Công bố chương trình AI HackBootcamp 2021
04-10-2021Chương trình chú trọng đến hoạt động huấn luyện, mentoring dựa trên xu hướng phát triển thực tế tại các doanh nghiệp lớn, kết nối với các startups công nghệ theo mô hình “Open Innovation”. Qua đó, góp phần định hướng, thúc đẩy và đem lại hỗ trợ thiết thực cho cộng đồng các nhà phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo).
Chương trình AI HackBootcamp 2021 với chủ đề “Giải pháp ứng dụng AI trong E-commerce” được công bố ngày 01/10 bằng hình thức trực tuyến, do SHTP-IC (Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao) phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Đây là chương trình được tổ chức hàng năm với sự đồng hành đến từ nhiều tổ chức chính trị - xã hội, tập đoàn, doanh nghiệp... có chuyên môn về lĩnh vực ứng dụng AI, cũng như các hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Với sự bùng nổ trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) đang là hình thức kinh doanh tiềm năng được nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ hướng tới. Dịch Covid-19 khiến mọi người phải hạn chế đi lại, nhiều khu vực bị phong tỏa trong thời gian dài. Mặc dù có nhiều bất lợi nhưng đây lại là cơ hội để TMĐT “trỗi dậy” hơn bao giờ hết. Người dân ở trong nhà chỉ cần cầm chiếc smartphone lên là đã có thể mua sắm, đi chợ.
Tại buổi lễ công bố chương trình AI HackBootcamp 2021, ông Nguyễn Ngọc Dũng (Phó Chủ tịch VECOM) nhận định, TMĐT đã phát triển mạnh trong thời gian vừa qua, sau đại dịch sẽ bùng nổ ở trạng thái mới, với số lượng lớn người tham gia. Dự báo sẽ có khoảng 500 ngàn đến 1 triệu người thuộc các hiệp hội thanh niên, phụ nữ sẽ tham gia ứng dụng TMĐT. Các địa phương và nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã bắt đầu phát triển TMĐT bền vững. Có thể thấy, các hoạt động họp, hội thảo trực tuyến online đã không còn xa lạ; các mô hình livestream được áp dụng hiệu quả để bán hàng. Vì vậy, cần tiếp tục cập nhật hình thức này cho thanh niên, hội phụ nữ. Ví dụ, có thể mở ra tạp hóa số, từ đó lan tỏa ứng dụng hình thức kinh doanh này cho các đối tượng phụ nữ bị ảnh hưởng công việc, mất việc. Việc lưu thông, thanh toán hàng hóa, đóng tiền cũng chuyển sang hình thức online.
Ngoài ra, Việt Nam hiện đã sẵn sàng cho các hoạt động ứng dụng blockchain, nên có thể áp dụng blockchain trong kinh doanh TMĐT. Ông Dũng “đặt hàng” phát triển các sản phẩm TMĐT ứng dụng blockchain như số hóa tác phẩm nghệ thuật, điện ảnh, làm phim, game, bất động sản, sản phẩm du lịch trực tuyến, chợ phiên online, các sản phẩm/dự án lợi ích cho môi trường, cộng đồng, sản phẩm sáng tạo… Đồng thời, các nhà nghiên cứu AI cần cung cấp cho TMĐT những ứng dụng tiện lợi, dễ dàng và hiệu quả.
Bà Phan Thị Thùy Ly giới thiệu về chương trình AI HackBootcamp 2021.
Bà Phan Thị Thùy Ly (Phó Giám đốc SHTP-IC) cho biết, AI HackBootcamp là chương trình thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển các giải pháp/sản phẩm ứng dụng AI dành cho các bạn trẻ tài năng ở Việt Nam nhằm thu hút các dự án tiềm năng và hình thành cộng đồng các nhà phát triển AI trẻ có năng lực chuyên môn cao. Các đối tượng tham gia chương trình sẽ được kết nối, hỗ trợ về chuyên gia, doanh nghiệp đồng hành, nguồn lực tài chính, công nghệ và truyền thông để có thể hình thành các sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm. Cụ thể, đối tượng tham gia là các nhóm/tổ chức/cá nhân đang xây dựng doanh nghiệp sử dụng AI hoặc giải quyết một vấn đề trong hệ sinh thái AI; đang ở giai đoạn ý tưởng và có thể làm việc tối thiểu 15 giờ/tuần với sản phẩm của mình; các giải pháp/sản phẩm ứng dụng AI trong e-commerce.
Chương trình có 2 giai đoạn chính, gồm 8 tuần coaching chuyên sâu và 1 – 3 năm ươm tạo. Ở giai đoạn 8 tuần, các hoạt động chính là huấn luyện mentoring online về cách thức chuẩn hóa dữ liệu và xây dựng mô hình mẫu, tư vấn về tính khả thi trong thương mại của giải pháp, chú trọng cập nhật kiến thức công nghệ mới và nhu cầu thực tế từ thị trường thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Giai đoạn này với sự đồng hành của các chuyên gia đến từ các doanh nghiệp lớn, các công ty trong lĩnh vực e-commerce và công nghệ sẽ giúp các dự án xác định được ý tưởng khả thi, chạy thử mô hình mẫu và hoàn thiện demo giải pháp.
Giai đoạn ươm tạo sẽ chọn 5 - 7 dự án đưa vào chương trình ươm tạo chuyên sâu 1 - 3 năm để kết nối và hỗ trợ thêm các nguồn lực cho dự án. Cụ thể, giai đoạn này tập trung hỗ trợ hiệu quả hoạt động chuẩn hóa dữ liệu, hoàn thiện giải pháp để sẵn sàng thương mại hóa hoặc chuyển giao công nghệ; hỗ trợ về pháp lý, tư vấn xác lập quyền sở hữu trí tuệ; kết nối trực tiếp đến các chương trình hỗ trợ vốn dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chương trình SpeedUp của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM.
Chương trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký đến hết ngày 16/10/2021. Chương trình huấn luyện – mentoring chuyên sâu sẽ bắt đầu từ 23/10 - 12/12/2021. Sau đó là buổi pitching day (ngày 18/12) để lựa chọn 5 – 7 dự án tham gia chương trình ươm tạo.
Tại lễ công bố chương trình, các đơn vị đồng hành, hỗ trợ từ các doanh nghiệp và các chuyên gia đến từ các tập đoàn/tổ chức như Intel Products Việt Nam, Amazon Web Services, TMA Innovation, HTGSOFT, ANSCENTER, ARI Technology,… cũng đã chia sẻ, cung cấp các thông tin về xu hướng ứng dụng AI trong TMĐT; những kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường, nhu cầu của thị trường, bài toán nghiệp vụ; kinh nghiệm triển khai sản phẩm từ ý tưởng đến thực tế, kinh nghiệm xây dựng hệ thống TMĐT; mô hình kinh doanh B2B2C, cơ hội phát triển cho những ý tưởng đề tài mới về hành vi mua hàng trong giai đoạn bình thường mới…
Lam Vân (CESTI)