SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM đã có nhiều hoạt động để đưa kết quả nghiên cứu, sáng chế vào thực tế như hỗ trợ kết nối cung - cầu, đầu tư hoàn thiện công nghệ, đăng ký quyền sở hữu trí tuệ… để tiến tới chuyển giao,  thương mại hóa sản phẩm. 

Để làm được việc này, đòi hỏi phải có một “sân chơi” hay “chợ” để mọi bên có nhu cầu tìm đến, tham gia vào các hoạt động. Hiện nay, Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (Techport) đã và đang làm nhiệm vụ này và qua từng giai đoạn phải nâng cấp liên tục mới mong đạt được những kết quả như mong đợi. 

 
“Chợ” công nghệ liên tục được nâng cấp ảnh 1
Giới thiệu chuyển giao công nghệ tại CESTI
 
Từ Techmart Online…


Trước khi có Cổng thông tin giao dịch công nghệ (Techmart Online), Chợ công nghệ và thiết bị TPHCM được Trung tâm Thông tin và Thống kê KH-CN TPHCM (CESTI - thuộc Sở KH-CN TPHCM) xây dựng và vận hành từ năm 2002. Sau đó, do nhu cầu thúc đẩy hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ trên địa bàn TP, từ năm 2016, CESTI đã nâng cấp chợ thành Techmart Online với nhiều chức năng hơn.
 
Techmart Online có các chức năng chính như giao dịch công nghệ, tư vấn chuyển giao công nghệ, tìm kiếm đối tác… Các đối tượng tham gia hệ thống gồm bên bán là các viện, trường, doanh nghiệp có sản phẩm cần chào bán công nghệ, thiết bị, kết quả nghiên cứu, sáng chế; bên mua là các tổ chức, cá nhân có nhu cầu về công nghệ và thiết bị. Techmart Online “mở cửa” đã trở thành nơi kết nối các nhu cầu mua bán thiết bị, giải pháp KH-CN giữa nhiều doanh nghiệp cũng như các dự án, công ty khởi nghiệp (startup) tại TPHCM. Cổng thông tin này được xây dựng theo mô hình B2B (Business to Business). Theo bà Bùi Thanh Bằng, Giám đốc CESTI, hệ thống sẽ hỗ trợ hai bên tiến hành giao dịch trực tiếp, tự quyết định mọi vấn đề trong quá trình mua bán như tìm kiếm, giới thiệu cho đến liên hệ hoặc giao dịch. Hệ thống cũng cung cấp đầy đủ thông tin, bên mua lẫn bên bán sẽ tự xác định thời điểm thực hiện giao dịch trực tiếp, ký hợp đồng để hoàn tất việc mua bán, chuyển giao công nghệ, thiết bị.

Không chỉ hỗ trợ thông tin mua bán, Techmart Online còn giúp các bên giao dịch tiếp xúc với các tổ chức, chuyên gia tư vấn tham gia vào quá trình giao dịch trên hệ thống để đảm bảo quyền lợi của mình. Theo CESTI, trên hệ thống hiện có khoảng 100 nhà tư vấn thuộc nhiều lĩnh vực: pháp lý, định giá công nghệ, tư vấn sở hữu trí tuệ... Ngoài ra, Techmart Online còn tổ chức hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân sở hữu ý tưởng, dự án kinh doanh, dự án khởi nghiệp... có điều kiện kết nối, trao đổi, tìm kiếm cơ hội kinh doanh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. 

Qua quá trình hoạt động, CESTI đã từng triển khai các mô hình giao dịch về thiết bị, giải pháp KH-CN như chợ công nghệ và thiết bị thường xuyên (Techmart Daily), chợ công nghệ và thiết bị định kỳ (Techmart chuyên ngành và khu vực), chợ công nghệ và thiết bị cấp quốc gia (Techmart quốc gia), trở thành nơi kết nối thiết thực với doanh nghiệp, tổ chức KH-CN trong cả nước. 

…đến Techport

Đến nay, Techmart Online tiếp tục được nâng cấp thành Techport để tiếp tục giới thiệu, kết nối và chuyển giao công nghệ. Đến hết năm 2018, Techport đặt mục tiêu trở thành “kênh giao tiếp quan trọng” với 5.000 sản phẩm, sáng chế khoa học được đăng tải thường xuyên.

Techport vận hành tại địa chỉ Techport.vn gồm phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, kết nối trực tuyến bên cung, bên cầu và các tổ chức trung gian với 3 chức năng chính: Giao dịch công nghệ, dịch vụ tư vấn và tìm kiếm đối tác. Với cơ chế mở, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu tìm mua, chào bán công nghệ, dịch vụ, tìm đối tác đều có thể đăng ký tài khoản và tác nghiệp tự động trên hệ thống. Bà Bùi Thanh Bằng cho biết: “Đến tháng 11-2018, Techport có 4.649 công nghệ thiết bị, 657 nhà cung ứng, 831 tổ chức, chuyên gia (trong đó có 648 chuyên gia tư vấn), 124 kết quả nghiên cứu, dự án tìm kiếm đối tác”. 

Để nâng cao kết nối và hòa vào xu hướng online, kể từ tháng 10-2018, hàng tuần trên Techport phát trực tiếp các hội thảo giới thiệu công nghệ tại Sàn giao dịch công nghệ TPHCM. Tính đến nay, CESTI đã phát trực tiếp 25 hội thảo công nghệ, thu hút 14.392 lượt xem, 42.855 lượt tiếp cận… Techport còn được giới thiệu đến lãnh sự quán, đại sứ quán các nước và đã có 15 quốc gia nhiều lượt truy cập vào hệ thống. Số lượt truy cập trên Techport tăng hàng tháng, từ 6.559 lượt vào tháng 1-2018 đến 19.786 lượt vào cuối tháng 10-2018.

TPHCM đang thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH-CN, đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất lao động. Theo mục tiêu của Chương trình thúc đẩy phát triển thị trường KH-CN giai đoạn 2016-2020 được UBND TPHCM phê duyệt, giá trị giao dịch mua bán các sản phẩm và dịch vụ KH-CN trên thị trường TP giai đoạn 5 năm tới tăng bình quân trên 15%/năm và không dưới 20% đối với một số lĩnh vực công nghệ cao được nhà nước ưu tiên đầu tư.

 

BÁ TÂN - SGGP

Đây là năm thứ 3 liên tiếp cuộc thi không có giải đặc biệt với giải thưởng hiện kim 20 triệu đồng. 

Trao 11 giải nhất cuộc thi nghiên cứu khoa học Euréka - 1

Bà Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM (giữa) chụp hình lưu niệm với đại diện Ban tổ chức và các thí sinh đạt giải nhất cuộc thi Euréka năm 2018. Ảnh: TST.

Mỗi giải nhất từng lĩnh vực sẽ có giải thưởng hiện kim 10 triệu đồng, huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương đoàn. Riêng lĩnh vực kinh tế năm nay không có giải nhất trong tổng số 12 lĩnh vực cuộc thi, mặc dù đây là lĩnh vực có số lượng đề tài đăng ký tham dự nhiều nhất.

Tối 24/11, Thành đoàn phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM đã tổ chức lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 20. Cuộc thi có sự đồng hành của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở đã đến tham dự và trao giải cho các đề tài đạt giải.

Phát biểu tại lễ tổng kết, anh Phạm Hồng Sơn, Bí thư Thành đoàn TP.HCM nói, 20 năm giải thưởng Euréka đã đồng hành cùng sinh viên, chia sẻ với các bạn trẻ niềm đam mê nghiên cứu, khám phá và làm chủ khoa học công nghệ.

Nhiều thí sinh khi tham gia giải thưởng tiếp tục phát triển đề tài nghiên cứu thành các công trình khoa học, trở thành những nhà khoa học có uy tín, những vị trí quan trọng trong nhiều lĩnh vực, giảng dạy tại các trường ĐH, CĐ,…

“Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trưởng thành từ giải thưởng đã tiếp tục trở lại, đồng hành với vai trò là cố vấn, giảng viên hướng dẫn, hay tham gia làm hội đồng khoa học chấm đề tài”- anh Sơn chia sẻ.

Anh Sơn nói thêm, Euréka đã quy tụ được nhiều thế hệ sinh viên có đam mê, khát vọng nghiên cứu, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. giải thưởng là nguồn giải pháp cho nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế.

Tổng kết giải thưởng, 11 đề tài có tính sáng tạo đã được trao giải nhất dành cho các sinh viên, nhóm sinh viên tham gia cuộc thi. Cụ thể: Đề tài “Ứng dụng dioxide dạng hạt nano cho xử lý khí ô nhiễm” (lĩnh vực công nghệ hóa dược); Đề tài “Robot massage sử dụng trí tuệ nhân tạo” (lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ); Đề tài “Sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện trong thành phần xi măng làm lớp mặt đường giao thông nông thôn” (lĩnh vực tài nguyên môi trường),…

Ban tổ chức cũng trao 11 giải nhì, 15 giải ba và 63 giải khuyến khích cho các sinh viên, nhóm sinh viên.

Năm 2019, giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka sẽ do trường ĐH giao thông vận tải TP.HCM đăng cai.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Ngày hội sẽ giúp học sinh nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hành vi, thói quen tiết kiệm năng lượng tại nơi ở, trường học và nơi công cộng.

Học sinh trường THCS Nguyễn Văn Tố với dự án sáng tạo "Mô hình hồ cá thông minh".

Học sinh trường THCS Nguyễn Văn Tố với dự án sáng tạo "Mô hình hồ cá thông minh". 

Ngày hội sẽ giúp học sinh nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hành vi, thói quen tiết kiệm năng lượng tại nơi ở, trường học và nơi công cộng.

Đây là chủ đề của ngày hội “Khoa học sáng tạo chủ đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường” sắp được tổ chức tại TPHCM. Sự kiện nhằm thực hiện chủ trương của UBND TPHCM và chỉ đạo của Sở KH&CN TPHCM về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong trường học.

Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) phối hợp với các Phòng GD&ĐT tại quận, huyện sẽ tổ chức ngày hội trải nghiệm cho học sinh tiểu học.

Theo ông Nguyễn Xuân Vinh, đại diện SIHUB, ngày hội với mục tiêu mang đến những trải nghiệm thú vị thông qua nhiều hoạt động và thông tin thiết thực, giúp học sinh nâng cao nhận thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm, có hành vi, thói quen tiết kiệm năng lượng tại nơi ở, trường học và nơi công cộng.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia về tiết kiệm năng lượng của đơn vị, cùng với những gian hàng triển lãm các thiết bị điện có ứng dụng đổi mới công nghệ, sẽ giúp các em cập nhật, bổ sung được những kiến thức về tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo. Đồng thời, khuyến khích các em đề xuất các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

“Chúng tôi mong muốn tạo được cho các em một không gian vui chơi, thỏa sức sáng tạo mà vẫn đảm bảo nhận được nhiều kiến thức bổ ích từ việc vui chơi”- ông Vinh nói.

Ngày hội “Khoa học sáng tạo chủ đề tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường” sẽ được tổ chức vào sáng 25/11 tới tại Nhà thiếu nhi Quận 10, 139 Bắc Hải, Phường 14, Quận 10, TPHCM.

 

Tiến Vượng - giaoducthoidai.vn

Các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là nội dung quan trọng trong kế hoạch hợp tác giữa Sở KH&CN TP.HCM và Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 20.11, tại Sóc Trăng, Sở KH&CN TP.HCM và Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng ký kết Biên bản hợp tác phát triển KH&CN giữa 2 bên trong giai đoạn 2019 - 2020, trong đó, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ về hoạt động KH&CN của tỉnh Sóc Trăng, bà Võ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng cho biết thời gian qua lĩnh vực này đã có nhiều tiến bộ tích cực. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh còn nhiều khó khăn do thiếu các trường đại học, trung tâm ươm tạo trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động hỗ trợ chỉ mới dừng ở khởi sự kinh doanh mà vẫn thiếu các startup đúng nghĩa.

Theo kế hoạch hợp tác, 2 Sở sẽ phối hợp triển khai ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đổi mới công nghệ, thiết bị và nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đào tạo, tập huấn  nâng cao nghiệp vụ về phân tích kiểm nghiệm, sở hữu trí tuệ…

Ngoài ra, 2 bên sẽ phối hợp xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng KH&CN trong hoàn thiện công nghệ, sản xuất sản phẩm mẫu, thử nghiệm sản phẩm, đổi mới công nghệ…

TP.HCM hỗ trợ Sóc Trăng tạo lập các startup 'đúng nghĩa' - 1

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM và bà Võ Thị Hiếu Đông, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng, ký kết biên bản hợp tác

Đặc biệt, các hoạt động thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp là nội dung quan trọng trong kế hoạch hợp tác giữa Sở KH&CN TP.HCM và Sở KH&CN tỉnh Sóc Trăng.

Cụ thể, Sở KH&CN TP.HCM sẽ tham gia, hỗ trợ tìm kiếm, phát hiện các tổ chức, cá nhân có kết quả nghiên cứu, ý tưởng sáng tạo qua các sự kiện, cuộc thi đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp tại tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới như Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Techfest Soctrang, Ngày hội STEM, Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo Sóc Trăng.

Sở KH&CN của TP.HCM và tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ hợp tác hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo về kiến thức quản lý, tầm nhìn và kết nối với các chương trình, các nhà đầu tư, chuyên gia tư vấn, các khóa huấn luyện, bồi dưỡng.

Các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo khả thi cũng sẽ nhận được hỗ trợ để hoàn thiện công nghệ, thử nghiệm sản phẩm thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN.

“Chương trình hợp tác với Sở KH&CN TP.HCM, xuất phát từ nhu cầu thực tế từ lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh của tỉnh. Chúng tôi mong muốn sự hỗ trợ của Sở KH&CN TP.HCM, SIHUB về các khóa đào tạo, môi trường ươm tạo, kết nối với cộng đồng tư vấn, hõ trợ khởi nghiệp. Tôi tin rằng thời gian tới, hoạt động khởi nghiệp sẽ có kết quả tốt hơn”, bà Võ Thị Hiếu Đông chia sẻ. 

 
Phạm Sơn - khampha.vn
TP.HCM thúc đẩy "liên kết 4 nhà” - công thức phát triển của thế giới

Lãnh đạo thành phố và các viện trường chứng kiến ký kết hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học

 

Đó là nhận định của các đại biểu tham gia tọa đàm “Tứ giác sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0” diễn ra chiều 16/11/2018. Chương trình do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức, với sự tham gia của đại diện từ nhiều doanh nghiệp, các nhà khoa học, các trường viện và lãnh đạo thành phố.

Phát biểu gợi mở tọa đàm, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Để có được sản phẩm chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn là một áp lực lớn với doanh nghiệp trong nền kinh tế cạnh tranh như hiện nay. Để có thành công, cần mối quan hệ chặt chẽ giữa 4 nhà (Nhà nước + nhà doanh nghiệp + nhà khoa học + nhà đầu tư tài chính), đây là công thức phát triển lâu đời của thế giới, nhưng Việt Nam - do 4 nhà vẫn chưa liên kết với nhau, nên vẫn chưa tăng tốc được.

“Người ta nói tới cách mạng công nghiệp 4.0 là sự tương tác của nhiều công nghệ cùng lúc, là đa ngành, nếu chúng ta đứng riêng lẻ khó lắm, không nhập cuộc cạnh tranh lâu dài được. Vậy vì sao doanh nghiệp – viện trường không kết nối tốt được; Nhà nước đầu tư thế nào hiệu quả và cơ chế tài chính thế nào để các nhà đầu tư triển vọng nhập cuộc?”, ông Nhân đặt vấn đề.

Các đại biểu cho rằng vướng mắc lớn nhất để thương mại hóa là các nhà nghiên cứu dựa trên ý tưởng nên còn khoảng cách khá xa với thực tiễn doanh nghiệp. Trong khi các trường viện và doanh nghiệp chưa gắn kết thì cơ chế cũng chưa thúc đẩy, việc chuyển giao công nghệ còn nhiều khó khăn.

TP.HCM thúc đẩy liên kết 4 nhà - công thức phát triển của thế giới

Đại diện doanh nghiệp góp ý với thành phố về các cơ chế liên kết phát triển giữa doanh nghiệp với viện trường

 

Ông Kiều Huỳnh Sơn – Giám đốc Công ty Máy và sản phẩm Thép Việt, Phó chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP.HCM nói: “Trong ngành công nghiệp chế tạo máy cơ khí điện, việc đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn với doanh nghiệp, cho dù nhà nước, nhà khoa học hay nhà đầu tư tài chính có đồng hành hay không chúng tôi cũng phải làm bằng nhiều cách, làm hàng quý, hàng năm”.

Ông Sơn cho rằng doanh nghiệp rất cần liên kết với các trường - viện nhưng việc kết nối vẫn chưa thuận do các bên vẫn đợi chờ lẫn nhau. Theo ông, các trường chưa nhìn nhận doanh nghiệp như một khách hàng, mời gọi còn khó khăn, trong khi các nhà cung cấp nước ngoài mời là họ đến ngay. “Họ không chỉ hướng đến công ty chúng tôi mà hướng đến thị trường hơn 90 triệu dân, qua các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp họ có thể kết nối được những đối tác lớn hơn", ông Sơn nói.

Ông Sơn đề xuất, về phía doanh nghiệp cần thông qua các hiệp hội tạo kênh kết nối với trường viện; phía trường viện xem doanh nghiệp là đối tác nghiên cứu và chính là khách hàng, đối tác đồng hành của mình. Nhà nước có chủ trương hỗ trợ kinh phí, lên kế hoạch triển lãm, xây dựng chương trình hoặc quỹ hỗ trợ rủi ro trong các đặt hàng nghiên cứu của doanh nghiệp với viện trường hoặc các chuyên gia.

Đối với các hợp tác hoặc chuyển giao công nghệ giữa các trung tâm trường viện với doanh nghiệp, hai bên nên ký theo nguyên tắc thị trường, không nên hỗ trợ kiểu bao cấp, tuy nhiên nhà nước có thể xây dựng các chương trình đăng ký song song, đồng hành, nghiệm thu và giải ngân hỗ trợ (coi như phần giá trị thặng dư nghiên cứu) sau khi hợp đồng chuyển giao hoàn tất. Như vậy trách nhiệm của phía chuyển giao sẽ lớn hơn và chấp nhận chia sẻ rủi ro, thiệt hại vật chất nếu dự án không thành công.

TS. Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thừa nhận năng lực của nhiều nhà nghiên cứu không theo kịp doanh nghiệp. “Tôi nhiều lần dẫn các thầy tới gặp doanh nghiệp, có những doanh nghiệp đặt hàng các thầy có thể làm được nhưng nhiều cái thì không thể. Nguyên nhân do các hoạt động nghiên cứu gói gọn trong khuôn khổ nhà trường, giáo viên không có nhiều tương tác với thực tiễn sản xuất của doanh nghiệp, trong khi công việc giảng dạy chiếm quá nhiều thời gian”.

TP.HCM thúc đẩy liên kết 4 nhà - công thức phát triển của thế giới

TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM phát biểu tại tọa đàm

 

Ông Dũng cho biết hiện trường phân thành 4 loại giảng viên, người giỏi nghiên cứu sẽ chuyên nghiên cứu. Tới đây trường có quy chế một giảng viên đứng lớp 2-3 năm phải ra ngoài doanh nghiệp lấy thực tế sau đó có thể quay về trường giảng dạy mới hiệu quả được. Ông cũng góp ý rằng cho đến nay một số doanh nghiệp vẫn có suy nghĩ tận dụng tiền nhà nước để làm đề tài. “Cần dẹp bỏ tư duy thời đại cũ này, doanh nghiệp phải bỏ tiền tạo sản phẩm, làm lời cho mình thì mới nâng tầm mình lên", TS. Dũng chia sẻ.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng việc đổi mới sáng tạo trong cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò góp sức lớn vào phát triển kinh tế thành phố theo hướng bền vững. Theo ông hiện nay sự gắn kết giữa các đơn vị còn rất khiêm tốn so với quy mô trên toàn thành phố có đến 156 viện trường và 141 tổ chức khoa học công nghệ, nhưng cộng đồng doanh nghiệp và các trung tâm nghiên cứu vẫn chưa tận dụng được thế mạnh của nhau.

“Muốn cạnh tranh và vươn ra toàn cầu, doanh nghiệp phải tăng năng suất, vậy thì không có con đường nào khác ngoài đổi mới sáng tạo, đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Doanh nghiệp càng mở rộng quy mô càng phải gắn kết với khoa học công nghệ, nâng cấp trình độ quản trị để theo kịp nền kinh tế hiện đại”, ông Phong nhấn mạnh.

 

Tuyết Ân - doanhnhansaigon.vn

Các đối tượng tham gia danh sách mô hình điểm sẽ được hỗ trợ tuyên truyền, tham quan và học tập với mức 15 triệu đồng/lần/ngày và hỗ trợ kinh phí xây dựng, hình thành mô hình điểm. 

 

Tại hội thảo “Quản lý chất lượng 4.0” vừa qua, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM đã giới thiệu tới cộng đồng doanh nghiệp kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức tham gia hình thành doanh nghiệp kiểu mẫu. Đây là hoạt động thuộc dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp TP.HCM đến năm 2020”.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hà, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM, cho biết năm 2018, Sở KH&CN TP.HCM đã bước đầu triển khai, phát triển phong trào năng suất thông qua việc xây dựng, hình thành các mô hình doanh nghiệp kiểu mẫu/ mô hình năng suất điển hình về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

"Trong đó, hỗ trợ nhân rộng các mô hình điểm tại các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của Thành phố, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố", ông Hà nhấn mạnh.

TP.HCM sắp có doanh nghiệp 'mẫu' về quản lý chất lượng - 1

Ông Nguyễn Văn Hà phát biểu tại hội thảo

Đối tượng tham gia thực hiện mô hình điểm là các doanh nghiệp, tổ chức đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai áp dụng thành công ít nhất 1 hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng hoặc hình thành mô hình điểm thông qua tổ chức tư vấn có đủ chức năng, năng lực huấn luyện, tư vấn doanh nghiệp hình thành mô hình điểm.

Các đối tượng tham gia danh sách mô hình điểm sẽ được hỗ trợ tuyên truyền, tham quan và học tập với mức 15 triệu đồng/lần/ngày và hỗ trợ kinh phí xây dựng, hình thành mô hình điểm tùy theo nội dung.

Ngoài ra, các doanh nghiệp, tổ chức cũng sẽ được hỗ trợ quảng bá hình ảnh, hỗ trợ tra cứu, tìm hiểu và ứng dụng cách thức  xây dựng hệ thống, công cụ tại doanh nghiệp thông qua mô hình chuẩn về các hệ thống quản lý chất lượng và công cụ nâng cao năng suất chất lượng.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2019, Sở KH&CN TP.HCM sẽ hỗ trợ 10% doanh nghiệp trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố và 3% các doanh nghiệp thuộc các nhóm còn lại. Mục tiêu là hình thành 20 doanh nghiệp mô hình điểm về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng như 5S, KPI, ISO 9001, ISO 14000. Những mô hình điểm này sẽ được triển khai nhân rộng từ năm 2020.

TP.HCM sắp có doanh nghiệp 'mẫu' về quản lý chất lượng - 2

Mô hình hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001

Các doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu xin gửi hồ sơ đăng ký tới Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM tại địa chỉ 263 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TP.HCM.

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, lần thứ 25 (2017 – 2018) do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, Liên Đoàn Lao động Thành phố, Thành Đoàn thành phố cùng phối hợp với các sở, ngành của Thành phố phát động, nhằm hưởng ứng Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Tòan quốc và Giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC), đồng thời hưởng ứng 7 chương trình đột phá của thành phố (2015-2020): (1)Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (2) Chương trình cải cách hành chính; (3) Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế thành phố đáp ứng yêu cầu hội nhập; (4)Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; (5) Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; (6) Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; (7) Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị

CÁC LĨNH VỰC PHÁT ĐỘNG

1. Giải pháp/Công nghệ xây dựng Thành phố thông minh
2. Điện, điện tử, Công nghệ thông tin, viễn thông
3. Cơ khí và tự động hóa, giao thông
4. Công nghệ Sinh học, nông nghiệp,Công nghệ thực phẩm
5. Công nghệ vật liệu, xây dựng, thủy lợi, phòng chống ngập lụt đô thị
6. Công nghệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới
7. Y tế,giáo dục chuyên nghiệp và Đại học

Kính mời Quý đơn vị, quý tác giả tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM lần thứ 25 (2017-2018).

Hạn chót gửi Hồ sơ tham gia: ngày 31/12/2018. Phiếu đăng ký tham gia và Thể lệ vui lòng tải về tại đây

Hồ sơ tham gia xin gửi về: Phòng Quản lý Sở hữu Trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố, 273 Điện Biên Phủ, P.7, Quận 3 (Anh Tuấn Anh – 077 878 4575)

Sáng nay, những sự kiện chính trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 (WHISE 2018) chính thức bắt đầu. Ngay từ sáng sớm, các đại biểu trong và ngoài nước cũng như đông đảo khách tham quan đã tới tham dự chuỗi sự kiện đặc biệt này.

 

Trong hai ngày 18-19/10, tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace - TP.HCM, sẽ diễn ra chuỗi sự kiện chính của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 (WHISE 2018) với điểm nhấn là Triển lãm công nghệ và Hội nghị Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo với khoảng 200 gian hàng. 

Hướng tới Thành phố đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Phát biểu chào mừng chuỗi sự kiện của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2018, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết: “Hàng năm thành phố đóng góp trung bình khoảng 22% tổng sản phẩm quốc nội, 1/4 sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách và 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để tiếp tục duy trì và phát huy các thành tựu trên, Thành phố đã xác định mô hình phát triển kinh tế bền vững theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.”

Khai mạc Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM - WHISE 2018 - 1

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, phát biểu khai mạc chuỗi sự kiện

Cũng theo ông Lê Thanh Liêm, các hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Thành phố trong thời gian qua đã góp phần hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Thành phố, tạo sức lan tỏa mạnh từ cộng đồng doanh nghiệp đến cộng đồng xã hội và đạt được nhiều kết quả khả quan. Trong đó có: Diễn đàn kết nối startup Việt trong và ngoài nước; các chương trình hội thảo xây dựng thành phố thông minh, chính phủ điện tử, khoa học dữ liệu lớn (Big Data), làm việc và tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại các Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố…

Ngoài ra, Thành phố còn chủ động tham gia các chương trình hợp tác quốc tế như Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), Chương trình thúc đẩy khởi nghiệp Việt Nam (Vietnam Sillicon Valley)…; Tham quan mô hình và mời gọi chuyên gia tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Israel... nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo trong thời gian tới.

Khai mạc Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM - WHISE 2018 - 2

Lễ cắt băng khai mạc chuỗi sự kiện

Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2018 bao gồm khoảng 30 sự kiện kết nối đầu tư, cuộc thi và hội thảo mang tính chất quốc tế. Cùng với đó là hoạt động tôn vinh các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực vào hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tập hợp những mô hình khởi nghiệp thành công để giới thiệu đến cộng đồng, kết nối các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hơn nữa hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố.

Sự kiện cũng thể hiện rõ cam kết của Chính quyền Thành phố trong việc kiến tạo, hỗ trợ và đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp, sớm đưa TP.HCM trở thành Thành phố của đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong cả nước và khu vực.

Những dấu ấn quan trọng tại WHISE 2018

Trong khuôn khổ Triển lãm công nghệ và Hội nghị Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, UBND TP.HCM và Đại sứ quán Phần Lan đồng tổ chức Chương trình chung với chủ đề "Giải pháp Thông minh từ Phần Lan", gồm các hội thảo chuyên đề do Đại sứ quán Phần Lan chủ trì với nội dung liên quan tới Đổi mới sáng tạo, Giáo dục, Dữ liệu và Công nghệ Tài chính...

Sự kiện diễn ra trong ngày 18/10 này sẽ là cơ hội cho các đối tác của Phần Lan và Việt Nam chia sẻ  kinh nghiệm và giải pháp trong các lĩnh vực mục tiêu nhằm xây dựng TPHCM  trở thành thành phố thông minh và sáng tạo. Bộ trưởng Kinh tế và đoàn doanh nghiệp từ Phần Lan sẽ tham dự sự kiện này.

Khai mạc Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM - WHISE 2018 - 3

Đại diện nhiều Sở ban ngành, đơn vị tại TP.HCM và các cơ quan, đại diện quốc tế tham dự lễ khai mạc.

Ngoài ra, điểm nhấn trong Tuần lễ WHISE là Lễ trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM 2018 (I-Star 2018). Sau 5 tháng phát động, Ban tổ chức đã nhận được tổng cộng 197 bài dự thi, trong đó có 169 bài dự thi hợp lệ. 40 bài dự thi có số lượng yêu thích lớn đã được chọn vào vòng chung kết.

Ngày 19/10, Ban tổ chức Giải thưởng sẽ trao giải cho 11 tổ chức và cá nhân có thành tựu xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Giá trị mỗi giải thưởng là 50 triệu đồng.

Giải thưởng I-Star 2018 được coi là một trong những hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết quả nghiên cứu phát triển vào sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết các vấn đề của cộng đồng và tạo ra những đột phá mới cho sự tăng trưởng bền vững của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

I-Star được kỳ vọng sẽ trở thành giải thưởng thường niên quý giá, đem lại tác động tích cực cho sự phát triển của TP.HCM trong tương lai.

Tài trợ cho Giải thưởng I-Star là những doanh nghiệp, tổ chức uy tín trong hoạt động kinh doanh, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp như Tập đoàn Vingroup, Liên hiệp HTX Thương mại TpHCM (Saigon Co.op), Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica, Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM (CASE), Doanh nghiệp tư nhân bánh kẹo Á Châu (ABC Bakery), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ Cao - Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao, Phân Viện Chăn nuôi Nam Bộ, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigon Tourist, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH Đầu tư Nhà xưởng Lập Thành và Viện Nghiên cứu Nuôi Trồng Thủy sản II.

Tiếp nối thành công của Tuần lễ WHISE 2017, TP.HCM sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động liên kết, tương trợ lẫn nhau, hướng đến kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo không chỉ trong vùng mà lan rộng ra cả nước và quốc tế. Thông qua các hoạt động của Tuần lễ này, những dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo, có tiềm năng, có khả năng gọi vốn đầu tư sẽ được tiếp thêm sức mạnh và phát triển bền vững trong tương lai.

Hàng loạt sự kiện khác cũng sẽ được tổ chức trong chuỗi sự kiện kéo dài 2 ngày 18-19/10, gồm: Triển lãm “Trẻ em Sáng tạo”, Triển lãm sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp, Chương trình Kết nối đầu tư, Đầu tư vào Startups tại Việt Nam, Chương trình Startup Show, Hội thảo “Tech Startups”, Lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các tổ chức trong và ngoài nước nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của TPHCM, Hội thảo “Phát triển giáo dục trong tương lai”, Giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối các startup với nhà đầu tư và khách hàng.

Phạm Sơn - khampha.vn

Các chuyên gia nước ngoài rất quan tâm tới các gian hàng khởi nghiệp, trao đổi thông tin hợp tác với đại diện các dự án tại Tuần lễ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM (WHISE).

Sáng 18/10, Triển lãm Công nghệ và Hội nghị Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo năm 2018 với gần 200 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đã chính thức khai mạc. Đây là một trong những sự kiện chính tại tại Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp WHISE.

Tại các gian hàng, nhiều chuyên gia, khách mời từ Phần Lan tỏ ra rất quan tâm và trao đổi thông tin với các dự án khởi nghiệp của Việt Nam.

Chuyên gia quốc tế thích thú với triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại WHISE 2018 - 1

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và ông Mika Lintila, Bộ trưởng Bộ kinh tế Phần Lan, tham quan các gian hàng tại triển lãm các sản phẩm công nghệ.

Chuyên gia quốc tế thích thú với triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại WHISE 2018 - 2

Đại diện startup về nông nghiệp công nghệ cao giới thiệu với một chuyên gia nước ngoài.

Chuyên gia quốc tế thích thú với triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại WHISE 2018 - 3

Bà Trương Lý Hoàng Phi, giám đốc Trung tâm thanh niên khởi nghiệm (BSSC), giới thiệu các dự án khởi nghiệp Việt Nam với ông Mika Lintila.

Chuyên gia quốc tế thích thú với triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại WHISE 2018 - 4

Trao đổi thông tin với chuyên gia nước ngoài.

Chuyên gia quốc tế thích thú với triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại WHISE 2018 - 5

Gian hàng của một bạn trẻ là sinh viên ĐH khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng dành được sự quan tâm của một doanh nghiệp.

Chuyên gia quốc tế thích thú với triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại WHISE 2018 - 6

Chuyên gia quốc tế thích thú với triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại WHISE 2018 - 7

Sản phẩm sáng tạo của các em nhỏ trong cuộc thi Em vui sáng tạo.

Chuyên gia quốc tế thích thú với triển lãm sản phẩm khởi nghiệp tại WHISE 2018 - 8

Các sản phẩm sáng tạo của học sinh nhận được sự quan tâm của chuyên gia Phần Lan.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Hệ thống xử lý nước RO cho chạy thận được tích hợp với thiết bị kiểm tra chất lượng nước theo thời gian thực. Khi chất lượng nước đầu ra không đảm bảo, hệ thống ngay lập tức dừng hoạt động và cảnh báo cho người sử dụng.

 

Hệ thống xử lý nước RO nói trên được công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Tân Việt Mỹ thiết kế, chế tạo tại Việt Nam. 

Máy móc thông minh sẽ giúp ngăn ngừa tai biến chạy thận? - 1

Hệ thống xử lý nước RO cho chạy thận kết hợp cảnh báo sớm chất lượng nước đang được giới thiệu tại Techmart Y tế 2018

Theo đại diện của công ty, hệ thống do các chuyên gia của công ty tự nghiên cứu sản xuất và đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm FDA (Mỹ). Việc vận hành hoàn toàn tự động thông qua các van điều khiển điện tử. Hệ thống có thể được tủy chỉnh để đáp ứng công suất yêu cầu của từng bệnh viện, phòng khám.

Nước đầu vào hệ thống được dẫn qua các cột lọc than, cột lọc đa tầng và cột trao đổi Ion. Tại cột trao đổi Ion, nước được đi qua màng lọc để loại bỏ các chất rắn lơ lửng trước khi qua các màng lọc RO để tách bỏ các Ion kim loại và vi sinh. Sau đó, hệ thống thực hiện khử trùng nước bằng đèn UV hoặc máy tạo khí ozone để loại bỏ vi sinh vật.

Điểm nổi bật của hệ thống này so với các sản phẩm cùng loại nằm ở khả năng phát hiện và cảnh báo sớm khi chất lượng nước không đảm bảo, nhờ đó, giảm thiểu khả năng xảy ra các sự cố không đáng có.

Thiết bị kiểm soát chất lượng nước được gắn ở cuối nguồn ra của hệ thống để kiểm soát các chỉ tiêu như nhiệt độ, độ PH, độ dẫn điện... Nếu một trong các thông số vượt quá ngưỡng cho phép, thiết bị kiểm soát sẽ báo động và dừng hoạt động của hệ thống. Đồng thời, thiết bị cũng tự động gửi tin nhắn cảnh báo tới điện thoại của bác sĩ phụ trách.

Máy móc thông minh sẽ giúp ngăn ngừa tai biến chạy thận? - 2

Thiết bị theo dõi chất lượng nước được tích hợp vào cuối đầu ra của hệ thống. 

Ước tính, Việt Nam hiện có hơn 5 triệu bệnh nhân suy thận. Mỗi ngày, có khoảng 100.000 bệnh nhân phải thực hiện chạy thận. Trong khi chất lượng nước dùng cho chạy thận phải đảm bảo những tiêu chuẩn rất khắt khe nếu không sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như vụ việc 8 bệnh nhân tử vong khi chạy thận tại Hòa Bình năm 2017. Việc tích hợp chức năng kiểm soát chất lượng nước và cảnh báo sớm sẽ giúp những tai nạn thương tâm không tái diễn trong tương lai.

Máy móc thông minh sẽ giúp ngăn ngừa tai biến chạy thận? - 3

Chất lượng nước dùng cho chạy thận không đảm bảo có thể gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho người bệnh (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Phú Sỹ, đại diện công ty, cho biết: “Hiện tại, hệ thống đã được ứng dụng ở một số bệnh viện ở An Giang, Đồng Nai cũng như một số tỉnh thành ở Nam Bộ và nhận được phản hồi tích cực của các đơn vị.”

Thiết bị đang được trưng bày tại “Chợ công nghệ & thiết bị chuyên ngành y tế - Giải pháp môi trường cho bệnh viện và phòng khám - Medical Techmart 2018”. Sự kiện do Trung tâm Thông tin và Thống Kê KH&CN TP.HCM (CESTI) thuộc Sở KH&CN TP.HCM và Hội Thiết bị Y tế TP.HCM tổ chức.

Trong khuôn khổ Medical Techmart 2018, nhiều thiết bị, công nghệ tiên tiến khác trong lĩnh vực y tế đang được trưng bày, giới thiệu tại Sàn giao dịch công nghệ 79 Trương Định, Quận 1, TP.HCM từ ngày 11.10 đến 13.10.

 
Phạm Sơn - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353