SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sau năm đầu tiên tổ chức giải thưởng, tinh thần đổi mới sáng tạo đã lan rộng hơn trong cộng đồng, xã hội.

"Thức tỉnh" văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng

Sáng nay 29/3, Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 (I-Star 2019) đã chính thức được khởi động. Đây là năm thứ hai giải thưởng  được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TP.HCM.

Công bố Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM I-Star 2019 - 1

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM - Trưởng ban tổ chức I-Star 2019, sau năm đầu tiên tổ chức giải thưởng, tinh thần đổi mới sáng tạo đã lan rộng hơn trong cộng đồng, xã hội. Giải thưởng cũng là cơ hội để giúp các statup, những người hoạt động trong cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo giới thiệu những sản phẩm, kết quả của mình đến với cộng đồng. 

"Năm nay, giải thưởng sẽ tổ chức nhuần nhuyễn hơn để lan tỏa giải thưởng rộng rãi hơn. Chúng tôi cũng sẽ kết nối chặt chẽ hơn với các cơ quan truyền thông và mong rằng truyền thông sẽ tiếp tục hỗ trợ đắc lực để phát hiện và viết về những đối tượng trong quy định giải thưởng", ông Dũng chia sẻ.

Khác với nhiều giải thưởng trước đây của thành phố hay của Việt Nam, I-Star có nhiều điểm đặc biệt mang "hơi hướng 4.0". Một trong số đó là 20% điểm đánh giá xuất phát từ bình chọn của cộng đồng.

"Sở dĩ chúng tôi tạo ra điểm khác biệt này là vì mong muốn các bạn không chỉ nộp hồ sơ dự thi rồi chờ ban giám khảo chấm điểm, công bố là xong. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tổ chức bình chọn online và truyền thông rộng rãi tất cả các hoạt động của giải thưởng trong suốt nửa năm. Điều này nhằm thức tỉnh văn hóa về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cộng đồng lớn chứ không riêng gì một cộng đồng nhỏ", ông Dũng nhấn mạnh.

Tại lễ phát động, ông Dũng cũng gửi lời cảm ơn đến các nhà tài trợ như Vingroup, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica đã tiếp tục đồng hành cùng Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của thành phố năm 2019.

Công bố Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM I-Star 2019 - 2

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM phát biểu tại lễ phát động

12 giải thưởng cho 4 nhóm đối tượng

Theo Ban tổ chức, giải thưởng năm nay sẽ được trao cho 4 nhóm đối tượng với tổng số 12 giải thưởng. Trong đó, mỗi nhóm đối tượng được chọn trao 3 giải đồng hạng gồm: Giấy công nhận, Cúp lưu niệm của Ban tổ chức và tiền thưởng. Danh sách các nhóm đối tượng và tiêu chí đánh giá như sau:

Đối tượng 1: Doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng kinh doanh trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Tiêu chí xét chọn: 1) Tính sáng tạo; 2) Hiệu quả kinh tế; 3) Tác động xã hội.

Đối tượng 2: Giải pháp đổi mới sáng tạo: là cách thức mới, có tính sáng tạo được áp dụng nhằm giải quyết những vấn đề của cộng đồng. Những giải pháp này đã được áp dụng có hiệu quả trên địa bàn Thành phố. Tiêu chí xét chọn: 1) Tính sáng tạo; 2) Tác động xã hội

Đối tượng 3: Tác phẩm truyền thông: là tác phẩm báo chí, loạt tác phẩm, chuyên mục, chuyên đề thuộc các loại hình báo chí có tác động tích cực đến cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tiêu chí xét chọn: 1) Chiều sâu nội dung; 2) Tính sáng tạo; 3) Tác động xã hội;

Đối tượng 4: Tổ chức, cá nhân: là các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia tư vấn,... có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Tiêu chí xét chọn: thông qua thành tích cống hiến cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Các cá nhân, tập thể đăng ký tham gia giải thưởng gửi Ban tổ chức bài viết giới thiệu về những thành tích của tập thể, cá nhân mình trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; giải pháp hữu ích; các hoạt động hỗ trợ hiệu quả; giới thiệu về tác phẩm báo chí, loại hình truyền thông động viên cổ vũ phong trào đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố.

Mỗi bài viết không quá 5.000 từ và có thể kèm ảnh, video hoặc các hình thức giới thiệu sáng tạo khác. Ngoài ra, với các tác phẩm báo chí, tác giả gửi kèm đường link hoặc photo bài báo gửi về Ban tổ chức. Form đăng ký được đăng tải trên Cổng thông tin Doimoisangtao.vn.

Thời gian nhận bài sẽ kéo dài đến hết ngày 31/08/2019. Các tác phẩm dự thi sẽ được công bố trên Cổng thông tin Doimoisangtao.vn để cộng đồng bình chọn đến hết ngày 30/09/2019. Kết quả giải thưởng sẽ được tổng hợp từ số lượt bình chọn của cộng đồng và đánh giá của Hội đồng chuyên môn.

Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2019 (WHISE 2019) dự kiến trong tháng 10/2019.

Tại giải thưởng I-Star 2018, sau hơn 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 200 bài dự thi, chia thành 4 nhóm đối tượng – đại diện cho 4 thành phần quan trọng, góp phần tạo nên làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi của thành phố trong nhiều năm qua.

Toàn bộ bài thi được đăng tải công khai và cập nhật liên tục trên website chính thức của Giải thưởng. Nhờ đó, việc lan toả và chia sẻ thông tin về giải thưởng trên mạng xã hội cũng tạo thêm sức hấp dẫn và không khí vận động ủng hộ cho các bài tham dự lọt vào vòng trong.

Tại vòng chung kết, 11 bài dự thi xuất sắc nhất đã giành được giải thưởng I-Star năm đầu tiên với mỗi giải trị giá 50 triệu đồng và được vinh danh trang trọng trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM 2018.

 

Phạm Sơn - khapha.vn

Công nghệ này hoàn toàn khả thi để thực hiện tại các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu với quy mô xử lý rác khác nhau, quan trọng là cần có cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các bên để triển khai. 

Công nghệ biến rác thành điện của SIHUB "rất hay và thực tế" - 1

Đại diện các doanh nghiệp, nhà khoa học đều chia sẻ rằng giải pháp công nghệ của SIHUB hoàn toàn có thể đầu tư. Ảnh: SIHUB.

Đó là những chia sẻ của nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp khi trực tiếp tham quan công nghệ xử lý rác thải vào sáng ngày 28/03 tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ thành điện và phân hữu cơ có tên gọi 6R-MOT do Saigon Innovation Hub phối hợp cùng Tập đoàn Milai (Nhật Bản) thực hiện.

Là người trực tiếp quan sát toàn bộ quy trình xử lý rác, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó giám đốc công ty BIO Fertilizer A+, cho biết công nghệ này "rất hay và thực tế". Việc tạo ra năng lượng điện từ rác hữu cơ giúp giải phóng được ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, công nghệ này sẽ giúp tái tạo lại một loại phân hữu cơ tốt, giúp cho người nông dân sử dụng lại và cho ra sản phẩm sạch.

Theo bà Trang, nếu muốn áp dụng giải này vào cuộc sống rộng rãi hơn, trước hết phải giáo dục người dân hiểu về các kiến thức thế nào là rác hữu cơ, thế nào là rác thường và giúp họ có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

“Người dân có thể đi từ mô hình nhỏ, bắt đầu từ cá nhân, hộ gia đình, rồi xử lý rác cho một địa phương, điều đó thật sự rất có ý nghĩa cho hiện tại bây giờ. Riêng tôi rất sẵn sàng trong việc sử dụng công nghệ này. Sắp tới, tôi sẽ làm một dự án về rác thải hữu cơ tại một tỉnh ở Việt Nam và hệ thống này có thể là một phần của dự án”- bà Trang nói.

Công nghệ biến rác thành điện của SIHUB "rất hay và thực tế" - 2

Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ thành điện và phân hữu cơ có tên gọi 6R-MOT do Saigon Innovation Hub phối hợp cùng Tập đoàn Milai (Nhật Bản) thực hiện.

Ông Hoàng Thế Trung, một chuyên gia của Ngân hàng Shinhan Bank (Hàn Quốc), cho rằng hiện tại khi hệ thống này đang ở quy mô thí nghiệm nên còn một vài điểm bất cập nếu đưa vào sản xuất quy mô lớn.

Cái khó ở chỗ là việc thu gom rác và phân loại rác thì còn đang rất khó khăn tại Việt Nam. Cụ thể, hiện tại quy trình thí nghiệm đang dùng củi để làm mồi đốt rác. Các chuyên gia có thể nghiên cứu ra phương án dùng chính rác để làm chất đốt trong quá trình này.

Ông Nguyễn Văn Phú, Quản lý dự án 6R-MOT, cho biết hiện tại hệ thống đang trong quá trình thử nghiệm thì phải mồi bằng củi để kích hoạt hệ thống carbon hóa. Tuy nhiên, khi hệ thống hoạt động ở quy mô công nghiệp sẽ vận hành liên tục 24/24 và không cần phải mồi bằng củi.

“Đồng thời hệ thống dàn sấy sẽ được thiết kế làm nhiều tầng để tận dụng ánh sáng mặt trời cho nên diện tích của giàn sấy giảm xuống rất nhiều, không cần quá lớn”- ông Phú nói.

Công nghệ biến rác thành điện của SIHUB "rất hay và thực tế" - 3

Đại diện Tập đoàn Milai (trái) giải đáp những thắc mắc của khách tham dự tại chương trình tham quan thực tế. Ảnh: Thanh Tuyền.

Theo PGS.TS Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội cơ khí TP.HCM, hiện nay ở Việt Nam, hàm lượng rác thải hữu cơ rất là lớn. Với công nghệ 6R-MOT, hoàn toàn có những thiết kế, cải tiến phù hợp cho những quy mô xử lý rác khác nhau.

Ông Tuấn cho biết, dự án này hoàn toàn khả thi để chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp. Dự án có thể hợp tác với các đối tác khác để tạo thành chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng và đầu ra có thể là những viên nguyên liệu chất đốt hay là khí để chạy máy phát điện dành cho các vùng còn thiếu điện.

“Tôi nghĩ rằng đây là công nghệ có triển vọng trong tương lai. Vấn đề bây giờ chính là một cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các bên để triển khai”- ông Tuấn nói.

Công nghệ xử lý rác mà SIHUB và Nhật Bản cùng thực hiện có tên gọi “6R-MOT”. Rác hữu cơ tại nguồn sẽ được thu gom và trải qua quy trình sấy khô nhằm giảm bớt lượng nước có trong rác (từ 63% xuống 20%). Rác sau khi sấy khô sẽ trải qua quy trình cacbon hóa (đốt). Rác sau khi đốt sẽ tạo thành một loại than củi. Than này sau chu trình xử lý sẽ được viên nhỏ để tiếp tục sử dụng trong quy trình khí hóa.

Than viên nhỏ sẽ được sử dụng tại buồng đốt của quá trình khí hóa để tạo thành khí gas. Loại khí gas này sẽ làm nguồn nhiên liệu để chạy máy phát điện tạo ra năng lượng điện. Một phần than củi sau quá trình đốt ở quy trình trên sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ.

Khi thực hiện thí điểm 50kg rác thải hữu cơ tại chợ nông sản TP.HCM, hệ thống sẽ xử lý tạo thành 3kWh điện năng và khoảng 3,1kg phân hữu cơ, theo một quy trình khép kín, không thải ra môi trường bất cứ chất thải nào.

 

Thanh Tuyền - khampha.vn

Với những thành phố đang đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh như TP.HCM, việc thu thập dữ liệu từ các thiết bị IoT để phục vụ phân tích, dự báo càng là yêu cầu không thể thiếu.

 

Mạng viễn thông: Nền tảng của thành phố thông minh

Những năm gần đây, IoT trở thành một xu thế công nghệ lớn trong trào lưu của CMCN 4.0. Số lượng thiết bị IoT tăng lên với tốc độ chóng mặt. Theo công ty nghiên cứu IHS Markit, mỗi năm số thiết bị kết nối IoT sẽ tăng trung bình 12% và sẽ đạt con số khoảng 125 tỉ vào năm 2030.

Với những thành phố đang đặt mục tiêu trở thành đô thị thông minh như TP.HCM, việc thu thập dữ liệu từ các thiết bị IoT để phục vụ phân tích, dự báo càng là yêu cầu không thể thiếu. Dữ liệu từ các thiết bị IoT cũng là nguồn tài nguyên quý giá cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo: Lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh - 1

Thành phố thông minh đòi hỏi hạ tầng phục vụ cho hàng tỷ kết nối  

Chia sẻ tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025” do Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM tổ chức vừa qua, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải có hạ tầng số hoàn thiện.

Trong đó, TS Tân Hạnh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho rằng cần đặc biệt lưu ý đến yêu cầu triển khai nền tảng viễn thông mạnh để phục vụ cho phát triển các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và mục tiêu xây dựng thành phố thông minh.

“Hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo bao gồm lực lượng lao động CNTT, dữ liệu, hệ thống tính toán năng lực cao, cơ sở hạ tầng mạng máy tính và chiến lược triển khai công nghệ trí tuệ nhân tạo. Cơ sở hạ tầng mạng máy tính, với nền tảng là mạng viễn thông, là hạ tầng quan trọng nhằm kết nối thiết bị IoT với điểm tập kết xử lý dữ liệu, truyền dẫn dữ liệu trực tuyến với tốc độ cao và băng thông rộng đáp ứng yêu cầu của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo”, TS Tân Hạnh nói.

Trí tuệ nhân tạo: Lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh - 2

Phát biểu tại hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố sẽ dành ưu tiên thúc đẩy lĩnh vực này

Những mục tiêu đó đặt ra những nhu cầu mới mà công nghệ di động phổ biến hiện nay chưa đáp ứng được như kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ siêu cao, nhu cầu kết nối IoT với số lượng truy cập lớn, yêu cầu kết nối di động với độ tin cậy siêu cao và độ trễ cực thấp.

Từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu triển khai dịch vụ 5G. Trong đó, TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên trên cả nước được cung cấp thử nghiệm dịch vụ 5G, tiến tới thương mại hóa vào năm 2020.

Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có một số chính sách mới như đưa thêm băng tần 60GHz cho công nghệ không dây WiGig cho kết nối tốc độ cao cho thiết bị trong nhà, thêm các băng tần cho sạc không dây, tần số cho radar ô tô.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo tối ưu hiệu quả mạng viễn thông

Tuy nhiên, TS Tân Hạnh cho biết một hạn chế lớn trong triển khai mạng viễn thông hiện nay nằm ở việc sử dụng phổ tần chưa hiệu quả dù tài nguyên phổ tần là hữu hạn. Ủy ban Truyền thông liên bang Hoa Kỳ (FCC) thống kê khoảng phổ tần được sử dụng hiệu quả khoảng từ 0 - 2 GHz trong khi khoảng từ 3 - 5 GHz rất ít được sử dụng.

Trí tuệ nhân tạo: Lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh - 3

TS Tân Hạnh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Không chỉ giảm hiệu quả sử dụng, điều này còn gây ra nhiều hạn chế khác như nhiễu sóng giữa các thiết bị. Khi số lượng thiết bị IoT tăng lên nhanh chóng, vấn đề này càng cần được quan tâm.

Một trong những giải pháp được các nhà khoa học đưa ra để giải quyết vấn đề này là khái niệm vô tuyến nhận thức (hay vô tuyến thông minh).

Theo định nghĩa của Viện Điện, Điện tử Hoa Kỳ (IEEE), vô tuyến nhận thức là “hệ thống thu/phát được thiết kế để phát hiện các khoảng trống của phổ tần vô tuyến và truy nhập vào (hoặc thoát ra nếu cần thiết) các khoảng phổ này mà không làm ảnh hưởng, gây nhiễu cho hệ thống khác”.

Trí tuệ nhân tạo: Lời giải cho bài toán kết nối trong đô thị thông minh - 4

Theo TS Tân Hạnh, đây là công nghệ tiềm năng trong chính sách quy hoạch tần số hiện nay nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng phổ tần của mạng vô tuyến. Trong đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để thăm dò môi trường và ra quyết định truy cập một cách tối ưu là giải pháp đầy hứa hẹn để triển khai vô tuyến nhận thức.

Trí tuệ nhân tạo có thể giúp người dùng chọn băng tần tối ưu để truy cập nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Thậm chí, trí tuệ nhân tạo cũng có thể được sử dụng để hiệu chỉnh công suất phát của người dùng một cách linh động và tối ưu.

TS Hạnh nhận định đây là hướng nghiên cứu hấp dẫn với nhiều ứng dụng thực tế. Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn Thông cũng đang hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, phát triển các giải pháp trong lĩnh vực này và đã đạt được một số kết quả tích cực.

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo được nghiên cứu ra có thể thương mại hóa, phục vụ ngay cho thị trường 10 triệu dân, hơn 300 nghìn doanh nghiệp của thành phố. TP.HCM cũng dành ưu tiên phát triển nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực này.

 

TP.HCM đủ điều kiện trở thành trung tâm về trí tuệ nhân tạo

Trí tuệ nhân tạo cũng là đề tài tương đối mới trên thế giới. Nếu chúng ta quyết tâm từ bây giờ sẽ không quá chậm so với thế giới. Thành phố có đủ nguồn lực và sẽ dành ưu tiên để thúc đẩy cho trí tuệ nhân tạo nhưng phải kèm theo cơ chế chi phù hợp.

Đó là những chia sẻ của Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tại Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 – 2025” do Sở Khoa học và Công nghệ cùng Sở Thông tin Truyền thôngTP.HCM phối hợp tổ chức sáng ngày 20.3.

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM nhằm xây dựng Đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025”. Đề án có tính chất tương hỗ quan trọng để thực hiện thành công đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Đề án Xây dựng khu đô thị sáng tạo.

TP.HCM hội đủ điều kiện trở thành trung tâm về Trí tuệ nhân tạo - 1

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thành phố cũng dành ưu tiên thúc đẩy lĩnh vực này

TP.HCM là đô thị lớn với tiềm lực kinh tế lớn, tập trung nhiều trung tâm nghiên cứu mạnh và dân số lớn khoảng 10 triệu người. Với những đặc điểm đó, TP.HCM có đủ điều kiện để cùng cả nước hình thành trung tâm nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo. Đặc biệt, TP.HCM có ưu thế rất thuận lợi là vừa có nguồn lực nghiên cứu vừa có thị trường tại chỗ.

“Chúng ta tạo ra sản phẩm ứng dụng cho 10 triệu người, cho hơn 300.000 doanh nghiệp có khả năng tạo ra vòng liên kết tại chỗ rất nhanh. Sản phẩm nghiên cứu được thương mại hóa có khách hàng ngay tại đây, có nguồn thu về ngay”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định lãnh đạo thành phố nhận thức rõ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng để thành phố nhảy vọt tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Do đó, từ năm 2017, thành phố đã tích hợp một số lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Điều này được kỳ vọng như một hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn thành phồ và làm nền tảng để thành phố triển khai thành công đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố.

Cần chính sách huy động nguồn lực xã hội

Tuy nhiên, theo các chuyên gia và các nhà quản lý thì xét tổng thể việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất và đời sống tại thành phố còn khá chậm. Thành phố đang ở vị trí phía sau về nghiên cứu, đào tạo so với các đô thị trên thế giới. Thành phố vẫn thiếu chuyên gia, nhà khoa học cho đến nhà hoạch định chính sách về trí tuệ nhân tạo. Môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt; sự tiếp cận nguồn lực vào cơ hội của người dân chưa thực sự bình đẳng.

TP.HCM hội đủ điều kiện trở thành trung tâm về Trí tuệ nhân tạo - 2

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia uy tín về trí tuệ nhân tạo như PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó GĐ ĐH Quốc gia TP.HCM, GS.TS KH Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán...

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng nhấn mạnh: “Đặc biệt, sự gắn kết, tương tác tứ giác của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính còn lỏng lẻo, là một trong những điểm nghẽn kìm hãm sự nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.”

Một lý do khác khiến cho kết quả nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn hạn chế nằm ở sự thiếu hụt các khung pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM lấy ví dụ như cơ sở dữ liệu mở rất cần thiết để xây dựng thành phố thông minh cũng như phát triển trí tuệ nhân tạo nhưng vẫn chưa khung pháp lý cụ thể. Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo còn thấp.

TP.HCM hội đủ điều kiện trở thành trung tâm về Trí tuệ nhân tạo - 3

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, thiếu khung pháp lý đầy đủ và nguồn lực đầu tư thấp là những yếu tố chính hạn chế kết quả nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Đây cũng là nội dung được nhiều chuyên gia quan tâm tại hội thảo. Theo nhiều chuyên gia, để giải quyết bài toán về nguồn lực tài chính cũng như nguồn dữ liệu cho phát triển trí tuệ nhân tạo không thể chỉ trông chờ ở nhà nước mà cần nguồn lực từ toàn xã hội. TS Đinh Bá Tiến, Trưởng khoa Công nghệ Thông tin – ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM đề xuất: “Dữ liệu đến từ toàn xã hội do đó, thành phố nên tạo điều kiện để mọi người, mọi đơn vị có thể chia sẻ dữ liệu một cách thuận lợi, an toàn.”

Ghi nhận những ý kiến của các chuyên gia, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố có đủ nguồn lực và sẽ dành ưu tiên để thúc đẩy cho AI kèm theo cơ chế chi phù hợp. Đồng thời, thành phố cũng sẽ báo cáo lên chính phủ để xin cơ chế đặc thù trong vòng trước mắt là 2 năm tới đây để đẩy nhanh các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo.  

Phạm Sơn - khampha.vn

Các dự án từ các bạn sinh viên chiếm gần 1/3 tổng số sản phẩm lọt vào vòng thuyết trình của cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM 2018”. Nhiều sản phẩm không hề lép vế khi so sánh với tác phẩm của các chuyên gia.

 

Từ khi xuất hiện, các dịch vụ như Uber, Grab... đã đem lại rất nhiều tiện lợi cho người sử dụng. Nhưng thay vì đặt xe, đi quá giang những người có cùng tuyến đường còn có thể tiện lợi và tiết kiệm hơn nữa.

Đó là ý tưởng của Lê Quốc Tuấn cùng các đồng sự sinh viên trong nhóm Ridy- Car Sharing trình bày tại vòng thuyết trình cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM 2018”. Với ý tưởng đó, nhóm Ridy đã phát triển ứng dụng hỗ trợ người dùng đi chung xe với những người khác đi cùng tuyến đường mà vẫn còn chỗ trống trên xe. Nếu được triển khai thành công, dịch vụ này không chỉ giúp người dùng tiết kiệm đáng kể chi phi đi lại mà còn góp phần giảm tải áp lực trong giờ cao điểm.

Khi sinh viên hào hứng thể hiện với công nghệ GIS - 1

Những giải pháp như Ridy sẽ góp phần làm giảm nỗi khổ của người dân thành phố mỗi giờ cao điểm bằng việc hạn chế lượng xe lưu thông

Những người dùng sử dụng app phải được xác minh kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn cho cả lái xe và người đi cùng. Trong thời gian đầu, nhóm tập trung vào đối tượng là người đi làm ở các công ty và sinh viên đại học. Theo đại diện của nhóm, giải pháp đã nhận được vốn từ một số nhà đầu tư như Shell, Amazon...

“Hiện nay, nhóm đang dùng Google Map nhưng nhóm sẽ nghiên cứu về nền tảng HCMGIS để có thể giảm chi phí và tăng độ chính xác của ứng dụng. Nhóm cũng sẽ kết hợp thêm các tính năng đánh dấu, cảnh báo các vị trí xảy ra tại nạn hay dùng ứng dụng story map của HCMGIS xây dựng hành trình du lịch”, Lê Quốc Tuấn chia sẻ.

Một ý tưởng khác của các tác giả sinh viên cũng nhận được sự chú ý của ban giám khảo của thi là ý tưởng “Lưu giữ Sài Gòn” của nhóm sinh viên từ trường ĐH CNTT.

Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều kiến trúc, biệt thự cổ mang linh hồn của thành phố đang dần biến mất. Với mong muốn lưu giữ lại những nét đẹp đó, nhóm đã lên ý tưởng sử dụng nền tảng HCMGIS để cộng đồng những người yêu Sài Gòn chia sẻ những địa điểm ấn tượng của thành phố cùng với những câu chuyện gắn liền với các địa điểm đó.

Khi sinh viên hào hứng thể hiện với công nghệ GIS - 2

Đại diện dự án "Lưu giữ Sài Gòn" trình bày sản phẩm của mình trước ban giám khảo cuộc thi 

Đánh giá về ý tưởng này, ông Nguyễn Đức Tuấn, trưởng phòng Quản lý KH&CN cơ sở (Sở KH&CN TP.HCM), thành viên ban giám khảo nhận xét: “Dự án “Lưu giữ Sài Gòn” sử dụng nền tảng HCMGIS và phục vụ cho câu chuyện văn hóa xã hội của thành phố, rất sát với mục đích của cuộc thi. Dự án giúp cho người dân TP.HCM, nhất là giới trẻ, hiểu về những công trình, kiến trúc nổi bật của thành phố và giúp lan tỏa những nét đẹp của thành phố. Các bạn đã xây dựng được nền tảng ứng dụng và có sản phẩm tương đối rõ”.

Ngoài 2 dự án trên, các tác giả sinh viên cũng đóng góp nhiều ý tưởng, sản phẩm ấn tượng khác tại cuộc thi như ứng dụng “Trong nhà ra phố” giúp người dùng kết nối dễ dàng đến hệ thống giao thông công cộng; “Lopa” tận dụng khoảng trống trong các gia đình làm chỗ gửi xe hay giải pháp hỗ trợ cứu hỏa trên nền tảng GIS.

Theo ban tổ chức, có 5 dự án từ các bạn sinh viên đã lọt vào vòng thuyết trình của thi, chiếm gần 1/3 tổng số. Nhiều dự án không hề thua kém so với sản phẩm từ các chuyên gia. Điều này cho thấy sự hào hứng của giới trẻ thành phố với những nền tảng công nghệ mới và sự sáng tạo trong tư duy để giải quyết những vấn đề thực tế của thành phố. Ban tổ chức cuộc thi cho rằng những kết quả này là cơ sở để tin vào sự tham gia tích cực hơn nữa của các bạn trẻ trong những lần tổ chức tiếp theo.

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2019 nhằm xây dựng Đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, Sở KH&CN và Sở TT&TT TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2019 - 2025”.

Hội thảo sẽ được tổ chức tại Trụ sở UBND TP.HCM vào sáng 20.3 với nội dung trao đổi, thảo luận về xu hướng phát triển, khả năng nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, sự sẵn sàng của Thành phố và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo.

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi 3 hội thảo dự kiến sẽ tổ chức trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP.HCM nhằm xây dựng Đề án “Xây dựng hệ sinh thái ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TP.HCM giai đoạn 2019 - 2025”. Đề án có tính chất tương hỗ quan trọng để thực hiện thành công đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025”, Đề án Xây dựng khu đô thị sáng tạo.

TP.HCM kết nối chuyên gia để xây dựng hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo - 1

Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực nghiên cứu mới với mục tiêu tạo ra những chương trình, máy móc, hay robot có khả năng của con người. Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đã và đang được áp dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội, tiêu biểu như an ninh công cộng, giao thông thông minh, nông nghiệp, sản xuất, tài chính, thương mại điện tử v.v...

Với những ứng dụng đó, trí tuệ nhân tạo đang góp phần thay đổi nhiều khía cạnh của cuộc sống, dần trở thành một yếu tố quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và điều hành, quản lý.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận sẽ được trình bày và nhiều vấn đề, đề tài mới được đặt ra để các diễn giả và khách mời cùng nhau thảo luận, trao đổi. Trong đó, từ tầm nhìn chiến lược, các diễn giả sẽ giới thiệu các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đã đạt được một số kết quả khả quan với các ứng dụng cụ thể phục vụ công tác quản lý nhà nước, giám sát an ninh, định danh người qua video, hệ thống tư vấn tự động, giao thông thông minh v.v...

Tại TP.HCM, hoạt động nghiên cứu triển khai lĩnh vực trí tuệ nhân tạo không chỉ diễn ra tại các trường đại học, viện nghiên cứu mà hiện nay các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ cũng rất quan tâm đầu tư nghiên cứu.

Danh sách diễn giả và tham luận dự kiến gồm có:

1. PGS. TS. Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM: “Phát triển AI 2020 – 2030: Tầm nhìn chiến lược” 

2. GS. Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán: “Một số ý kiến về phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở TPHCM”. 

3. PGS.TS. Thoại Nam - Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TPHCM: “Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội ứng dụng, nguy cơ và thách thức”. 

4. TS. Nguyễn Đức Kiên - Giám đốc chiến lược, Công ty Công nghệ Thông tin: “Khai thác công nghệ AI ở VNPT: Cách tiếp cận của một Telco”

5. PGS. TS. Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM: “Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển TPHCM”

6. TS. Tân Hạnh - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: “Viễn thông: Cơ sở hạ tầng máy tính cho hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo”

 

  
Phạm Sơn - khampha.vn
“Là người con sinh ra ở Việt Nam, trái tim tôi tràn ngập tình cảm cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam và mơ ước được thấy nhiều startup Việt vươn ra tầm thế giới”.
 

Ông Philipp Roesler, Nguyên Phó thủ tướng Đức, đã xúc động chia sẻ như vậy trong buổi làm việc với Sở KH&CN TP.HCM chiều 15/3..

 

Từ ngày 15/3, ông Philipp Roesler chính thức giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital Ventures. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Philipp Roesler đã cùng đại diện một số quỹ đầu tư đến thăm và làm việc với Sở KH&CN TP.HCM để tìm hiểu hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành phố.

Cựu Phó Thủ tướng Đức: "Trái tim tôi tràn ngập tình cảm cho cộng đồng khởi nghiệp VN" - 1

Ông Philipp Roesler và ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, tham quan mô hình hoạt động của SIHUB

Tại buổi gặp, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM chia sẻ, trong thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM đã hỗ trợ 30 cuộc thi khởi nghiệp với khoảng 2000 dự án tham gia. Nhiều hoạt động, gói hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do Sở KH&CN TP.HCM triển khai cũng đang đem lại những hiệu quả thiết thực.

Nổi bật trong đó là Chương trình hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (Saigon Innovation Hub – SIHUB). Đây là đầu mối kết nối cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành phố cũng như khu vực. SIHUB đã kết nối với hơn 30 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các open lab, nhà đầu tư... Hiện tại, nhiều hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp của TP.HCM với các trung tâm khởi nghiệp mạnh trên quốc tế cũng đang được thực hiện theo tầm nhìn SIHUB 2020.

Cựu Phó Thủ tướng Đức: "Trái tim tôi tràn ngập tình cảm cho cộng đồng khởi nghiệp VN" - 2

Ông Philipp Roesler cam kết sẽ hỗ trợ hết sức để hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo TP.HCM và khu vực

Nhận xét về những hoạt động trên, ông Philipp Roesler cho rằng Chính phủ Việt Nam đang có cách tiếp cận mang tính chiến lược để ươm mầm các startup. Đây là điều khá hiếm trên thế giới. Ông Philipp Roesler cho biết, khi còn là Bộ trưởng Kinh tế - Công nghệ Đức, ông cũng đã thực hiện chiến lược tương tự những gì Việt Nam đang làm.

“Trở về Việt Nam lần này, nhiệm vụ của tôi là giúp các startup Việt ra thế giới. Tôi mong muốn mang những network của mình từ quốc tế đến Việt Nam và mang startup Việt ra với thế giới. Là người con sinh ra ở Việt Nam, trái tim tôi tràn ngập tình cảm cho cộng đồng khởi nghiệp VN và mơ ước được thấy nhiều startup Việt vươn ra tầm thế giới”, ông Philipp Roesler xúc động nói.

Ông Phillipp Roesler là người Đức gốc Việt. Ông sinh năm 1973 ở Sóc Trăng và được một gia đình quân nhân người Đức nhận nuôi từ lúc 9 tháng tuổi.

Ông từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế Đức năm 2009, bộ trưởng trẻ nhất của Đức thời điểm đó, đồng thời cũng là người gốc Việt đầu tiên trở thành bộ trưởng ở một quốc gia châu Âu.

Năm 2011, ông được bầu làm Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ Đức đến tháng 12/2013.

Từ năm 2014, Phillipps Roesler tham gia Ban Điều hành của Diễn đàn Kinh tế thế giới Thuỵ Sỹ. Sau đó, ông trở thành Tổng Giám đốc quỹ từ thiện HCCF tại New York (Mỹ).

Về kinh doanh, ông từng tham gia quản lý High-tech Grunderfonds, đơn vị hợp tác công tư quản lý gần 3 tỷ EUR và ra mắt thành công hơn 500 công ty công nghệ cao. Ông cũng tham vấn cho Founder’s Fund, quỹ đầu tư nổi tiếng khi tham gia vào các công ty SpaceX, Uber, PayPal...

 

Phạm Sơn - khampha.vn

Nhằm Thúc đẩy hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút sự tham gia của cộng đồng xã hội cùng với sự tiếp sức của nhà nước góp phần phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố.

Nâng cao năng lực cho các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xuất phát từ nhu cầu thực tế của cộng đồng khởi nghiệp, để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đồng thời gắn kết các hoạt động này với các chính sách hỗ trợ của thành phố.

Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng Kế hoạch hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2019 với các nội dung hỗ trợ:

  1. Huấn luyện về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Inspire)
  2. Tổ chức các sự kiện hỗ trợ hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Connect)
  3. Ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Incubate)
  4. Ươm tạo, phát triển và tăng tốc cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Speedup)

Cách thức nộp hồ sơ

- Các đơn vị đăng ký thực hiện nội dung 1,2,3 gửi hồ sơ qua email: doimoisangtao.skhcn@gmail.com (Các tài liệu gửi phải được ký tên và đóng dấu xác nhận của đơn vị đăng ký thực hiện)

- Các đơn vị đăng ký thực hiện nội dung 4 gửi hồ sơ qua email: speedup.dost@gmail.com (Các tài liệu gửi phải được ký tên và đóng dấu xác nhận của đơn vị đăng ký thực hiện)

Các biểu mẫu và Kế hoạch tại đây

Từ 72 sản phẩm dự thi trong nhiều lĩnh vực, Ban tổ chức đã lựa chọn được 18 giải pháp, sản phẩm xuất sắc nhất lọt vào vòng Thuyết trình Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS 2018". Các sản phẩm đạt giải có thể nhận được đầu tư đến 2 tỷ đồng từ Sở KH&CN TP.HCM.

 

Được phát động từ tháng 10.2018, Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS 2018" là hoạt động của Sở KH&CN TP.HCM nhằm nhằm tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP.HCM; xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, sáng tạo; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của Thành phố.

Sau 5 tháng phát động, cuộc thi đã thu hút được 72 sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ quản lý hành chính công cho tới hỗ trợ quy hoạch và các ứng dụng thực tế phục vụ dân sinh. Không chỉ các nhà khoa học mà không ít các bạn trẻ, học sinh – sinh viên cũng hào hứng tham gia cuộc thi. Điều này thể hiện tiềm năng ứng dụng GIS cũng như sự quan tâm của cộng đồng dành cho công nghệ này.

Lộ diện 18 sản phẩm ấn tượng nhất tại cuộc thi GIS TP.HCM 2018 - 1

Hệ thống quản lý thông tin bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP.HCM là một ứng dụng tiêu biểu cho ứng dụng công nghệ GIS. Giải pháp này đã giành được Giải thưởng Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2018

Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM (HCMGIS) thuộc Sở KH&CN TP.HCM nói: “Chúng tôi rất vui vì ngay trong lần đầu tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Không chỉ số lượng bài dự thi lớn mà chất lượng các sản phẩm cũng khá cao, hướng tới những vấn đề thực tế của thành phố. Chúng tôi hy vọng những giải pháp, sản phẩm từ cuộc thi nay sẽ là đóng góp cho việc xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.”

Từ 72 sản phẩm dự thi, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 18 sản phẩm xuất sắc nhất tham dự vòng Thuyết trình của cuộc thi. Tại vòng Thuyết trình dự kiến tổ chức từ ngày 11/3 - 15/03/2019, các tác giả sẽ trình bày tác phẩm của mình trước hội đồng chuyên môn.

Những tác giả, nhóm tác giả vượt qua vòng Thuyết trình sẽ trải qua một khóa huấn luyện để hoàn thiện sản phẩm, khả năng thuyết trình trước khi đến với vòng chung kết của cuộc thi.

Ngoài các phần thưởng từ Ban tổ chức, các sản phẩm, giải pháp đạt giải sẽ được Sở KH&CN TP.HCM xét chọn đầu tư hoàn thiện với mức đầu tư lên đến tối đa 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm.

Danh sách 18 sản phẩm lọt vòng Thuyết trình Cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS 2018":

Lộ diện 18 sản phẩm ấn tượng nhất tại cuộc thi GIS TP.HCM 2018 - 2

Lộ diện 18 sản phẩm ấn tượng nhất tại cuộc thi GIS TP.HCM 2018 - 3

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Hai bên kỳ vọng sẽ kết nối các thành viên của Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM (HAMEE) với Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM và các trường, viện...để hình thành nền tảng mở cho hoạt động đổi mới sáng tạo.

Sáng 1.3, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM và đại diện Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM (HAMEE) đã có buổi làm việc trao đổi cơ hội, thúc đẩy sự hợp tác giữa hai bên.

 

Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HAMEE nhấn mạnh: “Slogan của HAMEE là “Kết nối, hợp tác cùng phát triển”. Đó cũng là sứ mệnh mà HAMEE luôn hướng tới và sẵn sàng hợp tác với Sở KH&CN trong các hoạt động”. Trong thời gian qua, HAMEE đã triển khai nhiều hoạt động sôi nổi, thực tế hướng tới mục tiêu đó như các buổi Cafe Talk theo từng chủ đề trong các tháng, giải đấu RoboFight 2018...

Ông Nguyễn Việt Dũng nhận định HAMEE là một trong những hội hoạt động tích cực nhất, nhiều hoạt động thiết thực. Về phía Sở KH&CN TP.HCM, nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy kết nối các thành phần trong xã hội cùng phát triển cũng đã được triển khai. Các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của Sở KH&CN TP.HCM cũng đã đến được với nhiều doanh nghiệp.

Sở KH&CN TP.HCM và HAMEE bắt tay thúc đẩy đổi mới sáng tạo - 1

Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Sở KH&CN TP.HCM được giới thiệu tời doanh nghiệp qua các chương trình của HAMEE

“Tuy nhiên, kết quả từ những hoạt động này vẫn còn hạn chế và sẽ cần những sự hợp tác, hoạt động cụ thể hơn nữa trong thời gian tới. Trong đó, Sở mong muốn hợp tác với HAMEE để triển khai nhiều hoạt động cụ thể”, ông Dũng nói.

Một trong những nội dung mà hai bên có thể hợp tác là kết nối các thành viên của HAMEE với Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM và cùng với các thành phần khác như các trường viện, khối doanh nghiệp, chuyên gia... để hình thành nền tảng mở cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Nền tảng mở này sẽ là cơ sở để hướng tới hợp tác quốc tế, tìm kiếm cơ hội kinh doanh, chuyển giao công nghệ.

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm mới phù hợp nhu cầu thị trường hiện nay rất cần có sự hợp tác liên ngành với sự tham gia của nhiều thành phần cùng tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Bởi vậy, Sở KH&CN TP.HCM muốn đồng hành cùng HAMEE để xúc tiến xây dựng những mô hình liên kết như vậy.

Sở KH&CN TP.HCM và HAMEE bắt tay thúc đẩy đổi mới sáng tạo - 2

Ông Nguyễn Việt Dũng và ông Đỗ Phước Tống đồng quan điểm thời gian tới sẽ có nhiều hoạt động 2 bên có thể hợp tác, đồng hành 

Trong năm 2018, HAMEE đã triển khai thành công nhiều hoạt động kết nối. Ngoài ra, HAMEE cũng tập hợp nhiều doanh nghiệp mạnh, có ưu thế trong nhiều lĩnh vực. Ông Tống cho rằng đó là những cơ sở đó để HAMEE tham gia tích cực và sâu hơn trong các chương trình hoạt động của Sở KH&CN TP.HCM trong thời gian tới.

Phạm Sơn - khampha.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353