SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nghiệm thu nhiệm vụ Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế

11-07-2024
Chiều 11/7, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Hội đồng tư vấn nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế". Nhiệm vụ do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chủ trì thực hiện, TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân làm chủ nhiệm.

Đây là nhiệm vụ thuộc Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (gồm 8 ngành: công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch, quản lý đô thị) được ban hành theo Quyết định số 2426/QĐ-UBND ngày 05 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Theo Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế, hai đặc trưng quan trọng giúp nhận dạng nhân lực trình độ quốc tế là đáp ứng yêu cầu việc làm có tính quốc tế sau khi được đào tạo và sử dụng ngoại ngữ thành thạo trong môi trường quốc tế.

TP.HCM hiện là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực của cả nước và hoàn toàn có thể trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực quốc tế nếu các cơ sở đào tạo cùng chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa theo hướng quốc tế hóa và hiện đại hóa. Bên cạnh đó, với xu thế phát triển và hội nhập ngành y tế của TP.HCM nói riêng cần phải hiện đại hóa nhanh chóng cho phù hợp với tình hình bệnh tật có nhiều thay đổi. Để đáp ứng yêu cầu này cần phải có một đội ngũ cán bộ y tế được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhằm góp phần vào việc chăm sóc, dự phòng, điều trị nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

Do vậy, nhiệm vụ được thực hiện với mục tiêu chung là nghiên cứu về đào tạo nhân lực bậc đại học có trình độ quốc tế đổi với ngành y tế tại TP.HCM giai đoạn 2022 - 2035. Dữ liệu đạt được từ nghiên cứu này sẽ là nền tảng để đề án đưa ra các đề xuất giải pháp khả thi mang tính chiến lược tổng thể nhằm đào tạo được nguồn nhân lực trình độ quốc tế khối ngành sức khỏe của TP.HCM.

02KQNCLVNTDTdaotaonhanlucnganhyteh2.jpg

Báo cáo trước Hội đồng tư vấn nghiệm thu, TS. BS. Phan Nguyễn Thanh Vân cho biết, có tất cả 43 nội dung công việc đã được triển khai thực hiện, phân bố theo 5 mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ: (1) khảo sát nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế của TP.HCM giai đoạn 2022 – 2035; (2) khảo sát thực trạng các chương trình đào tạo thuộc ngành y tế đạt chuẩn kiểm định bởi tổ chức quốc tế hiện nay; (3) khảo sát và đánh giá năng lực của giảng viên ngành y tế đáp ứng năng lực hội nhập quốc tế; (4) đối sánh các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định bởi tổ chức quốc tế và các chương trình đào tạo chưa kiểm định; (5) đề xuất giải pháp đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế của TP.HCM giai đoạn 2022 - 2035. Kết quả nhiệm vụ cũng hoàn thành 11 sản phẩm, trong đó 7 sản phẩm là các báo cáo (đã báo cáo tại Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 17 của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày 16/5/2024) và 4 sản phẩm là các bài báo khoa học đăng trên Tạp chí trong danh mục tạp chí của hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước.

Đối với mục tiêu cụ thể (1), kết quả cho thấy, hiện có nhu cầu cần thiết đối với nguồn nhân lực y tế trình độ quốc tế. Nhu cầu đạt mức cao (trên 50%) đối với tất cả các góc độ bao gồm cho bản thân, cho người thân, mức độ mong muốn trải nghiệm, sẵn sàng giới thiệu, và nhu cầu thị trường. Các ngành nghề có nhu cầu cao nhất lần lượt là bác sĩ, điều dưỡng/hộ sinh và kỹ thuật viên y tế.

Ở mục tiêu cụ thể (2), kết quả khảo sát thực trạng các chương trình đào tạo thuộc ngành y tế đạt chuẩn kiểm định bởi tổ chức quốc tế hiện nay cho thấy, chương trình đào tạo (CTĐT) được phát triển dựa trên kết quả mô hình hợp tác quốc tế của các trường hoặc đề án trọng điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, chỉ 1 trường có đơn vị hỗ trợ đào tạo. Sinh viên sau tốt nghiệp đa phần do đơn vị thứ ba triển khai hoạt động lấy chứng chỉ hành nghề tại nước ngoài. Sinh viên đánh giá CTĐT đạt mức độ tốt (86,9%); mức độ cần cải tiến (13,1%). Giảng viên đánh giá CTĐT tiên tiến đạt mức độ tốt (71,4%); mức độ cần cải tiến (28,6%). Tất cả các CTĐT đều không có học phần nào do giảng viên nước ngoài phụ trách toàn phần. Một số chương trình thực tập có giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy trong các học phần.

Với mục tiêu cụ thể (3), kết quả khảo sát về các nhóm năng lực cần có ở giảng viên ngành y tế đáp ứng năng lực hội nhập quốc tế như sau: năng lực giảng dạy, triết lý lấy người học làm trung tâm và giáo dục người lớn (dao động từ 69% đến 94%); năng lực thiết kế và triển khai CTĐT (dao động từ 80% đến 90%); năng lực thực hành nghề nghiệp (dao động từ 86% đến 90%); năng lực nghiên cứu và áp dụng chứng cứ trong giảng dạy y khoa (dao động từ 78% đến 94%); năng lực giao tiếp (dao động từ 91% đến 95%); tính chuyên nghiệp và gương mẫu (dao động từ 90% đến 98%); đánh giá, lượng giá và giám sát (dao động từ 74% đến 94%); năng lực lãnh đạo và quản lý chất lượng đào tạo (dao động từ 75% đến 91%); năng lực ngoại ngữ (100%).

Ở mục tiêu cụ thể (4) đối sánh các chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định bởi tổ chức quốc tế và các chương trình đào tạo chưa kiểm định, kết quả nghiên cứu cho thấy, các CTĐT bác sĩ y khoa, cử nhân điều dưỡng, dược sĩ đại học, cử nhân y tế công cộng giúp đào tạo nhân lực y tế trình độ quốc tế khi có các điều kiện sau: là chương trình liên kết đào tạo với trường đại học nước ngoài (nước phát triển); áp dụng toàn bộ CTĐT của trường đối tác nước ngoài và CTĐT được triển khai một phần tại trường đối tác; điều kiện ngoại ngữ đầu vào (khi tuyển sinh) và khi tốt nghiệp của các CTĐT này đều ở mức cao (B2 theo CEFR ở đầu vào và C2 theo CEFR ở đầu ra); là CTĐT tiên tiến hoặc đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế (AUN-QA); có mục tiêu đào tạo nhân lực y tế làm việc ở môi trường quốc tế; có thời gian đào tạo dài hơn tiêu chuẩn hoặc tăng cường số tín chỉ ngoại ngữ để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người học; có điều kiện ngoại ngữ khi tốt nghiệp từ B2 (CEFR) trở lên; có dạy – học bằng ngoại ngữ. Các CTĐT tiêu chuẩn và chưa đạt chuẩn kiểm định quốc tế cần cải tiến theo các điều kiện của CTĐT tiên tiến để tiếp cận với đào tạo nhân lực y tế trình độ quốc tế.

Đối với mục tiêu cụ thể (5), nhóm nghiên cứu đề xuất 8 nhóm giải pháp đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ngành y tế của TP.HCM giai đoạn 2022 - 2035, bao gồm: truyền thông marketing về các CTĐT nhân lực y tế có trình độ quốc tế cho xã hội và cán bộ, giảng viên ở các trường đại học; phát triển các CTĐT bác sĩ y khoa, cử nhân điều dưỡng, y tế công cộng và dược sĩ đại học đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra; đổi mới phương pháp giảng dạy (lý thuyết, thực hành lâm sàng, mô phỏng) trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo hướng tiếp cận năng lực; đổi mới kiểm tra, đánh giá người học trong đào tạo khối ngành sức khỏe theo hướng tiếp cận năng lực; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng để thực hiện đào tạo nhóm ngành sức khỏe đáp ứng kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo đối với nhóm ngành sức khoẻ; xây dựng và phát triển văn hoá chất lượng trong các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khoẻ; đổi mới quản trị đại học định hướng quốc tế trong các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khoẻ.

Theo nhóm nghiên cứu, tất cả 8 giải pháp đều cần thiết và khả thi để các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe trên địa bàn Thành phố có thể áp dụng và chuẩn bị cho quá trình đào tạo nhân lực y tế trình độ quốc tế. Để thực hiện các giải pháp, nhóm kiến nghị với UBND Thành phố chỉ đạo, quán triệt Hội đồng Hiệu trưởng (HĐHT) các trường đại học nói chung và HĐHT các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe thực hiện đúng, đủ và sáng tạo các kế hoạch đã đề ra theo từng năm và theo giai đoạn 2021 - 2025, 2026 - 2030, 2031 - 2035; phát huy tối đa, khai thác vận dụng triệt để Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào giáo dục đại học. Sở Y tế Thành phố và các sở ban ngành có liên quan lập kế hoạch phối hợp trong giai đoạn triển khai đào tạo nhân lực y tế trình độ quốc tế. Các trường đại học có đào tạo nhóm ngành sức khỏe xây dựng cơ chế tự chủ và quản trị đại học hiệu quả theo kế hoạch chung của toàn Thành phố và theo đặc thù riêng của từng trường.

Nhiệm vụ cũng kiến nghị - đề xuất một số nội dung như: định hướng triển khai trong tương lai cần xem xét giao nhiệm vụ đào tạo trực tiếp (thay vì thông qua đấu thầu) nhân lực y tế trình độ quốc tế cho các cơ sở đào tạo có CTĐT đáp ứng yêu cầu theo Quyết định số 2426/QĐ-UBND (đề án tổng thể); đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giảng viên, giảng viên thực hành lâm sàng theo nghị định 111; tham mưu xây dựng kinh phí triển khai đào tạo;…

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung nghiên cứu, đáp ứng được mục tiêu đề ra theo hợp đồng đặt hàng của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Trong đó, đã đề xuất được khung CTĐT, đưa ra khung năng lực cho CTĐT nhân lực ngành y tế,… Đây là một trong những nội dung quan trọng giúp định hình mô hình nhân lực trình độ quốc tế, góp phần thực hiện đề án lớn của TP.HCM (Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế), đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nguồn nhân lực cũng như phục vụ cho mục tiêu chung phát triển kinh tế xã hội Thành phố.

Diễm Hương – Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353