươm tạo dựng hình ảnh, phát huy thế mạnh và tăng cường sự hợp tác với nhau trong hoạt động ươm tạo, hỗ trợ cho startup

H-OIP (Ho Chi Minh Open Innovation Platform) được ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) công bố tại “Hội nghị Các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2022” (diễn ra vào ngày 24/3/2022).

Thực tế cho thấy, các mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công đều dựa trên sự hợp tác và chia sẻ. Do đó, Sở đã triển khai ý tưởng xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H-OIP.

220325hk1.jpg

Theo đó, với phương châm “mỗi cơ sở ươm tạo là 1 khách hàng của H-OIP”, các cơ sở ươm tạo có thể liên hệ với nhóm thực hiện H-OIP hoặc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để gửi các yêu cầu hoặc ý kiến đóng góp, phát triển.

Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều startup phải tạm dừng hoạt động trong năm 2021, thu hẹp quy mô, cắt bớt nhân sự và tối ưu hóa các chi phí. Các hoạt động ươm tạo và tăng tốc bị gián đoạn, các cơ sở ươm tạo phải thay đổi cách thức hoạt động và kế hoạch hỗ trợ ươm tạo hầu hết đều phải chuyển sang hình thức online. Trong thời điểm dịch bệnh gần như toàn bộ các hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TPHCM đều được thực hiện trên các nền tảng online. Có thể thấy rằng, Covid-19 là một bộ lọc hoàn hảo và là bệ phóng cho các startup có khả năng ứng dụng công nghệ trong hoạt động.

Nhưng không vì dịch bệnh mà hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở TP.HCM lùi bước. Năm 2021 vẫn được đánh giá là một năm hoạt động tích cực của cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố. TP.HCM xếp thứ 179 trong Top 200 Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu. Số lượng doanh nghiệp KH&CN đứng đầu cả nước với 108 doanh nghiệp. Đặc biệt, TP.HCM có 39/63 thương vụ startup với số vốn gọi được là hơn 837 triệu USD (chiếm 50% số vốn ở cả nước). Một số tập đoàn truyền thống về dệt may, da giày, bất động sản, đồ dùng học tập cũng bắt đầu quan tâm đến startup…

Trong năm, Sở đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị thực hiện 09 khóa huấn luyện kiến thức kỹ năng về ĐMST, khởi nghiệp cho hơn 200 doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, nâng cao năng lực, hỗ trợ ươm tạo và kết nối mạng lưới khởi nghiệp. Về chương trình Speedup, có 2 dự án được nhà đầu tư mua lại định giá tăng 1,1-1,5 lần và đã trả lại kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Có 3 dự án đã có lợi nhuận và nộp một phần lợi nhuận của dự án cho nhà nước. Đồng thời, có 6 dự án huy động được từ các Quỹ đầu tư gấp 7,5 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của Chương trình. Hiện nay, Chương trình Speedup đang hỗ trợ cho 61 dự án, Tổng giá trị định giá của 61 dự án khoảng 29,9 triệu USD, phần kinh phí nhà nước hỗ trợ vào khoảng 1,84 triệu USD (6,1%).

Cũng tại Hội nghị, ông Nguyễn Việt Dũng cũng công bố Bộ tiêu chuẩn các chỉ số đánh giá vườn ươm theo mô hình vườn ươm quốc tế, gồm 26 tiêu chí đánh giá về hạ tầng cơ sở, hoạt động và dịch vụ, quản lý vận hành, hiệu quả đầu ra. Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ hỗ trợ các cơ sở ươm tạo đưa vào vận dụng, tăng hiệu quả hoạt động hỗ trợ startup.

Ông Nguyễn Việt Dũng còn cho biết thêm, ngoài hỗ trợ các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM vẫn thực hiện hỗ trợ cho các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ giúp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội như quản trị khu vực công, giáo dục và y tế.

Hoàng Kim (CESTI)

Chiều 15-3, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức giám sát việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn 2016-2021 tại Sở KH-CN. 

Đoàn giám sát có sự tham gia của các ĐBQH: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM. Trưởng đoàn giám sát là ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM.

Khoa học công nghệ phải được đầu tư lớn, không thể 'tay không bắt giặc' ảnh 1
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Tại buổi giám sát, các ĐB trong đoàn đặt nhiều câu hỏi về hiệu quả quỹ phát triển khoa học công nghệ; về ứng dụng, chuyển giao các công trình nghiên cứu khoa học thay vì “cất tủ”…

Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng cho biết, 2,14% GRDP TPHCM đầu tư cho khoa học công nghệ là tỷ lệ cao hơn so với mức luật quy định (2%), nhưng thực tế số kinh phí này không chỉ chi cho khoa học công nghệ mà còn nhiều đầu mối công việc khác. Mặt khác, trong cơ cấu chi cũng chỉ có khoảng 7% là chi cho nghiên cứu khoa học. Đây là tỷ lệ rất thấp so với các nước. Theo ông, khoa học công nghệ phải được đầu tư lớn, không thể “tay không bắt giặc”.

Khoa học công nghệ phải được đầu tư lớn, không thể 'tay không bắt giặc' ảnh 2
Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: CAO THĂNG

Liên quan việc chuyển giao, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do vướng mắc của Luật Quản lý tài sản công. Việc định giá các kết quả công trình nghiên cứu không dễ, vì nó là những tài sản vô hình.

Tại buổi giám sát, các ĐB cũng đặt vấn đề khi đi giám sát ở các đơn vị khác, đoàn nhận thấy nhiều đơn vị chưa sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học công nghệ. Theo quy định, các doanh nghiệp trích đến 10% thu nhập tính thuế để lập quỹ, nhưng lại không sử dụng được.

Về việc này, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện TPHCM có 124 doanh nghiệp đã lập được quỹ, trong đó có 79 doanh nghiệp nhà nước (theo quy định là bắt buộc), với tổng số tiền là hơn 4.274 tỷ đồng. Trong đó, các doanh nghiệp mới chỉ chi sử dụng hơn 1.123 tỷ đồng (26% tiền quỹ).

“Tức là không hiệu quả, trích ra để đó không biết làm gì. Sở đã kiến nghị nhiều lần, nhưng chưa có thay đổi về quy định”, ông Dũng nói và cho biết việc quy định chi quỹ không khả thi, các doanh nghiệp khó thực hiện.

Kết luận, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Sở với chức năng của mình, nỗ lực để TPHCM phát huy vốn mồi ngân sách để phát triển khoa học công nghệ.

Về những khó khăn vướng mắc từ những quy định trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Sở tiếp tục đề xuất sửa đổi các chính sách chưa phù hợp.

Báo cáo tại buổi giám sát, Phó Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Thị Kim Huệ cho biết, giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách cho khoa học và công nghệ chiếm khoảng 2,14% tổng chi ngân sách TPHCM. Năm 2021 kinh phí nghiên cứu khoa học là hơn 177 tỷ đồng.

Thời gian qua, TPHCM tiếp tục đổi mới hoạt động, triển khai thực hiện sắp xếp, bố trí hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ công lập gắn với chuyển đổi mô hình hoạt động theo cơ chế tự chủ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tiếp tục đầu tư và khai thác hiệu quả các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, xây dựng và vận hành hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ với 38 đơn vị là các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện tham gia. Đến nay, trên địa bàn TPHCM có trên 314 tổ chức khoa học và công nghệ, 109 trường đại học - cao đẳng, 279 phòng thí nghiệm về các lĩnh vực hóa, sinh học, xây dựng, y tế, cơ, dược, điện- điện tử; 19.947 cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

MAI HOA - SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353