Đánh giá năng lực công nghệ giúp doanh nghiệp tự đổi mới mình
21-05-2020Từ kết quả đánh giá, doanh nghiệp có cơ sở để xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm cũng như phát triển sản phẩm mới.
Ngày 21/5, Sở KH&CN TP.HCM tổ chức buổi tập huấn "Hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất” theo hình thức trực tuyến.
Tại buổi tập huấn, các chuyên gia đã phổ biến, giới thiệu những nội dung mới và các quy định của Thông tư 17 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm triển khai đánh giá trình độ công nghệ tại TP.HCM và các địa phương khác.
Buổi tập huấn có sự tham gia của 3 diễn giả gồm ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, TS kinh tế Tô Văn Hưng và ông Nguyễn Vinh Dự, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (SIHUB).
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp là việc phân tích, xác định hiện trạng, hiệu quả sử dụng, khai thác công nghệ sản xuất và đánh giá khả năng tổ chức, khai thác công nghệ hiện có, khả năng hấp thụ, làm chủ, nghiên cứu và phát triển và đổi mới sáng tạo công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.
“Việc đánh giá đúng trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp sẽ là cơ sở để cơ quan Quản lý Nhà nước thống nhất cơ sở dữ liệu và trình độ công nghệ cho cả nước, từ đó định hướng chiến lược đầu tư phát triển công nghệ hợp lý và khoa học”, ông Thanh nhấn mạnh.
Buổi tập huấn được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại SIHUB.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp liên tục phải đổi mới công nghệ và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ mới vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Vinh Dự, Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (SIHUB), việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng và cần thiết tại doanh nghiệp. Thông qua việc đánh giá này, doanh nghiệp xây dựng mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm mới, cải tiến chất lượng sản phẩm từ đó có chiến lược dài hạn để nâng cao năng lực canh tranh.
Trong phạm vi một vùng lãnh thổ, một địa phương có những tính đặc thù riêng, việc đánh giá trình độ công nghệ là hết sức cần thiết, cho phép xác định điểm xuất phát của lộ trình phát triển công nghệ một cách hợp lý và tối ưu hóa cách ngành nghề sản xuất.
Ngoài ra, đánh giá trình độ công nghệ được coi là một thước đo nhằm xác định được giá trị thực tế của công nghệ để định giá và thỏa thuận các hợp đồng chuyển giao công nghệ, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ các tổ chức nghiên cứu phát triển trong nước hoặc nước ngoài đến các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.
Hoạt động đánh giá trình độ công nghệ của SIHUB
Thông tư 17 hướng dẫn nội dung, quy trình đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong các lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp và các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Việc đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất sử dụng phương pháp định lượng theo thang điểm 100 điểm cho tổng số 26 chỉ tiêu để đưa về cùng một mặt bằng đánh giá. Doanh nghiệp phối hợp tham gia điều tra sẽ được cung cấp kết quả đánh giá khi hoàn thành. Việc công bố báo cáo điều tra, đánh giá cho bên thứ ba chỉ được thực hiện khi có sự thống nhất của doanh nghiệp.
Buổi tập huấn đã thu hút rất nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi thảo luận cho các diễn giả. Đây là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 của Sở KH&CN TP.HCM.