SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

40 dự án xuất sắc chạy đua vào chung kết I-Star 2020

14-09-2020

Sau thời gian kêu gọi bình chọn từ cộng đồng, những cái tên xuất sắc nhất đã lọt vào vòng trong và sẵn sàng tranh tài để tiến thẳng đến chung kết của I-Star 2020.

Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM năm 2020 (I-Star 2020) đã bước vào vòng trong với 40 dự án nhận được lượt bình chọn cao nhất từ cộng đồng. Đây là năm thứ ba I-Star được tổ chức nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố.

40is11

Lễ trao giải I-Star 2019. 

40 bài dự thi được chia làm 4 nhóm đối tượng, bao gồm các doanh nghiệp khởi nghiệp; các giải pháp đổi mới sáng tạo; các tác phẩm báo chí truyền thông; các cá nhân tổ chức có đóng góp tích cực cho cộng đồng - góp phần tạo nên làn sóng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo sôi nổi của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều năm qua. 

Startup Việt với ý tưởng sáng tạo 

Cuộc thi năm 2020 chứng kiến sự bùng nổ của các doanh nghiệp khởi nghiệp gửi bài tham dự. Sau vòng bình chọn từ cộng đồng, “Ứng dụng gọi xe be” xuất sắc lọt top 10, đây cũng là câu chuyện “thành công từ sức mạnh nội địa” của doanh nghiệp. Chỉ sau 18 tháng lăn bánh, be đã giữ thị phần thứ 2 về gọi xe trên app tại Việt Nam.

40is10

Ứng dụng gọi xe “be”: Thành công từ sức mạnh nội địa. 

Cũng trong 10 gương mặt xuất sắc nhất, phải kể đến “MVV Everlearn - Hệ thống quản trị trải nghiệm học tập”, giúp các tổ chức & doanh nghiệp triển khai hoạt động đào tạo & huấn luyện một cách hiệu quả, chuyên nghiệp và tiết kiệm được chi phí, hay “Consultant Anywhere”, ứng dụng kết nối chuyên gia tư vấn với doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. 

Được mệnh danh là Grab của ngành nội thất, “House3D (house3d.com)” là nền tảng thiết kế nội thất ứng dụng công nghệ 3D/VR/AI cloud rendering. Tiếp theo trong bảng xếp hạng, “Heebee” là startup đã ứng dụng công nghệ nano sản xuất mỹ phẩm thiên nhiên Việt Nam.

40is9

MiSmart sử dụng máy bay không người lái để tìm diệt sâu bệnh trên cây trồng. 

Xướng tên trong top 10, sản phẩm gạch ngói bằng nhựa tái chế của “Pando” với khả năng chịu uốn, chịu nhiệt, chịu kéo và độ mài mòn cao, góp phần giảm rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Trong khi đó, “MiSmart” sử dụng công nghệ máy bay không người lái bay trên những cánh đồng cây trồng để phát hiện sâu bệnh và phun thuốc, giúp tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch. 

Các dự án “Triip – Nền kinh tế du lịch phi tập trung” giúp các đối tác bán hàng tiết kiệm từ 50% đến 90%; “Chatbot” của 3 kỹ sư 9x Lê Anh Tiến, Hoàng Minh Phú, Nguyễn Đình Tùng có trong tay 77.000 khách và mức tăng trưởng khách hàng rất cao; “BravoHR” giúp ứng dụng công nghệ vào quản lý nhân sự; cũng xuất sắc lọt vào vòng trong. 

Các giải pháp đột phá 

Năm 2020 đã ghi nhận nhiều sự kiện và biến cố ở cấp độ toàn cầu. Tuy vậy, đối với các doanh nghiệp và người trẻ, đây là thời điểm tốt để biến nguy thành cơ, tận dụng khó khăn để sáng tạo và đổi mới.

40is8

Cô và trò trường THPT Lê Quý Đôn sáng tạo xà bông giấy giúp rửa tay phòng chống dịch bệnh. 

Trong top 10 của hạng mục này, nhóm học sinh trường THCS Tân Tạo A (Q. Bình Tân) làm dự án “Sức khỏe người thu gom rác” nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe và hạn chế các bệnh truyền nhiễm cho những người làm công việc thu gom rác. Trong khi đó, nhóm học sinh trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) và cô Lê Thị Thúy giữa cao điểm Covid-19 đã nảy ra ý tưởng “sản xuất xà bông giấy từ những nguyên liệu có sẵn trong nhà” để tiện mang đi và sử dụng. 

Cũng vào thời gian đại dịch Covid-19 bùng nổ, “Cây ATM nhả gạo - nhả khẩu trang” cho những người khó khăn trong dịch Covid-19 của công ty PHGLock đã phát huy hiệu quả tối đa, tiến thẳng vào vòng trong của I-star 2020. Cùng với đó, dự án “Smartcity” của anh Vũ Hoàng Thương (Q. Bình Thạnh) ấp ủ sáng kiến triển khai các cơ sở dữ liệu dùng chung về quản lý đất đai, giao thông, chăm sóc y tế, kết nối chính quyền và người dân,...

40is7

“Cây ATM nhả gạo - nhả khẩu trang” cho những người khó khăn trong dịch Covid-19. 

Sau 2 năm triển khai “Đăng ký khám tâm lý cho trẻ qua tổng đài”, hoạt động này ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã có nhiều cải tiến, giảm thời gian đăng ký khám, thủ tục hành chính nhanh hơn và tăng số lượng bệnh nhi được khám. Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng “điều trị thành công bướu máu cho trẻ dưới 12 tháng tuổi bằng Timolol”. 

Cũng ở lĩnh vực sức khỏe, “S4Life” được phát triển bởi Quận đoàn Quận 1 cho phép kêu gọi hiến máu khi cần thiết, đồng thời hỗ trợ nhà quản lý trong việc theo dõi, thống kê quá trình hiến máu và số lượng dự trữ nhằm hỗ trợ công tác điều trị, cứu người.

40is6

S4Life – Ứng dụng giúp hiến máu cứu người. 

Trong lĩnh vực giáo dục, bạn Trần Nhân Nghĩa (Q. Gò Vấp) tạo “công cụ trực tuyến giúp học sinh, sinh viên tự học”, ôn lại bài cũ, tự học thêm bài mới bất cứ lúc nào hay ở đâu. Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM triển khai “sáng kiến về các buổi luyện nói tiếng Anh với diễn giả toàn cầu dành cho sinh viên” giúp nói tiếng Anh với người nước ngoài mỗi ngày dễ dàng hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, “AIQuant” ứng dụng trí tuệ nhân tạo cung cấp giải pháp dữ liệu tin cậy về báo cáo tài chính, chỉ số biểu đồ giá, biểu đồ phân tích về tất cả các doanh nghiệp, ngành và toàn thị trường. 

Truyền thông “tô đậm” làng khởi nghiệp 

Đồng hành cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp và những ý tưởng đổi mới sáng tạo, nhiều tác phẩm truyền thông được đầu tư kỹ lưỡng đã vào top 10 của I-star năm nay.

40is5

Chọn "con đường khó" để tái chế rác thải nhựa. 

Tác phẩm “Từ những bài học kinh nghiệm trong 2 cuộc khủng hoảng trước đây - startup Việt đã sẵn sàng cho những cơ hội mới hậu Covid-19?” bởi Hoàng Thị Kim Dung - Đại diện quỹ đầu tư khởi nghiệp Genesia Ventures Nhật Bản ở Việt Nam, đăng trên báo Trí Thức Trẻ. 

Bài báo “Thời điểm sống còn, ông chủ trẻ 'mơ mộng' cạn kiệt, khủng hoảng” bởi tác giả Thư Kỳ đăng trên báo Vietnamnet. Chuỗi bài “Mưu sinh thời 'không bình thường'” trên chuyên mục Thời sự của báo Đầu tư Online. Bài viết “Việt Nam, 'miền đất hứa' cho đầu tư khởi nghiệp” của tác giả Thu Phương đăng trên Báo Đầu Tư.

40is4

Chuyên trang “Đổi mới sáng tạo” của Báo Tuổi Trẻ. 

Tác phẩm “Chọn 'con đường khó' để tái chế rác thải nhựa” bởi tác giả Minh Tâm đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Tác phẩm “Sinh viên khởi nghiệp: trước hết phải giỏi” bởi tác giả Huyền Trang đăng trên Thế Giới Tiếp Thị/Báo Dân Việt. Phóng sự “Nâng cao nhân lực hướng tới đô thị sáng tạo, thành phố thông minh” của Truyền hình Nhân Dân. 

Bài phân tích “Không kịp thay đổi, doanh nghiệp nhỏ đối mặt nguy cơ lớn về phá sản” của nghiên cứu sinh Nguyễn Hương Giang từ Pháp đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Bài viết “Hỗ trợ doanh nghiệp: Đừng quên các startup đang ở giai đoạn sống còn” do Trần Nguyễn Lê Văn - nhà sáng lập VeXeRe đăng trên Báo Tuổi Trẻ. Cuối cùng là Chuyên trang “Đổi mới sáng tạo” của Báo Tuổi Trẻ, nơi chắp cánh cho những ý tưởng táo bạo và tinh thần đổi mới lan tỏa trong giới trẻ. 

Những đơn vị ươm mầm các sáng kiến 

Ở hạng mục này, 10 cái tên được xướng là các tổ chức ươm tạo, tổ chức hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, các chuyên gia tư vấn,... có đóng góp tích cực cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trên địa bàn thành phố. 

Hội đồng Tư vấn Hỗ trợ Khởi nghiệp Phía Nam” mong muốn trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp dành cho sinh viên thanh niên tại TP.HCM, xây dựng đội ngũ doanh nhân trẻ kế thừa cho đất nước và sứ mạng là ươm mầm khát vọng doanh nhân. “Zone Startups Việt Nam” là quỹ chuyên đầu tư có chọn lọc vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu của Việt Nam với những ý tưởng sáng tạo, đột phá.

40is3

Upshift Việt Nam - Tìm kiếm và ươm mầm các ý tưởng giải quyết vấn đề xã hội của giới trẻ. 

Nổi bật với sứ mệnh tìm kiếm và ươm mầm các ý tưởng giải quyết vấn đề xã hội của giới trẻ, “Upshift Việt Nam” là một dự án thúc đẩy nội lực của giới trẻ bằng cách trang bị kỹ năng của thế kỷ 21. Bên cạnh đó, “Seed Planter” là đơn vị hỗ trợ phát triển năng lực khởi nghiệp cho các bạn trẻ mong muốn tạo nên những mô hình kinh doanh bền vững, cân bằng giữa lợi nhuận và tác động xã hội, môi trường. 

Hustle Fund” đồng hành cùng startup công nghệ từ giai đoạn ý tưởng, hiện đang hướng tới các chương trình dành cho các cá nhân và phụ nữ lần đầu khởi nghiệp. “CITT - Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ thuộc Đại học Quốc tế, ĐHQG TP.HCM” đã có 2 năm hoạt động nhằm hướng đến hình thành Hệ sinh thái KN&ĐMST trong nhà trường, cũng như thực hiện đúng Đề án 884 và 1665 của Chính phủ.

40is2

CITT - Trung tâm Đổi mới Sáng tạo và Chuyển giao Công nghệ thuộc trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Cũng trong top 10 xuất sắc nhất, hệ sinh thái doanh nghiệp “BestB” là một trong những vườn ươm khởi nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp. “HCMUT-TBI: Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ thuộc trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP.HCM” đã ươm tạo 48 startup, 9 doanh nghiệp tốt nghiệp, 3 doanh nghiệp KH&CN, 10 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư, tổ chức 40 hội thảo, diễn đàn, phiên chợ khởi nghiệp,... 

Được mệnh danh là cái nôi ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phần mềm, “QTSC Incubator” đã ươm tạo thành công được gần 50 doanh nghiệp phần mềm. Cuối cùng không thể không kể đến “Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp CiC”, là sân chơi khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên cả nước đã trải qua 5 mùa giải với nhiều dấu ấn.

40is1

QTSC Incubator - Cái nôi ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp phần mềm.

40 cái tên được xướng lên sẽ tiếp tục kêu gọi bình chọn đến ngày 30/9. Sau khi vào đến chung kết, các bài dự thi sẽ qua vòng sơ khảo và vòng chấm giải của ban giám khảo chuyên môn để tìm ra 3 giải đồng hạng mỗi nhóm. 

Phần thưởng bao gồm giấy công nhận, cúp lưu niệm và tiền thưởng trị giá 50 triệu đồng. Lễ công bố kết quả và trao giải thưởng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh 2020 (WHISE 2020).

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378