20 dự án xuất sắc bước vào vòng ươm tạo HAI 2020
07-09-2020Từ 50 dự án ở vòng bán kết, Cuộc thi “Dự án Đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo của TP.HCM năm 2020 (HAI 2020)” đã đi sâu hơn vào vòng ươm tạo và chọn ra 20 dự án xuất sắc nhất.
Trong số 20 cái tên nổi bật nhất không thể không kể đến các dự án làm về y tế công nghệ cao, như “X-ray reporter” của sinh viên Lê Văn Pôn từ trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM. Dự án này mang đến các giải pháp hỗ trợ bác sĩ, các chuyên gia y tế trong việc đọc và phân tích kết quả chụp phim X quang trong bệnh viện.
Sinh viên Lê Văn Pôn thuyết trình về dự án X-ray reporter.
Giải pháp hiện tại của Pôn hiện đang nằm ở giai đoạn thử nghiệm, tuy nhiên rất có triển vọng áp dụng vào thực tế. Bên cạnh đó, màn thuyết trình của Pôn cũng gây ấn tượng mạnh ở vòng trước do dày thông tin cũng như phần trả lời phản biện tốt trước ban giám khảo.
Bên cạnh đó, dự án “DAISA – Deepcare AI-Based Symptom Assessment” của tác giả Nguyễn Hạnh từ Công ty cổ phần Deepcare Vietnam, dự án “Tầm soát bệnh glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm AI eyedr” của bác sĩ Phạm Thị Thủy Tiên ở Bệnh viện Mắt TP.HCM cũng gây được sự chú ý.
TS Ngô Thanh Hoàn, Chủ nhiệm dự án Skin Detective.
Nổi bật hơn, Tiến sĩ Ngô Thanh Hoàn đại diện Bộ môn Thiết bị Y Tế, Khoa Kỹ thuật Y Sinh, Đại học Quốc Tế - ĐHQG TP.HCM với dự án “AI hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh não MRI” và đại diện Medical AI Co., Ltd. với dự án “Skin Detective – Ứng dụng tích hợp AI phát hiện các bệnh về da và kết nối bác sĩ da liễu” đều xuất hiện ở top 20.
Tiếp theo ở lĩnh vực nông nghiệp, dự án “Ứng dụng AI vào nuôi trồng thuỷ sản” của kỹ sư Trần Duy Phong từ Công ty TNHH Tép Bạc là giải pháp hiệu quả có chức năng giám sát và quản lý trại nuôi trồng thủy sản từ xa, giúp người nuôi trồng thủy sản quản lý chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Kỹ sư Trần Duy Phong bên cạnh dự án của mình.
Không chỉ là giải pháp giúp chuẩn hóa giám sát quá trình nuôi mà dự án còn giúp người chăn nuôi chứng minh nguồn gốc “thực phẩm sạch” cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, giải pháp này triển khai rất đơn giản, không những giúp người nuôi ghi nhật ký ao nuôi dễ dàng, mà còn nhắc nhở người nông dân những việc cần làm theo đúng quy trình nuôi và gợi ý giải quyết những vấn đề kỹ thuật.
Thông qua dự án “Xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái”, kỹ sư Phạm Thanh Toàn với 6 năm kinh nghiệm về Big data và machine learning, anh cùng Công ty cổ phần công nghệ thông minh MiSmart đã dành 2 năm để chế tạo ra phần mềm bay hoàn toàn do người Việt làm chủ, đáp ứng nhu cầu của bà con nông dân Việt Nam.
Thiết bị bay của công ty thiết kế hoàn toàn bằng sợi carbon fiber cứng hơn 5 lần so với titanium và nhẹ hơn nhôm, do đó có khả năng chở được 23 lít nước/thuốc với thiết kế phun sương. Hạt thuốc sẽ được làm mịn với kích thước 100nm, tăng khả năng thẩm thấu của cây trồng lên đến 90% và tiết kiệm được 99%. Thiết bị cũng được thiết kế với chế độ bay phù hợp nhiều loại địa hình, như đồng ruộng bằng phẳng, vườn cây ăn trái, đồi núi dốc.
Các dự án “Virelic” của Nguyễn Minh Luân ở HSE University, Moscow, Russia, “Guidy” của Lê Huân từ Đại học Bách Khoa, “LTVSchoolBus” của Nguyễn Đức Mạnh ở Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh Đồng Nai, “Phát triển thuật toán điều khiển tín hiệu đèn giao thông dựa trên học tăng cường cho giao thông VN” của Trần Việt Toản từ Đại học Bách Khoa và “Music ID” của Lương Công Trung Nguyên từ Đại học Khoa học tự nhiên được BGK đánh giá cao vì đều là các sản phẩm sáng tạo của học sinh, sinh viên đang còn đi học tại trường.
Sinh viên Nguyễn Minh Luân (HSE University, Moscow, Russia) với dự án Virelic.
Để hỗ trợ các ngành công nghiệp, các dự án “Argus – Giải pháp phòng chống trộm cắp trong siêu thị” của tác giả Phạm Quang Sơn từ Robert Bosch Engineering and Business – Solutions Vietnam Company Limited, “Hệ thống kiểm soát thiết bị bảo hộ lao động ứng dụng AI” của tác giả Võ Công Hoàng ở Công ty TNHH Pyroject hay “Hệ thống IoT xác định âm thanh và các tín hiệu bất thường cho máy công nghiệp” của Tiến sĩ Hàn Huy Dũng, SPARC lab - Đại học Bách Khoa Hà Nội phát huy rất tốt ứng dụng của mình.
Cùng với đó, “Petkix 360 Dog Camera” của Nguyễn Đặng Hoàng Trung từ Petkix, “Fiona Retail” của Cao Thị Ngọc Trâm từ Công ty Cổ phần Công nghệ FIONA, “AIQuant - Hệ thống phân tích dữ liệu AI và dự báo” của Nguyễn Phương Duy từ AIQuant, “Bot Bán Hàng” của Hoàng Minh Tâm từ Chatbot Vietnam và “Hệ thống tra cứu chỉ dẫn áp dụng và hỏi-đáp pháp luật” của Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt là những cái tên được đi tiếp vào vòng trong.
Hội đồng ban giám khảo vòng bán kết HAI 2020.
20 dự án kể trên sẽ được tham gia Chương trình ươm tạo với kinh phí hỗ trợ ươm tạo tối đa 200.000.000 đồng/dự án trong thời gian không quá 3 tháng. Sau thời gian này, vòng chung kết sẽ diễn ra vào ngày cuối của Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2020 - WHISE 2020.
3 dự án xuất sắc nhất chung cuộc sẽ được nhận 100.000.000 đồng/giải và 5 dự án đoạt giải khuyến khích sẽ được nhận 50.000.000 đồng/giải. Ngoài ra, các dự án vào vòng Chung kết được trình bày trước các nhà đầu tư và có cơ hội nhận được các gói đầu tư cho giai đoạn tiếp theo.
HAI 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC) phối hợp tổ chức. Cuộc thi nhằm tìm kiếm và hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và đời sống. Đối tượng tham gia bao gồm các cá nhân, nhóm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức có dự án đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong sản xuất, kinh doanh, giao thông, tài chính, y tế, giáo dục, nông nghiệp,… và phục vụ cộng đồng xã hội. |