SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân ung thư với phẫu thuật robot

30-08-2021

Nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Kết quả phẫu thuật robot trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt” là công trình nghiên cứu đồ sộ, qua đó tạo tiền đề, cứ liệu quan trọng cho các nghiên cứu khoa học tiếp nối trong tương lai cũng như góp phần nâng cao năng lực phẫu thuật chữa trị bệnh nhân ung thư hiện nay trên địa bàn TPHCM.

Chiều ngày 28/5/2021, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức buổi nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Kết quả phẫu thuật robot trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt”. Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ là Bệnh viện Bình Dân.

Đại diện nhóm thực hiện đề tài, ThS. BS Nguyễn Phúc Minh cho biết phẫu thuật nội soi với sự hỗ trợ của robot (gọi ngắn gọn là phẫu thuật robot) có thể xâm nhập các vị trí hẹp, sâu và khó tiếp cận, giải quyết những hạn chế của phương pháp phẫu thuật mổ hở và nội soi cổ điển.

Do đó, mục tiêu của nhiệm vụ khoa học được đặt ra cho nhóm nghiên cứu là đánh giá kết quả phẫu thuật robot trong điều trị ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt với hai mục tiêu cụ thể, đó là (1) Xác định nhóm bệnh nhân ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt có tính khả thi với với phẫu thuật triệt căn bằng nội soi có robot hỗ trợ; và (2) Đánh giá hiệu quả, độ an toàn của phẫu thuật robot trong điều trị ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt khi so sánh với nội soi ổ bụng tiêu chuẩn.

Sau thời gian nghiêm túc triển khai, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện các nội dung như (1) Quy trình chẩn đoán phát hiện cho ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt; (2) Quy trình phẫu thuật robot cắt cụt trực tràng; (3) Quy trình phẫu thuật robot cắt đoạn trực tràng; và (4) Quy trình phẫu thuật robot cắt tiền liệt tuyến tận gốc trên cơ sở nghiên cứu, theo dõi 180 trường hợp được phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân. Trong đó, tại mỗi nhánh phẫu thuật nội soi thông thường và phẫu thuật robot, nhóm nghiên cứu khảo sát 90 trường hợp bệnh nhân; và tại mỗi nhánh nghiên cứu, có 50 trường hợp là ung thư trực tràng, 40 trường hợp là ung thư tuyến tiền liệt.

“Tính ưu việt ở phương pháp phẫu thuật nội soi với robot hỗ trợ chính là sự tinh tế hơn, chính xác rõ ràng. Khi phẫu thuật bằng robot, các mô bệnh được lấy hết, trong khi đó những phần khác như thần kinh, mạch máu không bị ảnh hưởng”, bác sỹ Nguyễn Phúc Minh nói, “Ngoài ra, với phẫu thuật robot, bệnh nhân mất ít máu hơn, hồi phục nhanh, trong khi bác sỹ mổ sẽ không vất vả như các phương pháp mổ khác. Đáng chú ý, việc phẫu tích tại vùng chậu chật hẹp được cải thiện rõ rệt khi thực hiện phẫu thuật bằng robot. Do đó, chất lượng phẫu thuật triệt căn được nâng cao”.

Cũng theo bác sỹ Minh, việc phẫu thuật nội soi robot đối với bệnh nhân ung thư trực tràng hay tiền liệt tuyến trước đây thường được thực hiện ở nước ngoài với chi phí rất cao, do đó việc Bệnh viện Bình Dân triển khai thành công các ca mổ nói trên và thực tế đã chuyển giao quy trình, đào tạo kỹ thuật cho các bệnh viện khác, điển hình như Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cũng đã giúp người dân tiếp cận kỹ thuật mới ngay tại TPHCM mà không phải tốn kém chi phí khi ra nước ngoài điều trị. Các quy trình phẫu thuật robot cho hai dạng bệnh lý nói trên cũng đã được Bệnh viện Bình Dân chuyển giao, trực tiếp đào tạo phẫu thuật viên cho một số bệnh viện trên địa bàn TP.

rbotpt

Kết quả nghiên cứu và phân tích của nhóm bác sỹ Bệnh viện Bình Dân đã cho thấy, khi có sự trợ giúp của hệ thống robot phẫu thuật, việc phẫu thuật cắt bỏ tận gốc khối u ác tính của các cơ quan vùng chậu ngày càng thuận lợi cả về phương diện ngoại khoa và ung thư học.

Đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và tổn thương giải phẫu của nhóm bệnh nhân ung thư trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt giữa nhóm phẫu thuật nội soi và phẫu thuật robot là tương đồng nhau, do đó nhóm nghiên cứu khẳng định việc chỉ định phẫu thuật triệt căn bằng robot là khả thi khi bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật nội soi.

An toàn tuyệt đối cho bệnh nhân

Tương tự phẫu thuật ung thư trực tràng ở việc rút ngắn thời gian phẫu thuật, giảm lượng máu mất, khả năng hồi phục nhanh (sau mổ) và đặc biệt là không có bất kỳ biến chứng trong quá trình phẫu thuật robot phải dẫn đến mổ hở khẩn cấp, việc phẫu thuật robot cho ung thư tuyến tiền liệt cũng được ghi nhận mang lại cho bác sỹ phẫu thuật tính linh hoạt lẫn sự an toàn cao về thao tác mổ, ít biến chứng sau mổ và chất lượng cuộc sống sau mổ vượt trội so với các ca bệnh thực hiện mổ nội soi thường quy. Qua theo dõi sau phẫu thuật tại Bệnh viện Bình Dân, 180 ca mổ tính đến nay chưa ghi nhận biến chứng sau mổ, và các thống kê về ung thư học cũng cho thấy kết quả khả quan.

rbotpt1

Cận cảnh các cánh tay robot thực hiện công đoạn bắt bỏ đoạn trực tràng.

Ở cả hai nhánh nghiên cứu ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt, việc rút ngắn thời gian mổ khi áp dụng phẫu thuật robot mang ý nghĩa thống kê. Trong nhánh ung thư tuyến tiền liệt, có vài ca có biến chứng sau xuất viện khoảng 6 tháng, tuy không có ý nghĩa về mặt thống kê nhưng có ý nghĩa về mặt nghiên cứu lâm sàng.

 

 

Phẫu thuật nội soi

Phẫu thuật robot

Ung thư trực tràng

Thời gian mổ (phút)

229.4 ± 66,790

201.9 ±51.665

Lượng máu mất trong mổ (ml)

96,63 ± 92,260

74.3 ±124,478

Tỷ lệ chuyển mổ  mở

0%

0%

 

Thời gian  nằm  viện sau mổ (ngày)

8,65

7,88

Ung thư tuyến tiền liệt

Thời gian mổ (phút)

219,50 ± 74,668

171,85 ± 70,202

Lượng máu mất trong mổ (ml)

393,75 ± 264,378

394,50 ± 345,565

Tỷ lệ phải truyền máu

7/40 (17,5%)

4/40 (10%)

 

Biến chứng sau khi  xuất viện (6 tháng trở lại)

3

0

 

Biến chứng sau khi xuất viện trong 6 -12 tháng

2

0

Phẫu thuật robot giúp rút ngắn thời gian mổ, hạn chế biến chứng sau mổ.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thời gian hồi phục nhanh hơn, chất lượng sống sau mổ tốt hơn ở nhóm phẫu thuật robot cho thấy đây là phương pháp an toàn, hiệu quả trong điều trị ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt.

Ở phẫu thuật robot trên nhóm bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt, PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng cho biết thêm rằng các chỉ số về chất lượng sống xét trong mốc thời gian 3 và 6 tháng sau mổ ở nhóm phẫu thuật robot cao hơn nhóm phẫu thuật nội soi, và đặc biệt nhóm bệnh nhân được phẫu thuật robot có chất lượng sống sau mổ vượt trội ở các khía cạnh sau và khác biệt có ý nghĩa thống kê.

Về kết quả là đường cong huấn luyện ghi nhận từ kết quả nghiên cứu, đại diện nhóm bác sỹ tại Bệnh viện Bình Dân cho khuyến nghị, từ trường hợp phẫu thuật thứ 30 trở đi, phẫu thuật viên sẽ có được sự cải thiện tốc độ và quá trình vận hành robot phẫu thuật.

Khả năng mở rộng cao

Chưa dừng lại ở đó, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, phẫu thuật nội soi với sự hỗ trợ của robot đặc biệt phát huy tác dụng khi có khả năng phẫu thuật từ xa, tức người bệnh có thể được phẫu thuật bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới mà không cần di chuyển hoặc tình trạng bệnh không thể di chuyển. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi một đường truyền tín hiệu mạng Internet đủ tốt và thực sự ổn định.

PGS.TS.BS Nguyễn Phúc Cẩm Hoàng cho rằng, trong thời gian tới, từ nền tảng của đề tài khoa học này, Bệnh viện Bình Dân sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng quy trình phẫu thuật robot trong nhiều bệnh lý tiêu hóa như ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư thực quản và một số bệnh lý về tiết niệu, lồng ngực.

Bộ 4 tài liệu quy trình vận hành, thao tác với robot phẫu thuật phù hợp cho bệnh nhân người lớn tại Việt Nam trong điều trị bệnh lý ung thư trực tràng và ung thư tiền liệt tuyến - một trong số nhiều dạng kết quả của việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ nói trên - được hội đồng các nhà khoa học, giáo sư, bác sỹ công tác trong chuyên ngành ngoại khoa, ung thư học nhận định là “cẩm nang” mang tính thực tiễn và huấn luyện cao để các cơ sở y tế TPHCM nói riêng và cả nước nói chung có thể chủ động tham khảo, qua đó tiếp tục nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân, xã hội.

 


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378