SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Những phần quà như lời cảm ơn gửi tới những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang tham gia giữ rừng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.

 

Sáng 17.8, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, cùng đại diện các đơn vị thuộc Khối thi đua 2 đã trao tặng 40 phần quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang tham gia giữ rừng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.

 

Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình công tác xã hội của Khối thi đua 2 năm 2018.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết: “Cùng với Sở KH&CN, các đơn vị trong Khối thi đua 2 đã vận động các công chức, người lao động trong Khối chuẩn bị 40 phần quà để trao tặng cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang tham gia giữ rừng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ. Các phần quà như lời cảm ơn của các đơn vị gửi tới bà con”. Mỗi phần quà bao gồm hiện vật và tiền mặt với trị giá 1,5 triệu đồng.

 

 Đại diện Sở KH&CN TP.HCM trao tặng 40 phần quà cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn đang tham gia giữ rừng tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ.

 

Rừng Cần Giờ đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam từ năm 2000. Rừng có hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn và được coi là lá phổi xanh của TP.HCM.

 

Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ hiện quản lý hơn 37 ngàn ha. Ngoài các thành viên Bản Quản lý, hàng trăm hộ gia đình cũng đang đóng góp sức không nhỏ vào việc giữ rừng phòng hộ Cần Giờ. Trong đó, cuộc sống của nhiều hộ còn rất khó khăn.

 

Gia đình anh Huỳnh Trung Hiếu cũng là một trong số đó. Anh Hiếu chia sẻ: “Ban Quản lý rừng đã tạo điều kiện giúp gia đình có thêm thu nhập. Tôi và vợ cũng làm nhiều công việc từ làm muối, nuôi thủy sản mới có thu nhập tạm đủ sống.”

 

Theo ông Huỳnh Đức Hoàng, Phó Ban quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ, hiện có 144 hộ gia đình đang vượt khó bám rừng, trong đó có những hộ đã qua 2-3 thế hệ.

 

"Chúng tôi cảm ơn tấm chân tình của các Sở và mong muốn các Sở ủng hộ giúp rừng Cần Giờ giữ vững được danh hiệu khu dự trữ sinh quyển", ông Hoàng chia sẻ.

 

 

Đại diện các đơn vị trong Khối thi đua 2 trao quà cho các hộ dân

 

 

Đoàn của Khối thi đua 2 tham quan khu vực lưu trữ tiêu bản động vật tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ

 

Phạm Sơn – khampha.vn

Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận những ý kiến đề xuất và sẽ phản ánh, góp ý với Quốc hội, Chính phủ để sớm có những thay đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động KHCN trên cả nước. 

Sáng 16.8, đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn. Buổi làm việc nằm trong chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ tại TPHCM. Thực tế triển khai các chính sách và những kiến nghị của các đơn vị sẽ là cơ sở để đoàn giám sát góp ý với Quốc hội và Chính phủ để có những thay đổi phù hợp với thực tế. 

 

Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và đại diện Sở KH&CN TP.HCM tham quan các mô hình tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM 

Đoàn giám sát do ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đại diện phía TP.HCM đi cùng đoàn. 

Chia sẻ tại buổi làm việc, TS Hà Thị Loan, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cho biết trong 5 năm vừa qua, trung tâm đã có 54 công trình khoa học được công bố trong nước, 24 công trình công bố quốc tế. Nhiều mô hình, kết quả nghiên cứu như quy trình tạo rễ tóc cây sâm Ngọc Linh trong điều kiện nhân tạo, quy trình nhân giống và canh tác hiện đại hoa lan… đã chứng minh được hiệu quả. 

 

TS Hà Thị Loan chia sẻ những kết quả mà Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã đạt được với đoàn giám sát tại buổi làm việc sáng 16.8 

Cùng với những kết quả đã đạt được, TS Hà Thị Loan và các cán bộ của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cũng đề cập tới những bất cập, khó khăn mà Trung tâm đang gặp phải. Trong đó, quan trọng nhất là những hạn chế về quy chế tự chủ của đơn vị và chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ.

 “Quy định tính tiền lương, tiền công quy định hiện hành không phù hợp với đặc thù riêng của lao động chất xám. Từ đó, dẫn đến thu nhập của cán bộ khoa học rất thấp, không khuyến khích, động viên được các nhà khoa học”, TS Loan nói. 

Sau buổi làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, đoàn giám sát đến tham quan và trao đổi với Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn. Đây là một trong những doanh nghiệp KH&CN đầu tiên tại TP.HCM. Nhờ tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, sản phẩm của công ty đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn của nhiều thị trường và đang được xuất khẩu tới 15 quốc gia trên thế giới. 

 

Ông Phan Xuân Dũng cùng các thành viên trong đoàn giám sát tham quan dây chuyền thiết bị công nghệ cao của công ty Tiến Tuấn 

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc công ty, cho biết các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải rất nhiều khó khăn do sự ưu đãi không bình đẳng dành cho các doanh nghiệp FDI cũng như chênh lệch về hàng rào thuế quan giữa Việt Nam với các quốc gia khác. 

Ông Tuấn chia sẻ: “Doanh nghiệp như chúng tôi không cần được ưu đãi. Điều chúng tôi mong muốn là sự công bằng để cạnh tranh và những chính sách hướng tới lợi ích chung của đất nước.” 

Đánh giá cao những kết quả mà hai đơn vị nói trên đạt được, ông Phan Xuân Dũng cũng ghi nhận những ý kiến đề xuất của các đơn vị và sẽ phản ánh, góp ý với Quốc hội và Chính phủ để sớm có những thay đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên cả nước. 

Phạm Sơn – khampha.vn

Từ tháng 11.2018, TP.HCM sẽ phối hợp với IIA tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, chính sách, mô hình thực tế về đổi mới sáng tạo tại Israel cho các cán bộ, công chức các Sở, ban, ngành của TP.

 

Đây là một trong những nội dung chính trong kế hoạch hợp tác giữa TP.HCM với Cơ quan Đổi mới Sáng tạo Israel (IIA) nhằm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) giai đoạn 2018 - 2021. Nội dung này được ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM và ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam, trao đổi tại buổi làm việc sáng 15.8.

 

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, tiếp ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam tại buổi làm việc sáng ngày 15.8

 

Kế hoạch hợp tác này nằm trong các hoạt động triển khai kết quả chuyến công tác tại Israel của đoàn đại biểu TP.HCM do ông Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, dẫn đầu hồi tháng 5 vừa qua.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, kế hoạch hợp tác gồm 7 nội dung chính: Nghiên cứu xây dựng chính sách thúc đẩy hoạt động ĐMST; Đào tạo quản trị khai thác tài sản trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học trong trường ĐH; Đào tạo quản trị vườn ươm; Trao đổi các startup; Tham gia các hoạt động, sự kiện lớn về khởi nghiệp ĐMST hàng năm ở 2 nước; Kết nối cung cầu công nghệ trên Sàn giao dịch công nghệ và các Chợ công nghệ; Mời chuyên gia hỗ trợ thành phố trong hoạt động ĐMST.

 

 

Ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ về phong trào khởi nghiệp ĐMST tại TP.HCM và những hoạt động mong muốn hợp tác với phía Israel

 

Tại buổi làm việc, ông Doron Lebovich chia sẻ những kinh nghiệm, mô hình của Israel trong thương mại hóa, hình thành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu của các trường đại học cũng như những chương trình hợp tác với các thành phố, quốc gia khác để hỗ trợ startup. Ông Nguyễn Việt Dũng đánh giá cao những kinh nghiệm, mô hình của Israel và cho rằng đó sẽ là những gợi ý hữu ích cho hoạt động khởi nghiệp, ĐMST của TP.HCM.

 

Đại diện cho phía Israel sẽ kết nối các đoàn công tác của TP.HCM với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp ĐMST của Israel. Ngoài ra, phía Israel cũng sẽ đưa các chuyên gia tới TP.HCM tổ chức các hội thảo, khóa đào tạo chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng khởi nghiệp ĐMST của thành phố.

 

 

Ông Doron Lebovich khẳng định sẽ hỗ trợ kết nối các đơn vị, chuyên gia, doanh nghiệp, startup của TP.HCM và Israel vì lợi ích chung của cả 2 bên

 

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Việt Dũng nói: “Những hoạt động này không chỉ giúp các cán bộ, chuyên gia của TP.HCM học tập kinh nghiệm của Israel mà còn tạo mạng lưới kết nối làm cơ sở cho những hợp tác trong tương lai".

 

Sở KH&CN TP.HCM và IIA cũng sẽ phối hợp tạo điều kiện cho các startup, doanh nghiệp tham gia các hoạt động khởi nghiệp ĐMST, giới thiệu sản phẩm công nghệ tại các sự kiện lớn của hai nước, mà gần nhất là Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM dự kiến tổ chức trong quý IV năm nay.

 

Phạm Sơn – khampha.vn

Các startup phải tận dụng cơ hội để tiếp cận thị trường, hiện thực hóa ước mơ vươn ra thị trường thế giới trong chuyến đi lần này.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (trái) chúc mừng và trao gói hỗ trợ cho 3 startup chuẩn bị lên đường sang Malaysia. Ảnh: Hà Thế An.

 

Đó là lời nhắn nhủ của ông Lý Trường Chiến, đại diện đơn vị đồng hành với Saigon Innovation Hub trong chương trình Runway To The World - trao đổi startup ra nước ngoài.

 

Theo đó, 3 startup sẽ lên đường sang Malaysia kết nối và tiếp cận thị trường nước này từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 8 sắp tới. Cụ thể, 3 doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ sang Malaysia là: Gcall (dự án về tổng đài ảo), Boom Potty (dự án về bồn tắm rửa cho trẻ em), EyeQ Tech (dự án về trí tuệ nhân tạo).

 

Ông Chiến gửi lời chúc mừng đến 3 doanh nghiệp khởi nghiệp và mong muốn các CEO trẻ sẽ tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường, hiện thực hóa ước mơ vươn ra thị trường thế giới.

 

Nói về dự án Boom Potty, ông Chiến nhận định, đây là một giải pháp không cầu kỳ, phức tạp về mặt công nghệ nhưng thiết thực. Ý tưởng sáng tạo không phải là những thứ cao siêu mà có thể là những giải pháp đơn giản nhưng hữu ích cho cuộc sống.

 

“Chúng tôi luôn đồng hành và hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động tại nước ngoài. Bên cạnh đó những lớp đào tạo về quản trị doanh nghiệp vẫn đang được tiếp tục tổ chức dạy miễn phí cho các bạn trẻ đam mê khởi nghiệp”- ông Chiến cho biết.

 

Phạm Tấn Phúc, đồng sáng lập Gcall chia sẻ, Singapore và Malaysia là hai quốc gia mục tiêu mà dự án hướng đến trong việc phát triển thị trường tại Đông Nam Á. Hiện tại Gcall cũng đã có văn phòng đặt tại Singapore để tiếp tục kết nối và phát triển thị trường tại quốc gia này.

 

“Được tiếp cận tiếp với thị trường Malaysia là cơ hội để chúng tôi thực hiện việc kết nối và hợp tác với các đối tác công nghệ tại quốc gia này. Trong thời gian ở Malaysia, đại diện của Gcall sẽ đàm phán trực tiếp với các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông tại nước này để bàn bạc về các kế hoạch hợp tác trong tương lai”- Phúc cho biết.

 

 

Đại diện startup Bom Potty (phải) giới thiệu đến các đại biểu về giải pháp của mình. Ảnh: Hà Thế An.

 

Ngoài ra, 3 doanh nghiệp sang Malaysia lần này sẽ được làm việc với các mentor (cố vấn) dày dạn kinh nghiệm trong việc phát triển thị trường. Các chi phí đi lại, thuê khách sạn lưu trú của startup sẽ được Saigon Innovation Hub hỗ trợ.

 

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub chia sẻ, đơn vị luôn tìm kiếm và mở ra những cơ hội tốt nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ vương ra thế giới.

 

“Với Runway To The World chúng tôi mong muốn startup Việt có cơ hội giao lưu, học hỏi với các hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển trên thế giới và khu vực, đưa Việt Nam lên bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu”- ông Tước nói.

 

Runway To The World là sáng kiến của Saigon Innovation Hub, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với mục tiêu thực hiện các hoạt động trao đổi startup Việt Nam và quốc tế chính thức khởi động  từ tháng 1/2018.

Tháng 3 năm 29018, Hàn Quốc đã đưa 3 nhóm startup sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Các nhóm này đã có những hoạt động tích cực và giữa tháng 8 sẽ quay lại Việt Nam để ký kết các hoạt động kinh doanh với đối tác Việt Nam. 

Tháng 7 năm 2018, 6 startup của Malaysia và Singapore cũng đã sang Việt Nam trong chương trình trao đổi startup giữa Việt Nam, Malaysia và Singapore.

Vào tháng 9 sắp tới, 3 startup Việt sẽ được đưa sang Singapore. Tháng 10, sẽ có 3 startup Việt sang Hàn Quốc.

Trong năm 2019, Saigon Innovation Hub sẽ tiếp tục mở rộng chương trình sang các quốc gia khác như Đức, Phần Lan...

 

Hà Thế An – khampha.vn

Giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ngập nước và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong 8 chương trình mà UBND TP.HCM vừa ký kết với ĐH Quốc gia TP.HCM để thực hiện trong thời gian tới.

 

 

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM (phải) và PGS.TS Huỳnh Thành Đạt ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: VNU-HCM.

 

Vừa qua, tại ĐH Quốc gia TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM và PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt có nhiều vấn đề đang được người dân thành phố quan tâm như ùn tắc giao thông, ngập nước, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,…

 

Buổi lễ ký kết có sự chứng kiến của bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, PGS.TS Lê Hoài Quốc – Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM và đại diện một số sở, ngành của thành phố.

 

Theo đó, ĐH Quốc gia TP.HCM và UBND TP.HCM sẽ hợp tác thực hiện 8 chương trình cụ thể như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Cải cách hành chính; Nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP. HCM; Giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông; Giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Giảm ô nhiễm môi trường; Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ giữa ĐHQG-HCM với Khu Công nghệ Cao TP. HCM; Phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến 2030.

 

Đồng thời, ĐH Quốc gia TP.HCM được mời tham gia cùng lãnh đạo cấp cao của Chính phủ Việt Nam và lãnh đạo TP.HCM đến thăm và ký kết thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với các ĐH như: ĐH Quốc gia Lào, ĐH Kyushu (Nhật), ĐH Công nghệ Auckland và ĐH Waikato (New Zealand).

 

PGS.TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cam kết sẽ thực hiện đầy đủ với hiệu quả cao nhất những gì đã ký kết để góp phần phát triển TP.HCM trở thành nơi có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

 

Hà Thế An – khampha.vn

Phần mềm quản lý quản lý thông tin mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn thể hiện lòng biết ơn của Sở KH&CN TP.HCM gửi tới các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của tổ quốc.

 

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, hơn 1 triệu liệt sĩ đã ngã xuống để giành lại độc lập, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc. Sự hy sinh của các anh sẽ mãi mãi không phai mờ trong lòng mọi người dân Việt.

 

Tuy nhiên có một thực tế đáng buồn là công tác thu thập, quản lý thông tin mộ liệt sĩ vẫn còn nhiều hạn chế.

 

Cả nước hiện vẫn còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập về các nghĩa trang và trên 300.000 hài cốt liệt sỹ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin. Công tác đền ơn đáp nghĩa từ mấy chục năm nay vẫn làm thủ công, trên giấy tờ gây khó khăn cho cả các cấp quản lý và người nhà liệt sĩ.

 

Tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện số hóa quản lý thông tin mộ liệt sĩ để thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa một cách bài bản, tốt hơn.

 

Từ năm 2010, Sở KH&CN TP.HCM đã quan tâm đến nội dung này. Trung tâm hệ thống thông tin địa lý TP.HCM (HCMGIS) đã cùng với Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị phối hợp xây dựng phần mềm GIS ứng dụng quản lý thông tin mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

 

 

Phần mềm đang quản lý thông tin của hơn 10.000 mộ liệt sĩ

 

Theo thống kê, hiện tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn đang quản lý thông tin của 10.257 liệt sĩ. Tất cả dữ liệu của các liệt sĩ, bao gồm cả vị trí mộ đều được cập nhật trên trang web http://nghiatrangtruongson.quangtri.gov.vn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thân nhân các liệt sĩ. Các lượt khách đến viếng mộ cũng được lưu lại một cách đầy đủ.

 

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn có tổng diện tích 140.000m2. Trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, được phân thành 10 khu vực chính với hơn 10.000 phần mộ liệt sĩ. Để giúp thân nhân các liệt sĩ tìm được vị trí mộ người thân, nhóm thực hiện phần mềm đã xây dựng chức năng chỉ đường đến chính xác từng mộ liệt sĩ trên bản đồ GIS.

 

Thay vì phải tìm đường một cách thủ công, người thân của liệt sĩ có thể nhập thông tin của liệt sĩ cần tìm. Hệ thống sẽ đánh dấu cụ thể đường từ cổng vào nghĩa trang đến tận mộ liệt sĩ một cách trực quan ngay trên bản đồ. Nhờ đó, thân nhân các liệt sĩ có thể nhanh chóng tìm được đường đến mộ liệt sĩ.

 

 

Phần mềm thể hiện chính xác đường tới mộ từng liệt sĩ, giúp người thân của các anh đến viếng mộ dễ dàng hơn

 

Từ năm 2010, nhóm thực hiện đã khảo sát chi tiết toàn bộ khu vực nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn để xây dựng bản đồ số phục vụ cho phần mềm. Đồng thời, nhóm cũng sử dụng công nghệ 3D để thể hiện chính xác phối cảnh của từng khu vực tại nghĩa trang.

 

Không chỉ là nơi cung cấp dữ liệu về các liệt sỹ đang an nghỉ tại nghĩa trang, trang web còn là kênh liên lạc để trao đổi thông tin tìm mộ của những liệt sĩ còn đang thất lạc.

 

 

 Phối cảnh của từng khu vực tại nghĩa trang được thể hiện trên phần mềm

 

Đi vào hoạt động từ năm 2010, hệ thống đã trở thành cầu nối giúp các gia đình liệt sĩ gần hơn với người thân của mình và phần nào làm ấm lòng những anh hùng đã hy sinh vì tổ quốc.

 

Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS, cho biết những gì mà trung tâm HCMGIS đã thực hiện xuất phát từ tâm niệm phải làm điều gì đó để đền đáp, ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì tổ quốc. “Dù biết những gì mình làm được rất nhỏ nhoi so với những sự hy sinh của các anh hùng, liệt sĩ và gia đình các anh nhưng đây là nén nhang mà chúng tôi thể hiện sự biết ơn của mình đến với các liệt sĩ”, ông Phương nói.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phương và các thành viên của HCMGIS chia sẻ còn một điều mà HCMGIS vẫn luôn trăn trở. Hệ thống được thực hiện từ gần 10 năm trước, khi đó công nghệ còn nhiều hạn chế nên hệ thống còn thiếu nhiều chức năng cần thiết để phục vụ cho nhu cầu của các gia đình liệt sĩ cũng như các cơ quản lý.

 

“Áp dụng những công nghệ mới chúng ta có thể xây dựng thêm những tính năng cho hệ thống, tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho thân nhân liệt sĩ và các cơ quan quản lý. Nếu có cơ hội, chúng tôi rất mong muốn được hoàn thiện hệ thống và mở rộng triển khai cho các nghĩa trang liệt sĩ khác.”, ông Phương chia sẻ.

 

Phạm Sơn – khampha.vn

Điểm đặc biệt của Hội thảo Smart City 360 độ là tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

 

Chiều 26-7, tại Hội thảo Smart City 360 độ lần thứ 2 với chủ đề “Giải pháp tương tác thời gian thực cho đô thị thông minh”, do Viện Khoa học và Công nghệ tính toán (ICST) thuộc Sở KH-CN TPHCM tổ chức, đông đảo đại diện các cơ quan nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, startup đã cùng thảo luận về các nghiên cứu, ứng dụng về mô hình, ứng dụng kỹ thuật phân tích đáp ứng đồng bộ, tối ưu hóa tương tác thời gian thực để giải quyết các vấn đề cụ thể của giao thông, y tế, môi trường.

 

Bên cạnh đó là các vấn đề về kiến trúc phần cứng và phần mềm có liên quan đến tương tác thời gian thực như hạ tầng truyền thông, cấu trúc bộ nhớ chuyên dụng, thiết kế vi mạch tích hợp cho ứng dụng thời gian thực, phần mềm mô phỏng cho các kiến trúc và ứng dụng mới…

 

 

Diễn giả báo cáo tham luận tại VIO 2018

 

Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Kỳ Phùng (Viện trưởng ICST), đại diện ban tổ chức cho biết: “Điểm đặc biệt của Hội thảo Smart City 360 độ là tính kết nối giữa nghiên cứu với thực tiễn ứng dụng tại nhiều tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Những tham luận tại hội thảo thể hiện tính ứng dụng cụ thể, thực tế trong các lĩnh vực liên quan đến đô thị thông minh và công nghiệp 4.0”.

 

Ông Nguyễn Kỳ Phùng cũng đại diện ICST giới thiệu Hệ thống quan trắc và cảnh báo chất lượng không khí. Đây là nội dung chính trong đề tài nghiên cứu ứng dụng Xây dựng hệ thống dự báo không khí vùng TPHCM, với hướng tiếp cận mới là sử dụng các mô hình quang hóa (CMAQ) kết hợp với mô hình dự báo khí tượng (WRF) để dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực ở TPHCM và một số vùng lân cận. Giải pháp hiện được giới chuyên gia đánh sẽ là nền tảng giúp tiếp tục phát triển, hoàn thiện các hệ thống quan trắc, tính toán mô phỏng và dự báo chất lượng không khí khu vực thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới.

 

 

Tương tác trên màn hình cảm ứng truy xuất thông tin

 

Loạt 6 giải pháp Internet vạn vật (IoT) đặc thù cho thành phố thông minh ở Việt Nam do đại diện Global CyberSoft giới thiệu cũng thu hút sự quan tâm tại hội thảo. Các giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề cấp thiết, đặc thù của việc ứng dụng công nghệ cho thành phố thông minh tại Việt Nam, đặc biệt những giải pháp đã được kiểm nghiệm thành công qua thực tế triển khai như giải pháp giao thông thông minh SmartTraffic, giải pháp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao SmartAgri, giải pháp an ninh công cộng Public Satefy, nền tảng dịch vụ công City Center, giải pháp cho lĩnh vực hàng không Airport, bộ giải pháp bán lẻ FlexBA.

 

Trước đó trong sáng 26-7, nằm trong chuỗi sự kiện Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam lần thứ 23 – VIO 2018, khách mời và diễn giả cũng đã bàn luận chuyên sâu về phương thức, giải pháp chuyển đổi số để ứng dụng trong vận hành doanh nghiệp, quản lý nhân sự, số hóa tài liệu kỹ thuật…

 

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM, phát biểu khai mạc, nhấn mạnh: Trong kỷ nguyên số, dữ liệu chính là tài sản của doanh nghiệp. Hiện công nghệ và giải pháp phục vụ chuyển đổi số trên thị trường đã sẵn sàng với rất nhiều lựa chọn, được cung cấp từ các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Nhưng làm sao để kết nối được giữa sự hiểu biết về công nghệ và chuyển hóa thành ứng dụng trong điều hành doanh nghiệp hiệu quả, bền vững chính là vấn đề lớn mà việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp cần phải giải quyết được.

 

Để tiếp cận với công nghệ số và chuyển đổi dữ liệu, theo ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Tin học TPHCM, doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, tiếp cận theo hướng hệ sinh thái để cung cấp các sản phẩm và dịch vụ, tăng hiệu quả quản lý thông tin, tạo hình mô quản lý nhân lực linh hoạt đáng tin cậy và tối ưu hoá quy trình nghiệp vụ.

 

 

Các doanh nghiệp tìm cơ hội hợp tác trong chuyển đổi số

 

Bên cạnh đó, muốn bắt tay vào quá trình chuyển đổi số, các chuyên gia cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên bắt đầu chuyển đổi số từ những việc nhỏ nhưng có tầm nhìn lớn. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể bắt đầu từ việc số hóa tài liệu để hạn chế in ấn giấy tờ, tiết kiệm thời gian cho khách hàng; hoặc bước đầu số hóa quy trình giao việc, kiểm soát công việc trong doanh nghiệp với một giải pháp trên nền tảng đám mây.

 

GIA QUẢNG - SGGP

Ngày 24/7, đoàn đại biểu Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận do Phó Giám đốc Trương Khương Hải dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.

 

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM đã trao đổi với đoàn về những kinh nghiệm mà TP.HCM có được trong 3 năm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vừa qua.

 

Trong năm 2017, đã có 30 dự án được đồng ý hỗ trợ với tổng kinh phí hỗ trợ gần 22,6 tỷ đồng từ chương trình SpeedUp của Sở KH&CN TP.HCM. Các gói hỗ trợ tài chính từ ngân sách thông qua các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp đã góp phần giúp các startup vượt qua những khó khăn ban đầu, nâng cao trình độ và tạo sức bật mới cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

 

Cùng với đó, không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở KH&CN TP.HCM dù mới đi vào hoạt động hơn một năm nhưng đã trở thành địa chỉ quen thuộc của cộng đồng khởi nghiệp thành phố Hồ Chí Minh và khu vực. SIHUB còn đang đóng vai trò cầu nối gắn kết cộng đồng khởi nghiệp trong nước với quốc tế thông qua các chương trình hợp tác quốc tế đa dạng.

 

 

Sở KH&CN Bình Thuận đánh giá cao những kinh nghiệm mà Sở KH&CN TP.HCM chia sẻ và mong muốn triển khai những mô hình tương tự tại địa phương.

 

Sở KH&CN TP.HCM cũng là đầu mối liên kết các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp, dần hình thành nên hệ sinh thái bền vững, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo hay cũng đã được các cơ sở, quận huyện của thành phố ứng dụng hiệu quả.

 

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, trong các hoạt động đó thì vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp được đặt vào trung tâm; xoay quanh đó là cơ chế chính sách, chuyển giao công nghệ, các tổ chức trung gian, hỗ trợ... tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Nhà nước đóng vai trò ban hành cơ chế chính sách và là nơi kết nối các thành phần của hệ sinh thái KN ĐMST để tất cả cùng nhau phát triển.

 

Tại buổi làm việc, hai bên trao đổi các vấn đề cụ thể như mô hình không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo SIHUB; mô hình Chợ công nghệ thiết bị trực tuyến; mô hình quản lý và phát triển khoa học công nghệ cơ sở và thị trường khoa học công nghệ.

 

Các thành viên đến từ Sở KH&CN Bình Thuận đánh giá cao những kinh nghiệm, mô hình mà Sở KH&CN TP.HCM chia sẻ. Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận, ôngTrương Khương Hải cho biết Sở KH&CN tỉnh Bình Thuận mong muốn được hợp tác, triển khai những mô hình tương tự tại địa phương.

 

Phạm Sơn – khampha.vn

 

Khách tham dự chương trình sẽ được giới thiệu công nghệ in 3D do nhóm nghiên cứu của trường ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu và phát triển. Cùng với đó, các chuyên gia cũng sẽ trực tiếp tư vấn và thiết kế các loại sản phẩm máy in 3D phù hợp với từng doanh nghiệp.

 

Với những ưu điểm vượt trội, công nghệ in 3D đang được ngày càng nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu và ứng dụng. In 3D đang dần xuất hiện rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ quy mô phòng thí nghiệm cho tới sản xuất công nghiệp.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng công nghệ In 3D sẽ nhanh chóng trở thành xu thế phổ biến trong tương lại gần. Bởi vậy, sáng 20.07, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) sẽ tổ chức chương trình báo cáo với nội dung “Công nghệ in 3D - Hướng ứng dụng trong tương lai” để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà quản lý và nhà nghiên cứu cập nhật thông tin về công nghệ tiên tiến có khả năng ứng dụng cao này.

 

Chương trình được thực hiện trên cơ sở phối hợp với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, theo các chủ đề được chọn lọc, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu và sản xuất tại TP.Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

 

 

Một số sản phẩm in 3D tại ngày hội in 3D do Sở KH&CN TP.HCM tổ chức tháng 5.2018

 

Trong khuôn khổ chương trình, các chuyên gia từ trường ĐH Bách khoa TP.HCM có những báo cáo mới nhất về tổng quan nghiên cứu và ứng dụng công nghệ in 3D tại Việt Nam và thế giới.

 

Khách tham dự chương trình sẽ được giới thiệu công nghệ in 3D do nhóm nghiên cứu của trường ĐH Bách khoa TP.HCM nghiên cứu và phát triển. Cùng với đó, ông Võ Hồng Kỳ - Giám đốc Công ty TNHH Siemens Việt Nam và các chuyên gia cũng sẽ trực tiếp tư vấn và thiết kế các loại sản phẩm máy in 3D phù hợp với từng doanh nghiệp.

 

Chương trình sẽ được tổ chức từ 8h30 sáng thứ sáu ngày 20.7 tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM, 79 Trương Định, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM. Các cá nhân, tổ chức quan tâm đến chương trình có thể đăng ký tại đây hoặc gửi email tới địa chỉ xuhuongcongnghe@cesti.gov.vn trước ngày 19.7.2018.

 

Phạm Sơn – khampha.vn

 

 

 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353