SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Bảo hộ nhãn hiệu: Câu chuyện về quản trị tài sản sở hữu trí tuệ

18-11-2024
“Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp có số lượng đơn đăng ký nộp nhiều nhất. Tuy nhiên, so với số lượng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện nay thì con số này vẫn còn thấp…”, đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tại Hội nghị tập huấn “Kỹ năng lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu”do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức ngày 14/11/2024 vừa qua.

14112024nl32.jpg

Bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phát biểu tại Hội nghị tập huấn

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ, hiện nay các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến sở hữu trí tuệ, thông qua việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, tham gia các lớp tập huấn sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm, chờ đến khi bán được hàng mới đi đăng ký nhãn hiệu hay thậm chí có những doanh nghiệp tồn tại 5 năm, 10 năm nhưng vẫn chưa đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho đến khi xảy ra tranh chấp nhãn hiệu thì mới bắt đầu tìm hiểu. Hoặc cũng có trường hợp doanh nghiệp đi đăng ký nhưng chỉ để hoàn thiện hồ sơ, phục vụ cho các mục đích khác (quảng cáo, bàn hàng trên trang thương mại điệm tử…). Do đó, Doanh nghiệp cần nhận thức vai trò sở hữu trí tuệ, sử dụng nhãn hiệu (tài sản trí tuệ) của mình để nó trở thành một công cụ hữu hiệu góp phần ổn định hoạt động sản xuất của kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững… và đó chính là câu chuyện về quản trị tài sản trí tuệ.

Đồng quan điểm với bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung, khi chia sẻ thêm những thông tin liên quan đến các vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, bà Vũ Thị Phương Giang - Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, hiện nay doanh nghiệp đã dần nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nhãn hiệu để phân biệt sản phẩm của mình với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, nhưng không phải tất cả các chủ thể đều nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu thông qua việc đăng ký nhãn hiệu và vẫn có những nhầm lẫn giữa nhãn hiệu và thương hiệu hay nhãn hiệu và tên thương mại… Điều này rất dễ phát sinh những xung đột quyền giữa tên thương mại, thương hiệu với nhãn hiệu được bảo hộ.

“Về nhãn hiệu đây là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Cũng có nhãn hiệu mang tính chất tập thể và đây là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên, của các tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó. Bên cạnh đó còn có nhãn hiệu mang tính chất chứng nhận và đây là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ tin cậy, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Căn cứ vào đó nhãn hiệu sẽ được bảo hộ nếu đáp ứng thêm được các điều kiện như có dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp của các yếu tố nêu trên, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa và đây cũng là một điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ 2023. Đồng thời, cũng phải có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác”, bà Vũ Thị Phương Giang thông tin.

14112024nl21.jpg

Bà Vũ Thị Phương Giang - Trung tâm Thẩm định Nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ nhiều nội dung về cách thức đăng ký nhãn hiệu

Cũng theo bà Vũ Thị Phương Giang, một số dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu như dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế. Hay dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài và dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế cũng như dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ…

“Hiện nay, quy trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu được công khai, các cá nhân, tổ chức nếu có nhu cầu cũng có thể tra cứu thông tin, đăng ký đơn trực tuyến trên cổng thông tin của Cục Sở hữu trí tuệ ở địa chỉ https://www.ipvietnam.gov.vn”, bà Vũ Thị Phương Giang chia sẻ thêm.

Trong khuôn khổ sự kiện, những kiến thức từ buổi tập huấn còn nhanh chóng được vận dụng vào thực hành. Các đại biểu đã được hướng dẫn nhận biết các loại nhãn hiệu, tra cứu thông tin nhằm đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu trước khi nộp đơn đăng ký, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thực hành lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, xử lý tình huống... Một số doanh nghiệp với mong muốn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng được các chuyên gia nhiệt tình tư vấn tại Hội nghị tập huấn lần này.

14112024nl31.jpg

Các cá nhân, tổ chức và đại diện các doanh nghiệp thẳng thắn đặt câu hỏi, trao đổi cùng các chuyên gia tại Hội nghị tập huấn

Ngoài ra, trong Hội nghị “Chương trình thương hiệu quốc gia và các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng phát triển thương hiệu” đã được ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng phòng Phòng Phát triển năng lực Cúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương giới thiệu; PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh - Giảng viên cấp cao, trường Đại học Thương mại chia sẻ chuyên đề “Thương hiệu - Tiếp cận tư duy chiến lược” giúp doanh nghiệp tiếp cận thêm thông tin để xây dựng chiến lược, từng bước phát triển và khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường.

Nhật Linh (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378