Các bài toán lớn của Công an TP.HCM về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số… cần lời giải
06-06-2023Trong khuôn khổ "Lễ ký kết hợp tác giữa Sở Khoa học và Công nghệ - Công an TP.HCM" giai đoạn 2023-2025 và "Sự kiện kết nối - nghiên cứu xây dựng các giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ công tác quản lý nhà nước ngành Công an tại TP.HCM” vừa được Sở Khoa học và Công nghệ - Công an TP.HCM phối hợp tổ chức vào ngày 30/05/2023. Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM đã nêu ra một số khó khăn trong công tác quản lý, đồng thời “đặt hàng” các doanh nghiệp, các trường viện xây dựng các giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, công nghệ cao... phục vụ quản lý nhà nước ngành Công an tại Thành phố.
Các bài toán đặt hàng cụ thể đến từ Công an TP.HCM như sau:
Phòng Viễn thông, tin học và cơ yếu (PH04): Nghiên cứu xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh cung cấp thông tin và giải pháp thắc mắc của người dân và doanh nghiệp về các dịch vụ hành chính công của Công an Thành phố trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI, trả lời tự động Chat Bot.
Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PC07): Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Cũng như, nghiên cứu ứng dụng tác chiến điện tử trong công tác chỉ huy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
Phòng Hồ sơ nghiệp vụ (PV06): Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP.HCM.
Phòng An ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao (PA05): Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào xây dựng công cụ tự động rà quét, thu thập thông tin theo từ điển từ khóa gồm nội dung các trang web, hình ảnh, video, clip trên mạng internet, mạng web đen (dark web, deep web…) thông qua công cụ tìm kiếm (google, bing, yahoo…) và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (robot phân tích thông tin) để tự động phân loại, sắp xếp thông tin và cảnh báo theo thời gian thực. phục vụ hỗ trợ công tác nắm tình hình thông tin trên không gian mạng kịp thời và nhanh chóng. Bên canh đó là các công cụ phục vụ công tác phục hồi, trích xuất dữ liệu điện tử, thu thập thông tin, dữ liệu bị xóa trên các thiết bị điện tử: máy tính, máy chủ, điện thoại thông minh… và trên không gian mạng.
Ngoài ra còn một số ứng dụng, thiết bị, giải pháp và phần mềm khác như: Phần mềm có chức năng hỗ trợ tăng cường, nâng cao chất lượng hình ảnh giám định kỹ thuật số để làm nét biển số phương tiện; Phần mềm phục hồi, làm nét hình ảnh và video cho mục đích nhận dạng đối tượng nghi vấn khi làm nét ảnh mặt; Thiết bị đeo tay hoặc chân để quản lý can phạm nhân khi dẫn giải, chữa bệnh, can phạm nhân phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; Thiết bị nhận, xử lý thông tin phương tiện giao thông từ video clip ghi hình an ninh trật tự phục vụ điều tra khám phá án; Giải pháp và phần mềm quản lý can phạm nhân và kiểm soát an ninh trên cơ sở ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM cho biết, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, công nghệ mới để phân tích, nắm tình hình trên không gian mạng là điều rất cần thiết hiện nay.
“Hiện nay, trong quá trình điều tra tội phạm, Công an TP.HCM phải xem lại hình ảnh camera trong nhiều ngày bằng mắt thường để đối sánh, việc này thường mất thời gian rất lâu. Do đó, chúng tôi mong muốn có phần mềm để khi đưa video vào thì có thể rà soát, phân tích được lượng người xuất hiện, khuôn mặt, biển số… để truy vết tội phạm nhanh hơn”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Bên cạnh đó, Công an TP.HCM cũng mong muốn các doanh nghiệp hợp tác xây dựng các giải pháp hỗ trợ để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp nhanh hơn, cải thiện khả năng thu thập cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực chữa cháy, cứu hộ và phòng chống tội phạm trên không gian mạng...
“Ngành Công an Thành phố muốn ứng dụng công nghệ cao vào công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là ở các tầng hầm, giao thông ngầm với các công nghệ mới như: quét bản đồ 3D, phân tích nhiệt độ ngọn lửa qua ảnh chụp, phân tích hóa chất có trong đám cháy… nhằm giúp lực lượng chức năng có thể nhận biết các mối nguy hiểm, đưa ra những mệnh lệnh chỉ huy phù hợp. Bên cạnh đó, là những ứng dụng thực tế ảo trong huấn luyện phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người được huấn luyện. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nhu cầu về các giải pháp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tăng cường năng lực phòng chống tội phạm công nghệ cao đang xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn tinh vi”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói thêm.
TS. Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM, hy vọng sự hợp tác giữa hai ngành sẽ tạo ra cơ hội để các viện nghiên cứu, công ty công nghệ có thể nhận các đơn đặt hàng từ ngành Công an. Mục tiêu xa hơn là thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo vệ an ninh xã hội. Trong khi đó, Thiếu tướng TS. Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TP.HCM chia sẻ mục tiêu về lâu dài là tạo ra nhiều lợi ích cho người dân.
Nhật Linh (CESTI)