Đại học khởi nghiệp: gắn liền các hoạt động “cốt lõi” là “đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo” để phát triển
16-07-2023Các hoạt động “cốt lõi” này được các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá là nhiệm vụ quan trọng của trường đại học đi theo định hướng đại học khởi nghiệp. Do đó, để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần phát huy vai trò của trường đại học và các trường đại học cũng cần nhận được sự quan tâm đúng đắn để phát huy vai trò của mình.
Sáng 14/7/2023, tại trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã diễn ra Hội thảo "Đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo trong trường đại học khởi nghiệp". Chương trình do Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Công ty Cổ phần Tập đoàn Green+ phối hợp với Viện Kinh tế Việt Nam và Swiss EP cùng tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự Hội thảo về phía Ban tổ chức có bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM); PGS.TS. Lê Văn Thăng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM); ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+. Về phía đơn vị phối hợp có TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Viên Kinh tế Việt Nam); bà Nguyễn Quỳnh Anh - Giám đốc Swiss Entrepreneurship Program (Swiss EP) tại TP.HCM và khu vực phía Nam. Về phía khách mời có PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; TS.KTS. Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Phòng Quản lý Quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM); TS. Huỳnh Kỳ Trân - Người sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hóa - Mỹ phẩm Thorakao; ông Anthony Nahas - Giám đốc AN Consulting, thành viên đại diện liên danh đổi mới sáng tạo MSGC Paris; Th.S Huỳnh Hồng Mai - Phó Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo khởi nghiệp (trường Đại học Nguyễn Tất Thành); TS. Đỗ Xuân Hồng - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ (trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) cùng gần 100 đại biểu là đại diện các Phòng, Ban thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM; các Phòng, Khoa, Trung tâm của trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), sinh viên trường; đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Hội thảo đã thu hút được gần 100 đại diện của nhiều viện, trường, doanh nghiệp và giảng viên, sinh viên, chuyên gia trong và ngoài nước cùng tham gia
Tại buổi Hội thảo, 3 phần trình bày tham luận với các chủ đề gồm:
- “Vì sao chưa phát triển được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ các trường đại học?” của ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+.
- “Phát triển công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp trong các trường đại học khởi nghiệp” của ông Martin Webber - Co-Owner, J.E. Austin Associates McLean, Virginia, United States (chương trình Swiss EP).
- “Giải pháp thúc đẩy phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo theo mô hình đại học khởi nghiệp” của PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Cũng trong Hội thảo này, các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và đại diện các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đã có phần thảo luận với nội dung: “Lộ trình phát triển đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo của các trường đại học Việt Nam để phát triển theo định hướng trường đại học khởi nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM) nhận định, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam, trường đại học là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng. Ngoài đào tạo con người, vai trò của trường đại học còn được thể hiện ở hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đồng thời hợp tác với doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả nghiên cứu ra ngoài xã hội.
“Trường đại học mạnh sẽ tạo ra nguồn cung cấp tri thức cũng như công nghệ cho xã hội. Đây cũng là nơi để phát triển dồi dào những ý tưởng về đổi mới sáng tạo giúp nâng cao tài sản cho doanh nghiệp cũng như nâng cao tài năng trí tuệ trong hoạt động của doanh nghiệp. Quá trình phát triển của doanh nghiệp sẽ có 3 giai đoạn: hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm và tăng trưởng, tương ứng với 3 hoạt động tại trường đại học là đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo”, bà Trúc nói.
Cũng theo bà Phan Thị Quý Trúc, trong giai đoạn đầu, nhà trường và giảng viên đóng vai trò là người truyền cảm hứng, cung cấp những kiến thức, kỹ năng cơ bản, hình thành những đội nhóm, các hoạt động liên kết sinh viên liên ngành đó là nền tảng giúp sinh viên hình thành ý tưởng về đổi mới sáng tạo. Đến giai đoạn thứ hai, cũng chính thầy cô là người dẫn dắt để những ý tưởng đó được nghiên cứu một cách bài bản và cho ra sản phẩm cụ thể, bước đầu quá trình thương mại hóa. Ở giai đoạn thứ ba, tức giai đoạn tăng trưởng, khi sản phẩm đã được hiệu chỉnh theo phản hồi của thị trường, các đội nhóm sinh viên sẽ nghĩ đến việc hình thành doanh nghiệp để có thể kinh doanh những sản phẩm và dịch vụ này. Lúc này nhà trường có vai trò tạo ra môi trường để cung cấp cho sinh viên kiến thức liên quan đến kinh doanh như pháp luật, thuế, kế toán... Rõ ràng, trong tất cả giai đoạn phát triển của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp hình thành trong trường đại học vai trò của trường đại học là vô cùng quan trọng và trường đại học cũng là thành tố rất quan trọng trong trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đồng thời đó là nền tảng để tạo ra giá trị cốt lõi cho hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Tuy nhiên, “đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo” đang gặp phải “điểm nghẽn”.
Bà Phan Thị Quý Trúc - Phó Trưởng phòng Phòng quản lý công nghệ và thị trường công nghệ (Sở khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc Hội thảo
Đồng quan điểm với bà Phan Thị Quý Trúc về “điểm nghẽn" của mô hình đại học khởi nghiệp, ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+, đưa ra phép so sánh: Ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Israel… 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo được phát triển từ các trường đại học. Nhưng ở Việt Nam lại xuất hiện nghịch lý là có tới 90% doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo nằm ngoài trường đại học.
“Nguyên nhân là việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học tại các trường đại học trong nước hiện nay chưa thực sự hiệu quả và chất lượng. Các trường chưa chú trọng đến ứng dụng và chuyển giao công nghệ, do đó làm nhiều, đúng quy trình nhưng mọi thứ chưa khả quan. Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, nghiên cứu sinh tại một số trường đại học hiện chưa thể gắn kết với thị trường và nhu cầu của xã hội, nghĩa là không làm theo đặt hàng nên tính đáp ứng không cao”, ông Thành chia sẻ.
Ông Đặng Đức Thành - Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế, Chủ tịch Học viện Khởi nghiệp thành công, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư tài chính Green+ thẳng thắn chia sẻ về vấn đề khởi nghiệp trong trường đại học hiện nay
Cũng theo ông Thành cho rằng, thực tế nhiều trường đại học trong nước vẫn chưa xây dựng được đầy đủ các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Do đó, không khai thác được nguồn lực cho hoạt động quan trọng này. Nhiều trường đại học có vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo nhưng lại thiếu những thành tố khác như quan hệ chặt chẽ với doanh nghiệp hay các quỹ đầu tư về khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo ngay trong trường… Bên cạnh đó, quá trình thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ của không ít trường đại học vẫn đang gặp khó vì nhiều quy chuẩn, giấy tờ. Trong khi đó nhiều trường lại chưa có được những tổ chức trung gian hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo. Hiện nay, đa phần các trường vẫn chưa có riêng một tổ chức chuyển giao công nghệ chuyên nghiệp, hầu hết toàn nhân sự kiêm nhiệm. Điều này tạo ra rất nhiều rào cản để phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo bên trong trường đại học.
Không những thế, một vấn đề mà nhiều trường đại học hiện nay đang gặp phải đó là "khát vốn" khởi nghiệp dẫn đến tình trạng có nhiều ý tưởng rất hay nhưng không được đầu tư đến nơi đến chốn để phát triển thành đề án kinh doanh khả thi. Thậm chí, nhiều ý tưởng tham gia các cuộc thi khởi nghiệp xong rồi ngậm ngùi… đem bỏ tủ.
“Chính việc chưa có sự đầu tư thỏa đáng trong công tác nghiên cứu khoa học đã làm tổn thất nhiều ý tưởng sáng tạo có thể phát triển thành dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp. Và tâm lý đặt nặng vấn đề khởi nghiệp lên vai sinh viên cũng khiến nhiều trường đã trật nhịp trên hành trình đẩy mạnh sự phát triển mô hình đại học khởi nghiệp. Cho nên điều các trường đại học cần làm là tạo ra hệ sinh thái nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng phát triển. Ngoài ra, cần giảm tính hình thức trong sự kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường, tập trung nguồn lực hiện thực hóa các ý tưởng tốt thành sản phẩm sáng tạo mà thị trường cần”, Ông Thành chia sẻ thêm.
Theo ông Martin Webber - Co-Owner, J.E. Austin Associates McLean, Virginia, United States (chương trình Swiss EP), các trường đại học có vai trò rất lớn trong kết nối 3 nhà “nhà nước, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội” để có thể tăng tốc đổi mới sáng tạo. Do các trường đại học đóng vai trò cung cấp kiến thức khoa học cơ bản, công nghệ cũng như quy trình kỹ thuật. Khi các trường đại học tạo ra tài sản trí tuệ mới doanh nghiệp có thể áp dụng các đổi mới sáng tạo này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
“Các trường đại học và startup hoàn toàn có thể thương mại hóa tài sản trí tuệ, tạo ra nguồn thu từ chính hoạt động này, như phí bản quyền thương mại hóa các phát minh. Nguồn thu này sau đó có thể được tiếp tục tái đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) giúp tạo nên một chu kỳ đổi mới lẫn giá trị kinh tế. Thế nên, có thể xem trường đại học là thành tố quan trọng trong hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và cần nhận được sự quan tâm đúng đắn để phát huy vai trò của mình”, ông Webber chia sẻ.
Ông Martin Webber - Co-Owner, J.E. Austin Associates McLean, Virginia, United States (chương trình Swiss EP) chia sẻ tham luận thông qua nền tảng Google Meet
Cũng theo ông Webber, để từng bước giải quyết các yếu tố trên cần hoạt động kiến tạo văn hóa khởi nghiệp thông qua khung hướng dẫn cụ thể. Khung hướng dẫn này có 10 bước bao gồm: tư vấn về ngành, xác định chuẩn kỹ năng, thực tập và học việc, trung tâm khởi nghiệp, đánh giá nhu cầu thường xuyên, đào tạo tại chỗ, nghiên cứu do doanh nghiệp tài trợ, đào tạo chuyển đổi giữa sự nghiệp, chương trình cựu sinh viên và chương trình thực tập.
PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, nếu một trường đại học theo định hướng “đại học khởi nghiệp” thì 3 nhiệm vụ chính là đào tạo - nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo cần có vai trò ngang nhau.
“Trường đại học cũng phải có những hoạt động hướng tới thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu, bao gồm chuyển giao công nghệ, đào tạo cơ cấu, sàng lọc những doanh nghiệp có khả năng. Nhưng tiêu chuẩn quan trọng nhất vẫn là đổi mới sáng tạo và tác động của nó. Tiếp theo đó, trường đại học phải liên tục đổi mới sáng tạo, liên tục cải tiến, phát triển và tạo ra tác động tích cực trong xã hội. Như vậy mới thể hiện rõ vai trò của đại học khởi nghiệp”, PGS, TS Phạm Đình Anh Khôi nói.
Cũng theo PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi, dựa trên cách đánh giá của Tổ chức Kiểm định đại học khởi nghiệp tại châu Âu khi tập trung phân tích 5 tiêu chuẩn quan trọng với một trường đại học khởi nghiệp.
Với tiêu chuẩn đầu tiên là "Định hướng và chiến lược", thì trường đại học khởi nghiệp cần có những cam kết, định hướng về chiến lược khởi nghiệp trong nhiệm vụ đề ra. Đồng thời, nhà trường phải có mục tiêu chia sẻ về khởi nghiệp để tất cả thành viên đều biết. Bên cạnh đó, là một kế hoạch tài chính ổn định để có thể thực thi những hoạt động khởi nghiệp.
Với tiêu chuẩn "Bộ máy quản trị con người", thì hoạt động, sứ mệnh, tiêu chí và những bộ máy quản trị của trường đại học cần tạo điều kiện, thúc đẩy cho hoạt động đổi mới sáng tạo như chia sẻ, chấp nhận rủi ro cũng như đưa ra chế độ khen thưởng, động viên phù hợp.
PGS.TS Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ tham luận tại Hội thảo
Với tiêu chuẩn "Nguồn lực", trường đại học cần xây dựng văn hóa khuyến khích giảng viên, sinh viên có thể suy nghĩ và hành động như là người khởi nghiệp. Đồng thời, định hướng những chính sách, dự án, đề tài để hỗ trợ…
Với tiêu chuẩn "Đào tạo - Nghiên cứu khoa học" nhà trường phải cho sinh viên cơ hội cải tiến kiến thức, kỹ năng, hành động liên quan đến khởi nghiệp. Hướng tới mục tiêu hỗ trợ việc tạo ra những trí tuệ có thể khai thác trong tương lai.
Chia sẻ về những khó khăn của trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), PGS.TS. Lê Văn Thăng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, dù là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu khu vực phía Nam, nhà trường cũng đã xây dựng được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tương đối hoàn chỉnh hoạt động từ năm 2010. Bên cạnh đó, liên quan đến các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp cũng đã có một truyền thống lâu dài và có nhiều thành quả. Tuy nhiên, cũng có nhiều hoạt động khởi nghiệp phải trả giá khá nhiều.
PGS.TS. Lê Văn Thăng - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM) trao đổi tại Hội thảo
Theo PGS.TS. Lê Văn Thăng, đối với chức năng đào tạo và nghiên cứu khoa học thì có lẽ các trường đại học nói chung đã đạt được những thành tích đáng khích lệ. Riêng, chức năng chuyển giao công nghệ, chức năng đổi mới sáng tạo và chức năng khởi nghiệp thì rõ ràng còn khá nhiều vướng mắc, trở ngại có những cái thì do nội tại, do cơ chế và có thể do bài toán tạm gọi là 4 nhà “nhà trường, nhà nước, doanh nghiệp, xã hội”.
“Do đó, thông qua Hội thảo cũng như chuỗi Hội thảo Đại học khởi nghiệp, rất mong muốn nhận được những chia sẻ, góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, các đơn vị quản lý nhà nước, của cộng đồng xã hội để từ đó hoàn thiện hơn mô hình hoạt động của một trường đại học và đại học khởi nghiệp, mà đối với trường Đại học Bách khoa xác định phương châm và tiêu chí lớn nhất của nhà trường là đại học nghiên cứu là đại học khởi nghiệp”, PGS.TS. Lê Văn Thăng nói thêm.
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Viên Kinh tế Việt Nam) chia sẻ, trong thời gian qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đã chứng tỏ được những tiềm năng phát triển rất lớn. Mỗi đối tượng trong hệ sinh thái từ dự án khởi nghiệp đến các trường đại học, tổ chức ươm tạo… đều đã có những bước phát triển vượt bậc, số lượng và chất lượng ngày một nâng cao qua từng năm.
“Với những lợi thế sẵn có và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù cho hoạt động khởi nghiệp sẽ là đòn bẩy cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam phát triển, từ đó thúc đẩy các dự án khởi nghiệp phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Bên cạnh đó, khi tôi tham gia Hội thảo Đại học khởi nghiệp ở 8 trường đại học khác nhau thì rất ít nghe về các cơ chế, chính sách của trường đại học để giảng viên, sinh viên có thể tự tin nghiên cứu và khởi nghiệp. Cụ thể, yếu tố nhỏ nhất là hệ thống đánh giá của trường nếu giảng viên, sinh viên trước đây gắn liền với công tác giảng dạy, học tập và thi cử thì giờ đây tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp... thành công thì không nói gì như nếu thất bại sẽ đánh giá như thế nào, tốt nghiệp như thế nào. Nên rất hy vọng, dù là cái nhỏ nhất nhưng chúng ta cũng phải rõ ràng”, TS. Thành nói.
TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (Viên Kinh tế Việt Nam) chia sẻ tại Hội thảo
Theo PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ, sinh viên trường Đại học Công nghiệp TP.HCM cũng tham gia nhiều giải thưởng, có giải Nhất, có doanh nghiệp đầu tư, ở trường cũng tạo điều kiện... nhưng thật sự nếu như đúng nghĩa trở thành một startup thì không hề đơn giản.
PGS.TS. Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp TP.HCM chia sẻ ý kiến tại Hội thảo
Ví dụ, về phía nhà trường nếu muốn hỗ trợ vốn cho sinh viên thì dự án đó phải có giảng viên đứng ra “đở đầu” nhưng cơ chế đó vẫn rất khó. Hay ví như kêu gọi để chuyển giao và bán công nghệ cũng không hề dễ, bởi vì muốn bán một công nghệ thì phải là chìa khóa trao tay chứ không phải là một ý tưởng bình thường, trừ khi đó là công nghệ lõi. Do đó, ở trong trường chúng ta phải dạy được cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp, tinh thần dám nghĩ dám làm, dẫu chúng ta và sinh viên đều biết hình trình đó sẽ gặp phải những khó khăn, trắc trở. Không những thế, sinh viên cũng cần phải lăn lộn ở doanh nghiệp để hiểu được luật lệ trong kinh doanh. Hơn hết, các trường đại học cần có những nghiên cứu chuyên sâu hơn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng như chúng ta cần xây dựng hệ sinh thái trong trường đại học và giữa các trường đại học với nhau và gắn kết chặt chẽ thêm với nhà nước, doanh nghiệp và cả cộng đồng xã hội để cùng chắp cánh khởi nghiệp.
Đại diện Ban tổ chức, diễn giả khách mời, sinh viên trường, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các trung tâm ươm tạo và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố cùng chụp hình lưu niệm
Được biết, trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học là thành tố rất quan trọng. Bên cạnh chức năng đào tạo con người, vai trò của các trường đại học ngày càng trở nên quan trọng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác với khu vực doanh nghiệp để thương mại hóa, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ. Những năm gần đây, Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Điều này được thể hiện trong các nội dung Đề án 844 “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và Đề án 1665 “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ, từ đó góp phần thúc đẩy tinh thần học tập, tư duy sáng tạo, khả năng tự đổi mới, sáng tạo của học sinh, sinh viên.
Cũng trong khuôn khổ của Hội thảo, ông Anthony Nahas - Giám đốc AN Consulting, thành viên đại diện liên danh đổi mới sáng tạo MSGC Paris đã chia sẻ thêm cho cộng đồng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về các dự án "xanh" mà TP.HCM đang phối hợp cùng Pháp đang triển khai thực hiện
Việc xây dựng và triển khai chuỗi Hội thảo “Đại học khởi nghiệp” nhằm chia sẻ những thông tin liên quan đến vai trò của trường đại học trong hoạt động đổi mới sáng tạo và kinh nghiệm xây dựng mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường đại học. Đồng thời, chia sẻ các mô hình thương mại hóa kết quả nghiên cứu trong trường đại học.
Nhật Linh (CESTI)