SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với các đơn vị KH&CN tại Thành phố Hồ Chí Minh

17-08-2018

Đoàn giám sát của Quốc hội đã ghi nhận những ý kiến đề xuất và sẽ phản ánh, góp ý với Quốc hội, Chính phủ để sớm có những thay đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động KHCN trên cả nước. 

Sáng 16.8, đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có buổi làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM và Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn. Buổi làm việc nằm trong chương trình giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ tại TPHCM. Thực tế triển khai các chính sách và những kiến nghị của các đơn vị sẽ là cơ sở để đoàn giám sát góp ý với Quốc hội và Chính phủ để có những thay đổi phù hợp với thực tế. 

 

Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và đại diện Sở KH&CN TP.HCM tham quan các mô hình tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM 

Đoàn giám sát do ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn. Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, đại diện phía TP.HCM đi cùng đoàn. 

Chia sẻ tại buổi làm việc, TS Hà Thị Loan, Phó giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cho biết trong 5 năm vừa qua, trung tâm đã có 54 công trình khoa học được công bố trong nước, 24 công trình công bố quốc tế. Nhiều mô hình, kết quả nghiên cứu như quy trình tạo rễ tóc cây sâm Ngọc Linh trong điều kiện nhân tạo, quy trình nhân giống và canh tác hiện đại hoa lan… đã chứng minh được hiệu quả. 

 

TS Hà Thị Loan chia sẻ những kết quả mà Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM đã đạt được với đoàn giám sát tại buổi làm việc sáng 16.8 

Cùng với những kết quả đã đạt được, TS Hà Thị Loan và các cán bộ của Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cũng đề cập tới những bất cập, khó khăn mà Trung tâm đang gặp phải. Trong đó, quan trọng nhất là những hạn chế về quy chế tự chủ của đơn vị và chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ.

 “Quy định tính tiền lương, tiền công quy định hiện hành không phù hợp với đặc thù riêng của lao động chất xám. Từ đó, dẫn đến thu nhập của cán bộ khoa học rất thấp, không khuyến khích, động viên được các nhà khoa học”, TS Loan nói. 

Sau buổi làm việc tại Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, đoàn giám sát đến tham quan và trao đổi với Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn. Đây là một trong những doanh nghiệp KH&CN đầu tiên tại TP.HCM. Nhờ tập trung đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển, sản phẩm của công ty đã đạt được chứng nhận tiêu chuẩn của nhiều thị trường và đang được xuất khẩu tới 15 quốc gia trên thế giới. 

 

Ông Phan Xuân Dũng cùng các thành viên trong đoàn giám sát tham quan dây chuyền thiết bị công nghệ cao của công ty Tiến Tuấn 

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc công ty, cho biết các doanh nghiệp trong nước đang gặp phải rất nhiều khó khăn do sự ưu đãi không bình đẳng dành cho các doanh nghiệp FDI cũng như chênh lệch về hàng rào thuế quan giữa Việt Nam với các quốc gia khác. 

Ông Tuấn chia sẻ: “Doanh nghiệp như chúng tôi không cần được ưu đãi. Điều chúng tôi mong muốn là sự công bằng để cạnh tranh và những chính sách hướng tới lợi ích chung của đất nước.” 

Đánh giá cao những kết quả mà hai đơn vị nói trên đạt được, ông Phan Xuân Dũng cũng ghi nhận những ý kiến đề xuất của các đơn vị và sẽ phản ánh, góp ý với Quốc hội và Chính phủ để sớm có những thay đổi phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trên cả nước. 

Phạm Sơn – khampha.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378