Bảo vệ giá trị sáng tạo bằng cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
17-04-2025Đây là sự cần thiết phải có để khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp trong khía cạnh quản trị của doanh nghiệp.
Ngày 16/4/2025, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) và Viện Quản trị tài sản trí tuệ Minh Đức tổ chức hội thảo “Một số vấn đề về đánh giá phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp”.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về những nội dung quan trọng như “Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và ảnh hưởng của lịch sử xác lập quyền”, “Xác định phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp phục vụ đăng ký xác lập quyền: Thực tiễn quản trị của tổ chức”, “Sử dụng khảo sát người tiêu dùng phục vụ đánh giá khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu”, “Xác định khả năng phân biệt của nhãn hiệu phục vụ đăng ký xác lập quyền: Thực tiễn quản trị của tổ chức”.
Trao đổi về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, TS. Nguyễn Hữu Cẩn (Viện Khoa học sở hữu trí tuệ) đề cập đến tầm quan trọng của sự sáng tạo trong thiết kế công nghiệp, nhấn mạnh rằng vẻ đẹp về hình dáng và màu sắc là yếu tố thu hút người tiêu dùng. Những người sáng tạo ra các đặc điểm thiết kế độc đáo cho các sản phẩm hữu dụng xứng đáng được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Mục tiêu chính là bảo vệ những giá trị sáng tạo này thông qua cơ chế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Điều này cho thấy sự cần thiết phải có một hệ thống bảo vệ hiệu quả để khuyến khích sự đổi mới và phát triển trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp trong khía cạnh quản trị của doanh nghiệp.
Theo đó, để tăng cường phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp cần chú trọng việc tra cứu thông tin, cân nhắc chiến lược đăng ký (đăng ký sản phẩm – bộ phận sản phẩm có thể ảnh hưởng tới phạm vi bảo hộ) cũng như đăng ký nhiều biến thể chống đối thủ cải tiến. Doanh nghiệp cũng cần có kế hoạch thương mại hóa mẫu thiết kế tùy theo vòng đời kinh tế bằng quyền tác giả hoặc bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, định kỳ tái thẩm định giá kiểu dáng công nghiệp đang thương mại hóa và rà soát các bên cạnh tranh hoặc xu thế thị hiếu khách hàng đối với hàng hóa cùng kênh phân phối.
Hoàng Kim (CESTI)