Cuộc thi Saigon Govtech Challenge 2024: lộ diện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế
31-07-2024Chiều 31/7, Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN - Sihub (Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức Hội nghị “Nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý và khám chữa bệnh địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”. Đây là sự kiện quan trọng nằm trong khuôn khổ cuộc thi “Tìm kiếm giải pháp đổi mới sáng tạo trong khu vực công - Saigon Govtech Challenge 2024”.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Đặng Thị Luận (Phó Giám đốc Sihub) cho biết, thông qua sự kiện này, ban tổ chức mong muốn chia sẻ cho cộng đồng nhiều thông tin giá trị, nhiều giải pháp sẵn sàng để chuyển giao, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế, đồng thời góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và Nghị quyết 20/2023/NQ-HĐND quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP.HCM.
Bà Đặng Thị Luận (Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN – Sihub) phát biểu tại Hội nghị.
Những năm qua, ngành y tế TP.HCM đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ. Từ việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến cải tiến quy trình, cải cách thủ tục hành chính hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, chẳng hạn như tình trạng quá tải hệ thống, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh; hạ tầng không đồng bộ, thiếu kiến trúc công nghệ thông tin y tế chung, khó khăn trong khâu quản lý hồ sơ bệnh án, các cơ quan quản lý không có công cụ để phân tích dữ liệu y tế tập trung; chất lượng khám chữa bệnh từ xa chưa cao và nguy cơ chẩn đoán sai; yếu trong các khâu liên thông bảo hiểm y tế, liên doanh liên kết, xã hội hóa... Cùng với đó là những thách thức do mô hình bệnh tật thay đổi, toàn cầu hóa, đô thị hóa và biến đổi khí hậu dẫn đến việc nhu cầu, kỳ vọng của người dân cũng tăng cao đối với việc cung cấp các dịch vụ y tế.
Thực hiện kế hoạch 2701/KH-UBND của UBND Thành phố về thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, Sở Khoa học và Công nghệ đã ban hành kế hoạch về tổ chức cuộc thi “Saigon Govtech Challenge 2024”. Cuộc thi nhằm tìm kiếm các giải pháp, mô hình đổi mới sáng tạo, quy trình, công nghệ giúp giải quyết các bài toán trong điều hành, quản lý... của Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế và UBND quận huyện và TP. Thủ Đức…
Sau gần 3 tháng triển khai và qua vòng sơ tuyển, cuộc thi đã lựa chọn được 20 dự án xuất sắc nhất trong lĩnh vực y tế, gồm:
(1) Dự án “Ứng dụng Phòng khám trực tuyến: Module Quản lí Bệnh không lây nhiễm” của Công ty CP Edoctor
(2) Dự án “Cộng đồng phòng khám” của Công ty TNHH SX TM và DV Song Ân
(3) Dự án “Giải pháp lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử - Cloud EMR” của nhóm tác giả Nguyễn Thanh Điền
(4) Dự án “Kho bệnh án điện tử dùng chung” của Công ty TNHH MTV Tin học Y tế Nguyên Khôi
(5) Dự án “Giải pháp nâng cao vai trò chăm sóc sức khoẻ tinh thần và tham vấn tâm lý học đường trong bối cảnh chuyển đổi số” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Tạo
(6) Dự án “AI.DFS hỗ trợ dự báo dịch bệnh cho y tế” của Công ty TNHH TM và DV Hoàng Phúc Thanh
(7) Dự án “Giải pháp tư vấn bệnh từ xa theo dõi các chỉ số sinh tồn người dân trong cộng đồng” của Công ty TNHH TM và DV Hoàng Phúc Thanh
(8) Dự án “Amaz Care” của Công ty AMAZ
(9) Dự án “Hệ sinh thái chuyển đổi số y tế https://benhvien.tech” của nhóm tác giả Hoàng Nhật Minh
(10) Dự án “"IM3- Thiết bị tự động chuyển đổi vị trí và theo dõi tập luyện người sau tai biến” của Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM
(11) Dự án “TPH.LabIMS - Hệ thống quản lý Trung tâm xét nghiệm” của Công ty TNHH Giải pháp Thiên Phúc Hưng
(12) Dự án “Giải pháp quản lý nguồn lực y tế AHMS (Advance Hospital Management System)” của nhóm tác giả Huỳnh Nguyễn Kim Ngân
(13) Dự án “Đầu tư lắp đặt hệ thống Camera thông minh tích hợp xác thực CCCD, nhận diện khuôn mặt, biển số xe” của Công ty TNHH Công nghệ năng lượng TSME
(14) Dự án “Hicare” của nhóm tác giả Nguyễn Văn Hải
(15) Dự án “Nền tảng Y khoa mở OMECAP” của Công ty TNHH Omecap
(16) Dự án “Vital signs monitoring 6 (VSM6)” của nhóm tác giả Đỗ Thị Tường Oanh
(17) Dự án “Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu ngành và bệnh án điện tử dùng chung trên nền tảng điện toán đám mây cho các cơ sở y tế tại TPHCM” của nhóm tác giả Phùng Nguyễn Thế Nguyên
(18) Dự án “Giải pháp quản lý bệnh không lây nhiễm dùng chung trên nền tảng thuật toán đám mây cho các bệnh viện đa khoa tại TP.HCM” của nhóm tác giả Nguyễn Vũ Đạt
(19) Dự án “Đầu tư lắp đặt hệ thống Camera thông minh tích hợp xác thực CCCD, nhận diện khuôn mặt, biển số xe” của nhóm tác giả Phạm Thanh Toàn
(20) Dự án “Chuyển đổi số sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo chuẩn hoá với nền tảng thuật toán đám mây cho các bệnh viện đa khoa tại TP.HCM” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Mai Anh
Ông Hoàng Nhật Minh trình bày dự án “Hệ sinh thái chuyển đổi số y tế https://benhvien.tech”.
Về phía Sở Y tế, PGS. TS Nguyễn Anh Dũng (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) đánh giá cao các dự án trình bày tại Hội nghị. Tham gia “Saigon Govtech Challenge 2024”, ngoài nhận được các gói ươm tạo, các cá nhân, tổ chức sẽ được kết nối với cơ quan y tế để khảo sát, áp dụng, thử nghiệm sản phẩm, giải pháp trong dự án. Vượt qua ý nghĩa của một cuộc thi, 16 dự án trên đã cho thấy sự nhiệt huyết của các đơn vị tham gia. Tất cả đều hướng đến việc lấy người bệnh làm trung tâm, phấn đấu cho mục tiêu mang đến sự hài lòng, an toàn, chất lượng dịch vụ y tế tốt nhất cho người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đồng thời phù hợp với xu hướng chuyển đổi số và bối cảnh kinh tế-xã hội của đất nước.
PGS. TS Nguyễn Anh Dũng (Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM) phát biểu tại Hội nghị.
Được biết, Sở Y tế TP.HCM đang nỗ lực triển trai kết nối và chia sẻ dữ liệu hệ thống sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VneID, đảm bảo tiến độ triển khai Đề án 06, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận tiện nhất.
Minh Nhã (CESTI)