SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Với chính sách tốt hơn, doanh nghiệp tại TP.HCM tự hào khi được công nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH&CN) và nhận thức vai trò và sứ mệnh của mình là lấy khoa học "nuôi" khoa học.

 

“Quy trình bây giờ nhanh lắm, anh làm đi”

Cách đây hơn 1 năm, doanh nghiệp Ewater do ông Lê Trung Hiếu (Hóc Môn, TP.HCM) làm chủ đã được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Các sản phẩm do ông Hiếu nghiên cứu, phát triển là sử dụng công nghệ điện từ trường nhằm xử lý cáu cặn cho nồi hơi và tháp giải nhiệt.

Doanh nghiệp KH&CN con đường thay đổi từ nhận thức đến hành động - 1

Ông Lê Trung Hiếu, giới thiệu giải pháp công nghệ của mình cho một giảng viên ĐH Nguyễn Tất Thành tại gian hàng triển lãm sản phẩm Ewater. Ảnh: Hà Thế An.

Cụ thể công nghệ này giúp cho nồi hơi và tháp giải nhiệt sạch hơn mà không sử dụng hóa chất, giúp tiết kiệm từ 10% đến 20% chi phí về năng lượng. Vì khi cáu cặn được xử lý, giúp khả năng truyền nhiệt của đường ống nồi hơi tốt hơn, nâng cao hiệu suất truyền nhiệt. Công nghệ này giúp ông Hiếu tạo ra doanh thu trên 5 tỉ đồng/năm chỉ sau hơn 3 năm thành lập doanh nghiệp.

Ông chia sẻ, chứng nhận doanh nghiệp KH&CN là quy trình, thủ tục hành chính liên quan đến cơ quan Nhà nước. Vì thế lúc đầu ông cũng “ngại” vì sợ quy trình làm chứng nhận lâu và tốn thời gian. Tuy nhiên, trong một lần tham gia báo cáo Phân tích xu hướng công nghệ tại Trung tâm thông tin, thống kê, KH&CN, thuộc Sở KH&CN TP.HCM, ông được một cán bộ tại đây rỉ tai “quy trình bây giờ nhanh lắm, anh làm đi”.

Thế là ông Hiếu tiến hành 'xin' thủ tục để trở thành doanh nghiệp KH&CN. Chỉ sau 35 ngày và 2 lần chỉnh sửa, doanh nghiệp của ông được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

“Nhiều người nghĩ làm chứng nhận doanh nghiệp KH&CN là được nhà nước cho tiền, cho đất... Nhưng thật ra không phải vậy. Những hỗ trợ từ nhà nước về thuế, vay vốn ưu đãi, thuê đất…, chỉ là tiếp thêm động lực cho chúng tôi phát triển doanh nghiệp. Chứng nhận doanh nghiệp KH&CN vẫn mang giá trị tinh thần nhiều hơn. Doanh nghiệp sẽ ý thức hơn việc phát triển sản phẩm mang hàm lượng công nghệ cao, phục vụ cho cộng đồng tốt hơn”- ông Hiếu nói.

Sau khi nhận được những hỗ trợ cho doanh nghiệp KH&CN, ông Hiếu đã trích phần được miễn giảm thuế để tái đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển) bằng hai sản phẩm mới. Cụ thể là sản phẩm “thiết bị xử lý nước ion cho nông nghiệp” và “thiết bị tạo nước diệt khuẩn từ muối ăn”. Hai sản phẩm này đã có phiên bản thương mại hóa và giúp ông Hiếu có doanh thu đầu tiên khoảng 550 triệu đồng từ việc bán hai thiết bị này.

"Mình luôn tâm niệm lấy khoa học nuôi khoa học bằng cách lấy lợi nhuận từ sản phẩm của mình bán ra tái đầu tư cho sản phẩm mới. Có như vậy doanh nghiệp mình mới phát triển bền vững và luôn sáng tạo"- ông Hiếu nói.

Doanh nghiệp KH&CN con đường thay đổi từ nhận thức đến hành động - 2

Đại diện doanh nghiệp HPT nhận giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mới đây. Ảnh: Hà Thế An.

Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT với quy mô khá lớn, công ty cổ phần dịch vụ công nghệ tin học HPT (thành lập năm 1995) mới đây cũng nhận chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 21 sản phẩm về phần mềm, lưu trữ và bảo mật dữ liệu.

Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch HĐQT công ty HPT chia sẻ, bản thân xuất thân là người làm khoa học nên mong muốn gắn kết với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhiều hơn nhằm thực hiện các dự án, đề tài khoa học trong khả năng và phạm vi của mình để đưa ra các sản phẩm, mô hình đóng góp cho sự phát triển của thành phố.

“Với việc đạt được chứng nhận doanh nghiệp KH&CN, chúng tôi sẽ hoàn thiện, đặt quan tâm nhiều đến vấn đề bản quyền và sở hữu trí tuệ. Bởi khi là doanh nghiệp KH&CN, chúng tôi nhận thức rõ hơn vấn đề này. Chứng nhận là khởi đầu cho hoạt động của HPT, và của các doanh nghiêp khác trong ngành CNTT có những đóng góp thiết thực cho xã hội”- ông Đồng nói.

Chính sách ngày càng thông thoáng hơn

Những ưu đãi từ chính sách cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã được cụ thể hóa. Nhiều doanh nghiệp đã có nhận thức rõ ràng hơn trách nhiệm của mình khi trở thành doanh nghiệp KH&CN. Song vẫn có những doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp có nhu cầu trở thành doanh nghiệp KH&CN lại có những băn khoăn.

Anh Lê Văn Dể, CEO của VHF, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trồng rau ứng dụng công nghệ cao với hệ thống thủy canh. Mô hình trồng rau sử dụng công nghệ của Nhật Bản nhưng có cải tiến nhiều chi tiết để phù hợp với điều kiện canh tác tại Việt Nam.

Hiện nay sản phẩm của anh Dể đã được sử dụng tại các nông trại trồng rau quy mô khoảng 1000 mét vuông đến 2000 mét vuông tại Long An (mỗi 1000 mét vuông có chi phí lắp đặt khoảng 850 triệu đồng). Ngoài ra, startup của anh còn cung cấp các hệ thống thủy canh cỡ nhỏ với giá khoảng 2,8 triệu đồng cho các nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM.

“Chúng tôi cũng mong muốn nhận chứng nhận doanh nghiệp KH&CN nhưng với một doanh nghiệp non trẻ, vốn ít, cung cấp giải pháp công nghệ không phải là mới thì liệu có trở thành doanh nghiệp KH&CN được không?”- anh Dể băn khoăn.

Doanh nghiệp KH&CN con đường thay đổi từ nhận thức đến hành động - 3

Anh Lê Văn Dể (thứ 2 từ trái sang) trong một lần giới thiệu công nghệ của mình tại trang tại ở Long An. Ảnh: Hà Thế An.

Trao đổi với Tạp chí Khám phá, ông Chu Bá Long, Phó trưởng phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hiện nay chính sách mới được xem như “cởi trói” nhiều vấn đề cho doanh nghiệp khi muốn đăng ký doanh nghiệp KH&CN.

Cụ thể, Nghị định số 13/2019 NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN đã bỏ quy định về lĩnh vực được chọn để đăng ký doanh nghiệp KH&CN. Như vậy, doanh nghiệp hoạt động trong bất cứ lĩnh vực nào có sản phẩm mang hàm lượng khoa học đều được đăng ký trở thành doanh nghiệp KH&CN. Để được miễn giảm thuế, các doanh nghiệp hiện nay đăng ký sản phẩm KH&CN nào thì sẽ được miễn giảm thuế theo danh mục sản phẩm đăng ký.

Cũng theo ông Long, việc chứng minh doanh nghiệp đang sở hữu hoặc sử dụng công nghệ hiện nay có thể sử dụng nhiều cách khác nhau. Đầu tiên là doanh nghiệp phải có bằng sở hữu trí tuệ về sản phẩm mình đăng ký. Trong trường hợp không có bằng sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp còn có nhiều lựa chọn khác bằng cách trình bày sản phẩm đăng ký cho Hội đồng nghiệm thu ngoài ngân sách do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thành lập.

“Đó là các chứng nhận, giấy khen, bằng khen về sản phẩm công nghệ do cơ quan có thẩm quyền trao tặng; Hợp đồng chuyển giao công nghệ; Hợp đồng bán sản phẩm công nghệ với khách hàng;…Về vấn đề này, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp, startup để thực hiện các thủ tục này”- ông Long nói.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, Nghị định số 13 của Chính phủ đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho các doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp KH&CN để được hưởng các chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước. Doanh nghiệp đạt chứng nhận là một sự nỗ lực lớn nhưng cũng cần có một bộ phận chuyên trách để thực hiện các thủ tục để nhận được ưu đãi.

“Thời gian qua chúng tôi đã có những phối hợp với Cục Thuế TP.HCM để cùng nhau đưa ra một quy trình thống nhất nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp KH&CN trong vấn đề quyết toán thuế. Chúng tôi cũng mong muốn có sự đồng hành, chia sẻ với các tổ chức, doanh nghiệp để cùng nhau tạo những điều kiện tốt nhất nhằm có một hành lang pháp lý thông thoáng để TP.HCM gia tăng nhanh số lượng doanh nghiệp KH&CN”- ông Thanh chia sẻ.

Theo báo cáo của Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ TP.HCM trong 6 tháng đầu năm năm 2019, TP.HCM có thêm 10 doanh nghiệp KH&CN. Tính đến ngày 16/08/2019, thành phố có tổng cộng 82 doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp lĩnh vực CNTT chiếm số lượng nhiều nhất.

Nghị định 13/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/03/2019, doanh nghiệp KH&CN sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định về đất đai. Đồng thời, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước; được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KHCN của Bộ, cơ quan ngang bộ tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại và bảo lãnh để vay vốn.

 

 

Hà Thế An - khampha.vn

Cuộc thi robot toàn cầu MakeX Robotics Competition 2019 dành cho các nhà sáng chế trẻ dự kiến sẽ tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2019 (WHISE 2019).

 

Sáng ngày 16/8, đại diện Sở KH&CN TP.HCM và Công ty giáo dục KDI đã có buổi làm việc về công tác tổ chức Cuộc thi MakeX Robotics Competition 2019. Cuộc thi dự kiến là sẽ nằm trong chuỗi sự kiện thuộc khuôn khổ Tuần lễ WHISE 2019. Cùng với đó Sở sẽ cử đại diện tham gia hội đồng giám khảo và cố vấn chuyên môn cho cuộc thi.

Sở KH&CN TP.HCM đồng hành cùng cuộc thi STEM - MakeX Robotics Competition 2019 - 1

MakeX Robotics Competition 2019 là một cuộc thi được tổ chức thường niên, với mục tiêu thúc đẩy phương pháp giáo dục liên môn khoa học và công nghệ, nhằm truyền cảm hứng cho các bạn nhỏ từ 8 đến 16 tuổi tìm hiểu học tập STEAM Khoa học (Science), Công Nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering), Nghệ Thuật (Art) và Toán học (Mathematics). Sự kiện dự kiến diễn ra ở TP.HCM, Hà Nội với hơn 100 trường tiểu học, trung học và hơn 500 thí sinh tham dự.

Chủ đề của cuộc thi năm nay với tên gọi "City Guardian - Chiến binh bảo vệ Thành phố" gắn liền với các vấn đề nóng của TP.HCM như giao thông, năng lượng, môi trường, an ninh... Các thí sinh sẽ vận dụng kiến thức liên môn STEM (khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán) cùng kỹ năng thiết kế robot và lập trình để giải quyết những đề bài ban tổ chức đưa ra. 

 

Thạch An - khampha.vn

Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) với các dịch vụ về phần mềm, lưu trữ, bảo mật dữ liệu...

 

Sáng 16/08, tại Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã diễn ra lễ trao giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp thứ 82 của thành phố.

TP.HCM: Trao chứng nhận cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ thứ 82 - 1

Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM (trái) trao chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho ông Đinh Hà Duy Linh, Tổng giám đốc HPT. Ảnh: Hà Thế An.

Doanh nghiệp đạt chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ là Công ty Cổ phần Dịch vụ Tin học HPT. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT với các dịch vụ phần mềm, lưu trữ và bảo mật dữ liệu,... HPT được Hội đồng chuyên môn đánh giá và công nhận 21 sản phẩm về công nghệ để nhận giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, thành phố chiếm đến 50% số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ của cả nước. Tuy nhiên, con số 82 doanh nghiệp đạt chứng nhận khoa học công nghệ vẫn còn ít so với con số 300.000 doanh nghiệp của thành phố.

Ông Thanh chia sẻ, trong số 82 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp CNTT chiếm số lượng nhiều nhất. Điều đó cho thấy, CNTT là ngành có nhiều cơ hội nhất và đương nhiên có nhiều giải pháp, sản phẩm ứng dụng khoa học và công nghệ trong đời sống.

“Việc đạt chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ là một niềm vinh dự với công ty HPT. Song, doanh nghiệp phải luôn luôn cố gắng của doanh nghiệp để có thể tiếp cận được với các chương trình ưu đãi khi là doanh nghiệp khoa học và công nghệ”- ông Thanh nói.

Ông Đinh Hà Duy Linh, Tổng giám đốc HPT bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa để công ty đạt được danh hiệu này. Đây là một trong những mục tiêu mà năm 2019, HPT đã đạt được và đó là niềm khích lệ lớn với toàn thể công ty.

“Chúng tôi sẽ gắn kết chặt chẽ hơn nữa với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để thực hiện các chương trình hợp tác với các đầu việc cụ thể, ứng dụng CNTT vào cuộc sống”- ông Linh nói.

Tại buổi lễ, ông Nguyễn Khắc Thanh đã “đặt hàng” công ty HPT về việc phối hợp thực hiện các chương trình hướng dẫn, đào tạo cho các chuyên viên quận, huyện của TP.HCM về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI),  Internet vạn vật (IoT),…hợp tác về ứng dụng CNTT tham gia các chương trình của thành phố về đô thị thông minh, khu sáng tạo phía Đông…

Theo Nghị định 13/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 20/03/2019, doanh nghiệp khoa học và công nghệ sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định về đất đai. Đồng thời, các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được vay vốn tín dụng đầu tư của nhà nước; được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KHCN của Bộ, cơ quan ngang bộ tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại và bảo lãnh để vay vốn.

Hà Thế An - khampha.vn

Các startup, các sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp đều có thể tham gia chương trình để nhận được những tư vấn bổ ích từ chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về gọi vốn.

 

Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM sẽ tổ chức một khóa đào tạo về gọi vốn cho startup hoàn toàn miễn phí trong tháng 9 tới. Theo đó, tất cả các startup, các sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp đều có thể tham gia chương trình.

Khóa đào tạo được tổ chức với mục tiêu hỗ trợ các startup những hướng dẫn căn bản để có thể chuẩn bị kế hoạch gọi vốn cho mình một cách suôn sẻ hơn. Nội dung chính của khóa học chia thành 3 chủ đề chính gồm: Hành trình khởi nghiệp (Startup Journey and Stage); Định giá startup (Valuation); Gọi vốn (Fund raising).

SIHUB tổ chức đào tạo miễn phí kỹ năng gọi vốn cho startup - 1

Ông Nguyễn Việt Đức sẽ là giảng viên đứng lớp trong suốt khóa học. Ảnh: SVF.

Giảng viên đào tạo là ông Nguyễn Việt Đức, Cố vấn cao cấp của Startup Vietnam Foundation (SVF). Ông Đức có 12 năm kinh nghiệm quản lý rủi ro tài chính, quản lý chiến lược đầu tư và phân tích môi trường kinh tế vĩ mô. Ông hiện đang là CEO của công ty quản lý đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (ICM).

Trước đó, ông Đức từng giữ chức vụ Trưởng phòng cao cấp của công ty KPMG Vietnam; Giám đốc khối quản lý rủi ro cho ngân hàng An Bình (ABBANK); Giám đốc Đầu tư của Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI SUN LIFE và Giám đốc Đầu tư Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ BAOVIETLIFE. 

Ông từng đoạt giải thưởng nổi bật như nhà lãnh đạo xuất sắc năm 2011 và ý tưởng chiến lược xuất sắc tại ABBANK. Ông từng đoạt giải Huy chương đồng ‐ Toán học sinh viên toàn quốc, được cấp học bổng Sinh viên khối Pháp ngữ đào tạo về quản lý và học bổng sinh viên xuất sắc của trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).

Dự kiến khóa đào tạo sẽ được tổ chức gồm 4 lớp, dạy vào các chiều thứ 4 các ngày 04, 11, 18 và 25 tháng 9 sắp tới, mỗi lớp tối đa 25 học viên. Địa điểm học: SIHUB, số 273 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM. Các startup có thể đăng ký tham gia khóa học tại đây.

 
Hà Thế An - khampha.vn
Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng cường các ngành kinh tế, kỹ thuật có hàm lượng khoa học và công nghệ (KH-CN) cao, đồng thời thu hút các chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài về Việt Nam, UBND TPHCM đã quyết định thành lập Viện KH-CN tính toán (trực thuộc Sở KH-CN) từ năm 2008, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2009… Đến nay đã tròn 10 năm, Viện KH-CN tính toán đã làm được những gì?

Hướng đến những nghiên cứu ứng dụng đời sống

Nơi thu hút chuyên gia 

Hiện nay, Viện KH-CN tính toán có 40 cán bộ, nhân viên, nghiên cứu viên, cộng tác thường xuyên với 6 giáo sư Việt kiều và người nước ngoài, thu hút nhiều tiến sĩ, nghiên cứu viên cao cấp từ các đơn vị trường, viện trong và ngoài nước đến hợp tác và làm việc.

Viện cũng là một trong những thành viên tích cực của mạng lưới PRAGMA, một hiệp hội nghiên cứu đa quốc gia gồm hơn 40 trung tâm, viện nghiên cứu trong khu vực Thái Bình Dương…

GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, Viện trưởng Viện KH-CN tính toán, cho biết, viện được thành phố đầu tư hệ thống tính toán hiệu năng cao, đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên và hoạt động nghiên cứu khoa học.

Đồng thời để thu hút các chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài về làm việc và cống hiến, thành phố đã mở nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù như mô hình đồng viện trưởng, mô hình thí điểm nhân sự có quốc tịch nước ngoài giữ chức vụ quản lý; thực hiện cơ chế phản biện, nghiệm thu đề tài theo tiêu chuẩn quốc tế… 

Sau 10 năm hoạt động, viện đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ: Số lượng nhiệm vụ KH-CN được triển khai từ 2009-2018 là 116 nhiệm vụ, với tỷ lệ hoàn thành và nghiệm thu các nhiệm vụ đạt trên 90%.

Tính trung bình, mỗi năm viện triển khai và nghiệm thu được 11 nhiệm vụ. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, viện đã tiếp nhận và tổ chức xét duyệt 20 nhiệm vụ và đang trình Sở KH-CN cấp kinh phí thực hiện.

Hướng đến những nghiên cứu ứng dụng đời sống ảnh 1
Các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia thảo luận tại Hội thảo quốc tế về khoa học và kỹ thuật tính toán lần 4 (ICCSE-4) do Viện KH-CN tính toán vừa tổ chức tại TPHCM. Ảnh: T.Ba

Công bố quốc tế là một nhiệm vụ quan trọng của các nhà khoa học. Tính đến tháng 7-2019, các nhà khoa học, nghiên cứu viên của viện đã công bố hơn 240 bài báo trên các tạp chí uy tín quốc tế (SCI, SCIE).

Đặc biệt, riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, viện đã công bố 28 bài báo quốc tế, tương đương 80% số bài công bố trong cả năm 2018. Số bài báo đang đợi kết quả công bố từ các nhiệm vụ đang triển khai nghiệm thu trong năm nay là 10 bài.

Một trong những mục tiêu hoạt động của Viện KH-CN tính toán là kết hợp mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tính toán ở Việt Nam. Trong 10 năm hoạt động vừa qua, các giáo sư của viện đã phát triển, đào tạo được 20 tiến sĩ, thạc sĩ từ các nhiệm vụ KH-CN trong và ngoài nước.

Đặc biệt, một số nghiên cứu viên sau thời gian công tác tại Viện KH-CN tính toán dưới sự hướng dẫn của các giáo sư đã tiếp tục thực hiện nghiên cứu sinh tiến sĩ ở một số trường, viện nổi tiếng như University of Leuven (Bỉ), Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Viện Vật lý - Viện Hàn lâm khoa học Ba Lan…

Cần giải quyết các bài toán cấp bách 

Với sự quan tâm của UBND TPHCM, trong năm 2019, viện tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển, đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, mở rộng tầm phát triển nghiên cứu toàn diện với chú tâm đặc biệt cho những khía cạnh có tiềm năng triển khai ứng dụng.

Cụ thể là tiếp tục thu hút nguồn nhân lực cao cấp, tăng cường số đề tài nghiên cứu mang tính quốc tế hướng đến các bài báo uy tín, tiếp tục tổ chức các hội nghị khoa học quốc tế chất lượng, nâng cao hơn nữa danh tiếng cho viện.

“Chúng tôi cũng định hướng sẽ triển khai xây dựng, thương mại hóa các sản phẩm phần mềm công nghệ tính toán trong các lĩnh vực có thế mạnh như y - sinh, hóa học tính toán, tính toán môi trường để có thể phát triển bền vững với mô hình độc lập hoạt động, tự chủ tài chính”, GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng cho biết. 

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, trong những năm qua, Viện KH-CN tính toán đã thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều quay trở về đóng góp, xây dựng thành phố theo đúng định hướng của UBND TP và đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học, công bố quốc tế đối với lĩnh vực y - sinh học và hóa học...

“Chúng tôi hy vọng trong thời gian sắp tới, viện không chỉ đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản mà còn tiếp tục quan tâm giải quyết các bài toán cấp bách khác gắn liền với mục tiêu phát triển của thành phố liên quan đến chống ngập, kẹt xe, giảm ô nhiễm và các bài toán ứng dụng trong kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh.

Viện KH-CN tính toán đã triển khai một số nhiệm vụ định hướng ứng dụng phục vụ sự phát triển của thành phố và bước đầu thu được kết quả khả quan, như xây dựng WEBGIS tính toán chỉ số chất lượng nước và chất lượng không khí TPHCM; xây dựng hệ thống sensor quan trắc một số chỉ số môi trường không khí phục vụ dự báo chất lượng không khí theo thời gian thực cho TPHCM với mục tiêu phát triển thiết bị IOT quan trắc chất lượng không khí và xây dựng hệ thống quản lý cung cấp các số liệu chất lượng không khí TPHCM theo thời gian thực; phát triển hệ thống hỗ trợ tự động tạo biên bản cuộc họp sử dụng công nghệ nhận dạng tiếng nói…

BÁ TÂN -SGGP

Đây là sự ghi nhận của Trung ương Đoàn TNCS HCM với những đóng góp của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM trong hoạt động hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của thanh thiếu niên.

 

Hai kỷ niệm chương được trao cho ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc và ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM diễn ra tối ngày 03/08.

Sở KH&CN TP.HCM nhận 2 kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ - 1

Ông Nguyễn Kỳ Phùng nhận Kỷ niêm chương Vì thế hệ trẻ của Trung ương Đoàn. Dịp này Trung ương Đoàn cũng đã trao 19 kỷ niệm chương cho các cá nhân đóng góp cho sự phát triển của phong trào thanh thiếu niên. Ảnh: Hà Thế An.

Trong thư gửi chúc mừng Trung tâm, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM viết, trong những năm qua, hai đơn vị đã ký kết kế hoạch liên tịch hằng năm để phối hợp tổ chức các hoạt động khoa học và công nghệ dành cho tuổi trẻ thành phố. Cụ thể là các chương trình như: Vườn ươm sáng tạo khoa học và công nghệ trẻ, giải thưởng Euréka, liên hoan tuổi trẻ sáng tạo, cuộc thi sáng tạo thanh thiếu nhi…

“Trung tâm luôn thể hiện tốt vai trò dẫn dắt thanh thiếu niên tổ chức các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu khoa học, đóng góp cho sự phát triển xã hội. Trung tâm cũng là đầu mối giúp các chuyên gia, nhà khoa học trẻ có điều kiện giao lưu nâng cao năng lực trong hoạt động nghiên cứu khoa học”- ông Dũng viết.

Ông Dũng cũng cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ Trung tâm trong các chương trình, hoạt động nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của thanh thiếu niên thành phố.

Sở KH&CN TP.HCM nhận 2 kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ - 2

Trung tâm ký kết với các đối tác trong chương trình lễ kỷ niệm 30 năm thành lập. Ảnh: Hà Thế An.

Cũng tại lễ kỷ niệm, anh Phạm Hồng Sơn, Uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM cũng dành những lời chúc mừng và đặt hàng Trung tâm nhiều nhiệm vụ. Cụ thể, anh Sơn mong muốn Trung tâm phải phát huy tinh thần xung kích tuổi trẻ, có các đề tài, dự án hướng đến những vấn đề mà thành phố đang cần như đô thị thông minh, phát triển kinh tế tri thức.

Anh Sơn cũng kỳ vọng Trung tâm tiếp tục đổi mới các hoạt động của thanh thiếu niên ngày càng có chiều sâu, hợp tác với các đối tác để nâng cao chất lượng hoạt động thanh thiếu niên trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trung tâm cần hỗ trợ nhiều hơn cho các nhà khoa học, tài năng trẻ…

“Cổng thông tin ý tưởng phải được các bạn trẻ biết đến nhiều hơn để có thể đóng góp các ý tưởng sáng tạo có khả năng ứng dụng thực tiễn trong cuộc sống. Đây cũng là bước đi nhằm thực hiện mục tiêu tuổi trẻ TP.HCM có 10.000 ý tưởng có thể thực hiện ứng dụng”- anh Sơn nói.

Dịp này, Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TP.HCM đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng. Đây là lần thứ 2 Trung tâm đón nhận huân chương cao quý này, lần đầu vào năm 2013.

 
Hà Thế An - khampha.vn

Chia sẻ tại buổi nói chuyện trong khuôn khổ ICCSE-4, giáo sư Nguyễn Văn Thanh Vân đã hé mở những phương pháp giảm ngập lụt bằng công nghệ hiện đại.

 

Nằm trong chuỗi hoạt động chính của Hội thảo Quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật tính toán lần 4 (ICCSE-4), Giáo sư Nguyễn Văn Thanh Vân hiện đang nghiên cứu tại Đại học McGill, Canada đã có bài giảng đại chúng về "Liên kết biến đổi khí hậu với ngập lụt đô thị và Thiết kế cơ sở hạ tầng nước đô thị".

Qua buổi nói chuyện, ông đã chia sẻ về những tiến bộ trong mô hình hóa các quá trình mưa cực đoan trên diện rộng theo không gian và thời gian, cũng như giới thiệu các công nghệ tiên tiến và cách áp dụng chúng vào thực tiễn nhằm giúp giảm ngập lụt ở các đô thị, mà cụ thể là tại TP.HCM.

Công cụ tính toán giúp thành phố trữ nước mùa khô, thoát ngập mùa mưa - 1

Giáo sư Nguyễn Văn Thanh Vân đang nghiên cứu tại Đại học McGill, Canada chia sẻ tại buổi nói chuyện.

Theo GS Thanh Vân, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu ngày càng có tác động sâu sắc đến chu trình thủy văn dẫn đến những cơn mưa cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều ở các đô thị.

Do vậy, nhu cầu cấp thiết hiện nay là đánh giá các tác động có thể có của biến đổi khí hậu đối với các cơn bão cực đoan và ngập lụt đô thị cũng như xây dựng quy trình mới để cải thiện thiết kế cơ sở hạ tầng nước đô thị.

Thách thức đặt ra là làm thế nào để thiết lập mối liên kết giữa các dự báo khí hậu do mô hình khí hậu toàn cầu đưa ra ra ở quy mô toàn cầu và các trận mưa cực đoan quan sát được tại một địa điểm để có thể dự đoán được sự thay đổi của các trận mưa cục bộ.

Công cụ tính toán giúp thành phố trữ nước mùa khô, thoát ngập mùa mưa - 2

TP.HCM nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với lượng mưa mỗi năm thuộc mức cao, nhóm nghiên cứu cho biết cần nhất vẫn là chủ động kiểm soát lượng nước nhằm tránh hạn mùa khô và tránh ngập mùa lũ.

Báo cáo của GS Thanh Vân đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về một số tiến bộ gần đây trong việc mô hình hóa các quá trình mưa cực đoan trong điều kiện khí hậu thay đổi từ quan điểm lý thuyết và thực tiễn.

“Mô hình hóa các cơn mưa cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp và khó đoán là một cách ứng dụng công nghệ để xử lý các vấn đề trong thực tế tại những đô thị lớn. Bằng cách thống kê lượng mưa qua một công cụ được nhóm nghiên cứu phát triển mới đây, chúng ta sẽ đưa ra được dự đoán về tình hình thời tiết, từ đó đưa ra quyết định hiệu quả hơn”, GS Vân cho biết.

Công cụ mà giáo sư nhắc đến trong bài giảng là SMExRain, đã được nhóm nghiên cứu thử nghiệm thực tế ở Ontario, Canada. Giáo sư Vân cùng các cộng sự của mình đã tiến hành đo đạc lượng mưa trong 5 phút, 1 giờ, 24 giờ tại 21 điểm trạm trong vùng.

Công cụ tính toán giúp thành phố trữ nước mùa khô, thoát ngập mùa mưa - 3

Giao diện của phần mềm SMExRain.

Kết quả đo đạc được đưa đi phân tích và áp vào 10 mô hình dự đoán, như Beta-K, Beta-P, GEV, GLO, GNO, GPA, LP3, P3, Gumbel cùng Wakeby. Mỗi mô hình như vậy có từng công thức tính toán khác nhau, nhưng chúng đều đưa kết quả gần giống nhau về ước lượng lượng mưa tối đa và trung bình của năm.

Giáo sư cho biết, kết quả đưa ra ở các mô hình không quá khác nhau, nhưng GEV, GNO và P3 là những mô hình được ưu tiên sử dụng hơn cả vì phương pháp tính toán của nó đơn giản hơn, cũng như dựa trên cơ sở lý thuyết vững chắc hơn. Trong 3 mô hình này, thì GEV được nhóm nghiên cứu sử dụng nhiều nhất.

Chia sẻ với Tạp chí Khám phá về cách áp dụng công cụ này cho tình hình thực tế ở TP.HCM, GS Vân cho biết, đến thời điểm hiện tại công cụ chỉ mới được thực hiện ở Ontario, Canada và sẽ mở rộng ra các tỉnh khác ở nước này.

Công cụ tính toán giúp thành phố trữ nước mùa khô, thoát ngập mùa mưa - 4

Lượng mưa đo đạc và kết quả sau phân tích của 3 mô hình GEV, GNO, PE3 trong ứng dụng SMExRain.

Do đặc thù diện tích rộng và trải qua nhiều đới thời tiết khác nhau, công nghệ này khi được ứng dụng rộng khắp ở Canada sẽ giúp nó ‘tôi luyện’ để làm việc chính xác hơn, cũng như sẽ đạt được hiệu quả cao nhất khi sử dụng tại TP.HCM.

“TP.HCM nằm trong vùng khí hậu gió mùa cận xích đạo, mùa mưa mỗi năm diễn ra khá đúng giờ, cũng như lượng mưa tương đối ổn định. Nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời gian diễn ra và lượng mưa của mùa mưa đang dần thay đổi một cách khó đoán, SMExRain có thể sẽ phát huy khả năng nhằm giúp thành phố chủ động được trong việc trữ nước mùa khô, thoát nước mùa mưa”, ông cho biết.

GS Vân cũng chỉ ra mối nguy có thật của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống con người trong tương lai, mà quan trọng nhất chính là khủng hoảng tài nguyên nước. Bằng cách chủ động dự trữ và lên kế hoạch sử dụng nguồn nước hiệu quả, chúng ta sẽ chủ động thích nghi tốt hơn với tình trạng thời tiết cực đoan sau này.

 
Quốc Anh - khampha.vn

Dù đã 92 tuổi, nhưng sáng nào mẹ Nguyễn Thị Tường ở quận 10, TP.HCM cũng dậy sớm ngồi trên xe lăn tập thể dục và đeo kính lão đọc báo hằng ngày.

 

Đó là câu chuyện mà bà Nguyễn Thị Lan, Nguyên Phó ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM, con gái út mẹ Tường kể cho đoàn lãnh đạo thành phố thăm gia đình chính sách, nhân kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ (27/07). Bà Chu Vân Hải, Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, làm trưởng đoàn.

mvnah1

Mẹ Nguyễn Thị Tường (phải) kể những câu chuyện ngày xưa với bà Chu Vân Hải (trái), Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Ảnh: Hà Thế An.

Bà Lan cho biết, mặc dù đã 92 tuổi nhưng mẹ Tường vẫn còn rất minh mẫn. Mặc dù không còn đi lại được, nhưng sáng nào mẹ cũng ngồi trên xe lăn tập thể dục với các cụ ông, cụ bà trong phường. Mẹ Tường có chồng và con trai là liệt sỹ. Mẹ cũng từng làm cán bộ mặt trận tại địa phương.

Nghe những câu chuyện của mẹ Tường, bà Chu Vân Hải bày tỏ vui mừng và gửi những lời chúc mạnh khỏe, hạnh phúc tới mẹ. Bà Chu Vân Hải khẳng định, thành phố luôn nhớ ơn, quan tâm đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với Cách mạng.

Đoàn tiếp tục đến thăm mẹ Nguyễn Thị Sáng (sinh năm 1937, trú đường Ba Tháng Hai, Quận 10). Cũng giống mẹ Tường, mẹ Sáng không còn đi lại được, phải ngồi một chỗ vì bị tai biến. Mẹ Sáng có chồng và con gái là liệt sỹ. Hiện nay mẹ sống với con trai út là ông Võ Văn Ân.

mvnah2

Bà Chu Vân Hải hỏi thăm sức khỏe bà mẹ VN anh hùng Nguyễn Thị Sáng. Ảnh: Hà Thế An.

Tiếp đến, đoàn đến thăm nhà ông Trần Xuân Hải, thương binh hạng 4/4, hiện sống trong một căn nhà nhỏ tại đường Ngô Gia Tự, Quận 10. Ông Hải từng chiến đấu và bị thương tại chiến trường Campuchia. Sau khi giải ngũ, mặc dù là thương binh nhưng ông vẫn tham gia lực lượng Thanh niên xung phong thành phố. Sau này, vì lý do sức khỏe nên ông xin nghỉ và phụ vợ buôn bán tạp hóa.

Mới đây, ông Hải được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa. Bày tỏ xúc động, ông Hải gửi lời cảm ơn lãnh đạo thành phố vẫn rất quan tâm và tạo điều kiện cho ông và gia đình có cuộc sống ổn định.

Chia tay gia đình ông Hải, đoàn tiếp tục đến thăm chị Nguyễn Thị Thu Hà, thân nhân liệt sỹ Trần Thị Thân (tạm trú tại một căn nhà trên đường Điện Biên Phủ, Quận 10). Hoàn cảnh của gia đình khá khó khăn. Chị Hà đang bị u não và phải xạ trị 2 lần. Chồng chị là Nguyễn Trường Hải, chạy xe ôm thu nhập không ổn định. Chị có hai người con, một đang học lái xe, một đang làm việc tự do.

kk1

Đoàn tặng quà cho chị Nguyễn Thị Thu Hà, thân nhân liệt sỹ. Ảnh: Hà Thế An.

Chia sẻ với khó khăn của gia đình, ông Lê Xuân Tân, Trưởng phòng LĐTB&XH Quận 10, cho biết sẽ tạo điều kiện để con trai đầu chị Hà tham gia lực lượng dân quân tự vệ của phường.

 
Hà Thế An - khampha.vn

ICCSE-4 được kì vọng sẽ tiếp tục mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiếp cận với các ứng dụng cụ thể để mang lại lợi ích thiết thực cho TP.HCM.

 

Sáng nay, ngày 25/7/2019, Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán (ICST), thuộc Sở KH&CN TP.HCM tổ chức Hội thảo Quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật tính toán lần 4 (ICCSE-4). Hội thảo năm nay được tổ chức trùng với dịp kỷ niệm 10 năm hoạt động của Viện Khoa học và Công nghệ tính toán.

Hội thảo có sự tham gia của gần 150 quan khách là các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Bỉ, Ba Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ tính toán.

Hội thảo quốc tế về khoa học tính toán tập trung vào các vấn đề 'nóng' - 1

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM phát biểu khai mạc hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, tin tưởng ICCSE-4 sẽ tiếp tục là cơ hội để các nhà khoa học chia sẻ kinh nghiệm và những nghiên cứu thực tế, mang lại lợi ích cho xã hội và tiếp nối thành tựu của khoa học và công nghệ tính toán trên toàn thế giới.

Ông Dũng cho biết, trong những năm qua, ICST đã thu hút các chuyên gia, nhà khoa học Việt kiều quay trở về đóng góp, xây dựng thành phố theo đúng định hướng của UBND TP.HCM, và đạt được nhiều kết quả khởi sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong thời gian tới, ông Dũng kỳ vọng ICST không chỉ đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản mà còn tiếp tục quan tâm giải quyết các bài toán cấp bách khác gắn liền với mục tiêu phát triển của Thành phố như chống ngập, kẹt xe, giảm ô nhiễm và các bài toán ứng dụng trong kinh tế – xã hội.

Ông Dũng đánh giá cao việc hội thảo ICCSE-4 lần này đã có sự quan tâm đến các vấn đề nóng của thế giới cũng như ở Thành phố đối với tài nguyên nước và biến đổi khí hậu. Ông hy vọng các cuộc thảo luận tại hội thảo sẽ tiếp tục mở ra nhiều hướng nghiên cứu tiếp cận với các ứng dụng cụ thể để mang lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển của Thành phố.

Chia sẻ về các hoạt động của Viện khoa học và Công nghệ tính toán, ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán cho biết, Viện đã có 116 nhiệm vụ khoa học triển khai từ năm 2009 đến năm 2018 với tỉ lệ hoàn thành và nghiệm thu đạt trên 90%. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019, Viện đã tiếp nhận và tổ chức xét duyệt 20 nhiệm vụ. Cũng tính đến thời điểm hiện tại, các nhà khoa học, nghiên cứu viên của Viện đã công bố trên 240 bài báo trên tạo chí uy tín quốc tế.

Hội thảo quốc tế về khoa học tính toán tập trung vào các vấn đề 'nóng' - 2

Ông Nguyễn Kỳ Phùng - Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán

Ông Phùng cũng chỉ ra một trong những mục tiêu hoạt động của Viện là kết hợp với mạng lưới các trường Đại học, Viện nghiên cứu để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực tính toán ở Việt Nam. Trong 10 năm hoạt động, Viện đã phát triển, và đào tạo được 20 Tiến sĩ, Thạc sĩ từ các nhiệm vụ KHCN trong và ngoài nước.

Ông Phùng cũng cho biết, định hướng tương lai của ICST là sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển, đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, mở rộng tầm phát triển nghiên cứu toàn diện với trọng tâm cho những lĩnh vực có tiềm năng triển khai ứng dụng. Viện cũng định hướng sẽ triển khai xây dựng, thương mại hóa các sản phẩm phần mềm công nghệ tính toán thuộc các lĩnh vực thế mạnh như Y-Sinh, Hóa học tính toán, Tính toán Môi trường để phát triển bền vững với mô hình hoạt động độc lập, tự chủ tài chính.

Trong khuôn khổ hội thảo sáng nay sẽ có 2 bài chuyên đề: AI, Học máy và nghiên cứu khoa học của Giáo sư Hồ Tú Bảo - Viện Toán cao cấp Việt Nam và Các phương pháp lấy mẫu không gian cấu hình cho mô phỏng cổ điển và lượng tử của Giáo sư Yuko Okamoto, Trường đại học Nagoya, Nhật Bản.

Một số hình ảnh tại sự kiện:

Hội thảo quốc tế về khoa học tính toán tập trung vào các vấn đề 'nóng' - 3

Toàn cảnh buổi hội thảo

Hội thảo quốc tế về khoa học tính toán tập trung vào các vấn đề 'nóng' - 4

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM trao kỷ niêm chương cho những người đã và đang là Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán.

Hội thảo quốc tế về khoa học tính toán tập trung vào các vấn đề 'nóng' - 5

Giáo sư Hồ Tú Bảo với bài chuyên đề về AI, Học máy và nghiên cứu khoa học.

Hội thảo quốc tế về khoa học tính toán tập trung vào các vấn đề 'nóng' - 6

Hội thảo quốc tế về Khoa học và Kỹ thuật Tính toán (The International Conference on Computational Science and Engineering – ICCSE) là một hoạt động khoa học truyền thống của Viện Khoa học và Công nghệ tính toán – Sở KH&CN TP.HCM. Các kỳ Hội thảo trước đây được tổ chức vào các năm 2011 (ICCSE-1), 2014 (ICCSE-2) và 2016 (ICCSE-3) đã thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu từ nhiều trường Đại học, Viện nghiên cứu quốc tế.

Ba chủ đề chính của Hội thảo là Kỹ thuật tính toán Y - Sinh học và thiết kế thuốc (Computational Biophysics and Medicine); Kỹ thuật tính toán trong Hóa học (Computational Chemistry) và Mô phỏng, dự báo tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (Water Resources and Climate Change)

Sự kiện diễn ra trong hai ngày 25-26/7/2019 tại Khách sạn Eastin Grand Hotel (253, Nguyễn Văn Trỗi, Phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM). Chương trình chi tiết, thông tin các diễn giả chính và khách mới được cập nhật trên Website chính thức của Hội thảo: http://conference.icst.org.vn và Viện Khoa học và Công nghệ Tính toán: http://www.icst.org.vn.

 

Thạch An - khampha.vn

Với kĩ thuật nuôi tôm mới, thời gian nuôi rút ngắn, rủi ro ít hơn, tôm nuôi đạt 3 tháng là có thể thu hoạch với sản lượng tới 40 đến 50 tấn tôm/ha/vụ.

 

Đó là quy trình nuôi tôm thâm canh trong hồ lót bạt HDPE mà HTX Thuận Yến (H. Cần Giờ, TP.HCM) đang làm với đầu tư lên tới 1,6 tỉ đồng. Nhưng sự đầu tư này lại có chia sẻ từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ mà Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao phối hợp thực hiện.

Được Nhà nước 'chia lửa', Hợp tác xã bỏ tiền tỉ lót bạt nuôi tôm - 1

Tôm nuôi được vớt lên ở hồ nuôi theo kỹ thuật mới sử dụng bạt HDPE. Ảnh: Hà Thế An.

Nhà nước “chia lửa” cho HTX

Theo ông Lê Huy Hoàng, Phó trưởng Phòng quản lý khoa học và công nghệ cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, đơn vị hỗ trợ một phần kinh phí để giúp HTX Thuận Yến ứng dụng công nghệ nuôi tôm mới. Còn Trung tâm nghiên cứu, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thuộc Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHRD) là đơn vị triển khai.

“Đây là hình thức hỗ trợ theo tỉ lệ 7/3. Nghĩa là HTX Thuận Yến bỏ ra 70% chi phí đầu tư, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM bỏ ra 30% chi phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước. Chương trình này nhằm khuyến khích nông dân, HTX ứng dụng những mô hình nuôi tôm mới, đạt hiệu quả, năng suất cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống”- ông Hoàng nói.

Hiện tại HTX Thuận Yến đang triển khai thí điểm mô hình nuôi tôm mới này với 2 hồ nuôi diện tích 500 mét vuông, với chi phí hơn 1 tỉ đồng. Trong đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM hỗ trợ 300 triệu đồng bằng chi phí mua con giống, cơ sở vật chất…

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ nhiệm HTX Thuận Yến, là người có thâm niên hơn 10 năm nuôi tôm. Tuy nhiên, bà cho rằng kinh nghiệm nuôi tôm truyền thống cần phải kết hợp với những kỹ thuật nuôi tôm mới, giá trị kinh tế cao hơn. Chính vì lẽ đó, bà Yến đã mạnh dạn đầu tư cho mô hình nuôi tôm mới này.

“Kỹ thuật nuôi tôm truyền thống có tỉ lệ thất bại rất cao, có thể lên tới 90%. Nhưng khi ứng dụng công nghệ mới thì rủi ro sẽ thấp hơn vì mình có thể kiểm soát được môi trường - điều kiện rất quan trọng để nuôi tôm thành công. Tôi hy vọng, sau vài vụ tôm thành công, có thể chuyển giao công nghệ mới này cho nông dân để triển khai”- bà Nhiệm chia sẻ.

Được Nhà nước 'chia lửa', Hợp tác xã bỏ tiền tỉ lót bạt nuôi tôm - 2

Tôm sau thời gian 2 tháng tại hồ nuôi. Dự kiến thời gian nuôi từ 90 đến 100 ngày là có thể thu hoạch. Ảnh: Hà Thế An.

Còn ông Văn Hữu Lạc (57 tuổi), nông dân nuôi tôm tại ấp An Nghĩa, xã An Nghĩa Đông, huyện Cần Giờ, TP.HCM, cho biết, ông từng biết tới kỹ thuật nuôi tôm mới này. Ông Lạc hiện có một ao nuôi tôm thẻ chân trắng diện tích khoảng 0,5 ha. Tuy nhiên, thời gian trở lại đây ông Lạc định bỏ nuôi tôm vì khả năng rủi ro rất cao.

“Vì rủi ro như vậy nên tôi chuyển sang nuôi cá. Kỹ thuật nuôi mới này rất hay, nhưng chi phí đầu tư ban đầu cao quá. Nếu như Nhà nước có chính sách hỗ trợ thì tôi sẽ sẵn sàng đầu tư”- ông Lạc khẳng định.

Nhiều lợi ích từ kỹ thuật nuôi tôm mới

Theo kỹ sư Tăng Minh Trí, chuyên viên của AHRD, mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh hai giai đoạn trong hồ lót bạt HDPE” mang lại nhiều lợi thế cho người nuôi. Cụ thể, mô hình này không sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, thời gian nuôi mỗi giai đoạn ngắn (khoảng 3 tháng cho hai giai đoạn nuôi) nên hạn chế rủi ro.

Mô hình nuôi tôm này sử dụng nhà màng nhằm hạn chế những tác động bất lợi từ môi trường bên ngoài vào ao nuôi. Nước thải của hồ nuôi được xử lý tuần hoàn lại hồ nuôi. Các chất thải khác được thu gom và tái chế làm phân bón cho cây trồng.

“Với kỹ thuật mới này, việc quản lý chất lượng nước phải đưa lên hàng đầu. Nông dân phải kiểm tra chỉ tiêu môi trường mỗi ngày, định kỳ kiểm tra sự hiện diện của vi khuẩn và ký sinh trùng 3 ngày/ lần. Nếu làm tốt, tỉ lệ sống của tôm có thể đạt 80 - 90%”- kỹ sư Trí chia sẻ.

Theo tính toán của AHRD, nông dân có thể thu hoạch tới 40 đến 50 tấn tôm/ha/vụ.

Được Nhà nước 'chia lửa', Hợp tác xã bỏ tiền tỉ lót bạt nuôi tôm - 3

Kỹ thuật nuôi tôm mới sử dụng nhà màng để "bảo vệ" hồ nuôi tôm trước những tác động thời tiết. Ảnh: Hà Thế An.

Ông Lê Văn Cửa, Phó giám đốc AHRD, cho biết kỹ thuật nuôi tôm thâm canh trong hồ lót bạt HDPE do đơn vị nghiên cứu trong thời gian 2 năm và sau đó chuyển giao cho HTX Thuận Yến. Ông Cửa mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bà con nông dân để mô hình này có thể lan tỏa.

“Chúng tôi là những người làm khoa học nhưng chính bà con nông dân là những người có thực tiễn và kinh nghiệm và hoàn toàn có thể dạy lại cho chúng tôi. Từ đó, kỹ thuật nuôi tôm mới này có thể đem lại những giá trị kinh tế tốt nhất. Tôi cũng mong rằng, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp tục đồng hành và hỗ trợ chúng tôi trong dự án này”- ông Cửa chia sẻ.

 

Hà Thế An - khampha.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353