SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Nhiều ứng dụng thiết thực phục vụ người dân

14-01-2021
Nhiều ứng dụng hỗ trợ người dân tránh kẹt xe, tránh điểm ngập nước, dễ dàng tra cứu thông tin nhà đất, y tế hoặc thông báo cho cơ quan chức năng khi có sự cố đường ống nước, đường dây điện, cây đổ... đang được các sở ngành tại TPHCM áp dụng nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Các ứng dụng dễ dàng cài đặt cho cả hệ điều hành Android OS và iOS, sử dụng tiện lợi. 
 
khambenh

Tiếp nhận thông tin và chẩn đoán bệnh tại Bệnh viện Miền Đông, quận 9, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giúp tránh ùn tắc giao thông, ngập nước

 Kẹt xe là vấn đề của các đô thị lớn, TPHCM cũng không tránh khỏi, do đó Sở GT-VT triển khai ứng dụng thông tin giao thông (TTGT) TPHCM với tính năng cập nhật thông tin tức thời tình trạng giao thông giúp người dùng tránh kẹt xe và tính toán lộ trình hợp lý. Với tiện ích này, người dùng có thể truy cập để biết thông tin giao thông, tìm hiểu trước lộ trình, tránh các điểm ùn tắc. Ứng dụng TTGT TPHCM hoạt động khá ổn định, giao diện dễ hiểu và trực quan trên thiết bị di động.

Ứng dụng TTGT TPHCM có giao diện khá đơn giản, gồm 3 tab (thẻ) chính gồm Cảnh báo, Camera và Bản đồ. Trong đó, tab Cảnh báo sẽ dựa trên GPS để xác định vị trí người dùng, tùy vào bán kính được chọn (từ 500m đến 10.000m) hiển thị các nút giao thông lân cận kèm tình trạng lưu thông khu vực đó. Người dùng có thể chia sẻ hoặc bình luận trên các thông báo này để bổ sung thông tin. Ở thẻ Camera, người dùng có thể chọn xem hình ảnh trích xuất từ camera tại các giao lộ. Đây đều là những hình ảnh được truy xuất tức thời (tại thời điểm xem), nên có thể biết ngay tình trạng giao thông ở khu vực đó. Ở tab Bản đồ, người dùng được cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các tuyến đường. Màu xanh là bình thường, màu vàng là xe đông và màu đỏ là xe đông di chuyển chậm. 

Với “Ứng dụng truyền tải thông tin ngập UDI Maps” của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM phát triển, những hình ảnh ngập nước trên địa bàn được camera tại hiện trường truyền hình ảnh thực tế về trung tâm. Ngay sau đó, nhân viên công ty đến hiện trường tìm phương án ứng cứu kịp thời, giảm thiểu ngập. Từ khi ra đời giữa năm 2017 cho đến nay, rất nhiều lần UDI Maps đã hỗ trợ nhân viên công ty kịp thời “giải cứu” các điểm ngập trên địa bàn thành phố. 

Ngoài ra, người dân cũng dễ dàng sử dụng ứng dụng này để tránh những tuyến đường tụ nước, ngập nước vì với các tính năng: “Hiện trạng” báo tình hình mưa, triều cường, các vị trí đông xe, các điểm đang ngập; “Tìm đường tránh ngập” hỗ trợ tìm kiếm tuyến đường thay thế hay “Tin nhắn ngập” cập nhật tin mới nhất và những cảnh báo khẩn cấp liên quan đến ngập; “Gửi thông tin ngập”… giúp người dân có thể chủ động tham gia giao thông tốt hơn trong mùa mưa, thời điểm triều cường. 

Thuận lợi tìm thông tin y tế, nhà đất

 TPHCM có hơn 10 triệu dân sinh sống và làm việc; số lượng người dân từ các tỉnh thành khác đến khám chữa bệnh (KCB) là không ít… nên việc chọn lựa cơ sở KCB là cần thiết. Xuất phát từ thực tiễn này, đồng thời phát triển kho dữ liệu sẵn có về cơ sở KCB của thành phố, Sở Y tế đã xây dựng ứng dụng trên điện thoại thông minh để giúp người dân tra cứu nơi KCB thuận lợi và dễ dàng. 

Với ứng dụng “Tra cứu khám chữa bệnh”, sau khi cài đặt, người sử dụng chỉ cần nhập từ khóa tìm kiếm (sốt, đau ngực, tiêm chủng, khám sức khỏe…). Sau khi nhập từ khóa, ứng dụng sẽ cho danh sách các cơ sở y tế có cung ứng dịch vụ KCB tương ứng các dấu hiệu, triệu chứng hoặc bệnh lý mà người dân đang có. Khi chọn 1 cơ sở KCB trên trang kết quả, ứng dụng sẽ cung cấp thông tin chi tiết của cơ sở đó, như: thời gian làm việc, thời gian chờ khám trung bình, các loại hình khám (BHYT, không BHYT, dịch vụ), giá khám bệnh, điện thoại liên hệ… Chị Như Thu, ở quận 5, nhận xét: “Ứng dụng này còn tích hợp thông báo dưới dạng tin nhắn của Sở Y tế về dịch bệnh, về tiêm chủng… nên tôi thấy rất hữu ích, nhất là khi tôi đang có con nhỏ”. 

Sở Y tế TPHCM còn có ứng dụng Y tế trực tuyến, một công cụ hữu ích giúp người dân dễ dàng phản ánh các hành vi vi phạm pháp luật của cơ sở KCB đến cơ quan quản lý nhà nước. Sở Y tế tiếp nhận hơn 100 phản ánh của người dân qua ứng dụng “Y tế trực tuyến” từ tháng 3-2020 đến 7-2020. Theo Sở Y tế, kết quả đạt được lớn nhất chính là người dân cùng tham gia giám sát, phản ánh, thanh tra sở đã tiếp nhận thông tin và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Với lĩnh vực nhà đất, việc tra cứu thông tin, hồ sơ… thường mất rất nhiều thời gian, nhưng với XD247, ứng dụng tra cứu nhanh thông tin nhà đất TPHCM do Sở Xây dựng phát triển cho phép người dân có thể tự tra cứu thông tin các dự án bất động sản, tình trạng xử lý hồ sơ, thực hiện các thủ tục hành chính... mang đến tiện lợi cho người dân đến cơ quan quản lý. SXD247 cập nhật đầy đủ, liên tục dữ liệu chính thống về những dự án do Sở Xây dựng quản lý; cung cấp thông tin chủ đầu tư, quy mô đầu tư, diện tích, tiến độ dự án, pháp lý và hình ảnh thực tế của dự án. Anh Trung Dũng, người dân ở Bình Thạnh, cho biết: “Với XD247, chúng tôi có thể đưa ra những ý kiến phản hồi về chất lượng dịch vụ, gửi thông tin phản ánh kèm hình ảnh về các sự cố xây dựng, chiếu sáng, ngập nước, trật tự xây dựng... cho cơ quan nhà nước ngay trên ứng dụng này”. 

Không ít người dân TP đã sử dụng các ứng dụng đều cho rằng đây có thể là những ứng dụng “nằm lòng”, phục vụ nhu cầu cơ bản cho người dân ở đô thị lớn và giúp xã hội thêm văn minh.

TPHCM còn có ứng dụng 1022, được phát triển từ hệ thống tổng đài trực tuyến 1022 do Sở TT-TT thực hiện; mới đây còn vận hành trên fanpage để mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh, tương tác nhanh với người dân.

Hệ thống 1022 tiếp nhận thông tin sự cố hạ tầng kỹ thuật địa bàn TPHCM ở 6 lĩnh vực: hạ tầng giao thông, cấp và thoát nước, chiếu sáng, cây xanh và giao thông công cộng.

Hệ thống cung cấp 5 phương thức để tiếp nhận thông tin: tổng đài 1022 (cung cấp thông tin sự cố bằng việc gọi điện đến tổng đài 1022); Mobile App “Tổng đài 1022” cho phép chụp hình và chọn địa điểm xảy ra sự cố trên bản đồ để phản ánh; nhắn tin SMS phản ánh, gửi đến tổng đài 1022; truy cập cổng thông tin điện tử https://1022.tphcm.gov.vn và hộp thư điện tử 1022@tphcm.gov.vn. 

BÁ TÂN - SGGP


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378