Kỳ vọng đẩy mạnh sản phẩm OCOP bằng khoa học công nghệ
14-11-2024Ngày 14/11/2024, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 11 với chủ đề “Hiện trạng và giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố”. Sự kiện do Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) triển khai thực hiện, thuộc chuỗi các sự kiện kết nối hợp tác giữa khu vực nghiên cứu với khu vực công.
Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới là một động lực quan trọng góp phần đổi mới mô hình phát triển, nâng cao chất lượng đời sống người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Do đó, sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 11 kỳ vọng xác định được các vấn đề, nhu cầu kết nối, tìm kiếm công nghệ, giải pháp, và quy trình hiệu quả nhằm phát triển các mô hình nông nghiệp tiên tiến, từ đó phục vụ công cuộc phát triển nông nghiệp đô thị và nông thôn mới của TP.HCM.
Thông tin tại sự kiện, đại diện Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) cho biết TP.HCM đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ năm 2018. Sản phẩm OCOP tập trung vào 6 nhóm, gồm: Nhóm thực phẩm, Nhóm đồ uống; Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; Nhóm sinh vật cảnh; Nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đến nay, Thành phố đã công nhận 255 sản phẩm OCOP của 87 chủ thể, trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 176 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã công nhận 121 sản phẩm của 34 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó, 43 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 78 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.
Với đặc điểm nông nghiệp đô thị và khoa học công nghệ phát triển, TP.HCM có tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP rất lớn, đặc biệt là hướng phát triển sản phẩm thực phẩm chế biến sâu, sản phẩm có ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, sản phẩm có gắn kết với hoạt động du lịch. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, ở góc độ các chủ thể OCOP, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên có thể kế đến là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tham gia trên các sàn thương mại điện tử vào lĩnh vực nông sản chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt, đối với các sản phẩm đề xuất công nhận sản phẩm đạt 4 sao, 5 sao còn gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa, đăng ký mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, sở hữu trí tuệ.
Chia sẻ hoạt động xây dựng sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cần Giờ, ông Nguyễn Hồ Chí Trung - đại diện Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cho biết Phòng Kinh tế huyện thường xuyên đồng hành, hỗ trợ cấp xã theo sát các chủ thể tiềm năng để kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ, điển hình là hỗ trợ các chủ thể tham gia trưng bày sản phẩm OCOP tại các sự kiện của Thành phố do điều kiện xa. Cần Giờ cũng đã triển khai sử dụng phần mềm quản lý, chấm điểm, đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP huyện Cần Giờ. Tính đến nay, Cần Giờ có 73 sản phẩm OCOP (51 sản phẩm đạt 4 sao và 22 sản phẩm đạt 3 sao), 6 nhãn hiệu tập thể và 3 sản phẩm nông nghiệp được cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi.
Tại sự kiện, các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp về ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố hiệu quả hơn, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, Chi cục Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp cần được tập trung về ứng dụng khoa học và công nghệ. Đó là rà soát các cơ chế chính sách thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, chú trọng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn các huyện ngoại thành Thành phố. Bên cạnh đó, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ đối với các sản phẩm OCOP, tập trung hướng dẫn các đơn vị, tổ chức, cá nhân về quy định ghi nhãn hàng hóa; thủ tục đăng ký mã số, mã vạch, sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Ông Nguyễn Hồ Chí Trung - đại diện Phòng Kinh tế huyện Cần Giờ cũng nêu ý kiến sản phẩm OCOP cần tập trung vào chất lượng chứ không chạy theo số lượng nhằm tập trung phát huy nội lực và gia tăng giá trị của sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, hướng đến sản phẩm OCOP xanh – hữu cơ. Đồng thời tăng cường quảng bá và phát triển nhiều hơn các điểm trưng bày sản phẩm OCOP.
Theo bà Lê Thị Bé Ba – Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB), nếu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu, yêu cầu “đặt hàng” giải quyết các bài toán, vấn đề về ứng dụng khoa học công nghệ hoặc chuyển đổi số, Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (SIHUB) sẽ thực hiện các mô hình demo để chia sẻ và giới thiệu, triển khai các hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao…
Hoàng Kim (CESTI)