Những cái bắt tay từ nỗ lực kết nối cung - cầu công nghệ
12-02-2019Trong năm 2018, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức triển khai thực hiện 105 nhiệm vụ KH&CN mới. Trong đó, có 21 nhiệm vụ có sự phối hợp của doanh nghiệp với kinh phí đồng đầu tư từ doanh nghiệp là gần 12,7 tỷ đồng
Cung, cầu đều có nhưng thiếu kết nối
Dù còn thiếu những con số thống kê đầy đủ nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều thừa nhận đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh là yếu tố sống còn trong thị trường đầy biến động hiện nay.
Theo thống kê của S&P 500 từ năm 1975 tới nay, tài sản vô hình, yếu tố công nghệ đang đóng vai trò ngày càng lớn trong giá trị của mỗi doanh nghiệp. Tỷ lệ của tài sản vô hình trong giá trị các doanh nghiệp này tăng từ 17% (năm 1975) lên tới 87% (năm 2015).
Nhận xét về vấn đề này, ông Lê Bá Quốc, Phó giám đốc Công ty CP phát triển Tân Nam Đô, cho hay: “Đổi mới công nghệ là điều này hiện nay cộng đồng doanh nghiệp rất coi trọng. Các doanh nghiệp có quy mô tương đối lớn đều tính đến việc này”.
Trong khi đó, bản thân các trường, viện cũng rất tích cực nâng cao chất lượng nghiên cứu và mong muốn đưa những kết quả nghiên cứu ra ứng dụng thực tế thông qua hợp tác với doanh nghiệp.
Số lượng đông đảo khách tham quan tại các kỳ techmart công nghệ cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp với đổi mới công nghệ. Ảnh chụp tại Techmart chuyên ngành "Trồng trọt, bảo quản và chế biến rau, củ, quả" tháng 5.2018
TS Nguyễn Thanh Tân, Trưởng phòng Quản lý Khoa học - Đại học Sài Gòn, chia sẻ: “Các doanh nghiệp hiện nay vẫn chủ yếu nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài nhưng các trường viện trong nước hoàn toàn đủ khả năng nghiên cứu ra được những công nghệ này. Nếu có thị trường công nghệ hoàn chỉnh thì kết quả nghiên cứu của trường sẽ có thể dễ dàng chuyển giao được.”
Nguồn cung và cầu trong thị trường công nghệ hoàn toàn không thiếu. Tuy nhiên, trong thực tế kết quả của hoạt động này vẫn còn hạn chế. Theo ý kiến của những người trong cuộc, điểm nghẽn hiện đang nằm ở khâu trung gian kết nối giữa trường, viện với doanh nghiệp.
PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cũng thừa nhận dù hoạt động nghiên cứu tại ĐH Quốc gia TP.HCM rất tích cực nhưng phần lớn các nghiên cứu còn rời rạc, chưa thực sự có những sản phẩm KH&CN phục vụ xã hội mang tính đột phá. Đây cũng là vấn đề chung mà nhiều trường, viện, đơn vị nghiên cứu khác đang gặp phải.
“Các đề tài nghiên cứu chủ yếu tự phát từ các nhà khoa học, khó thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Để giải quyết bài toán này, mô hình tam giác 3 nhà gồm nhà nước -nhà trường - nhà doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Nhưng kết quả hợp tác với nhà nước, doanh nghiệp cũng chưa thực sự hiệu quả”, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt nói.
Tháo gỡ nút thắt chuyển giao công nghệ
Tháng 9 năm 2018, Trung tâm phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) và công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã ký kết hợp tác triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ (R&D) “Phát triển công nghệ chế tạo hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED”.
Sự hợp tác với nỗ lực hỗ trợ, kết nối từ Sở KH&CN TP.HCM này dự kiến sẽ tạo ra hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh và đồng bộ, giúp tiết kiệm năng lượng khoảng 40%.
Lễ ký kết hợp tác giữaTrung tâm phát triển Công nghệ cao (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) và công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang
Cũng trong năm qua, công ty TNHH Thế giới Gen và Trung tâm R&D thuộc Khu Công nghệ cao cũng đã phối hợp hoàn thiện quy trình tạo vật liệu nanocellulose có khả năng kết hợp với chiết xuất nhung hươu làm lành vết thương. Sản phẩm đã được Sở Y tế cấp giấy phép lưu hành và đạt doanh số thị trường năm 2018 ước đạt 10 tỷ đồng.
Những kết quả trên cho thấy nếu thị trường công nghệ được vận hành một cách hợp lý thì không chỉ giải được “cơn khát công nghệ” của doanh nghiệp mà những nhà khoa học cũng không còn phải loay hoay tìm cách thương mại hóa kết quả nghiên cứu của mình.
Trong năm 2018, Sở KH&CN TP.HCM đã tổ chức triển khai thực hiện 105 nhiệm vụ KH&CN mới. Trong đó, có 21 nhiệm vụ có sự phối hợp của doanh nghiệp với kinh phí đồng đầu tư từ doanh nghiệp là gần 12,7 tỷ đồng. Tỷ lệ nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu trong năm 2018 được ứng dụng đạt tỷ lệ 100%, tăng 1,13 lần so với năm 2017.
Những sự hợp tác đó đã cho ra đời những sản phẩm thiết thực như hệ thống súc rửa tự động bồn chôn ngầm, lắp đặt trên xe tải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn trong nước của ngành xăng dầu, giá thành rẻ hơn 4 lần so với thiết bị nhập ngoại; thiết bị điều khiển tiết giảm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng dùng đèn cao áp đã được triển khai lắp đặt thử nghiệm ở Quận 6 giúp tiết kiệm khoảng 40% tổng năng lượng cho chiếu sáng...
Cùng với đó, Sở KH&CN TP.HCM cũng đang tích cực xây dựng mạng lưới hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, số hóa cơ sở dữ liệu 135 phòng thí nghiệm có cung cấp dịch vụ thí nghiệm, 626 chuyên gia KH&CN, 275 tổ chức KH&CN. Những kết quả nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa được giới thiệu với cộng đồng khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo.
Cổng thông tin giao dịch công nghệ trực tuyến với phiên bản tiếng Việt và phiên bản tiếng Anh đóng vai trò kết nối doanh nghiệp với nhà cung cấp, các tổ chức tư vấn, tài chính, mạng lưới chuyên gia, cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế. Năm 2018, hệ thống đã cập nhật 1.849 công nghệ và thiết bị, nâng tổng số công nghệ và thiết bị hiện từ 802 nhà cung ứng trên hệ thống lên con số 4.717.
Sở KH&CN TP.HCM cũng đã tổ chức những chuyến khảo sát thực tế tại các trường viện, doanh nghiệp nhằm ghi nhận thực tế thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ giữa trường viện, doanh nghiệp từ đó điều chỉnh cũng như đưa ra những chính sách, chương trình hiệu quả hướng tới mục tiêu chuyển các kết quả nghiên cứu thành những sản phẩm thực tế, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Sở KH&CN TP.HCM trao đổi, ghi nhận ý kiến đề xuất tại Đại học Sài Gòn trong chương trình khảo sát thực tế tại các trường viện, doanh nghiệp
Những kết quả trên đã nhận được sự phản hồi tích cực từ cả phía các trường, viện và doanh nghiệp. PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM nhận định: “Vai trò của nhà nước tạo ra các cơ chế chính sách như mô hình mới này giúp các đơn vị nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu ứng dụng và khuyến khích các doanh nghiệp vừa ứng dụng vừa đầu tư vào phát triển công nghệ. Nhờ đó, các bên có cơ hội gặp được nhau, hợp tác thuận lợi hơn.”