Đại sứ Cộng hòa Áo tại Việt Nam đến thăm và làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
28-11-2024Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận về khả năng hợp tác tiềm năng, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo (AI) và biến đổi khí hậu.
Chiều 28/11, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp và làm việc với ông Philipp AGATHONOS (Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam) nhân dịp chuyến thăm của ông đến TP.HCM từ ngày 28-29/11/2024.
Ông Philipp AGATHONOS chia sẻ, Chính phủ Áo rất quan tâm, khuyến khích các cơ hội hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong chuyến thăm TP.HCM lần này, Ngài Đại sứ cũng đã có buổi làm việc với Đại học Quốc gia TP.HCM nhằm tìm hiểu, thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo như trao đổi sinh viên, giảng viên, các chương trình đào tạo chung, chương trình nghiên cứu chung.
Đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), ông Philipp AGATHONOS bày tỏ sự quan tâm và đánh giá cao hoạt động của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM trong vai trò hỗ trợ thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chương trình nghiên cứu phát triển KH&CN của Thành phố. Ngài Đại sứ cũng nhận thấy cơ hội hợp tác với TP.HCM rất rộng mở, đặc biệt trong các lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ môi trường, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh,…
Về nghiên cứu ứng dụng AI, ông Philipp AGATHONOS cho biết, Bộ Ngoại giao Áo đang hợp tác với một số tổ chức tư nhân nghiên cứu đưa ra các công cụ AI giải quyết các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực công tác của nhân viên ngoại giao. Qua đây cũng cho thấy một số kinh nghiệm trong việc hợp tác giữa khu vực nhà nước và tư nhân. Tại nước Áo cũng có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển liên quan đến đổi mới sáng tạo, trong đó có chương trình hỗ trợ trao đổi startup từ Áo đi ra quốc tế (định hướng đi qua châu Á) và ngược lại. Tuy nhiên, cần hình thành báo cáo định hướng về các phương án, chương trình, nội dung hợp tác cụ thể để trình Chính phủ Áo phê duyệt và có chính sách hỗ trợ.
Quang cảnh buổi làm việc
Giới thiệu về hoạt động khoa học và công nghệ tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Thu Sương (Phòng Quản lý khoa học – Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, Thành phố đang triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo và biến đổi khí hậu, tập trung vào 6 chương trình gồm: Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ phục vụ Đô thị thông minh và chuyển đổi số; Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ công nghiệp; Chương trình nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe; Chương trình nghiên cứu phát triển, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; Chương trình nghiên cứu ứng dụng phục vụ quản lý và phát triển đô thị; Chương trình vườn ươm khoa học và công nghệ trẻ.
Thành phố cũng ban hành và triển khai các chính sách đặc thù về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, cụ thể như Nghị Quyết số 19/2023/NQ-HĐND về quy định tiêu chí, đối tượng, điều kiện được hưởng ưu đãi tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và các chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập và thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND về quy định lĩnh vực ưu tiên, tiêu chí, điều kiện, nội dung và mức hỗ trợ dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 20/2024/NQ-HĐND về quy định các tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sandbox);…
Về trí tuệ nhân tạo, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030" với nhiều nhiệm vụ cụ thể như: Đề án xây dựng hạ tầng số; Đề án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao; Dự án xây dựng Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng AI; Hạng mục xây dựng cơ chế, chính sách về AI; Đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao AI Thành phố Hồ Chí Minh; Đề án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển AI tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo; Đề án Đào tạo nguồn nhân lực trình độ quốc tế ngành AI;…
Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, Thành phố cũng đã ban hành và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ về đánh giá biến đổi khí hậu (nghiên cứu các mô hình tính toán về thay đổi các yếu tố khí tượng và mực nước dâng do biến đổi khí hậu, cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu cho TP.HCM,…); nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu (sức khỏe, cơ sở hạ tầng, nguy cơ xảy ra sự cố, khu dân cư,…) và đánh giá khả năng thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu; nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu, giảm khí nhà kính, các quy trình, công nghệ mới phục vụ bảo vệ môi trường,…
Tại buổi làm việc, bà Sương cũng đề xuất một số hướng hợp tác, cụ thể như chuyển giao công nghệ xây dựng hạ tầng tính toán, nền tảng dữ liệu lớn (Big Data) để hỗ trợ phát triển AI tại Việt Nam; mở các khóa đào tạo trực tuyến và ngoại tuyến do chuyên gia Áo giảng dạy; hỗ trợ triển khai các dự án thí điểm sử dụng AI trong quản lý hành chính công và hỗ trợ người dân. Về biến đổi khí hậu, đề xuất hợp tác nghiên cứu và ứng dụng năng lượng mặt trời, gió, và các giải pháp lưu trữ năng lượng; phát triển các dự án bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn và tái trồng rừng; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm thiên tai dựa trên công nghệ; chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong quản lý chất lượng không khí, kiểm soát ô nhiễm; tổ chức các hội thảo quốc tế và chương trình giáo dục cộng đồng về biến đổi khí hậu;...
Ông Philipp AGATHONOS, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Áo tại Việt Nam (chính giữa) chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện lãnh đạo và đại diện các phòng, ban của Sở KH&CN TP.HCM
Thống nhất với những thông tin trao đổi, chia sẻ và đề xuất tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm phát triển KH&CN hàng đầu của cả nước và trong khu vực. Bên cạnh những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021 – 2025 về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, Thành phố cũng xây dựng và triển khai các cơ chế chính sách nhằm nâng cao tiềm lực KH&CN như thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế (CoE); thành lập Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo Thành phố; tập trung phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vươn tầm ra thế giới; thúc đẩy hình thành các trung tâm nghiên cứu/nhóm nghiên cứu mạnh, thúc đẩy hợp tác quốc tế về nghiên cứu phát triển AI, phát triển bền vững tại TP.HCM,… Do vậy, Sở KH&CN sẵn sàng kết nối hợp tác nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút các chuyên gia từ Áo tham gia vào các hoạt động này. Ông Lê Thanh Minh cũng gởi lời mời đại diện Đại sứ quán Áo tại Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện WHISE 2024 (Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2024), đặc biệt mong muốn Ngài Đại sứ có thể tham gia trình bày tham luận và chia sẻ kinh nghiệm tại Hội thảo khoa học quốc tế định hướng nghiên cứu về AI và ứng dụng cho TP.HCM sẽ diễn ra ngày 18/12 trong khuôn khổ sự kiện WHISE 2024.
Ông Philipp AGATHONOS bày tỏ sự hào hứng và đồng ý với những thông tin chia sẻ cũng như lời mời của Sở KH&CN TP.HCM. Đồng thời mong muốn hai bên sẽ có những hoạt động hợp tác cụ thể trong thời gian tới để cùng tham gia hỗ trợ giải quyết các vấn đề thực tế của TP.HCM, từ đó phát huy các tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Áo.
Lam Vân (CESTI)