SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Làm sao để Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM mang lại giá trị thật sự cho cộng đồng chứ không phải là nơi cho thuê mặt bằng là vấn đề nhiều người quan tâm.

 

Đó là ý kiến của các chuyên gia, doanh nhân trong cộng đồng khởi nghiệp đóng góp ý kiến tại Hội thảo “Tham vấn xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sáng 17/07.

Cần chọn những startup với lĩnh vực chủ lực của TP.HCM

Dự án 'Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM' vừa được kỳ họp thứ 15 HĐND TP.HCM khóa IX thông qua cuối tuần trước.

Theo đó, công trình sẽ được xây dựng tại số 123 Trương Định, quận 3 và dự kiến sẽ được khởi công vào nửa đầu năm 2020. Tòa nhà có diện tích sàn khoảng 20 nghìn mét vuông, với 6 tầng nổi, 4 tầng hầm. Tổng chi phí xây dựng vào khoảng 323 tỉ đồng. 

Trung tâm sẽ được xây dựng theo mô hình hợp tác công - tư. Nhà nước chịu trách nhiệm về đất đai, xây dựng tòa nhà và các khu vực dành cho hoạt động chung. Khối tư nhân tham gia ươm tạo, quỹ đầu tư, tập đoàn, doanh nghiệp... sẽ tự thiết kế, trang bị, vận hành các không gian riêng phù hợp với nhu cầu.

Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo không phải là nơi cho thuê văn phòng - 1

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cần xác định mô hình vận hành để tòa nhà đúng nghĩa là trung tâm đầu mối về khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cho rằng: "Có thể đây không phải là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo duy nhất của Thành phố trong tương lai, nhưng trước mắt cố gắng làm cái đầu tiên với mô hình thật tốt". Theo đó, cần xác định mô hình vận hành ra sao để đúng nghĩa là trung tâm đầu mối về khởi nghiệp chứ không phải nơi cho thuê văn phòng.

Đồng quan điểm, ông Francis Nguyễn Tuấn Anh, Chuyên gia cấp cao của Microsoft Châu Á - Thái Bình Dương, cũng nhấn mạnh, trung tâm không phải nơi cho thuê mặt bằng. Việc xây dựng trung tâm về khía cạnh cơ sở hạ tầng có thể làm dễ dàng, nhưng làm thế nào để “thổi hồn” tạo ra những hoạt động kết nối, hợp tác mới khó. Vì thế, chính quyền thành phố cần có nhiều buổi tiếp xúc, trao đổi với các thành phần của hệ sinh thái để đưa ra một mô hình hoạt động mang tính bền vững, lâu dài.

Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo không phải là nơi cho thuê văn phòng - 2

Ông Nguyễn Francis Tuấn Anh (cầm mic), chuyên gia cấp cao của Microsoft, đưa ra đề xuất tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh. 

"Tôi cho rằng, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phải là đầu mối thực hiện những hoạt động kết nối giữa nhà nước và cộng đồng khởi nghiệp nhằm tìm ra mô hình hoạt động cho trung tâm này"- ông Tuấn Anh nói.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm, Microsoft hiện nay có đến 7 trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên thế giới. Trong đó, Microsoft rất quan tâm đến lĩnh vực y tế và có hẳn một trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp về lĩnh vực này và đang rất thành công. Mô hình này được thực hiện với sự tham gia hợp tác chặt chẽ của ba nhà: Nhà nước (Bộ Y tế), doanh nghiệp và nhà đầu tư. Chỉ trong vòng 6 tháng, trung tâm này đã thu hút được tới 60 dự án là các startup công nghệ về y tế.

Chính vì thế, vị chuyên gia này đề xuất, hoạt động của trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM cần phải hướng đến những ngành kinh tế chủ lực, là thế mạnh của TP.HCM. Ở các quốc gia phát triển, các vườn ươm thường là mô hình vườn ươm chuyên sâu, tạo dựng cơ sở hạ tầng, thiết bị, con người chỉ để phát triển trong một ngành, lĩnh vực. Và họ đã rất thành công. 

"Tôi chưa thấy mô hình vườn ươm chuyên sâu này ở Việt Nam, mà chủ yếu là dạng vườn ươm tổng hợp, nhiều ngành nghề. Chúng ta cũng cần cân nhắc đến mô hình vườn ươm chuyên sâu này"- ông Tuấn anh chia sẻ.

Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch Trí Tri Group, cũng cho rằng, Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM cần nhắm đến hỗ trợ những lĩnh vực, ngành nghề là thế mạnh, cũng như nằm trong chiến lược phát triển của TP.HCM.

Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo không phải là nơi cho thuê văn phòng - 3

Ông Lý Trường Chiến (cầm mic) đóng góp ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh.

Ví như TP.HCM đang xây dựng đề án thành phố thông minh, thì cần phải tuyển chọn các startup, xây dựng các phòng lab về lĩnh vực này. Các đơn vị, doanh nghiệp vào đầu tư, đặt văn phòng tại trung tâm cần tuyển chọn là những cá nhân, tập thể có sản phẩm, dự án chất lượng, có chiều sâu, mang lại giá trị thật sự cho cộng đồng. Doanh nghiệp được tuyển chọn vào nhận được ưu đãi nhưng cũng phải có những KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) cụ thể.

"Hoạt động của Trung tâm cần có những chuyên viên thuộc khối Nhà nước quản lý, vận hành, hoạt động đúng mục tiêu nhưng không can thiệp quá sâu vào hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp" - ông Chiến nói.

Trung tâm là cầu nối về chính sách cho startup

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hoàng Linh, CEO CirCO -  startup cung cấp các dịch vụ về không gian làm việc chung (Co working Space) cho cộng đồng khởi nghiệp, bày tỏ hi vọng, trung tâm sẽ tạo ra những tính hiệu tích cực cho cả hệ sinh thái. Sự ra đời của trung tâm này cho thấy nhà nước rất quan tâm và thật sự mong muốn hỗ trợ cộng đồng, bên cạnh những tổ chức tư nhân. Đây là điều mà cộng đồng startup mong đợi.

 

Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo không phải là nơi cho thuê văn phòng - 4

Ông Hoàng Linh, CEO CirCo chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh.

"Trung tâm này cũng sẽ là một đầu mối hỗ trợ về chính sách, thứ mà các startup luôn cần. Muốn làm được điều này, tôi cho rằng, phải có một đơn vị đầu mối được lãnh đạo thành phố chỉ định để hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng. Đơn vị này phải có sự gắn bó với cộng đồng để có thể đưa ra những chính sách hỗ trợ mang tính kịp thời, giúp cộng đồng khởi nghiệp đi nhanh, đi xa hơn"- ông Linh nói.

Trong khi đó, ông Vũ Tuấn Anh, chuyên gia khởi nghiệp, cho rằng cần xác định rõ vai trò của trung tâm là vì lợi nhuận, hay nơi hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Song song với phần cứng hạ tầng, trung tâm cần có một chương trình dài hạn phát triển nguồn nhân lực, bao gồm chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp và nguồn nhân lực khởi nghiệp. Cơ chế quản lý trung tâm cần lấy cộng đồng làm trọng tâm, do cộng đồng vì cộng đồng và tạo giá trị cho cộng đồng.

 

Hà Thế An - khampha.vn

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã và đang thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng, tài chính đến xúc tiến thương mại, đào tạo... cho cộng đồng startup.

 

Trong thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP. Với vai trò 'bà đỡ' cho cộng đồng khởi nghiệp, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất cho hệ sinh thái và cộng đồng khởi nghiệp với việc kết nối trên 29 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Sở cũng là đơn vị đứng ra kết nối mạng lưới 200 chuyên gia tư vấn, cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau nhằm tư vấn/huấn luyện hoàn thiện mô hình kinh doanh, định hướng thị trường cho sản phẩm, cung cấp vốn đầu tư cá nhân (đầu tư thiên thần)… cho các dự án có tiềm năng.

Bên cạnh đó, Sở cũng đã hỗ trợ đào tạo kiến thức, kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho giảng viên, cán bộ của các trường đại học, các cơ quan/tổ chức cũng như cá nhân và các nhóm khởi nghiệp.

Tính đến nay, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ 1.777 dự án khởi nghiệp, trong đó giúp hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh cho 310 dự án; kết nối thị trường trong và ngoài nước cho 550 lượt dự án; tư vấn tài chính cho 280 lượt dự án; phát triển ý tưởng khởi nghiệp cho 920 dự án…

SpeedUp - "chắp cánh" tài chính cho startup

SpeedUp nằm trong chương trình Hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2016-2020 do Sở KH&CN TP.HCM triển khai. Theo đó, chương trình này sẽ hỗ trợ tối đa tới 2 tỉ đồng/dự án. Các dự án khởi nghiệp được tuyển chọn qua 2 vòng: vòng đánh giá chuyên gia và vòng đánh giá của hội đồng tư vấn.

Các dự án được đánh giá đạt cả 2 vòng tuyển chọn, sau khi có quyết định phê duyệt của Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM sẽ tiến hành ký hợp đồng nguyên tắc và hợp đồng hỗ trợ với cơ sở ươm tạo để triển khai ươm tạo dự án trên.

'Bà đỡ' hỗ trợ tận tình, tận lực cho khởi nghiệp sáng tạo - 1

Hà Văn Lộc, trưởng dự án khởi nghiệp nhang sạch TCS là dự án đã nhận được 700 triệu đồng (trong 9 tháng) từ chương trình SpeedUp năm 2017. Ảnh: Hà Thế An.

Đến hết tháng 6 năm 2019, SpeedUp đã tiếp nhận và đang giải quyết hỗ trợ cho 164 dự án khởi nghiệp sáng tạo của các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp (cả tư nhân và nhà nước). Chương trình đã hỗ trợ cho 27 dự án với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 23 tỷ đồng, trong đó phần ngân sách hỗ trợ dự kiến là 15,75 tỷ đồng và phần vốn đối ứng là 7,6 tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu được chương trình hỗ trợ như: Teamup, Magix, Ekid, Cloud689, Freelancer, Schoolbus,...

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, chương trình SpeedUp được xây dựng với mục tiêu tăng cường nguồn lực cho cộng đồng khởi nghiệp, đồng thời kết nối các nguồn lực xã hội với sự tiếp sức của nhà nước để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố, tiến tới việc xây dựng TP đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp để bắt nhịp với khu vực và thế giới trong hoạt động này.

Phòng lab cho startup tạo sản phẩm

Innovation Lab là mô hình hỗ trợ các startup trong lĩnh vực cơ khí – tự động hóa nghiên cứu, phát triển hoàn thiện sản phẩm. Mô hình này với 3 trụ cột là Studio Lab (hỗ trợ các dịch vụ quay clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, chụp ảnh mẫu sản phẩm, quay các video bài giảng online…); Maker Space (khu vực chế tạo mẫu thử nghiệm - với nhiều thiết bị công nghệ phục vụ cho việc chế tạo mẫu); Open Lab (xưởng sản xuất thực nghiệm - diện tích 1200 m2 với nhiều thiết bị hiện đại để sản xuất và hoàn thiện sản phẩm).

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB chia sẻ, chương trình này nhằm hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nghiên cứu, thiết kế và tạo mẫu sản phẩm. Thực tế cho thấy, các startup nghiên cứu và tạo mẫu sản phẩm thường trải qua thời gian dài mới đến được sản phẩm cuối cùng. Quá trình đó họ tốn nhiều nguồn lực vì phải tiến hành tạo mẫu sản phẩm nhiều lần. Nhiều startup tốn rất nhiều chi phí với các doanh nghiệp cơ khí. Chính vì thế mô hình Innovation Lab sẽ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp ở khâu đó.

Ngoài ra, SIHUB với mô hình Innovation Lab sẽ tiến hành tổ chức các khóa đào tạo kiến thức căn bản về thiết kế, tạo mẫu sản phẩm để cho startup các bộ công cụ thực hiện các quy trình này.

Giúp startup tiếp cận thị trường quốc tế

Runway to the world – là chương trình “trao đổi” startup hai chiều giữa Việt Nam và các nước công nghệ tiên tiến ở Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Tây Âu và các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chương trình do Saigon Innovation Hub (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) thiết kế, chủ trì và triển khai theo định hướng kết nối toàn cầu của Dự án SIHUB 2020.

Theo đó, SIHUB hợp tác với các tổ chức và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các quốc gia để tuyển chọn startup nước ngoài đến tìm hiểu thị trường, nghiên cứu và kết nối giao thương tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, các startup Việt Nam được tuyển chọn cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ tương tự tại các quốc gia tham gia trong chương trình.

'Bà đỡ' hỗ trợ tận tình, tận lực cho khởi nghiệp sáng tạo - 2

Đoàn startup Việt Nam trong chương trình Runway to the world tại Malaysia. Ảnh: Sihub.

Tháng 3 năm 2018, phía Hàn Quốc đã đưa 3 nhóm startup sang Việt Nam gặp gỡ và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Tháng 7 năm 2018, 6 startup của Malaysia và Singapore cũng đã sang Việt Nam trong chương trình trao đổi startup. Tháng 8 năm 2018, Việt Nam đưa 3 startup Việt sang Malaysia. Tháng 9 năm 2018, Việt Nam tiếp tục đưa 3 startup sang Singapore. Tháng 12 năm 2018, 3 startup của Việt Nam sang Hàn Quốc xúc tiến thương mại.

Đến nay, nhiều quốc gia khác cũng đề nghị hợp tác, chia sẻ, trao đổi startup với Saigon Innovation Hub như: Thái Lan, Phần Lan, Úc, Mỹ, Thụy Sỹ,… 

Hỗ trợ tài chính cho startup nông nghiệp 

Trong thời gian qua, Sở KH&CN cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, các hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhóm khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại 5 huyện và 5 quận (quận 9, quận 12, quận Bình Tân, quận Thủ Đức, quận Gò Vấp) của TPHCM có mô hình có tính khả thi và triển khai thực tế sẽ được xem xét, đánh giá để hỗ trợ. Mức hỗ trợ tối đa là 70% kinh phí mỗi mô hình nhưng không quá 300 triệu đồng một mô hình.

Gói hỗ trợ trên sẽ được sử dụng cho hoạt động nhận tư vấn, thiết kế, chế tạo, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo… Chương trình sẽ là đòn bẩy để các tổ chức, nhóm, cá nhân tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản xuất, kinh doanh, phục vụ xuất khẩu, nâng cao năng suất, chất lượng nhằm tăng thu nhập và tạo việc làm cho người dân. Sở KH&CN TP.HCM sẽ nhận hồ sơ của các tổ chức, cá nhân liên tục trong năm. Kết quả đánh giá, xét duyệt sẽ được thông báo vào các tháng 4, 6, 8 và 10 hằng năm.

'Bà đỡ' hỗ trợ tận tình, tận lực cho khởi nghiệp sáng tạo - 3

Nhờ chương trình Hỗ trợ ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp, chị Lê Hà Mộng Ngọc đã đầu tư hệ thống sấy mới bằng năng lượng mặt trời. Ảnh: Hà Thế An.

Chị Lê Hà Mộng Ngọc, một dân dân tại Củ Chi, TP.HCM chia sẻ, nhờ sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, chị đã đầu tư 450 triệu đồng mua hệ thống sấy năng lượng mặt trời của Đức (Sở KH&CN TP.HCM hỗ trợ 50% kinh phí). Công nghệ mới này giúp quá trình sấy nấm không những nhanh hơn mà nấm thành phẩm có chất lượng hơn, sạch hơn.

Chị mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để hoàn tất toàn bộ quy trình ứng dụng công nghệ cho việc sản xuất nấm. “Chương trình hỗ trợ tài chính của Nhà nước như một lực đẩy để chúng tôi ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Chúng tôi biết rằng, ứng dụng công nghệ, chúng tôi không đi một mình mà luôn có một sự đồng hành đáng quý”- chị Ngọc nói.

Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã đoạt giải Ba, hạng mục khởi nghiệp sáng tạo, giải thưởng Sáng tạo TP.HCM với công trình “Mô hình hỗ trợ, kết nối, thu hút nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM”. Đây là thành quả của tập thể cán bộ, nhân viên Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trên hành trình hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành phố.

Hà Thế An - khampha.vn
Tài sản trí tuệ được hiểu là tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ: các ý tưởng, các tác phẩm sáng tạo văn học/nghệ thuật, các công trình khoa học, các sáng chế, phần mềm máy tính… tài sản trí tuệ là một dạng tài sản vô hình.
 

Tại chương trình “Thẩm định giá tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học”, do Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ KH-CN phối hợp Sở KH-CN TPHCM vừa tổ chức, cho thấy sở hữu trí tuệ (SHTT) đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Chính những giá trị mà tài sản trí tuệ (TSTT) mang lại là chìa khóa phát triển đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên hiện nay, việc thẩm định TSTT còn rất hạn chế, cần các cơ quan chức năng hỗ trợ cho nhà khoa học. 

Khó định giá tài sản trí tuệ ảnh 1
Với các startup, việc xác định quyền SHTT đã khó, trong đó, định giá TSTT càng phức tạp hơn… Ảnh: T.BA


Nhiêu khê thủ tục pháp lý

TSTT được hiểu là tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ: các ý tưởng, các tác phẩm sáng tạo văn học/nghệ thuật, các công trình khoa học, các sáng chế, phần mềm máy tính… TSTT là một dạng tài sản vô hình. Ngoài các đặc tính chung như dạng tài sản vô hình khác, TSTT lại có đặc tính riêng, đó là tính sáng tạo và đổi mới (đối tượng mới được tạo ra hoặc đối tượng đã có nhưng được bổ sung cái mới).

Ngoài ra, các TSTT thuộc sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật là đối tượng có bản chất khoa học/kỹ thuật, gồm: thông tin - bí quyết kỹ thuật (know-how); các sáng chế, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, bản vẽ, bản thiết kế, công thức, dữ liệu tính toán, dữ liệu thử nghiệm, phần mềm máy tính, cơ sở dữ liệu, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, đồ án quy hoạch, sơ đồ bố trí/sắp xếp, giống cây trồng…

Vì vậy, theo các chuyên gia, chương trình “Thẩm định giá tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học” là hoạt động giúp các cơ quan quản lý SHTT cùng nhau thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, thách thức và giải pháp để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực này trong thời gian tới. Tại chương trình, có nhiều ý kiến cho rằng, do những yếu tố đặc thù nên việc thẩm định giá trị TSTT từ đề tài nghiên cứu KH-CN gặp khá nhiều khó khăn. Đối với những người làm nghiên cứu khoa học, những vấn đề về thủ tục pháp lý cũng như mô tả sáng chế chiếm rất nhiều thời gian mà không phải ai cũng có đủ điều kiện để thực hiện. Do đó rất cần các cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ nhà khoa học…

Cần sự hỗ trợ của cơ quan thẩm quyền

Hiện có rất nhiều đề tài, dự án KH-CN đã và đang triển khai thực hiện, nhưng những vấn đề liên quan tới quyền SHTT đối với các kết quả nghiên cứu lại chưa được quan tâm một cách đúng mức, chưa thể hiện được hết giá trị của những TSTT. Do đó cần quan tâm tới quyền SHTT nhiều hơn.

Theo các chuyên gia, việc định giá TSTT được thực hiện bằng 3 phương pháp cơ bản, đó là phương pháp chi phí, phương pháp thị trường và phương pháp thu nhập. Trong đó, cách tiếp cận từ thị trường sẽ xác định giá trị của TSTT căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các TSTT tương tự có giá giao dịch trên thị trường. Cách tiếp cận từ chi phí căn cứ vào chi phí tái tạo ra TSTT, giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế, để tạo ra một TSTT tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành. Còn riêng với cách tiếp cận từ thu nhập sẽ tiến hành xác định giá trị của TSTT thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và chi phí tiết kiệm do TSTT mang lại. Theo phương pháp này, giá trị TSTT là giá trị hiện tại của dòng thu nhập có được từ TSTT trong tương lai với tỷ lệ chiết khấu thích hợp. 

Theo ông Nguyễn Hữu Cẩn, Viện phó Viện Khoa học SHTT, TSTT là yếu tố quyết định lựa chọn “sự đặc biệt” của sản phẩm và dịch vụ bởi người tiêu dùng. Giá trị sử dụng của TSTT chỉ thể hiện khi chúng được “tiêu dùng”, thông qua trao đổi và biểu hiện bằng giá cả. Thẩm định giá TSTT hình thành từ kết quả nghiên cứu KH-CN là trách nhiệm của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý SHTT (Sở KH-CN TPHCM), cho rằng để xác định lợi nhuận tạo ra từ việc sử dụng những kết quả nghiên cứu KH-CN, việc định giá còn cần được thực hiện khi chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, TSTT.

SHTT để chỉ quyền của chủ thể bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với loại TSTT. 

TSTT là loại tài sản vô hình, không thể xác định bằng các đặc điểm vật chất của chính nó, nhưng lại có giá trị và khả năng sinh ra lợi nhuận. SHTT được chia thành 2 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Một là sở hữu công nghiệp dùng để chỉ quyền của chủ thể đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi xuất xứ hàng hóa, tên thương mại, bí quyết công nghệ. Hai là bản quyền (quyền tác giả) dùng để chỉ quyền của chủ thể đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học. Để thẩm định giá quyền SHTT, cần nắm rõ TSTT, song việc định giá TSTT khó khăn và có nhiều khác biệt hơn so với tài sản hữu hình. Trong khi đó, TSTT có một thị trường chuyển nhượng nhưng còn hạn chế, ít người quan tâm nên càng khó tìm ra được giá trị thật của một TSTT. Nhưng việc xác định hay định giá TSTT lại có giá trị rất lớn với các nhà khoa học, nhất là khi sử dụng với  mục đích: mua bán, chuyển nhượng, đầu tư và góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp…

BÁ TÂN - SGGP

Doanh nghiệp làm sản phẩm công nghệ, cung cấp dữ liệu, còn Sở KH&CN TP.HCM sẽ mô hình hóa trên nền tảng GIS phục vụ cho việc mô phỏng, dự báo tình hình ngập tại Thành phố

 
 
Mới đây, Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (HCM-GIS) đã phối hợp với Nam Long TekGroup triển khai lắp đặt thí điểm trạm quan trắc ngập đầu tiên trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.

Trạm quan trắc ngập đầu tiên tại TP.HCM: Khi Nhà nước cùng doanh nghiệp chống ngập - 1

Lắp đặt trạm cảnh báo ngập tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q. Bình Thạnh. Ảnh: Doanh nghiệp cung cấp.

Theo TS Bùi Hữu Phú, CEO Nam Long TekGroup, hiện nay TP.HCM đang thực hiện các giải pháp chống ngập công trình (cải tạo kênh, cống ngăn triều…). Tuy nhiên, các giải pháp công trình thường kéo dài khá lâu.

Trong khi đó, vào mùa mưa người dân thường đối mặt với ngập và thiếu thông tin về các vị trí ngập. Vì thế, nhóm nghiên cứu muốn ứng dụng hệ thống giám sát, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng cũng như người dân về tình trạng ngập để định hướng thông tin, giúp người dân có hướng di chuyển tốt hơn.

Cũng theo ông Phú, đơn vị đã bàn bạc với Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, thí điểm lắp đặt trạm cảnh báo ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh - tuyến đường thường xuyên bị ngập khá nặng tại TP.HCM.

Hệ thống có camera, đèn cảnh báo ngập, cảm biến đo ngập, hộp chứa dữ liệu và pin năng lượng mặt trời. Vị trí lắp đặt trạm trên trụ chiếu sáng của con đường này. Hệ thống hoạt động 24/24 và gửi thông tin chính xác vị trí bị ngập bao nhiêu cm, dự báo sẽ ngập như thế nào, ngập trong bao lâu. Khi đường ngập ở độ sâu 20 cm, hệ thống đèn sẽ báo động màu đỏ liên tục.

Tất cả thông tin được hiển thị trên bản đồ số, và ứng dụng (app) canhbaongap trên điện thoại người dân, đồng thời hướng dẫn hướng lưu thông khác để tránh ngập. Trên hệ thống có thể cài đặt bao nhiêu cm thì hiển thị cảnh báo. Khi mức ngập vượt quá giới hạn cài đặt, đèn sẽ hiện cảnh báo đỏ, trên bản đồ số cũng vậy. Đèn tín hiệu sẽ ngưng hoạt động khi nước rút.

“Để thực hiện việc lắp đặt thực tế hôm nay, chúng tôi đã thử nghiệm sản phẩm gần 1 năm trước đó và đảm bảo hệ thống hoạt động tốt trên nhiều điều kiện thời tiết khác nhau. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả hệ thống để có thể lắp thêm nhiều trạm cảnh báo khác nhau. Khi một tuyến đường bị ngập, chúng tôi sẽ có những gợi ý một cách chuẩn xác nhất để người dân di chuyển vào đường khác, tránh ngập”- ông Phú chia sẻ.

Đối tác của công ty Nam Long trong dự án này là HCM-GIS, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Trước đó, Dự án thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập tại TP.HCM của ông Bùi Hữu Phú cũng đã đoạt giải Nhất cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS" do HCM-GIS tổ chức năm 2018.

Nhận thấy tính ứng dụng thực tiễn cao của giải pháp này, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND TP.HCM đồng ý cho công ty Nam Long triển khai thí điểm đầu tiên ở cầu Nguyễn Hữu Cảnh.

Trạm quan trắc ngập đầu tiên tại TP.HCM: Khi Nhà nước cùng doanh nghiệp chống ngập - 2

TS Bùi Hữu Phú, đại diện nhóm tác giả phát triển công nghệ IoT trong việc cảnh báo ngập. Ảnh: Hà Thế An.

Trao đổi với Tạp chí Khám phá, ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCM-GIS, cho biết việc hợp tác với doanh nghiệp nằm trong chương trình công nghiệp chủ lực của TP.HCM mà hai bên ký kết. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phát triển các sản phẩm công nghệ, cung cấp dữ liệu về tình trạng ngập nước, còn đơn vị Nhà nước sẽ mô hình hóa trên nền tảng Hệ thống thông tin địa lý GIS phục vụ cho việc mô phỏng, dự báo tình hình ngập tại TP.HCM.

“Hiện tại phía doanh nghiệp đang thực hiện các hoạt động nghiên cứu, triển khai (R&D) nhằm đánh giá tính hiệu quả của hệ thống, có thể triển khai nhiều điểm khác nhau. Nếu hiệu quả tốt thì doanh nghiệp hoàn toàn có thể hợp tác với Sở KH&CN để triển khai thực tế tại nhiều địa điểm khác của thành phố”- ông Phương nói.

Tác giả chính của trạm cảnh báo ngập lắp đặt thí điểm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh là TS Nguyễn Hữu Phú (sinh năm 1974), nguyên Phó giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm, ĐH Quốc gia TP.HCM. Ông Phú tốt nghiệp chuyên ngành điện tử - tự động hóa tại ĐH Bách khoa TP.HCM, sau đó làm nghiên cứu sinh tại ĐH Hokkaido (Nhật Bản) trong 5 năm. Năm 2015, ông thành lập startup công nghệ mang tên Nam Long TekGroup hoạt động chủ lực trong việc phát triển ứng dụng IoT.

Hà Thế An - khampha.vn

Để góp phần xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, việc xây dựng hệ thống công nghệ thông tin địa lý (GIS) làm nền tảng cho các ứng dụng liên quan đã được Trung tâm Ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TPHCM (HCMGIS) phát triển và ứng dụng rộng rãi ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực…
 

Công nghệ vượt trội

GIS là công nghệ kết hợp nhiều loại hình công nghệ (đồ họa trên máy tính, bản đồ trợ giúp bằng máy tính, viễn thám...). Đặc biệt, với khả năng phân tích nên GIS được coi như công cụ trợ giúp đắc lực và hiện đang được ứng dụng trong nhiều bộ ngành ở các lĩnh vực.

Chính vì vậy, xây dựng và chuyển giao ứng dụng GIS cho các sở ngành và quận huyện là nhiệm vụ quan trọng, giúp phát triển trên các lĩnh vực: quản lý đô thị, kinh tế - văn hóa - xã hội, quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp; cấp phép kinh doanh, quy hoạch thương mại, quy hoạch ngành xăng dầu, quản lý dân cư, quản lý di sản văn hóa - y tế - giáo dục, kiểm soát dịch bệnh, quy hoạch camera an ninh, quản lý tài nguyên - môi trường và biến đổi khí hậu, quản lý đất đai, động vật hoang dã, lâm sản, vùng sản xuất rau an toàn, vùng sản xuất hoa kiểng, quản lý thu gom rác thải, các doanh nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm…
Ứng dụng GIS trên nhiều lĩnh vực  ảnh 1
Hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền tảng GIS

Sự hiện diện của GIS giúp chính quyền quận huyện thuận lợi và hiệu quả trong quản lý. Điển hình là Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM xây dựng và nâng cấp hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên nền tảng GIS và triển khai tại 24 quận huyện cùng 322 phường xã. Hay bộ công cụ hỗ trợ cấp phép một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và quảng bá du lịch cấp quận huyện được xây dựng và triển khai tại các quận 4, 6, Bình Tân…

Theo ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS, giai đoạn 2017-2018, HCMGIS đã nghiên cứu bộ chuẩn mở quốc tế, quản lý quy trình nghiệp vụ và áp dụng thử nghiệm cho các thủ tục hành chính tại phường xã và Sở KH-CN; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện và đào tạo, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng bộ công cụ hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính cấp phường xã và quận huyện trên địa bàn TPHCM; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu tiềm lực KH-CN đối với các tổ chức KH-CN, doanh nghiệp KH-CN; triển khai xây dựng ứng dụng GIS hỗ trợ quản lý nhân khẩu cấp quận huyện; xây dựng ứng dụng GIS hỗ trợ quản lý du lịch trên địa bàn các quận 4, 6, 10…

Chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu GIS dùng chung

Đến nay, Sở KH-CN TPHCM đã thu thập cơ sở dữ liệu GIS nền, CSDL GIS chuyên đề, ảnh viễn thám và dữ liệu LiDAR. Đây là các cơ sở dữ liệu GIS dùng chung được chuẩn hóa theo hệ tọa độ VN-2000, bao gồm 80 lớp thuộc 26 chuyên đề của 5/7 nhóm lớp được xây dựng và cập nhật từ năm 2010 - 2017. Dữ liệu nguồn ảnh viễn thám được thu thập vào các năm 2008 - 2011; dữ liệu ranh, thửa thuộc nhóm tài nguyên - môi trường được ban hành từ năm 2005…

Với chương trình HCMGIS được phê duyệt, cơ sở dữ liệu GIS dùng chung của TPHCM đang được tiếp tục thu thập hoàn chỉnh và cập nhật định kỳ để đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu dùng chung và thúc đẩy quá trình cung cấp, tích hợp cơ sở dữ liệu không gian địa lý của các sở ngành và quận huyện.

Theo ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, thời gian qua sở đã chỉ đạo HCMGIS tiếp tục nghiên cứu, làm chủ công nghệ GIS và các ngành liên quan; trong đó đẩy mạnh nghiên cứu các nền tảng công nghệ mã nguồn mở được sử dụng rộng rãi trên thế giới, chuyển giao công nghệ cho các sở ngành và quận huyện triển khai ứng dụng GIS vào thực tế một cách hiệu quả, tuân thủ các tiêu chuẩn mở phổ biến cũng như các quy chuẩn của nhà nước, bộ ngành liên quan.

Đến nay, HCMGIS đã nghiên cứu tiếp cận các chuẩn công nghệ phục vụ ứng dụng trên di động, website theo hướng dịch vụ trao đổi và xử lý dữ liệu không gian.

Bên cạnh đó, một số công nghệ lõi được nghiên cứu và đề xuất sử dụng trong hệ thống HCMGIS bao gồm: Hệ quản trị cơ sở dữ liệu (PostgreSQL, MySQL); phần mềm xây dựng, cập nhật, biên tập dữ liệu GIS (QGIS, gvSIG); hệ thống công bố và trình diễn dữ liệu GIS và viễn thám (GeoServer, GeoNode, LeafletJS, MapboxJS); các nền tảng về công nghệ WebGIS nguồn mở; các công cụ tổng hợp, phân tích, thống kê và tìm kiếm dữ liệu…

BÁ TÂN - SGGP

Sản phẩm công nghệ cần gần gũi và thiết thực luôn được ưu tiên lựa chọn để giới thiệu. Song song đó, các “phiên chợ” công nghệ cũng được tổ chức sát với nhu cầu xã hội và đạt hiệu quả. Đây như những tiêu chí mà Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN TPHCM (CESTI) luôn hướng đến khi cùng doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm công nghệ ra thị trường.
 

Sản phẩm hố ga nhựa chống triều cường, ngăn mùi hôi  được giới thiệu tại CESTI. Ảnh: CHÂU TUẤN

Sản phẩm hố ga nhựa chống triều cường, ngăn mùi hôi được giới thiệu tại CESTI. Ảnh: CHÂU TUẤN

Tính ứng dụng cao

Với giải pháp hố ga nhựa không chỉ ngăn mùi hôi mà còn ngăn nước triều từ cống lên, thu hồi chất thải rắn - chống nghẹt cống. Hố ga này hoạt động theo nguyên lý lắng cặn và thiết kế chống trào ngược, giúp khắc phục tình trạng ngập lụt… Đây là sản phẩm của Công ty CP Giải pháp công nghệ Thuận Thiên vừa được giới thiệu tại CESTI. Hố ga thông minh làm bằng vật liệu nhựa PP-Block có độ bền cao, dễ dàng lắp đặt, tuổi thọ trên 30 năm và chỉ mất 15 - 30 phút thi công.

Giải pháp tiết kiệm điện cho hệ thống chiếu sáng theo từng quy mô công nghiệp của Công ty CP APIER có ưu điểm chiếu sáng hiệu suất cao, đèn led tiết kiệm điện hơn 80% so với đèn sợi đốt và 60% so với đèn huỳnh quang. Đèn led tỏa rất ít nhiệt, không làm nóng môi trường, cung cấp ánh sáng sạch, không chứa bước sóng tia hồng ngoại và tia cực tím. Bên cạnh đó, hệ thống chiếu sáng đèn led đảm bảo tuổi thọ cho chip và tích hợp các tính năng điều khiển như cảm biến bật tắt, điều chỉnh độ sáng.

Cũng mang giá trị ứng dụng cao là Hệ thống quan trắc nước thải tự động do Công ty CP Khoa học kỹ thuật Phượng Hải cung cấp và được CESTI giới thiệu. Hệ thống có độ chính xác và độ bền cao, chi phí vận hành và bảo trì thấp; đơn giản trong lắp đặt, kết nối và vận hành. Hệ thống bao gồm tủ quan trắc gắn các đầu đo đặt bên trong bể nước chảy tràn bơm từ nơi xả thải. Khi đo, giá trị đo hiển thị trên màn hình và truyền số liệu quan trắc về máy chủ của cơ quan quản lý. Cùng với đó, hệ thống camera sẽ theo dõi vị trí lấy mẫu, tủ quan trắc nước thải và tủ lấy mẫu để giám sát quá trình đo lường quan trắc…

Từ đầu năm 2019 đến nay đã có hàng trăm đơn vị đăng ký tham gia giới thiệu sản phẩm công nghệ tại CESTI và được CESTI chọn lựa những công nghệ - sản phẩm có tính ứng dụng cao, cũng như hàm lượng công nghệ mới để giới thiệu. Ông Trần Thu Bích, Phó Giám đốc CESTI, cho hay trong năm 2019, CESTI dự kiến tổ chức 50 hội thảo nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường KH-CN nhằm kết nối, xúc tiến thương mại.

Chợ phải “chất” hơn

Ở CESTI còn có Techmart công nghệ theo chuyên ngành (chợ công nghệ - Techmart). Đã có 53 đơn vị đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ và các nhóm khởi nghiệp tại TPHCM trưng bày, giới thiệu hơn 100 giải pháp, công nghệ và thiết bị sẵn sàng chuyển giao tại “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành trồng trọt, bảo quản và chế biến nông sản, thực phẩm” diễn ra vào tháng 5-2019 vừa qua. Còn Techmart chuyên ngành “Trồng trọt, chế biến và bảo quản rau, củ, quả” diễn ra vào cuối năm 2018, cho thấy quy trình công nghệ, máy móc thiết bị của các viện, trường, doanh nghiệp… phục vụ công tác từ trồng trọt, chế biến đến bảo quản rau, củ, quả khá thiết thực, hiệu quả. Ở Techmart này, các doanh nghiệp khởi nghiệp còn được hỗ trợ bố trí một khu vực tập trung để giới thiệu sản phẩm mới mang tính sáng tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội…

Sự kiện đang được chào đón sắp tới là Techmart chuyên ngành “Y tế gia đình và chăm sóc sức khỏe cộng đồng” sẽ được tổ chức từ ngày 10 đến 12-10 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du (quận 1, TPHCM), nhằm hỗ trợ đưa sản phẩm từ các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ ra thị trường, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Techmart, các công nghệ được chuyển giao xem như là thước đo chất lượng của hoạt động. Có hàng trăm ký kết chuyển giao công nghệ được thực hiện trong thời gian gần đây, như tại Techmart chuyên ngành chế biến thực phẩm 2019, Công ty TNHH Hồng Liên TV đã ký biên bản ghi nhớ về việc tư vấn và chuyển giao thiết bị sấy cá ứng dụng năng lượng mặt trời với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS; Công ty CP Xuất nhập khẩu Mi Na ký biên bản ghi nhớ về tư vấn và chuyển giao hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt và quản lý dinh dưỡng cây trồng cho nông trại 275ha của Công ty TNHH Nông sinh Khai Nguyên; Công ty TNHH Công nghệ lọc nước Việt Úc ký biên bản ghi nhớ tư vấn, chuyển giao hệ thống lọc nước đóng bình 1.200 lít/giờ với Công ty TNHH Thương mại Sa Ha…

“Từ các sản phẩm công nghệ được giới thiệu hay qua các phiên Techmart, chúng tôi mong muốn nơi đây không chỉ là “chợ” mà còn thành bệ phóng để trao đổi công nghệ, phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và cũng là cầu nối giúp cá nhân, tổ chức doanh nghiệp muốn khởi nghiệp, chuyển giao công nghệ”, bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, cho biết.

Chợ thiết bị công nghệ tại TPHCM còn có cổng Techport.vn. Trong năm 2017, cổng thông tin này đã tiếp nhận 380 yêu cầu về công nghệ - thiết bị của các tổ chức, doanh nghiệp thông qua các hoạt động hội thảo và Techmart; trong đó cung cấp thông tin cho 299 yêu cầu, kết nối 81 yêu cầu đến chuyên gia tư vấn. Tính đến nay, Techport.vn có 2.890 công nghệ và thiết bị, 407 nhà cung ứng, 715 tổ chức - chuyên gia tư vấn, 87 dự án tìm kiếm đối tác…

BÁ TÂN - CHÂU TUẤN (SGGP)

Hệ thống liên kết dữ liệu của 12 tổ chức KH-CN là các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện cùng với dữ liệu của Sở KH-CN và Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN (CESTI) sẽ hình thành một hệ thống dữ liệu KH-CN phong phú, hữu ích. Đến tháng 9-2018, hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH-CN TPHCM sẽ chính thức ra mắt cộng đồng, sẽ phục vụ mạnh mẽ nhu cầu tìm hiểu thông tin, học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên địa bàn TPHCM. 
 

Các doanh nghiệp KH-CN chia sẻ thông tin với nhau và trong nay mai, các doanh nghiệp này còn chia sẻ, cập nhật thông tin từ hệ thống nhiều hơn nữa. Ảnh: BÁ TÂN

Các doanh nghiệp KH-CN chia sẻ thông tin với nhau và trong nay mai, các doanh nghiệp này còn chia sẻ, cập nhật thông tin từ hệ thống nhiều hơn nữa. Ảnh: BÁ TÂN

Liên kết với các trường đại học

Đề án “Liên kết nguồn lực thông tin KH-CN TPHCM” được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 6770/QĐ-UBND ngày 27-12-2016. Sở KH-CN là đơn vị chủ trì, phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện… trên địa bàn TPHCM tổ chức liên kết, chia sẻ thông tin về các nhiệm vụ KH-CN và thông tin KH-CN do các đơn vị tham gia tạo lập và được quyền khai thác (sách, luận văn, luận án, tạp chí chuyên ngành KH-CN…).

Mới đây, các đại diện trường đại học: ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Giao thông Vận tải - phân hiệu tại TPHCM, ĐH Hùng Vương, ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM, ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch và ĐH Giao thông Vận tải TPHCM đã trực tiếp ký kết thỏa thuận tham gia Hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH-CN trong năm 2019 cùng Sở KH-CN TPHCM là một bước phát triển lớn cho hệ thống này.

Việc ký kết thỏa thuận còn cho thấy đề án tiếp tục triển khai mở rộng tại TPHCM. Sở kỳ vọng mỗi năm đều phát triển thêm nhiều đơn vị tại TPHCM tham gia kết nối và chia sẻ thông tin KH-CN. Bên cạnh đó, trong năm 2019, hệ thống sẽ bổ sung các tính năng tiện ích cho người dùng và các đơn vị thành viên (như tìm kiếm thông minh, newsletter, ứng dụng di động); truyền thông, giới thiệu đến rộng rãi người dùng. Ký kết này còn thêm nguồn thông tin KH-CN quý giá cho hệ thống. 

Được biết, qua quá trình xây dựng, khâu đầu tiên của đề án là khảo sát và phân tích chuẩn hóa, cập nhật dữ liệu vào hệ thống liên kết sẽ được thực hiện từ tháng 5-2018. Đến tháng 9-2018, hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH-CN TPHCM sẽ chính thức ra mắt cộng đồng. Còn theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, năm 2018 hệ thống liên kết nguồn lực thông tin KH-CN đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng tại địa chỉ www.stinet.gov.vn. 

Dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ

GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết: “Việc sử dụng, ứng dụng các thông tin KH-CN rất quan trọng. Hiện nay trên địa bàn TPHCM mỗi trường, viện, đơn vị có những nguồn thông tin khác nhau nhưng các nguồn thông tin này chưa được tích hợp với nhau để hoạt động hiệu quả. Do đó, Sở KH-CN TPHCM đã tham mưu cho UBND TPHCM ban hành quyết định xây dựng đề án liên kết nguồn lực thông tin KH-CN”.  

Hiện hệ thống này liên kết dữ liệu của 12 tổ chức KH-CN là các trường đại học, viện nghiên cứu, thư viện cùng với dữ liệu của Sở KH-CN và CESTI. Cụ thể, hệ thống đã liên kết và chia sẻ hơn 145.000 tài liệu thư mục, trong đó có hơn 15.300 tài liệu toàn văn, gồm hơn 12.000 tài liệu toàn văn của 8 đơn vị (viện, trường, thư viện), 2.277 toàn văn kết quả thực hiện nhiệm vụ KH-CN từ CESTI và 1.025 dữ liệu từ Sở KH-CN (626 chuyên gia, 134 phòng thí nghiệm, 208 tổ chức KH-CN, 57 doanh nghiệp KH-CN). 

Về kỹ thuật, có 9 đơn vị đã kết nối cập nhật dữ liệu tự động cho hệ thống (CESTI, ĐH Y Dược, ĐH Tài nguyên và Môi trường, ĐH Ngân hàng…); 5 đơn vị thực hiện cập nhật dữ liệu qua file; 10 đơn vị đã đặt link liên kết giới thiệu trên website đơn vị. Website phục vụ từ tháng 3-2019 đến nay có hơn 3.000 lượt truy cập. Các công cụ tìm kiếm bao gồm tìm kiếm đơn giản, tìm kiếm nâng cao, tìm trên mọi trường, tìm kiếm trong khoảng thời gian nhất định… Có thể hình dung việc tra cứu trên hệ thống khá đơn giản, tương tự như cơ chế của Google.

TS Phạm Phú Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chia sẻ: “Hiện nay, có nhiều cách tiếp cận thông tin KH-CN nhưng phương thức được Sở KH-CN giới thiệu là phương thức khoa học, dễ tiếp cận và tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức. Càng nhiều người tiếp cận được thì giá trị của thông tin KH-CN càng được nhân lên”. 

Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, Nguyễn Kỳ Phùng, cho biết thêm: “Đề án liên kết nguồn lực thông tin KH-CN đã triển khai được một thời gian, bước đầu đáp ứng mong muốn liên kết các đơn vị lại với nhau nhằm chia sẻ nguồn lực thông tin phong phú, đầy đủ hơn, phục vụ mạnh mẽ nhu cầu tìm hiểu thông tin, học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên địa bàn TPHCM. Sở KH-CN đã chia sẻ các kết quả đề tài nghiên cứu để các nhà nghiên cứu, sinh viên theo dõi và sử dụng (miễn phí) nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu, giảng dạy.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, Sở KH-CN TPHCM đã và tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, trường, viện khảo sát và phân tích chuẩn hóa dữ liệu từ các phòng thí nghiệm, thử nghiệm, các doanh nghiệp KH-CN, tổ chức hoạt động KH-CN và các chuyên gia KH-CN trong 4 ngành công nghiệp chủ lực để đưa vào hệ thống liên kết thông tin.

BÁ TÂN - SGGP

Tạp chí Khám phá cần đầu tư các sản phẩm báo điện tử có chất lượng hơn, đi sâu vào đời sống để hướng sự quan tâm của cộng đồng đến khoa học và công nghệ.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đã chia sẻ như vậy vào chiều 20/06 trong chuyến thăm Tạp chí Khám phá, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06).

Báo chí cần "kích thích" cộng đồng quan tâm đến khoa học công nghệ - 1

Nhà báo Văn Thị Bích Ty, phụ trách chuyên trang Thế giới Vi tính, trực thuộc Tạp chí Khám phá nhận lẵng hoa chúc mừng từ ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Tùng Lâm.

Ông Dũng chia sẻ, truyền thông về khoa học và công nghệ luôn được thành phố, và Sở quan tâm, tạo điều kiện. Cụ thể, giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (I-Star) có hẳn một hạng mục tôn vinh những nhà báo viết về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mong muốn Tạp chí Khám phá cần thúc đẩy, nâng chất lượng các sản phẩm báo điện tử, đi sâu vào việc ứng dụng công nghệ của nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội. Có như vậy, cộng đồng mới quan tâm nhiều đến khoa học và công nghệ.

“Hiện nay, ứng dụng công nghệ trong các ngành, nghề rất phố biến từ vấn đề về kỹ thuật, thiết kế, điều khiển đến hoạt động quản trị. Thay vì nói về một ngành nghề như trước đây ở góc độ đời sống, báo chí cần có góc nhìn về hoạt động ứng dụng công nghệ của họ. Có như vậy thì mới kích thích cộng đồng quan tâm nhiều hơn đến khoa học và công nghệ”- ông Dũng nhấn mạnh.

Báo chí cần "kích thích" cộng đồng quan tâm đến khoa học công nghệ - 2

Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Khám phá, nhận hoa chúc mừng từ ông Nguyễn Việt Dũng. Ảnh: Tùng Lâm.

Nhân ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Việt Dũng cũng thay mặt lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM gửi lời chúc mừng đến cán bộ, biên tập viên, phóng viên, người lao động của Tạp chí Khám phá. Ông mong muốn, Tạp chí Khám phá làm việc với tinh thần đổi mới sáng tạo để đạt hiệu quả công việc cao nhất.

Nhà báo Lương Thị Bích Ngọc, Tổng biên tập Tạp chí Khám phá, gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Sở và mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Sở trong hoạt động truyền thông khoa học và công nghệ thời gian tới.

Báo chí cần "kích thích" cộng đồng quan tâm đến khoa học công nghệ - 3

Tạp chí Khám phá hiện là cơ quan truyền thông trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Lê Minh.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội bởi chính những giá trị mà tài sản trí tuệ mang lại.

 

Ngày 20/62019, tại TP.HCM, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) thuộc Bộ KH&CN đã phối hợp Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức buổi tập huấn "Thẩm định giá tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu khoa học".

Đây là hoạt động giúp các cơ quan quản lý SHTT trên địa bàn TP.HCM cùng nhau thảo luận, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, thách thức và giải pháp để thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực này trong thời gian tới.

Tài sản trí tuệ là chìa khóa phát triển đổi mới sáng tạo - 1

Ông Võ Hưng  Sơn – Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ - Sở KHCN TP.HCM

Tài sản trí tuệ (TSTT) được hiểu là tất cả các sản phẩm của hoạt động trí tuệ: các ý tưởng, các tác phẩm sáng tạo văn học/nghệ thuật, các công trình khoa học, các sángchế,…phần mềm máy tính…TSTT là một dạng tài sản vô hình. Ngoài các đặc tính chung như các dạng tài sản vô hình khác, các TSTT lại có các đặc tính riêng, đó là tính sáng tạo và đổi mới (là một đối tượng mới được tạo ra hoặc là một đối tượng đã có nhưng được bổ sung cái mới).

Ngoài ra, các TSTT thuộc sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật là các đối tượng có bản chất khoa học/kỹ thuật, gồm: các thông tin – bí quyết kỹ thuật (know-how), các sáng chế, các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, các bản vẽ, bản thiết kế, công thức, dữ liệu tính toán, dữ liệu thử nghiệm, phần mềm máy tính, cơ sở dữ liệu, công trình nghiên cứu, sách giáo khoa, đồ án quy hoạch, sơ đồ bố trí/sắp xếp; giống cây trồng… 

Có rất nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) đã và đang triển khai thực hiện, nhưng những vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu lại chưa được quan tâm một cách đúng mức, chưa thể hiện được hết giá trị của những TSTT. Việc thẩm định giá TSTT hình thành từ kết quả nghiên cứu KH&CN là trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thẩm quyền.

Chia sẻ tại buổi tập huấn, ông Võ Hưng  Sơn – Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ - Sở KHCN TP.HCM cho biết, tổ chức được giao quyền sẽ tiến hành định kết quả nghiên cứu KH&CN, TSTT để xác định lợi nhuận tạo ra từ việc sử dụng những kết quả và TSTT đó. Việc định giá này còn được thực hiện khi chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, TSTT.

Đề cập đến vấn đề thẩm định giá TSTT, ông Nguyễn Hữu Cẩn – Viện phó Viện Khoa học sở hữu trí tuệ lưu ý rằng TSTT là yếu tố quyết định lựa chọn  “sự đặc biệt” của sản phẩm và dịch vụ bởi người tiêu dùng. 

Ông cũng nhấn mạnh rằng, giá trị sử dụng của TSTT chỉ thể hiện khi chúng được “tiêu dùng”, thông qua trao đổi, biểu hiện bằng giá cả. Giá trị TSTT còn được thể hiện bằng tổng lợi ích mà xã hội sẵn sàng trả cho “sự khác biệt” có trong mỗi đơn vị sản phẩm/dịch vụ.

Tài sản trí tuệ là chìa khóa phát triển đổi mới sáng tạo - 2

Ông Nguyễn Hữu Cẩn – Viện phó Viện Khoa học sở hữu trí tuệ

Cũng theo ông Cẩn, do những yếu tố đặc thù của mình nên việc thẩm định giá trị TSTT từ đề tài nghiên cứu KH&CN gặp khá nhiều khó khăn. Đối với những người làm nghiên cứu khoa học thì những vấn đề về thủ tục, pháp lý cũng như mô tả sáng chế chiếm rất nhiều thời gian mà không phải ai cũng có đủ điều kiện để thực hiện. Do đó cần hỗ trợ cho nhà khoa học chuyển thành nhà công nghệ, biết làm và khai thác sáng chế tuy nhiên nhiệm vụ này cũng đòi hỏi ngoài am hiểu về sở hữu trí tuệ thì cần trang bị nhiều kiến thức trong kế toán để xác định giá trị của TSTT.

Định giá tài sản tài sản trí tuệ của doanh nghiệp được thực hiện bằng ba phương pháp cơ bản: Phương pháp chi phí; Phương pháp thị trường và Phương pháp thu nhập.

Trong đó, cách tiếp cận từ thị trường sẽ xác định giá trị của TSTT căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các TSTT tương tự có giá giao dịch trên thị trường.

Cách tiếp cận từ chi phí căn cứ vào chi phí tái tạo ra TSTT giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế, để tạo ra một TSTT tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành.

Còn riêng với cách tiếp cận từ thu nhập sẽ tiến hành xác định giá trị của TSTT thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do TSTT mang lại. Theo phương pháp này, giá trị TSTT là giá trị hiện tại của dòng thu nhập có được từ TSTT trong tương lai với tỷ lệ chiết khấu thích hợp.

 
Thạch An - khampha.vn

TS Mohd Hatta Ramli, Thứ trưởng bộ Doanh nghiệp Malaysia đã chính thức bổ nhiệm Saigon Innovation Hub (SIHUB) là đại diện duy nhất của Việt Nam trong chương trình xây dựng startup vùng Đông Nam Á - ASEAN startup.

 

Quyết định bổ nhiệm được trao ngay trong chiều ngày 19/06 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Theo đó ASEAN startup là một phần quan trọng của Tuần lễ Công nghệ lần đầu tiên diễn ra tại Malaysia (Malaysia Tech Week 2019) đang diễn ra tại nước này, từ ngày 16/06 đến 21/06.

SIHUB đại diện duy nhất của Việt Nam cùng kiến tạo “ASEAN startup” - 1

TS Mohd Hatta Ramli (phải) – Thứ trưởng bộ Doanh nghiệp Malaysia và ông Hamdi Makhtar – chủ tịch Malaysia New Entrepreneur Foundation trao chứng nhận cho ông Trần Vũ Nguyên (giữa), đại diện SIHUB tại lễ công bố ASEAN Rice Bowl Awards. Ảnh: Mai Nhiệm.

 

Sáng kiến xây dựng ASEAN startup do Quỹ phát triển doanh nghiệp mới của Malaysia (Malaysia New Entrepreneur Foundation) khởi xướng, nhằm hình thành cộng đồng khởi nghiệp chung của vùng Đông Nam Á mang tên “Rice Bowl Republic” giúp xây dựng mô hình của các startup hội tụ các tố chất của toàn vùng Đông Nam Á, để có thể cạnh tranh với "Big 4” – bốn ông lớn của khởi nghiệp thế giới: Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu.

 

Tại lễ công bố, ông Trần Vũ Nguyên – thành viên ban điều hành Saigon Innovation Hub (trực thuộc sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, việc liên kết khởi nghiệp toàn vùng thành một khối thống nhất, nhằm một sức mạnh to lớn để đẩy nhanh tốc độ phát triển của thị trường 600 triệu dân của khu vực ASEAN.

 

“Sẽ mất rất lâu thời gian để tạo ra một startup tốt phạm vi thế giới. Nhưng nếu sử dụng thế mạnh của mỗi nước thì chúng ta có thể làm được những điều lớn lao hơn. Cụ thể như việc sử dụng nguồn nhân tài CNTT đông đúc và chất lượng cao từ Việt Nam, đội ngũ phát triển kinh doanh nói tiếng Anh giỏi ở Philippines.

 

Lực 'bơm' sẽ đến từ nhà đầu tư tài chính của Singapore và các giải pháp công nghệ chuyên sâu phát triển của Malaysia, cả mô hình hỗ trợ từ các tập đoàn lớn của Thái Lan. Với sự hợp lực như vậy, rõ ràng cơ hội vươn ra thế giới sẽ cao hơn nhiều. Đây được xem là một bước tiến mới của chương trình giao lưu khởi nghiệp toàn cầu mang tên Runway To The World, do Saigon Innovation hub đã thực hiện bấy lâu nay”- ông Nguyên nói.

 

Tại lễ ra mắt chính thức của Rice Bowl Repulic, các thành viên đã cùng nhau cam kết dùng các liên kết của hệ sinh thái khởi nghiệp của mình nhằm gỡ bỏ những rào cản trong phong trào đổi mới sáng tạo giữa các quốc gia thành viên khối Đông Nam Á, và cũng để hỗ trợ sự phát triển của từng hệ sinh thái từng nước trong góc nhìn của khu vực và toàn cầu.

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB nhấn mạnh, từ năm 2019, đơn vị nhận thức được việc quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là gia tăng hàm lượng toàn cầu hoá trong các hoạt động.

 

“Việc được chính phủ Malaysia vinh danh là một trong những cột mốc quan trọng trên hành trình vươn ra thế giới của khởi nghiệp Việt Nam. Trong thời gian tới, SIHUB cũng sẽ sớm công bố các thông tin liên quan tới các liên minh khởi nghiệp của vùng Châu Á, và các hợp tác chiến lược với các hệ sinh thái khởi nghiệp châu Âu, Mỹ để mang lại nhiều nguồn lực hơn cho khởi nghiệp Việt Nam”- ông Tước nói.

Hà Thế An - KHAMPHA.VN

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353