Innovation Lab: Không gian sáng tạo và thực nghiệm cho các startup non trẻ
17-05-2019Từ quá trình nghiên cứu, thiết kế, làm sản phẩm mẫu, cộng đồng startup sẽ được hỗ trợ trang thiết bị kỹ thuật để biến ý tưởng thành hiện thực với chi phí thấp nhất với sự hỗ trợ của SIHUB.
Từ hỗ trợ startup nghiên cứu, thiết kế và tạo mẫu sản phẩm
Innovation Lab là sáng kiến của Saigon Innovation Hub (SIHUB) nhằm hỗ trợ các startup trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa. Trung tâm với 3 trụ cột là Studio Lab (hỗ trợ các dịch vụ quay clip giới thiệu sản phẩm/dịch vụ, chụp ảnh mẫu sản phẩm, quay các video bài giảng online…); Maker Space (khu vực chế tạo mẫu thử nghiệm - với nhiều thiết bị công nghệ phục vụ cho việc chế tạo mẫu); Open Lab (xưởng sản xuất thực nghiệm - diện tích 1200 m2 với nhiều thiết bị hiện đại để sản xuất và hoàn thiện sản phẩm).
Innovation Lab là sáng kiến của SIHUB nhằm hỗ trợ các startup trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa. Ảnh: Hà Thế An
Trao đổi với Tạp chí Khám phá, ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB chia sẻ, chương trình này nhằm hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp nghiên cứu, thiết kế và tạo mẫu sản phẩm. Thực tế cho thấy, các startup nghiên cứu và tạo mẫu sản phẩm thường trải qua thời gian dài mới đến được sản phẩm cuối cùng. Quá trình đó họ tốn nhiều nguồn lực vì phải tiến hành tạo mẫu sản phẩm nhiều lần. Nhiều startup tốn rất nhiều chi phí với các doanh nghiệp cơ khí. Chính vì thế mô hình Innvation Lab sẽ hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp ở khâu đó.
Ngoài ra, SIHUB với mô hình Innvation Lab sẽ tiến hành tổ chức các khóa đào tạo kiến thức căn bản về thiết kế, tạo mẫu sản phẩm để cho startup các bộ công cụ thực hiện các quy trình này.
... Đến hỗ trợ tiếp cận thị trường và đầu tư mạo hiểm
“Khi doanh nghiệp có sản phẩm, việc tiếp theo là quảng bá, xây dựng thương hiệu. Đó chính là mục đích chúng tôi xây dựng một khu Studio hỗ trợ startup quảng bá hình ảnh sản phẩm, hay kể những câu chuyện khởi nghiệp của mình tới công chúng”- ông Tước nói.
Ngoài ra, trong dự án này đối tác quan trọng của SIHUB là Hội doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM. Theo ông Tước, Hội đóng vai trò như một hệ sinh thái doanh nghiệp nhằm giúp startup bám sát nhu cầu thị trường và lắng nghe những tư vấn từ những doanh nghiệp đi trước.
“Cộng đồng doanh nghiệp đi trước luôn có những cái nhìn thực tế, nắm chắc thị trường và có thể là kênh tư vấn, hỗ trợ hữu hiệu cho những dự án khởi nghiệp non trẻ. Và chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh với cộng đồng doanh nghiệp rằng, những dự án khởi nghiệp cũng là kênh giúp họ giải quyết những vấn đề mà họ mắc phải bằng những ý tưởng, giải pháp sáng tạo, mang tính đột phá”- ông Tước nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Kiều Huỳnh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí - Điện TP.HCM, nhấn mạnh, với cộng đồng doanh nghiệp hiện có, các doanh nghiệp lâu năm đang sinh hoạt tại Hội sẵn sàng đầu tư mạo hiểm vào những startup công nghệ có sản phẩm tiềm năng.
Ông cho biết, người khởi nghiệp cần nền tảng kiến thức được tích lũy và có cái nhìn mang tính thực tiễn. Doanh nghiệp khởi nghiệp muốn cho ra sản phẩm mẫu cần nguồn vốn, hạ tầng đủ năng lực để nghiên cứu, chế tạo. Vì thế mô hình Innovation Lab mà SIHUB đang triển khai là một hệ sinh thái rất tốt cho những dự án khởi nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ.
“Hội sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp, nhà kỹ thuật có nhu cầu sử dụng máy móc, thiết bị, hạ tầng để triển khai sản phẩm và ý tưởng khoa học công nghệ tại Innovation Lab. Hội cũng sẽ cùng với SIHUB trên cơ sở vật chất hiện có sẽ hợp tác đầu tư phát triển ít nhất một công nghệ mới cho năm nay”- ông Sơn nói.
Ông cũng tin tưởng, mô hình Innovation Lab là một bước đi đúng, đáp ứng yêu cầu hiện nay của cộng đồng khởi nghiệp. Sau này một thời gian vận hành, quy mô của mô hình này được mở rộng là một tín hiệu tốt để trở thành hình mẫu cho nhiều tổ chức, cộng đồng khác học tập.
“Innovation Lab có thể sẽ tạo thành chuỗi từ nghiên cứu đến thương mại hóa. Mô hình này nhằm biến ý tưởng thành những sản phẩm thương mại hóa cùng với việc thực hiện hoạt động truyền thông, quảng bá với phòng studio, sẽ trở thành một hoạt động tạo ra nhiều giá trị lớn cho cộng đồng khởi nghiệp”- ông Sơn nói.
Anh Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, với sự hỗ trợ của SIHUB, dự án khởi nghiệp của anh sẽ được cộng đồng biết đến nhiều hơn. Ảnh: Hà Thế An
Anh Nguyễn Thanh Lâm, đại diện một startup đánh giá cao mô hình của SIHUB. Anh Lâm đang khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời để sấy nông sản. Anh đã có quá trình học tập ở nước ngoài và nghiên cứu về công nghệ này. Năm 2017 anh thành lập doanh nghiệp và bắt đầu khởi nghiệp.
“Hiện nay chúng tôi phát triển thị trường và phân phối công nghệ khá tốt. Vấn đề còn lại là quảng bá truyền thông cho sản phẩm. Hôm nay tôi đã quyết định thực hiện một video dài 30 phút để tự giới thiệu sản phẩm tại phòng studio với sự hỗ trợ của SIHUB. Tôi tin rằng, với sự hỗ trợ này, công nghệ của chúng tôi sẽ được cộng đồng biết đến nhiều hơn”- anh Lâm nói.