SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Cùng chung tay xây dựng nền khoa học công nghệ vì cộng đồng

17-12-2024
Chiều ngày 17/12/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, lãnh đạo và các phòng ban chuyên môn thuộc Sở đã có buổi tiếp đón và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Sự kiện nhằm chia sẻ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khoa học công nghệ và tìm kiếm hướng đi chung trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

 QUANGCANH.png

Quang cảnh buổi làm việc giữa Sở KH&CN TP.HCM và Đoàn công tác Sở KH&CN Hà Nội.

Dịp này, hai bên đã trao đổi về tình hình phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của từng địa phương. TP.HCM với vai trò là trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước đã xây dựng các chương trình, mô hình hỗ trợ khởi nghiệp và chuyển giao công nghệ hiệu quả. Trong khi đó, Hà Nội, với lợi thế từ Luật thủ đô về KH&CN và nguồn lực khoa học mạnh mẽ từ các viện nghiên cứu và trường đại học lớn, cũng đang không ngừng mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ vào quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế.

Mở đầu buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) đã chia sẽ những thành tựu và định hướng chiến lược của Thành phố trong việc xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo đó, TP.HCM đang triển khai cơ chế sandbox (cho phép doanh nghiệp, đơn vị của Thành phố thử nghiệm một số giải pháp công nghệ theo chính sách), cơ chế này tập trung vào những giải pháp công nghệ chưa được quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành hoặc có thể giảm thủ tục cấp phép trong phạm vi thử nghiệm. Những giải pháp tham gia sandbox phải xây dựng khung quản lý rủi ro để hạn chế tác động tiêu cực, đồng thời chuẩn bị phương án xử lý các vấn đề phát sinh. Kế hoạch thử nghiệm cần minh bạch, khả thi và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP.HCM, với khả năng đưa giải pháp ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm. Thành phố hỗ trợ doanh nghiệp thử nghiệm thông qua việc cung cấp mặt bằng, cơ sở hạ tầng tại các khu công nghệ cao, trung tâm đổi mới sáng tạo và hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách. Ngoài ra, các sản phẩm thử nghiệm sẽ được hỗ trợ pháp lý, trong đó miễn giấy phép đối với những công nghệ thuộc thẩm quyền của UBND TP.HCM, hoặc phối hợp với các bộ ngành để giải quyết giấy phép ngoài thẩm quyền.

 SEPDUNG1.png

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM (ngồi giữa) trao đổi tại sự kiện.

Còn với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, điển hình là chương trình SpeedUp, mỗi năm TP.HCM hỗ trợ tài chính cho các dự án khởi nghiệp tiềm năng, với tổng kinh phí lên tới hàng chục tỷ đồng. Doanh nghiệp được hỗ trợ không chỉ nhận được nguồn vốn mà còn được tham gia các khóa huấn luyện kỹ năng, từ xây dựng sản phẩm đến tiếp cận thị trường. Bên cạnh đó, TP.HCM còn thực hiện chính sách đặt hàng các giải pháp công nghệ từ startup, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ công. Điều này vừa tạo cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp thử nghiệm và triển khai sản phẩm, vừa giúp Thành phố ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả vào thực tiễn.

Một trong những điểm nhấn tại sự kiện là việc trao đổi kinh nghiệm về mô hình đại học khởi nghiệp. Đại diện Sở KH&CN TP.HCM cho biết, “cốt lõi” của mô hình này là gắn liền các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Hiện tại, điều các trường đại học cần làm là tạo ra hệ sinh thái nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển. Ngoài ra, cần giảm tính hình thức trong sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, tập trung nguồn lực hiện thực hóa các ý tưởng tốt thành sản phẩm sáng tạo mà thị trường cần.

Đại diện Sở KH&CN Hà Nội đánh giá cao những thành tựu mà TP.HCM đã đạt được trong việc thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, để áp dụng thành công các mô hình tương tự tại Thủ đô, cần phải điều chỉnh phù hợp với bối cảnh địa phương, đặc biệt là về mặt chính sách và cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Sở cũng bày tỏ sự quan tâm đến cách TP.HCM xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các vườn ươm và chương trình huấn luyện. Việc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp như AI.STAR, GIC, hay INNOCULTURE tại TP.HCM đã thu hút sự tham gia của nhiều dự án tiềm năng, tạo nguồn lực mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

 DOANHN.png

Đoàn công tác Sở KH&CN Hà Nội đến thăm và làm việc tại Sở KH&CN TP.HCM.

Những chia sẻ từ Sở KH&CN TP.HCM về việc đổi mới sáng tạo và xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã mở ra nhiều ý tưởng cho Sở KH&CN Hà Nội. Sở KH&CN Hà Nội cũng mong muốn trao đổi kinh nghiệm với TP.HCM trong việc hợp tác với các tổ chức quốc tế, xây dựng hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN trực tuyến và triển khai các nền tảng hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Đây là những công cụ quan trọng để tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực KH&CN. Trong khuôn khổ sự kiện, hai bên cũng trao đổi một số vấn đề như giao quyền và tài sản hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN, những thủ tục và cách thức triển khai hoạt động, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp… làm tiền đề để xúc tiến hợp tác giữa Hà Nội và TP.HCM.

Buổi làm việc giữa Sở KH&CN TP.HCM và Sở KH&CN Hà Nội không chỉ là dịp kết nối giữa hai “đầu tàu” khoa học lớn nhất cả nước, mà còn là cơ hội mở rộng hợp tác, thúc đẩy KH&CN phát triển, phục vụ lợi ích kinh tế quốc gia, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378