Chuyển đổi số trong quản lý dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao TP.HCM
01-09-2021Giải pháp do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hoàn thành nghiên cứu và đưa vào sử dụng trên thực tế đã thực sự giúp công tác quản trị các doanh nghiệp đã và đang hoạt động tại Khu Công nghệ TP.HCM thêm chặt chẽ, hiện đại.
TS. Tân Hạnh, đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ “Phân tích dữ liệu doanh nghiệp cho Khu Công nghệ cao TP.HCM” cho biết, mục tiêu của đề tài là nhằm nghiên cứu và xây dựng giải pháp kỹ thuật tích hợp, phân tích, khai thác và chia sẻ dữ liệu về doanh nghiệp, dự án đầu tư cũng như thông tin về hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ từ nhiều nguồn dữ liệu để tăng cường công tác quản lý vận hành tại Khu Công nghệ TP.HCM (SHTP).
Ngoài ra, theo đặt hàng của Sở KH&CN TP.HCM, sản phẩm hoàn thiện của đề tài cũng phải đáp ứng các yêu cầu về tổ chức báo cáo thống kê, dự báo trong lĩnh vực liên quan phục vụ công tác tham mưu kịp thời cho lãnh đạo TP.HCM, cũng như sẵn sàng cung cấp theo yêu cầu từ các doanh nghiệp, cá nhân đã và đang có kế hoạch đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.
Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, để có được phương án đầu tư đúng hướng, đúng trọng điểm, phát huy hiệu quả cao nhất, Khu Công nghệ cao TP cần có giải pháp thu thập thông tin, phân tích, khai thác và chia sẻ nguồn dữ liệu, từ đó chỉ ra được các ngành mũi nhọn công nghệ nên được đầu tư dài hạn trong tương lai để mang lại lợi ích lâu dài.
Mô hình hệ thống
Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng phương pháp định tính kết hợp với định lượng thông qua phân tích cấu trúc logic của tài liệu thu thập được, qua đó xác định mô hình dữ liệu (nguồn, cấu trúc, kích thước, khối lượng, tần suất cập nhật, tải dữ liệu) cần tích hợp theo yêu cầu. Đồng thời áp dụng kỹ thuật khai phá dữ liệu để tạo ra các thông tin mang tính dự báo hỗ trợ cho các quyết định của lãnh đạo. Kỹ thuật này dựa vào đặc điểm dữ liệu, áp dụng mô hình hồi quy cho các dữ liệu liên tục dạng chuỗi thời gian để dự báo xu hướng.
Sát thực tế
Để xây dựng hệ thống, trước hết, nhóm nghiên cứu tiến thành thực hiện thu thập, xử lý, đánh giá và cập nhật với thông tin, tài liệu, số liệu liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu, bao gồm hiện trạng dữ liệu của giấy phép đầu tư và doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao TP, các loại báo cáo liên quan.
"Thông tin về doanh nghiệp đầu tư, xúc tiến đầu tư và cơ dữ liệu khoa học công nghệ (hoạt động R&D) là ba yêu cầu của Ban Quản lý Khu Công nghệ TP.HCM muốn lấy từ kho dữ liệu chung được xây dựng từ giải pháp này", TS. Tân Hạnh cho biết.
Bước tiếp theo là thực hiện khảo sát, đánh giá và xác định các yêu cầu đặt ra, bao gồm khảo sát hiện trạng quản lý tại Khu Công nghệ cao TP và các đặc điểm dữ liệu về doanh nghiệp, dự án đầu tư; các yêu cầu nghiệp vụ, kết nối dữ liệu, bảo mật thông tin; yêu cầu về chất lượng phần mềm, tính thân thiện.
Từ những dữ liệu thu thập, khảo sát và đánh giá, nhóm nghiên cứu phân tích và thiết kế cơ sở dữ liệu (CSDL) cho hệ thống, bao gồm: Xây dựng mô hình hóa hệ thống, phân tích chi tiết dữ liệu doanh nghiệp tại Khu Công nghệ cao TP, xây dựng CSDL doanh nghiệp dùng chung, thiết kế giải pháp biến đổi, tích hợp và lưu trữ dữ liệu tích hợp, thiết kế kho dữ liệu, giải pháp dự báo thông minh dựa trên khai phá dữ liệu, các loại báo cáo, thiết kế giải pháp chia sẻ dữ liệu dùng chung, thiết kế luồng chức năng hệ thống.
Kiến trúc kho dữ liệu
Sau khi thu thập đủ dữ liệu cần thiết, nhóm nghiên cứu tiến hành xây dựng hệ thống khai thác và chia sẻ dữ liệu dùng chung với 2 hạng mục là phân hệ tiền xử lý dữ liệu và phân hệ kho dữ liệu.
Để đảm bảo khả năng vận hành, nhóm nghiên cứu đã tiến hành cài đặt và triển khai hệ thống thử nghiệm tại Khu Công nghệ cao TP với các hạng mục gồm website quản lý dự án đầu tư cho các phòng ban tại Ban Quản lý Khu Công nghệ TP (phân hệ quản lý chức năng, kho dữ liệu, báo cáo, phục vụ lãnh đạo), cùng với đó là hệ thống nhập và tiền xử lý dữ liệu.
Tính đến thời điểm tháng 4/2021, giải pháp hoàn thiện của đề tài đã được vận hành thử nghiệm tại Khu Công nghệ cao TP và ghi nhận các đánh giá tích cực về sự hữu dụng, tính năng.
Được biết, tại buổi làm với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM hồi tháng 4/2021, nhóm thực hiện đề tài đã ghi nhận một số ý kiến đóng góp của Lãnh đạo Ban và đại diện các phòng ban Khu Công nghệ cao TP.HCM, và tất cả chỉnh sửa đã được tích cực hoàn thiện, đưa vào giải pháp cuối cùng.
Trước đó, nhóm nghiên cứu đã hoàn tất việc nhập liệu cho 193 dự án đầu tư (trong đó có 22 dự án bị thu hồi), và thông tin của 200 doanh nghiệp đang tham gia đầu tư tại Khu Công nghệ TP để làm "dữ liệu" vận hành thử nghiệm giải pháp vừa xây dựng.
TS. Tân Hạnh, chủ nhiệm đề tài cho biết, Khu Công nghệ cao TP trước đây chưa số hóa toàn dữ liệu, và nhiệm vụ ngay ban đầu được đặt ra là số hóa nhiều nguồn dữ liệu.
Cũng theo TS. Tân Hạnh, 3 sản phẩm của đề tài chính là Kho dữ liệu dùng chung theo nhiều chủ đề, phục vụ nhu cầu truy vấn, cập nhật, lập báo cáo của các phòng ban - trong đó có cả các báo cáo, dự báo cho lãnh đạo TP cũng như lãnh đạo khu Công nghệ cao; Hệ thống website quản lý dự án đầu tư đã được triển khai cho các phòng ban tại Ban Quản lý Khu Công nghệ TP với các phân hệ tính năng phù hợp chuyên môn của từng phòng ban, như quản lý dự án đầu tư, quản lý doanh nghiệp, lập các báo cáo liên quan; và Phần mềm chia sẻ dữ liệu (dạng web API) mà qua đó cho phép Ban Quản lý Khu Công nghệ TP chia sẻ đến các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn TP.HCM, cũng như doanh nghiệp cách thức truy xuất thông tin doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư, tình hình hoạt động R&D, tình hình giải ngân, tiến độ thực hiện theo cam kết và thực tế của các dự án.
Nhóm thực hiện đề tài cho biết, phân hệ quản trị người dùng của hệ thống được thiết kế linh hoạt, và mang tính mở nên có thể triển khai hệ thống cho nhiều đối tượng người dùng cần truy vấn thông tin, từ nhân viên Ban Quản lý Khu công nghệ TP, các doanh nghiệp và lãnh đạo TP.
Có thể khẳng định rằng, với việc số hóa toàn bộ dữ liệu về doanh nghiệp đang hoạt động, cũng như khả năng cập nhật, bổ sung quá trình hoạt động, các thành tựu đạt được trong nghiên cứu khoa học thông qua triển khai hệ thống do Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (cơ sở tại TP.HCM) cung cấp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã có thêm một phương tiện mới, hiệu quả và thiết thực, để qua đó có thể làm tốt hơn nữa công tác quản lý, vận hành.