8 sản phẩm ấn tượng nhất tại cuộc thi GIS TP.HCM 2018
31-05-2019Sau vòng huấn luyện, các sản phẩm đã có những cải tiến đáng kể. Một số sản phẩm đã ứng dụng hiệu quả trong thực tế, mang lại lợi ích lớn cho các đơn vị.
Ngày 31/5, vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM năm 2018” đã diễn ra tại hội trường Sở KH&CN TP.HCM, với sự tham gia của 8 sản phẩm xuất sắc nhất.
Được phát động từ tháng 10.2018, cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp, sản phẩm ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và các công nghệ liên quan để giải quyết các vấn đề thực tiễn của TP.HCM; xây dựng Thành phố thành đô thị thông minh, sáng tạo; giải quyết các bài toán trong các chương trình đột phá của Thành phố.
Sau thời gian phát động, Ban tổ chức đã nhận được 72 sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ quản lý hành chính công cho tới hỗ trợ quy hoạch và các ứng dụng thực tế phục vụ dân sinh. Không chỉ các nhà khoa học mà không ít các bạn trẻ, học sinh - sinh viên cũng hào hứng tham gia.
Danh sách các sản phẩm tại vòng chung kết cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp, sản phẩm GIS TP.HCM năm 2018”
Các sản phẩm xuất sắc nhất đã được lựa chọn vào vòng huấn luyện trước khi được trình bày tại vòng chung kết của cuộc thi. Theo đánh giá của ban giám khảo, các sản phẩm đã thể hiện được tính sáng tạo và khả năng ứng dụng thực tế.
Ông Phạm Quốc Phương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống Thông tin Địa lý TP.HCM thuộc Sở KH&CN TP.HCM, nhận xét: ”Sau vòng huấn luyện, các sản phẩm đã có những cải tiến đáng kể. Một số sản phẩm đã ứng dụng hiệu quả trong thực tế, mang lại lợi ích lớn cho các đơn vị. Có những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo với khả năng ứng dụng trong tương lai gần.”
Nhờ ứng dụng nền tảng GIS vào hệ thống quản lý sự cố mạng lưới cấp nước, chỉ từ đầu năm 2019, Công ty Cổ phần Cấp nước Bến Thành đã hạn chế được gần 7000m3 thất thoát.
Đại diện công ty cho biết: "Nhờ ứng dụng này, người quản lý theo dõi được vị trí xảy ra sự cố, giúp xử lý nhanh chóng, đơn giản. Ngoài ra, hệ thống còn giúp theo dõi kết quả công việc của người lao động chính xác, thúc đẩy được ý thức trách nhiệm của họ. Các thiết bị, tài sản của hệ thống cấp nước cũng đã được số hóa, quản lý trên nền tảng GIS.”
Một trong những vấn đề nhức nhối của TP.HCM cũng như nhiều thành phố khác là tình trạng ngập nước khi triều cường, mưa lớn. Bởi vậy, tác giả Bùi Hữu Phú đã thiết kế và xây dựng hệ thống đo, giám sát, mô phỏng cảnh báo và phòng chống ngập cho TP.HCM sử dụng thiết bị IoT kết hợp nền tảng GIS.
Tác giả Bùi Hữu Phú trình bày sản phẩm tại vòng chung kết cuộc thi
Hệ thống cho phép nhanh chóng xác định các điểm ngập nước và tình trạng ngập giúp người dân chủ động lựa chọn lộ trình phù hợp. Tác giả Bùi Hữu Phú chia sẻ: “Hệ thống cho kết quả chính xác đến 0,5 cm. Nhờ đó, người dân có thể xác định đi được qua điểm ngập nước hay không. Hệ thống cũng cung cấp hình ảnh chụp các điểm ngập qua camera.”
Những dữ liệu về các điểm ngập cũng sẽ được hệ thống lưu trữ tại trung tâm xử lý và phân tích để phục vụ công tác quản lý. Ngoài ra, khi phát hiện mức nước vượt quá mức quy định, hệ thống sẽ tự kích hoạt bơm xử lý ngập.
Đại diện Ban tổ chức cho biết kết quả sẽ được công bố tại lễ trao giải cuộc thi dự kiến tổ chức trong tháng 6/2019.