SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

30 gian hàng trưng bày các sản phẩm sáng chế của 49 đơn vị sẽ giúp hàng nghìn bạn trẻ tại TP.HCM sống trong không khí lễ hội với đầy ắp khoa học công nghệ.

 

Liên hoan Tuổi trẻ Sáng tạo TP.HCM  lần 10 năm 2019 đã chính thức khai mạc vào sáng 09/11, diễn ra đến hết ngày hôm nay 10/11. Sự kiện do Thành đoàn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.

khtre3

Các bạn học sinh tham gia sân chơi về giáo dục STEM tại Liên hoan.

Liên hoan là ngày hội để tuổi trẻ thành phố giới thiệu đến đông đảo nhân dân, thanh thiếu nhi về những mô hình, ý tưởng sáng tạo của các cá nhân, tập thể tiêu biểu. Từ sân chơi này, các bạn được giao lưu, trao đổi kiến thức về học thuật, nghiên cứu và sáng tạo trong các đối tượng thanh thiếu niên, chuyển giao các sản phẩm sáng tạo, các đề tài nghiên cứu khoa học của tuổi trẻ thành phố cho các cơ quan.

Ngoài ra liên hoan còn tuyên dương các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào học tập, sáng tạo và nghiên cứu khoa học, tuyên dương các nhà khoa học trẻ tiêu biểu của thành phố.

Phát biểu tại lễ khai mạc, anh Ngô Minh Hải, Phó bí thư Thành đoàn TP.HCM mong muốn, từ liên hoan, các ý tưởng, mô hình được tuyên dương sẽ được áp dụng vào thực tiễn, giúp ích cho cộng đồng, xã hội và thúc đẩy phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật trong sinh viên, trí thức trẻ. Liên hoan là nơi phát hiện những tài năng khoa học mới cho thành phố và đất nước.

khtre2

Học sinh lắp ráp robot để tham gia cuộc thi trong khuôn khổ Liên hoan.

Còn anh Đoàn Kim Thành, giám đốc Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM đánh giá, nếu như các năm trước, Liên hoan có sự tham gia đông đảo của các bạn sinh viên, thì năm nay, số lượng các bạn học sinh tham gia đông hơn.

Điều này cho thấy, phong trào sáng tạo, nghiên cứu ở lứa tuổi này tại thành phố đang phát triển với chiều rộng và sâu. Vì thế, các bạn học sinh có nhiều sản phẩm hơn, phát triển nhiều công nghệ mới.

“Nhiều học sinh đã ứng dụng các công nghệ mới để chế tạo các tấm thẻ thông minh thay cho thẻ học sinh giúp nhà trường quản lý tốt hơn. Hay có học sinh làm các sản phẩm hỗ trợ cho bệnh nhân bị liệt, nằm bất động… Đó là những ý tưởng có tính ứng dụng thực tế, cần được khuyến khích và hỗ trợ”- anh Thành cho biết.

Liên hoan với sự tham gia 30 gian hàng của 49 đơn vị, dự kiến thu hút 15.000 lượt người đến tham quan và tham gia các hoạt động tại Sân 4A Nhà Văn hóa Thanh niên (Số 4 Phạm Ngọc Thạch, P.Bến Nghé, Q.1).

khtre

Khu vực khoa học vũ trụ, các bạn trẻ đang theo dõi mô hình về các hành tinh trong hệ mặt trời.

Trong khuôn khổ của Liên hoan, nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, tăng cường tính giao lưu, học hỏi, giúp khách tham quan trải nghiệm các ứng dụng, công nghệ mới như: Giới thiệu, triển lãm đề tài, sản phẩm, mô hình, ý tưởng, giải pháp kỹ thuật về sáng tạo, khoa học công nghệ của thanh thiếu nhi thành phố; Giới thiệu trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của thanh niên nông thôn; Ngày hội khoa học vũ trụ; Truyền thông vì môi trường; Triển lãm sản phẩm sáng tạo của thanh thiếu niên thành phố và các dịch vụ công trực tuyến; Các cuộc thi về robotic dành cho học sinh thành phố…

 

Vĩnh Hàn - khampha.vn

 

Những giải pháp xuất sắc nhất, tạo ra những hiệu quả thiết thực cho sự phát triển của TP.HCM đã được ban tổ chức lựa chọn để trao giải. 

Ứng dụng GIS giải quyết các vấn đề thực tiễn của Thành phố

Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều kiến trúc, biệt thự cổ mang linh hồn của TP.HCM đang dần biến mất. Với mong muốn lưu giữ lại những nét đẹp đó, Phan Trung Việt và các đồng đội từ Đại học CNTT TP.HCM đã lên ý tưởng “Lưu giữ Sài Gòn” để cộng đồng những người yêu Sài Gòn chia sẻ những địa điểm ấn tượng của thành phố cùng với những câu chuyện gắn liền với các địa điểm đó. 

Dự án sử dụng nền tảng HCMGIS, được phát triển bởi Trung tâm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý TP.HCM (HCMGIS) thuộc Sở KH&CN TP.HCM. Theo đó, "Lưu giữ Sài Gòn" ứng dụng HCMGIS OpenData để tham khảo, download vị trí các di tích trên bản đồ. Đồng thời kết hợp với HCMGIS GeoSurvey và HCMGIS StoryMaps để tạo và quản lý dự án sáng tác kí họa cũng như gắn kết các câu chuyện, hình ảnh với những di tích.

Nằm trong nhóm giải pháp, sản phẩm GIS sáng tạo, giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu GIS di động của Công ty Mapdas cho phép thu thập dữ liệu số hóa và lưu trữ dữ liệu bản đồ một cách nhanh chóng, chính xác và khoa học cho nhiều lĩnh vực như thu thập thông tin hạ tầng kỹ thuật giao thông (biển báo, đèn tín hiệu, bảng quang báo...), cây xanh, chiếu sáng…

gisbb

Biển báo giao thông tại khu vực sân bay

Công ty Mapdas đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp chuyên dụng, giúp việc thu thập, số hóa và lưu trữ dữ liệu bản đồ một cách nhanh chóng, chính xác và khoa học.

Trong khi đó, nhóm kỹ sư của Công ty Cổ phần cấp nước Bến Thành đã ứng dụng công nghệ GIS vào nghiên cứu, phát triển giải pháp quản lý sự cố cấp nước giúp giải quyết nhanh chóng các điểm rò rỉ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Trưởng ban Ban Quản lý giảm nước không doanh thu, Công ty ty Cổ phần cấp nước Bến Thành, chỉ tính trên địa bàn Quận 1 và Quận 3 của TP.HCM, số điểm rò rỉ nước mỗi năm là 2.500 - 3.000 điểm, gây thất thoát khoảng 18 triệu mét khối nước/năm.

gisbt

Hệ thống quản lý sự cố cấp nước ứng dụng công nghệ GIS của nhóm kỹ sư công ty Cổ phần cấp nước Bến Thành

Với ứng dụng này, khi nhận được thông báo, nhân viên sửa chữa có thể xem chính xác điểm rò rỉ trên bản đồ của hệ thống để nhanh chóng xử lý. Kết quả xử lý cũng được cập nhật ngay tại chỗ mà không cần về công ty báo cáo. Ước tính, trong năm 2018, lượng nước thất thoát tại Quận 1, Quận 3 đã giảm được 20%, tương đương hàng triệu mét khối nước.

Cơ hội nhận đầu tư lên đến 2 tỷ đồng

Với những hiệu quả thiết thực, những giải pháp nêu trên đã được vinh danh tại lễ trao giải cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp - sản phẩm GIS TTP.HCM năm 2018" diễn ra ngày 8/11/2019. Cuộc thi do Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM (HCMGIS) thuộc Sở KH&CN TP.HCM tổ chức. 

gistgiai

Lễ trao giải cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp - sản phẩm GIS TTP.HCM năm 2018" diễn ra ngày 8/11/2019 tại Sở KH&CN TP.HCM

Được phát động từ tháng 10/2018, cuộc thi đã thu hút được 72 sản phẩm dự thi trong nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ quản lý hành chính công cho tới hỗ trợ quy hoạch và các ứng dụng thực tế phục vụ dân sinh. Các sản phẩm dự thi là những giải pháp sáng tạo ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) để giải quyết các vấn đề thực tiễn của Thành phố, xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của Thành phố. 

Sau nhiều vòng thi và giai đoạn huấn luyện với sự đánh giá từ các chuyên gia uy tín, ban tổ chức đã lựa chọn và trao giải cho 5 giải pháp xuất sắc nhất. Ngoài các phần thưởng từ Ban tổ chức, các sản phẩm, giải pháp đạt giải sẽ được Sở KH&CN TP.HCM xét chọn đầu tư hoàn thiện với mức đầu tư lên đến tối đa 2 tỷ đồng cho mỗi giải pháp, sản phẩm.

gistgiai2

Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS, trao giải cho tác giả dự án "Lưu giữ Sài Gòn"

Nhận xét về cuộc thi, ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc HCMGIS, cho biết dù lần đầu tiên tổ chức nhưng cuộc thi đã đạt được thành công ngoài mong đợi của ban tổ chức. Cả 5 giải pháp được trao giải đều có tiềm năng ứng dụng rất lớn hoặc đã chứng minh được hiệu quả thực tế. Trong đó, có những giải pháp đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt, hoàn toàn có thể chuyển giao cho các đơn vị ở những địa phương ngoài TP.HCM. HCMGIS cũng đang tích cực hỗ trợ các nhóm tác giả tiếp tục phát triển, hoàn thiện giải pháp của mình.”

5 giải pháp được vinh danh tại cuộc thi "Tìm kiếm giải pháp - sản phẩm GIS TTP.HCM năm 2018":

Nhóm giải pháp ứng dụng nền tảng HCMGIS (HCMGIS Platforms): Dự án “Lưu giữ Sài Gòn” (Tác giả Phan Trung Việt và nhóm sinh viên từ Đại học CNTT TP.HCM); Ứng dụng GIS vào kinh doanh (nhóm tác giả từ Công ty cổ phần Cấp nước Trung An).

Nhóm giải pháp, sản phẩm GIS sáng tạo: Ứng dụng sản phẩm GIS để quản lý sự cố của mạng lưới cấp nước (Nhóm tác giả Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Thiện, Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Thành); Thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo, và phòng chống ngập cho TP.HCM (TS. Bùi Hữu Phú - Công ty Cổ phần Công nghệ Nam Long) và Giải pháp thu thập và số hóa dữ liệu GIS di động (Nhóm tác giả Huỳnh Khắc Minh Khôi, Nghiêm Xuân Hoàng, Lâm Nhất, Đặng Đình Huy, Công ty TNHH Mapdas).

 

Phạm Sơn - khampha.vn

Sáng nay (7/11), UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của Thành phố (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp)”.

 

Hội thảo với sự tham dự của các đại diện từ các Sở, ban ngành tại TP.HCM nhằm thúc đẩy và hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa 4 "nhà" (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp) trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc các ngành công nghiệp chủ lực.

4nha

Toàn cảnh Hội thảo

Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua chính quyền Thành phố đã có nhiều giải pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa cộng đồng khoa học và khu vực doanh nghiệp. Điển hình là chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với chi phí thấp còn gọi là Chương trình chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu với chi phí thấp bắt đầu từ năm 2000.

Thông qua chương trình này đã hình thành “tam giác liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - Doanh nghiệp”. Sở KH&CN tài trợ cho các dự án sản xuất thử nghiệm để chế tạo thiết bị trong nước thay thế cho các thiết bị phải nhập khẩu với chất lượng tương đương nhưng chi phí chỉ bằng 30 - 70%. Các thiết bị được chế tạo với sự tham gia của các nhà khoa học từ các Trường đại học, các Viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp dưới sự tài trợ kinh phí của Sở KH&CN. 

4nha4

Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, chủ trì Hội thảo

Theo đó, chương trình tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên của thành phố gồm: Cơ khí tự động hóa; điện tử - công nghệ thông tin; chế biến lương thực - thực phẩm; hóa chất - nhựa - cao su và ngành. Từ năm 2016 đến nay, đã thực hiện được 116 đề tài, dự án với tổng kinh phí đầu tư là 204,77 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 161,77 tỷ đồng (chiếm 79,0%), kinh phí đầu tư từ doanh nghiệp là 43,0 tỷ đồng (chiếm 21,0%). Có 95 sản phẩm thiết bị, công nghệ hình thành từ các nhiệm vụ của chương trình và đã chuyển giao cho doanh nghiệp phục vụ sản xuất có chất lượng tương đương với nhập khẩu. Trên 90% nhiệm vụ KH&CN xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.

4nha3

Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố đã thu hút, huy động và khơi dậy được các nguồn lực đầu tư trong xã hội, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân. Trong đó, lĩnh vực công nghệ cao có 17 dự án với tổng mức đầu tư là 3.006,014 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi suất là 1.051,313 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư cho một dự án là 176,82 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có 15 dự án với tổng mức đầu tư là 1.393,819 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi suất là 584,276 tỷ đồng, bình quân số vốn đầu tư cho một dự án là 92,92 tỷ đồng.

Kết quả nổi bật của Chương trình này là tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác 3 bên, trong đó, Nhà nước đóng vai trò là cầu nối và cùng chia sẻ rủi ro trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các viện, trường.

Tuy nhiên, các cơ chế chính sách hiện nay cũng chưa đề cập tới sự hỗ trợ của Nhà nước đối với mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp như chính sách về tài chính, thuế...

4nha2

Ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, trình bày tham luận tại Hội thảo

Ngoài ra, các qui định về thủ tục xét duyệt cũng như quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn phức tạp, các chính sách từ Bộ Khoa học và Công nghệ chưa thực sự đi vào cuộc sống; các gói hỗ trợ tài chính cũng như việc sử dụng quỹ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp còn nhiều bất cập.

4nha1

Thông qua hội thảo này, ban tổ chức kỳ vọng, các Sở, Ngành liên quan sẽ cùng nhau tìm ra các giải pháp gỡ khó trong hợp tác, liên kết nghiên cứu giữa các bên và đề xuất cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm chủ lực tại TP.HCM.

Được biết, trong khuôn khổ Hội thảo này cũng sẽ diễn ra chương trình ký kết hợp tác giữa các đơn vị trong nhóm chủ lực. 

 

Các nhà khoa học tại TP.HCM vừa xây dựng thành công Hệ thống trực tuyến quản lý việc thoát nước, nhằm hỗ trợ việc điều hành chống ngập tại TP.

 

Nhóm tác giả gồm: ThS. Nguyễn Việt Hưng, PGS.TS. Bùi Việt Hưng, ThS. Nguyễn Minh Giám, ThS. Trần Thành Công, ThS. Đặng Quang Thanh thuộc Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã xây dựng thành công Hệ thống trực tuyến quản lý việc thoát nước, các công trình chống ngập, thích ứng với hạ tầng cơ sở của thành phố thông minh trên địa bàn TP.HCM.

Hỗ trợ điều hành hoạt động chống ngập tại TP.HCM

sdcngap

Hệ thống này hoạt động trực tuyến nên cơ sở dữ liệu (CSDL) sẽ giúp cho các nhà quản lý, các nhân viên kỹ thuật, đội thi công thực địa vận hành tốt mạng lưới thoát nước, hoạt động các cống ngăn triều, các trạm bơm v.v... nâng cao khả năng điều hành chống ngập của thành phố, giúp cho công tác quản lý, duy tu, sửa chữa định kỳ, trong đó việc cập nhật các điểm đấu nối mới sẽ dễ dàng và nhanh chóng.

Từ đó, các doanh nghiệp, người dân có được những thông tin hữu ích phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh được thuận lợi hơn.

Theo ThS. Nguyễn Việt Hưng, đại diện nhóm tác giả, dữ liệu hệ thống thoát nước đô thị là nhóm dữ liệu quan trọng của hạ tầng kỹ thuật đô thị, phục vụ chống ngập. Tuy vậy hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa có bộ CSDL hạ tầng thoát nước đô thị thể hiện đầy đủ về hệ tọa độ và độ cao thống nhất của toàn thành phố. Đó là do các cơ quan quản lý không được cập nhật thường xuyên, việc quản lý bị phân tán, khó khăn khi tiếp cận. Mặc khác, cơ chế quản lý yếu kém nên CSDL hạ tầng nhanh bị hư hỏng, mất mát hoặc thất lạc. Chính những nguyên nhân trên đã gây khó khăn cho việc quản lý, bảo dưỡng, cải tạo các công trình đã có và xây dựng các công trình mới, cũng như làm hạn chế công tác quy hoạch, quản lý đô thị nói chung. 

Do vậy, nhóm đã chủ động phát triển Hệ thống trực tuyến quản lý hệ thống thoát nước, hệ thống công trình chống ngập hoàn chỉnh mạng lưới thoát nước, tích hợp vào hệ thống HCMGIS hiện có của thành phố.

cngap

ThS. Nguyễn Việt Hưng đang giới thiệu về hệ thống này tại Sở KH&CN TP.HCM. 

Việc xây dựng Hệ thống này nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quy hoạch và vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cung cấp thông tin hữu ích cho các cơ quan ban ngành và người dân về hiện trạng hệ thống thoát nước, tình hình ngập úng v.v… 

Hệ thống này, cho phép chia sẻ cho các sở, ban ngành của thành phố nhằm để phục vụ công tác quản lý, quy hoạch xây dựng đô thị, đặc biệt là công tác giảm ngập và hạn chế thiệt hại do ngập gây ra. 

Giám sát trực tiếp trên máy tính và điện thoại

cntt2

Hệ thống cho phép nhà quản trị truy xuất dữ liệu chi tiết để điều phối hoạt động thoát nước. 

Bước đầu, nhóm đã xây dựng Hệ thống quản lý trực tuyến trên Web và App trên nền điện thoại di động (hệ điều hành Android, iOS) nhằm giám sát và điều hành mạng lưới thoát nước, quản lý tài sản mạng lưới thoát nước, theo dõi tiến độ công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống cống thoát nước, kênh rạch, đê bao và các công trình chống ngập. Người sử dụng có thể tìm kiếm những thông tin về hệ thống cấp thoát nước thành phố, thông tin trực tuyến về tình trạng ngập úng, tình trạng thoát nước trên toàn hệ thống ngay trên máy tính hoặc điện thoại.

cntt1

Giao diện Hệ thống thoát nước.

cntt

Nhà quản trị có thể truy xuất để xem toàn bộ hệ thống cống thoát nước và hố ga trực tuyến.

Để xây dựng được Hệ thống hiệu quả và thiết thực với tình hình thực tiễn, nhóm đã có thời gian thực hiện trong khoảng 2 năm, bao gồm nhiều giai đoạn như: khảo sát hệ thống thoát nước trong địa bàn thành phố, tìm hiểu những công việc của người quản lý, quản trị trong lĩnh vực này để xây dựng những tính năng phù hợp. Kế đến, khảo sát, cũng như thu thập những dữ liệu đang tồn tại của các đơn vị để có thể xây dựng được phương án chuẩn hoá, số hoá để lưu trữ vào hệ thống CSDL để quản lý tập trung.

Từ những khảo sát, thu thập số liệu và những yêu cầu thực tế sẽ phân tích ra những bài toán cần thiết cho hệ thống; thiết kế giao diện và chức năng phù hợp với yêu cầu.

Do hệ thống HCMGIS dùng GEOSERVER là phần mềm mã nguồn mở, đã xây dựng hoàn chỉnh, nên nhóm tiến hành xây dựng thêm hệ thống quản lý thoát nước. Người quản trị có thể sửa trực tiếp trên nền Web.

Sau khi hệ thống hoàn thành sẽ hỗ trợ cho công tác quản lý, duy tu, vận hành hệ thống  kênh rạch, cống thoát nước, bờ bao, các công trình chống ngập… Từ đó sẽ  làm tăng năng lực của hệ thống thoát nước, giảm ngập.

CSDL của Hệ thống sẽ hỗ trợ xây dựng chính xác các bài toán thuỷ văn, thuỷ lực nhằm nâng cao năng lực thoát nước nếu hệ thống quá tải, giúp cho công tác phân chia lưu vực và tách mạng phù hợp với điều kiện thực tế. Có thể xây dựng các bản đồ ngập lụt, từ đó đánh giá các thiệt hại do ngập lụt, giúp cho công tác quản lý điều hành giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngoài ra, CSDL của hệ thống sẽ được tích hợp vào bộ CSDL chung của thành phố thích ứng với hạ tầng cơ sở của thành phố thông minh, quy hoạch và quản lý đô thị... Đồng thời, CSDL này cũng sẽ giúp cho công tác quản lý cơ sở hạ tầng ngầm, phối hợp các dự án về hệ thống hạ tầng ngầm.

Hiện nay Hệ thống mới hoàn thiện vài tuyến đường tại quận Gò Vấp. Trong thời gian sắp tới, nếu có thêm kinh phí nhóm tác giả dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ số tuyến cống chính của TP.HCM

Các trường đại học có đầy đủ yếu tố và nền tảng như viện nghiên cứu, công nghệ, hệ thống đào tạo, đặc biệt là có đông đảo sinh viên trẻ và tài năng.

 

Lễ tổng kết cuộc thi Bách Khoa Innovation 2019 và triển lãm các demo sản phẩm sáng tạo của sinh viên Bách Khoa vừa diễn ra trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM WHISE 2019. Buổi lễ là dịp để tôn vinh các nhóm sinh viên với những ý tưởng sản phẩm công nghệ sáng tạo, thiết thực.

daihoc1

Bàn trưng bày các sản phẩm từ cuộc thi BK Invovation 2019

Bách Khoa Innovation là cuộc thi đổi mới - sáng tạo dành cho sinh viên Bách Khoa các chương trình đào tạo quốc tế nói riêng cũng như toàn trường nói chung, được tổ chức lần đầu tiên vào 2018. Đặc biệt, ngôn ngữ trình bày và phản biện hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây là sân chơi để sinh viên Bách Khoa cọ xát và hiện thực hóa các ý tưởng, mô hình sáng tạo khởi nghiệp, các nghiên cứu khoa học. Qua đó, giải quyết các nhu cầu thực tế của xã hội bằng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và quản trị; đồng thời kết nối sinh viên Bách Khoa với nhau và với các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Theo PGS.TS Lê Minh Phương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM, cuộc thi năm nay thu hút 292 lượt sinh viên tham gia với 79 dự án. Đa phần các dự án tập trung về mảng môi trường, điện tử, ứng dụng...

daihoc2

Lễ tổng kết Bách Khoa Innovation 2019 nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới Sáng tạo và Khởi nghiệp TP.Hồ Chí Minh WHISE 2019.

PGS.TS Lê Minh Phương cũng cho biết, Trường ĐH Bách Khoa đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trường cũng đang xây dựng và phát triển nền văn hóa đổi mới sáng tạo trong sinh viên và cán bộ, giảng viên nhằm định hướng một đại học tự chủ và khởi nghiệp, góp phần vào sự phát triển của Thành phố, đặc biệt là hoạt động khoa học công nghệ.

Phát biểu tại sự kiện, GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng - Phó giám đốc Sở KHCN TP.HCM, đã chỉ ra một số vấn đề mà các trường ĐH đang gặp phải, trong đó việc các Trường ĐH là nơi nhập khẩu những công nghệ mới nhất tuy nhiên khả năng hấp thụ còn rất thấp. Ngoài ra, các trường ĐH với nền tảng KHCN mạnh mẽ nhưng việc tạo ra những sản phẩm, công nghệ mới còn nhiều hạn chế.

daihoc

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng – Phó giám đốc Sở KHCN TP.HCM

Ông Phùng nhấn mạnh, hoạt động đổi mới sáng tạo phải được bắt nguồn từ các trường đại học bởi tại đây có đầy đủ yếu tố và nền tảng như viện nghiên cứu, công nghệ, hệ thống đào tạo, đặc biệt là có đông đảo sinh viên trẻ và tài năng.

5 hạng mục giải thưởng được trao tại Bách Khoa Innovation 2019:

Giải nhất trị giá 30 triệu đồng thuộc về nhóm King Blue với sản phẩm là NanoC.A.T - một loại thuốc nhuộm không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, chất lượng mà còn thân thiện với môi trường trị giá 30 triệu đồng.

2 giải nhì thuộc trị giá 15 triệu đồng mỗi giải thuộc về nhóm Happy House với đề tài “Smart Barrier” đạt giải II với tấm cách nhiệt, để nhiệt lượng bên ngoài không có khả năng truyền vào nhà, giảm một lượng nhiệt đáng kể; Nhóm UVI với đề tài “Germicidal Wavelengths (GW)” đạt giải II - sử dụng đèn uv và xúc tác vô cơ để diệt vi khuẩn. 2 giải nhì mỗi giải trị giá 15 triệu đồng

2 giải ba trị giá 10 triệu đồng mỗi giải thuộc về nhóm Bluewave với dự án “Indoor Positioning System for Hospitals” - Phần mềm giúp bệnh nhân và người nhà không còn lạc đường trong hệ thống bệnh viện; Nhóm Barley với đề tài Barley - một voice chat platform tư vấn tâm lý.

Hoàng Anh - khampha.vn

Từ những sản phẩm thời sinh viên, đến khi ra thị trường phải “năn nỉ” người thân mua hộ, nhiều startup đã vượt khó để có được những khách hàng lớn, và 'mơ' xuất khẩu ra thế giới.

 

Chúng tôi đã gặp lại nhiều startup của các cựu sinh viên tại các gian hàng của Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) để chứng kiến những sự “thay da đổi thịt” của những doanh nghiệp trẻ đang vào guồng tăng trưởng.

Vừa làm... vừa sửa

Từ khi còn là sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM, Ngô Huỳnh Ngọc Khánh đã ấp ủ ước mơ phát triển một nền tảng kết nối vạn vật tạo điều kiện cho công nghệ IoT dễ dàng đi từ ý tưởng đến hiện thực. Rồi những sản phẩm từ công nghệ IoT lần lượt ra đời: nhà nuôi yến, nhà màng, thiết bị điều khiển cửa cuốn…

tdw3

Ngô Huỳnh Ngọc Khánh (phải) và Nguyễn Ngọc Huân bên gian hàng với các giải pháp công nghệ mang tên iNut. Ảnh: Hà Thế An. 

Nằm trong một góc nhỏ tại khu triển lãm của WHISE, hai thành viên kể về câu chuyện khởi nghiệp kèm theo những nụ cười. Bởi sau hai năm thành lập công ty mang tên iNut, đã có 2000 sản phẩm được bán ra, có 35 đại lý đã phân phối thiết bị cửa cuốn ứng dụng IoT của nhóm. “Đó là những kết quả không lớn, nhưng chúng mình cảm thấy, đây là nền tảng vững chắc để có những bước tiến dài trong tương lai. Vì doanh nghiệp hiện nay đang kinh doanh có lãi”- Khánh chia sẻ.

Ít ai biết rằng, trước đó, sản phẩm iNut từng thất bại tại cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp CiC của ĐH Quốc gia TP.HCM và nhóm phải sửa đi sửa lại nhiều lần để phù hợp với nhu cầu khách hàng.

“Mình cũng cảm thấy vui vì những giai đoạn khó khăn nhất cả nhóm vẫn luôn đồng hành và chiến đấu để có được những kết quả như hôm nay, dẫu biết rằng, hành trình khởi nghiệp phía trước vẫn còn nhiều khó khăn”- Nguyễn Ngọc Huân, thành viên nhóm dự án nói.

Chậm rãi nhưng chắc chắn

Cũng có những khởi đầu khó khăn như iNut, dự án ChildHub của Dương Trần Hà Phương, cựu sinh viên ĐH Sư phạm TP.HCM phải đối mặt với những ngập ngừng từ phía các trường mầm non. Bởi dự án của Phương là ứng dụng CNTT giúp phụ huynh có thể theo dõi hoạt động học tập của con mình tại các trường mầm non thông qua hệ thống camera được lắp đặt trong trường.

Các hiệu trưởng mầm non lo ngại việc lắp đặt camera sẽ ảnh hưởng đến quyền riêng tư và vấn đề quan trọng hơn là trường hợp dữ liệu hình ảnh, video lọt ra ngoài có thể ảnh hưởng đến danh tiếng nhà trường. Vì thế, nhóm của Phương đã phải mất công sức, thời gian thuyết phục họ sử dụng và hoàn toàn an tâm khi nhà trường được quyền kiểm soát toàn bộ việc lưu trữ hình ảnh, video trong trường.

tdw2

Dương Trần Hà Phương, mong muốn giải pháp công nghệ ChildHub có thể đến với nhiều trường mầm mon hơn. Ảnh: Hà Thế An.

“Công nghệ muốn phát huy hiệu quả phải có sự tham gia chung sức của con người. Nhóm phát triển mô hình này nhằm giúp phụ huynh có mối liên kết với trường chặt chẽ hơn, tất cả nhằm giúp các bé được học tập trong môi trường tốt nhất”- Phương chia sẻ.

Để có được những khách hàng tin tưởng, Phương bắt đầu ngay trong ngôi trường mình từng học. Chàng trai này giới thiệu sản phẩm đến khoa giáo dục mầm non, và nhờ các thầy cô giới thiệu khách hàng. Cũng từ “mối” này, Phương có những khách hàng đầu tiên. Cách đây 2 năm, trường mầm non Sao Việt (Quận 9, TP.HCM) là nơi đầu tiên sử dụng sản phẩm ChildHub. Đến nay, sau nhiều nỗ lực, đã có 9 trường mầm non sử dụng sản phẩm này.

“Dù số trường không nhiều nhưng đó hoàn toàn nằm trong kế hoạch của nhóm. Bởi sử dụng một sản phẩm công nghệ trong ngành giáo dục, đặc biệt là trong giáo dục mầm non mang tính nền tảng quan trọng trong sự phát triển của một con người cần phải có những bước đi chậm nhưng chắc. Vấn đề quan trọng nhất là sản phẩm của mình sẽ cần phải tiếp tục tương tác và góp ý từ phía nhà trường để sản phẩm tốt hơn”- Phương nói.

Sắp tới, dự án của Phương sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để đếm số lượng học sinh thông qua việc nhận diện khuôn mặt. Điều này giúp giáo viên và phụ huynh kiểm soát sĩ số học sinh tốt hơn. Phương cũng sẽ sử dụng AI để phân tích thực đơn hằng ngày của bé, từ đó đưa ra được những đề xuất hợp lý giúp đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ ở những độ tuổi khác nhau.

Khách hàng đầu tiên là những “người quen”

Khởi đầu quá trình khởi nghiệp khi trở thành Á quân cuộc thi IoT startup năm 2016, dự án khóa thông minh ATOVI của Ngô Cự Mạnh, cựu sinh viên ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM đã phải đối mặt với khó khăn. “Cửa khóa nhưng nhìn không có gì bên ngoài nên thấy… không yên tâm”, đó là suy nghĩ của nhiều người khi tiếp cận với giải pháp của Mạnh trong thời gian đầu.

Hệ thống khóa cửa thông minh của Mạnh không cần ổ khóa mà sử dụng công nghệ IoT, quản lý bằng điện thoại thông minh với tính an toàn cao hơn, hiện đại hơn. Dù lần đầu, sản phẩm bị nghi ngờ, nhưng đến nay Mạnh đã có một lượng khách hàng khá ổn và số lượng khóa bán ra lên đến gần 500 bộ. Những khu nghỉ dưỡng hạng sang ở Phú Quốc, homestay ở Đà Nẵng bắt đầu sử dụng giải pháp khóa thông minh này. 

tdw1

Khóa ATOVI đang nhận được sự đón nhận của nhiều khu nghỉ dưỡng. Ảnh: Hà Thế An.

“Thời gian đầu rất khó khăn khi bán sản phẩm vì nó quá mới và khách hàng chưa quen với sự thay đổi. Vì khóa gắn liền với vấn đề an ninh của cả tòa nhà, nên họ rất cẩn trọng. Những khách hàng đầu tiên của nhóm chính là bạn bè, người thân đã có sự tin tưởng với sản phẩm. Từ đối tượng này, nhóm bắt đầu khai thác và chứng minh được tính an toàn, tiện lợi, cũng như hiệu quả để giới thiệu với những khách hàng khác”- Võ Thượng Đỉnh, thành viên nhóm dự án nói.

Thời gian tới, theo Đỉnh, dự án ATOVI sẽ phát triển thị trường ở các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Nhóm đang lên kế hoạch cụ thể để có thể chinh phục thị trường ở những quốc gia này.

 

Đây là sự kiện cấp khu vực ASEAN tôn vinh những startup đột phá, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo.

 

Saigon Innovation Hub, Ban tổ chức Giải thưởng Asean Rice bowl Startup Awards (RBSA) vừa chính thức công bố 12 startup đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết khu vực, được tổ chức tại Malaysia vào tháng 01/2020. 

12 startup Việt này sẽ tiếp tục cạnh tranh với các nhóm startup đại diện các quốc gia ASEAN khác để dành quyền vào vòng chung kết toàn cầu, dự kiến được tổ chức vào tháng 12/2020 tại Trung Quốc.

thiasia

Đại diện các startup Việt Nam sẽ tham gia tại RBSA tại Malaysia trong thời gian tới. Ảnh: SIHUB. 

Với 212 hồ sơ đăng ký dự thi thuộc 12 hạng mục gồm: 1 - startup của năm, 2 - startup mới xuất sắc nhất, 3 - startup IoT xuất sắc nhất, 4 - startup về công nghệ nông nghiệp và thực phẩm xuất sắc nhất, 5 - startup Fintech xuất sắc nhất, 6 - startup AI/máy học xuất sắc nhất, 7 - startup về thương mại điện tử và chuỗi cung ứng xuất sắc nhất, 8 - startup có ảnh hưởng xã hội nhất, 9 - chương trình ươm tạo hoặc tăng tốc khởi nghiệp xuất sắc nhất, 10 - nhà sáng lập của năm, 11 - không gian làm việc chung xuất sắc nhất, 12 - startup được yêu thích nhất. 

Ban tổ chức giải thưởng đã chọn và trao giải cho 12 trong 29 startup được Ban giám khảo chuyên môn tuyển chọn, đồng thời có lượt bình chọn công khai lớn nhất của vòng thi quốc gia tại Việt Nam. 

Trong 12 startup đại diện cho 12 hạng mục có một sô doanh nghiệp đáng chú ý như: Up GEN (hạng mục không gian làm việc chung xuất sắc nhất); Chatbot Việt Nam (hạng mục thương mại điện tử và chuỗi cung ứng xuất sắc nhất); EyeQ Tech (hạng mục startup AI/máy học xuất sắc nhất). 

RBSA là giải thưởng thường niên đầu tiên tại Đông Nam Á tôn vinh những startup đột phá, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo. Được tổ chức bởi Tổ chức Doanh nhân Khởi nghiệp mới Malaysia (myNEF), giải thưởng vinh danh những công ty khởi nghiệp nổi bật thuộc nhiều lĩnh vực đến từ 10 quốc gia Đông Nam Á.  

Đây là giải thưởng thường niên đầu tiên tôn vinh những startup đột phá, sử dụng công nghệ một cách sáng tạo tại Đông Nam Á. Giải thưởng hướng đến việc thúc đẩy khu vực Đông Nam Á trở thành một trung tâm toàn cầu của sự đổi mới, bắt kịp cuộc chạy đua công nghệ đang nóng lên từng ngày, đồng thời phản ánh những nỗ lực bền bỉ của ASEAN trong việc công nhận sự đóng góp của các startup vào quá trình thực hiện mục tiêu đó. 

Ông Huỳnh Kim Tước, CEO Saigon Innovation Hub – đối tác tổ chức giải thưởng này tại Việt Nam cho biết, các bạn trẻ Việt Nam không hề thua kém so với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước trong khu vực. 

“Nếu có cơ hội bơi ra biển lớn, tôi tin rằng startup Việt sẽ nhanh chóng hội nhập và tăng trưởng vượt bậc. Và đó cũng chính là lý do mà SIHUB luôn sẵn sàng bỏ ra nguồn lực để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các bạn tham gia những sân chơi mang tầm quốc tế như thế này”- ông Tước nói.

 

Có những cô gái dù nhìn thấy kim tiêm là đã muốn... xỉu nhưng vẫn hăng hái tham gia hiến máu tình nguyện với tâm niệm "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại".

hmau11

Ngay từ sáng sớm ngày 23/10, hàng chục công đoàn viên, người lao động của Sở KH&CN TP.HCM đã tới làm thủ tục đăng kí tham gia chương trình hiến máu tình nguyện “Giọt máu nghĩa tình” do Công đoàn Sở KH&CN TP.HCM phối hợp với Trung tâm hiến máu nhân đạo - Hội chữ thập đỏ TP.HCM tổ chức.

hmau10

Đây là hoạt động thường niên nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo công đoàn viên, người lao động Sở KH&CN TP.HCM. Trước khi hiến máu, người hiến được đo huyết áp, khám tuyển chọn kĩ càng.

hmau9

Năm nay, có tổng cộng 64 người đăng kí tham gia hiến máu với các mức 250 ml, 350 ml, 450 ml. Tương ứng với đó là hàng chục lít máu quý giá sẽ được chuyển đến những bệnh nhân cần máu.

hmau8

Theo khuyến cáo của các bác sĩ thuộc Trung tâm hiến máu nhân đạo - Hội chữ thập đỏ TP.HCM, người khỏe mạnh mỗi lần có thể hiến 250ml, 350ml hoặc 450ml tuỳ theo trọng lượng cơ thể. Nếu có sức khỏe tốt, một người có thể hiến máu từ 3-4 lần trong một năm. Điều này không ảnh hưởng đến sức khoẻ của bản thân, mà lại đảm bảo máu có chất lượng tốt, an toàn cho người bệnh.

hmau7

Trước khi hiến máu, người hiến cần nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc, ăn nhẹ và uống nhiều nước (300 - 500ml), không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá…

hmau6

Các bạn trẻ được khuyến cáo uống nhiều nước trước khi hiến máu

hmau5

Là người có 'thâm niên' trong việc hiến máu tình nguyện, anh Trần Trung Cang, Trưởng phòng Thông tin công nghệ thuộc CESTI, không nhớ rõ mình đã đi hiến máu bao nhiêu lần nhưng hầu như năm nào Công đoàn tổ chức anh cũng tham gia. Với anh Cang, đây là một hoạt động vô cùng ý nghĩa và nhân văn.

hmau4

Ngoài những gương mặt quá quen thuộc, một số người thậm chí đã đã hiến máu hàng chục lần, chương trình năm nay cũng thu hút cả những người lần đầu tham dự.

hmau3

Lần đầu tiên làm 'chuyện đó', Nguyễn Thị Mộng Trinh, cô gái trẻ đến từ Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM CASE, có chút lo âu. "Lúc đầu mình cũng có lo lắng, hồi hộp nhưng sau thì thấy cũng bình thường thôi, không đáng sợ lắm", Trinh chia sẻ.

hmau2

Cũng đến từ CASE, Hồng Minh cho biết, cô đã đi hiến máu nhiều lần lúc còn là sinh viên nhưng đây là lần đầu tiên Minh tham gia hiến máu nhân đạo tại Sở KH&CN TP.HCM. Minh đăng kí hiến 250ml máu. Minh rất vui khi những giọt máu mình chia sẻ có thể cứu giúp được những bệnh nhân đang nguy kịch và rất cần máu.

hmau1

Ngồi nghỉ sau khi lấy máu, Giang Thanh, chuyên viên tại Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP.HCM, cho biết đây là lần thứ 3, Thanh đi hiến máu nhân đạo. "Mặc dù rất sợ máu và đến giờ nhìn thấy kim tiêm mình vẫn muốn... xỉu nhưng đây là việc tốt, có ích cho cộng đồng nên chắc chắn mình sẽ tham gia nhiều lần hơn nữa", Thanh chia sẻ 

Nhờ sự tư vấn của CESTI, một doanh nghiệp đã tin tưởng mua công nghệ lọc nước RO nano có hệ thống cột ngọt với giá trị hợp đồng gần 400 triệu đồng.

 

Sáng 22/10, Trung tâm thông tin, thống kê khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) đã tổ chức ký kết biên bản ghi nhớ chuyển giao công nghệ cho hai doanh nghiệp.

cesticg

Hai doanh nghiệp ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ tại trụ sở CESTI. Ảnh: Hà Thế An.

Sau 2 tháng đàm phán, CESTI đã đứng ra làm “bà mối” hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp công nghệ (Công ty Việt Úc) kết nối với bên nhận công nghệ (công ty Tân Thành Đạt). Hợp đồng chuyển giao có giá trị gần 400 triệu đồng với công nghệ được chuyển giao là hệ thống lọc nước RO nano công suất 2000 lít/ ngày, có hệ thống cột ngọt.

Ông Lê Văn Tân, đại diện công ty Tân Thành Đạt chia sẻ, trong một lần lên mạng tìm hiểu các công nghệ lọc nước, ông truy cập vào trang thông tin Techport.vn của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Website hiển thị khá nhiều hệ thống lọc nước. Nhận thấy công ty Việt Úc có công nghệ lọc nước phù hợp, ông liên hệ với CESTI hỗ trợ kết nối.

“Tôi vốn dĩ không phải chuyên môn về công nghệ, nên tất cả phải nhờ sự tự vấn bên phía CESTI. Vì đây là một đơn vị nhà nước, được thành lập từ lâu nên tôi rất tin tưởng. Sau khi đàm phán và thử nghiệm tính hiệu quả của công nghệ, tôi ký hợp đồng”- ông Tân nói với Tạp chí Khám phá.

Theo ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc công ty Việt Úc, đây là công nghệ lọc nước tiên tiến được nhập khẩu từ Mỹ. Năm 2014, các chuyên gia của công ty đã nghiên cứu, phát triển hệ thống cột ngọt, giúp nước có vị ngọt, thanh hơn, giúp sản phẩm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường.

“Nước cấp đầu vào cho hệ thống này cũng rất phong phú như nước thủy cục, nước sông,…Chúng tôi cũng có thể làm thêm các hệ thống lọc tích hợp vào thiết bị hiện hữu để lọc những loại nước có chất lượng thấp nhưng đầu ra vẫn đạt tiêu chuẩn”- ông Linh nói và cho biết trong vòng 30 ngày, đơn vị sẽ lắp xong hệ thống cho công ty Tân Thành Đạt.

Theo ông Trần Trung Cang, Trưởng phòng Thông tin công nghệ, thuộc CESTI, sau khi nhận yêu cầu, đơn vị bắt đầu cung cấp thông tin, tư vấn cho bên mua công nghệ phù hợp với nhu cầu và khả năng của họ. Sau hai tháng làm việc, hai bên đã đi đến ký kết hợp đồng.

“Với vai trò là tổ chức trung gian, thời gian qua, chúng tôi đã mở rộng hình thức cung cấp thông tin công nghệ cho doanh nghiệp, tổ chức có nhu cầu. Cụ thể, các chương trình hội thảo giới thiệu công nghệ, báo cáo phân tích xu hướng công nghệ đều được livestream trên internet và mạng xã hội để cộng đồng tiếp cận dễ dàng hơn. Sắp tới đơn vị sẽ tìm kiếm các công nghệ ở nước ngoài với giá thành, chất lượng đảm bảo để cung cấp thêm cho doanh nghiệp lựa chọn và kết nối với nhau”- ông Cang nói.

 

Cùng với các sản vật địa phương lần đầu xuất hiện tại một sự kiện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, WHISE 2019 cũng là sự kiện thu hút sự tham dự của nhiều startup với nhiều sản phẩm độc đáo. 

Trong khuôn khổ Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM 2019 (WHISE 2019), nhiều sản phẩm độc đáo đã được các startup mang đến Triển lãm sản phẩm và công nghệ của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Thiết bị đốt lò áp lực không khói sử dụng nhớt thải

spw1

Với cơ chế hoạt động: phân tán dầu nhớt nhiều lần, sau đó phun sương sẽ dễ cháy và cháy hoàn toàn, thiết bị đốt lò áp lực không khói này được ông Huỳnh Tấn Kiệt nghiên cứu trong vòng 4 năm. Hiện thiết bị đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn đăng ký sáng chế.

Theo ông Kiệt với thiết bị này, khí thải ra sau khi đốt đạt tiêu chuẩn trong khu dân cư. 

Ông Kiệt cũng khuyến khích các đơn vị có chất thải dầu nhớt cần xử lý thì liên hệ hợp tác với ông, để tránh việc xả thải ra môi trường như vụ việc vừa xảy ra với nguồn nước Sông Đà.

spw2

Ông Huỳnh Tấn Kiệt đang giới thiệu về cơ chế hoạt động của thiết bị này. 

“Ổ cắm điện 4.0” - Điều khiển tự động, có thể phân quyền và hẹn giờ

spw3

Sản phẩm này được nhóm Tag4yu phát triển trong vòng 12 tháng. Tag4yu là đối tác ST Singapore. Mong muốn của ông Dũng Nguyễn, đại diện nhóm phát triển sản phẩm này, là mang sản phẩm tiện ích tới cho người dùng. Ổ cắm điện này có 2 dòng sản phẩm gồm: Ổ cắm có phân quyền và ổ khóa số.

Theo ông Dũng Nguyễn sản phẩm sẽ được phân phối trên Tiki ngay trong tháng 10 này.

Máy in 3D in được mọi mô hình từ vật liệu nhựa

spw4

Máy in 3D và các loại mô hình in từ vật liệu nhựa được trưng bày tại triển lãm

spw5

Đại diện startup 3D Plus giới thiệu về một mẫu sản phẩm được in từ máy in 3D này.

Robot 6 bậc có thể làm việc chung với con người

spw6

Robot 6 bậc này do startup Hàn Quốc mang đến triển lãm.

Máy trồng cây tùy biến thổ nhưỡng và khí hậu để trồng mọi loại cây trong nhà

spw7

Với tên gọi T-farm máy trồng cây này cho phép tùy biến điều kiện thổ nhưỡng để trồng mọi loại cây trong nhà theo nhu cầu của người dùng. Sản phẩm này cũng vừa giành được vị trí Quán quân cuộc thi StartupWheel. 

Sản phẩm làm thủ công từ vải đay

Sùng Thị Lan cô gái dân tộc Giáy đến từ bản Tả Văn, Sapa, Lào Cai đã tự tìm hiểu và mang sản phẩm này từ vùng Tây Bắc xa xôi tới với WHISE 2019. 

spw8

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đang tìm hiểu về sản phẩm làm từ đay được trưng bày tại triển lãm. 

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353