SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19

04-11-2021

Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là con đường hiệu quả nhất có thể mang đến thành công, ổn định cuộc sống và nâng cao hiệu quả.

Dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động của nhiều doanh nghiệp, tổ chức từ làm việc trực tiếp sang trực tuyến, từ xa. Rõ ràng, đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt, việc phát huy các thành tựu của khoa học công nghệ cùng với việc phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý Nhà nước, Trường - Viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã tạo ra các sản phẩm, giải pháp có chất lượng trong kiểm soát, phòng chống dịch bệnh Covid-19. Điển hình là Chương trình “Tìm kiếm và kết nối giải pháp đổi mới sáng tạo ứng phó dịch COVID-19 tại TP.HCM năm 2021 - HCMC Innovative Solution - COVID 2021 (HIS-COVID 2021) do Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM khởi xướng và tổ chức đã tiếp nhận được 99 giải pháp công nghệ đăng ký tham gia, từ đó lựa chọn Top 20 giải pháp khả thi để giới thiệu, chuyển giao cho Chính quyền Thành phố, Sở ban ngành và các hiệp hội doanh nghiệp của TP.HCM, góp phần giúp thành phố ứng phó với dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ hình thành và phát triển nền tảng dữ liệu về các công nghệ và giải pháp đổi mới sáng tạo hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19 của cộng đồng doanh nghiệp đóng góp cho TP.HCM.

HISCOVID.jpg

Áp lực từ dịch bệnh đã buộc doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm công nghệ tự động hóa dây chuyền sản xuất, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí, cơ cấu và thiết lập lại hệ thống quản trị doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới, chuyển kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng trên mạng Internet… nhằm cắt giảm chi phí. Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, các đơn vị thuộc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM cũng đã tăng cường hoạt động tư vấn về công cụ quản trị năng suất, chất lượng và đổi mới sáng cho trên 60 doanh nghiệp. Ngoài ra, các chương trình đào tạo, các khóa học qua mạng nhằm phổ biến kiến thức cơ bản về năng suất chất lượng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đến cộng đồng, cụ thể là hệ thống  https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn tiếp tục duy trì 19 khoá học với 05 chủ đề, tất cả đều nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp sớm làm quen và thích ứng nhanh với điều kiện mới.

Mới đây nhất, Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM vừa nghiệm thu hoạt động “Vật liệu nanocomposite trên cơ sở graphene”. Kết quả của nhiệm vụ này là làm chủ quy trình công nghệ, thông số nguồn, chủ động trong việc nghiên cứu chế tạo và chuyển giao ứng dụng công nghệ chế tạo pin mặt trời, không phải phụ thuộc vào công nghệ của nước ngoài, định hướng ứng dụng trong chế tạo pin đơn, từ đó lắp ráp tạo các tấm pin mặt trời có khả năng sản xuất điện ứng dụng tích hợp trong các thiết bị di động, thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, đồng hồ, sạc dự phòng… Nhờ đó, doanh nghiệp tiếp nhận sẽ giảm đáng kể chi phí đầu tư vào công nghệ, hoặc có điều kiện tận dụng kết quả nghiên cứu để tiến hành đổi mới công nghệ, xây dựng chiến lược phát triển bền vững bằng nguồn tri thức trong nước.

Bà Phan Thị Quý Trúc (Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, doanh nghiệp có thể sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ để mua bán, nhận chuyển giao các giải pháp công nghệ mới. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đang có một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các thông tin chi tiết về các chương trình đều được Sở giới thiệu tại website Sở.

Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM còn đặt hàng Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển triển khai nhiệm vụ “Nghiên cứu, đánh giá và khuyến nghị các tiêu chí về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Nhiệm vụ hướng đến một số mục tiêu chính như: đánh giá hiện trạng các chỉ tiêu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và các chỉ tiêu khác trong đầu tư của các doanh nghiệp giai đoạn 2016 – 2020, xây dựng các chỉ tiêu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và kiến nghị các cơ chế chính sách về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở Thành phố trong giai đoạn mới và cho các doanh nghiệp hiện hữu.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tiếp tục hỗ trợ triển khai 5 dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, bao gồm: (1) Mô hình nhân giống một số loài lan rừng Giả hạc bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật (Vườn Lan Hạnh Phúc, huyện Củ Chi); (2) Xây dựng mô hình sản xuất và sơ chế bảo quản ớt cay theo tiêu chuẩn VietGAP (Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ – Dịch vụ - Thương mại Trường Thịnh, quận Bình Tân); (3) Ứng dụng quy trình cải tiến nuôi sinh khối Artemia trong bể xi măng lót bạt làm thức ăn cho cá cảnh tại Thành phố (Hộ nông dân Lê Như Phú, quận 12); (4) Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) thâm canh hai giai đoạn ứng dụng hệ thống giám sát môi trường (IoT) tại huyện Cần Giờ (Hộ nông dân Đinh Quang Soạn, ấp Lý Hòa Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ); (5) Xây dựng mô hình nuôi thương phẩm lươn đồng (Monopterus albus) theo tiêu chuẩn VietGAP ở huyện Củ Chi (Liên hiệp HTX Công nghệ cao NPT, huyện Củ Chi).

Từ nay đến cuối năm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng các tổ chức, đơn vị triển khai các hoạt động thuộc Chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIỆT NAM 2021 kết hợp cùng Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM (WHISE 2021). TECHFEST – WHISE 2021 hướng tới thúc đẩy giải pháp công nghệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nền tảng đổi mới sáng tạo “mở” trong giải quyết vấn đề của xã hội trong bối cảnh Covid-19 và phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378