Nhiều quy định mới "mở đường" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi giá trị
19-08-2018Những quy định mới trong Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Chia sẻ tại buổi tập huấn về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Sở KH&CN TP.HCM, ông Nguyễn Khắc Huy, chuyên viên Phòng Kinh tế thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết Nghị định 38/2018/NĐ-CP (Nghị định 38) và Nghị định 39/2018/NĐ-CP (Nghị định 39) được ban hành tháng 3.2018 làm rõ và bổ sung nhiều quy định quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Buổi tập huấn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tại Sở KH&CN TP.HCM chiều 16.8
Một trong những điểm mới được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao là những quy định rõ tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây được coi là “chìa khóa” để công tác hỗ trợ doanh nghiệp đạt hiệu quả, tránh tình trạng hỗ trợ nhầm đối tượng.
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được phân theo quy mô bao gồm doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và lĩnh vực công nghiệp, xây dựng có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định…
Tại Nghị định 39 cũng quy định các doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ miễn, giảm hàng loạt các nội dung liên quan đến việc đăng ký thành lập và đào tạo hoạt động của doanh nghiệp. Nội dung và mức hỗ trợ sẽ là khác nhau tùy theo loại hình hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ là chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo hay tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ được hỗ trợ tư vấn về các nội dung sở hữu trí tuệ, thành lập doanh nghiệp… qua đội ngũ tư vấn viên.
Thống kê năm 2017 của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy 97,8% doanh nghiệp tại thành phố là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp cũng còn hạn chế. Trong tổng số 171.655 doanh nghiệp (tại thời điểm cuối năm 2016) chỉ có 64.607 doanh nghiệp có lãi (chiếm 37,81%) và có 96.963 DN bị thua lỗ (chiếm 56,49%).
Ông Nguyễn Khắc Huy cho biết: “Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa tham gia nhiều vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị. Những quy định mới sẽ tạo cơ hội cho nhóm doanh nghiệp này tham gia tích cực vào chuỗi giá trị chung.”
Ông Nguyễn Khắc Huy nhận định nghị định 38 và nghị định 39 sẽ giúp hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt hiệu quả tốt hơn
Trong thời gian qua, Sở KH&CN TP.HCM cũng đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; năng lực quản lý, khai thác tài sản trí tuệ; chuyển giao và nâng cao trình độ công nghệ cho doanh nghiệp…
Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Sở KH&CN TP.HCM đang được triển khai ngày càng rộng rãi đến với cộng đồng doanh nghiệp
Đánh giá về những nội dung mới trong nghị định 38 và nghị định 29, bà Huỳnh Lưu Thanh Giang, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ thuộc Sở KH&CN TP.HCM cho biết: “Những quy định mới mở ra nhiều hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Việc thực hiện những quy định này khó tránh khỏi gặp những khó khăn vướng mắc. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm cách tháo gỡ trong phạm vi thẩm quyền và trình lên cấp trên những nội dung ngoài thẩm quyền xử lý để hỗ trợ doanh nghiệp.”
Phạm Sơn – khampha.vn