Giới trẻ hành động vì môi trường bằng nhiều sản phẩm sáng tạo
14-10-2019Không chỉ là ý tưởng, nhiều học sinh, sinh viên đã tạo ra các sản phẩm như túi vải chống thấm thay túi ni lông, dùng cỏ hút chất thải, nuôi ruồi lính đen xử lý thức ăn thừa,…với dự án Upshift.
Chiều 13/10, tại Saigon Innovation Hub, 12 ý tưởng sáng tạo của bạn trẻ đã tham gia chương trình Upshift mùa thứ 5 năm 2019 với chủ đề “Hành động vì khí hậu”. Đây là chương trình trang bị kỹ năng của thế kỷ 21 cho thanh thiếu niên như đổi mới sáng tạo, tinh thần doanh nhân để giải quyết các vấn đề của cộng đồng do Qũy Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tại TP.HCM tổ chức.
Tại chương trình, nhiều ý tưởng sáng tạo của bạn trẻ được giới thiệu, có ý tưởng đã xây dựng được mô hình sản phẩm, thử nghiệm để kiểm chứng tính khả thi.
Thiên Ngân, sinh viên ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM, trưởng nhóm “Thách thức và động lực” muốn sử dụng cỏ vetiver để làm sạch kênh Ba Bò nằm ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Bình Dương và TP.HCM nổi tiếng ô nhiễm nhiều năm qua.
Ngân chia sẻ, đặc tính sinh học của cỏ vetiver là có bộ rễ rất phát triển và hình dạng hướng thẳng xuống đất. Vì thế loại cỏ này có thể hút một số chất kim loại có trong nước thải và lưu giữ chất thải này vào rễ, thân, lá cỏ. Nhóm đang nghiên cứu sử dụng các loại xơ dừa, phân bón để tạo môi trường dinh dưỡng cho cỏ phát triển.
Nhóm bạn trẻ đang cầm mô hình nuôi cỏ vetiver bằng hệ thống bè nổi trên mặt nước nhằm xử lý chất thải. Ảnh: Hà Thế An.
“Nhóm phát triển mô hình trồng cỏ bằng hệ thống bè nổi trên mặt nước, cung cấp dinh dưỡng thường xuyên cho cỏ để giúp cỏ vừa sinh trưởng, vừa làm nhiệm vụ hút chất thải có trong nước, làm sạch môi trường”- Ngân chia sẻ.
Cũng với ý tưởng bảo vệ môi trường, nhóm bạn trẻ đến từ nhóm Upriver (cơ sở bảo trợ xã hội Thảo Đàn) đã tạo ra một sản phẩm túi từ vải tái chế có khả năng chống thấm nước. Việc làm này nhằm hướng đến giảm việc sử dụng túi ni lông hiện nay.
Trần Thu Trang, trưởng nhóm chia sẻ, nhóm đã khảo sát nhiều học sinh tại một số trường THCS, THPT tại TP.HCM. Kết quả cho thấy, mỗi học sinh thường sử dụng 2 đến 3 túi ni lông hằng ngày. Vì thế, nhóm đề xuất sử dụng túi vải để thay thế túi ni lông hiện nay. Điểm đặc biệt của túi vải là được làm từ vải tái chế (vải thừa bỏ đi), sau đó các thành viên bắt đầu cắt vải, tự may túi và trang trí những họa tiết bắt mắt nhằm tăng thêm tính thẩm mỹ, tạo sự tự tin cho người dùng khi sử dụng.
Nhóm bạn trẻ thử nghiệm khả năng chống thấm của túi vải. Ảnh: Hà Thế An.
Ngoài ra, các thành viên nhóm đã nghiên cứu để áp dụng khả năng chống thấm nước cho túi. Đó là sử dụng vật liệu silicon pha chế với cồn khoáng. Hai chất này được pha trộn và quét lên bề mặt túi, sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.
“Kết quả thử nghiệm cho thấy, chất phủ này hoàn toàn có thể giúp túi đựng các vật có nước. Mỗi túi sẽ có thời gian sử dụng 6 tháng. Khi nhóm thương mại hóa sản phẩm này, sẽ có mức giá hợp lý mà ai cũng có thể mua được”- Trang chia sẻ.
Một nhóm bạn trẻ khác đến từ ĐH Kinh tế TP.HCM lại có ý tưởng sử dụng ruồi lính đen để xử lý các loại thức ăn thừa của con người, giúp bảo vệ môi trường. Ý tưởng này đưa ra mô hình chuồng nuôi ruồi lính đen với 3 ngăn, có thể xử lý một lượng thức ăn thừa do con người thải ra. Ấu trùng và xác ruồi lính đen có thể được sử dụng làm các nguồn thức ăn khác, làm phân bón.
Nhóm bạn trẻ cầm trên tay mô hình nuôi ruồi lính đen trong 3 ngăn chứa. Ảnh: Hà Thế An.
“Vòng đời của ruồi lính đen thường chỉ 4 đến 5 ngày. Sau khi ruồi đẻ trứng ruồi sẽ chết đi. Đặc tính của ruồi lính đen là có thể ăn thức ăn thừa và đây là phương pháp xử lý cực kỳ hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường từ thực phẩm. Nhóm tin tưởng dự án này nếu được hỗ trợ sẽ nhận được sự ủng hộ và sẽ tiếp tục phát triển về đầu ra cho các sản phẩm của ruồi lính đen”- Trang, thành viên nhóm cho biết.
Kết thúc chương trình, đại diện của UNCEF đã trao giải thưởng cho 6 ý tưởng xuất sắc trị giá 1.000 USD/dự án để tiếp tục thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm trong 3 tháng. Sáu dự án được hỗ trợ là: Fridge (ruồi lính đen xử lý thức ăn thừa), Bitbo (màng lọc khói cho xe), TTA_01 (cải thiện sức khỏe cho công nhân vét cống rãnh), Tofu Tree (tuyền truyền giảm ăn thịt), Voice4Green (xử lý rác thải từ pin làm máy trợ thính), Upriver Team (giảm rác thải nhựa).