Quản trị doanh nghiệp thông minh để thích ứng với trạng thái “bình thường mới”
29-10-2021Đây là một trong những nội dung của chuỗi hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19” do Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các đơn vị đối tác, hiệp hội, doanh nghiệp công nghệ thông tin tổ chức.
Hội thảo chuyên đề thứ nhất “Quản trị doanh nghiệp thông minh, việc cần làm khi doanh nghiệp trở lại hoạt động” diễn ra ngày 28/10/2021 nhằm tư vấn, giới thiệu các giải pháp, ứng dụng, mô hình công nghệ, mô hình kinh doanh số trước xu thế thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19.
Ông Vũ Anh Tuấn (Tổng Thư ký HCA) chia sẻ, hiện nay không thể phủ nhận vai trò của công nghệ thông tin trong vận hành, quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19”. Chuỗi hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19” hứa hẹn mang đến nhiều góc nhìn thực tiễn từ các đối tác, doanh nghiệp công nghệ thông tin triển khai thành công cũng như am hiểu về công nghệ mới thúc đẩy năng suất, giảm chi phí vận hành và tối ưu hóa lợi nhuận. Ứng dụng công nghệ, triển khai cách làm mới, phương thức tiếp cận mới sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt đưa ra các phân tích, dự báo chính xác dựa trên dữ liệu thực, từ đó đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn trên các khía cạnh quản trị, tài chính, bán hàng, nhân sự…
Tại hội thảo, các nội dung đã được trình bày gồm: Chuyển đổi mô hình kinh doanh số để thích nghi thời kỳ bình thường mới; WEONE - Công cụ hỗ trợ quản trị trên không gian số; Môi trường làm việc số “bình thường mới” với giải pháp VDI “văn phòng trên mây”; Giải pháp quản lý tổng thể doanh nghiệp - Oracle Netsuite ERP. Hội thảo có sự tham gia chia sẻ của các diễn giả, chuyên gia như ông Cao Hoàng Anh (Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI); ông Lê Văn Trung (Giám đốc Giải pháp ERP, Công ty BTM Global Consulting Việt Nam); ông Lâm Bảo Vương (Chuyên gia kỹ thuật, Công ty CP Tập đoàn HiPT); ông Trần Anh Tuấn (Giám đốc Công ty The Pathfinder).
Theo ông Trần Anh Tuấn, công nghệ là chìa khóa quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp phát triển kinh doanh, gia tăng khác biệt và tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài. Mô hình kinh doanh số chính là nền tảng giúp doanh nghiệp chuyển đổi số thành công. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong mô hình kinh doanh là xu hướng tất yếu để giúp doanh nghiệp cải tiến hoạt động hậu Covid-19.
Ông Trần Anh Tuấn trình bày nội dung "Chuyển đổi mô hình kinh doanh số để thích nghi thời kỳ bình thường mới".
Trên thế giới, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình số rất phổ biến. Tại Việt Nam, trong thời kỳ ảnh hưởng của dịch Covid-19, mô hình làm việc ảo tại nhà trở nên rất phổ biến. Vì vậy doanh nghiệp cần có những phương thức làm việc, công cụ, hệ thống kiểm soát làm việc tại nhà. Để thích ứng với thời kỳ số và thời kỳ Covid, trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh tại nhà, xuất hiện nhiều ngành nghề và mô hình kinh doanh mới. Nhiều doanh nghiệp mới năng động xâm nhập thành công và dẫn dắt thị trường, đặc biệt là đội ngũ startup với tư duy sáng tạo và linh hoạt đang vươn lên tạo ra những ngành hàng mới và dẫn đầu thị trường ngách của họ. Từ đó dẫn tới nhu cầu trong tương lai sẽ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp mới mà ở đó các startup và các doanh nghiệp hiện hữu là hai đối tượng chính sẽ kết hợp, hợp tác với nhau để làm sao cùng khai thác hiệu quả mô hình kinh doanh hiện hữu và khám phá kinh doanh trong tương lai.
Ông Tuấn cho rằng, hiện nay, chuyển đổi số mô hình kinh doanh suy cho cùng nằm ở tư duy thiết kế kinh doanh. Có 4 khía cạnh khi tư duy thiết kế kinh doanh là đổi mới tầm nhìn chiến lược, đánh giá lại chuỗi giá trị, tái cấu trúc tổ chức nội bộ, tái kết nối khách hàng. Ngoài ra cần quan tâm đổi mới phạm vi kinh doanh, đầu tư đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới hệ sinh thái sản phẩm, đổi mới hệ sinh thái kinh doanh và mô hình doanh thu. Trong đó, quan trọng của đổi mới mô hình kinh doanh là tư duy làm thế nào để chuyển đổi văn hóa của doanh nghiệp phù hợp với văn hóa số; cải tiến quy trình để gắn kết mọi người và làm việc hiệu quả. Quản trị mô hình kinh doanh mới chính là quá trình quản trị sự thay đổi và bản chất của chuyển đổi số chính là sự chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa trên các yếu tố cộng hưởng khác nhau. Một mô hình kinh doanh thành công phải dựa trên hai yếu tố là sản phẩm dịch vụ có giá trị cho khách hàng, được khách hàng thừa nhận; mô hình kinh doanh mang lại nhiều nguồn thu, lợi nhuận tốt để phát triển bền vững. Đó chính là kết quả của đổi mới sáng tạo thành công.
Ông Cao Hoàng Anh cho biết, giải pháp WEONE là hệ thống tự động hóa doanh nghiệp, số hóa quy trình công việc và quản lý giám sát trên không gian số, không giới hạn không gian và thời gian, giúp nhà quản trị nắm bắt thông tin điều hành công việc hiệu quả. Phần mềm quản lý công việc WEONE được sử dụng để quản lý công việc cá nhân và doanh nghiệp.
Theo ông Lâm Bảo Vương, trong bối cảnh Covid diễn ra phức tạp, nhu cầu làm việc từ xa trở thành xu hướng mới. Giải pháp “Cloud Virtual Desktop - VDI” sẽ là một cuộc cách mạng hóa cách làm việc từ xa dành cho doanh nghiệp. Giải pháp này mang điện toán đám mây đến với mọi người, người dùng có thể làm việc mọi lúc mọi nơi; nâng cao trải nghiệm người dùng và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, giải pháp giúp giảm được chi phí đầu tư các trang thiết bị, đơn giản hoá đội ngũ vận hành và tăng giá trị của doanh nghiệp; đảm bảo sức khỏe, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp được diễn ra thông suốt.
Ông Lê Văn Trung cho biết, giải pháp Oracle Netsuite ERP cung cấp quy trình tổng thể và các chức năng để tổng hợp và đồng bộ dữ liệu từ nhiều nguồn thông tin vào một hệ thống duy nhất, phục vụ nhu cầu riêng lẻ và đa dạng của các phòng ban khác nhau như nhân sự, tài chính, nhà kho, cung ứng, mua hàng, R&D… Giải pháp này phù hợp hầu hết các loại hình doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác nhau như sản xuất, bán sỉ, bán lẻ, dịch vụ…
Chuỗi hội thảo trực tuyến “Chuyển đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt với Covid-19” diễn ra từ 28/10/2021 – 25/11/2021 với 3 chuyên đề. Sau chuyên đề ngày 28/10, hai chuyên đề còn lại là “Giải pháp nào để doanh nghiệp kinh doanh không gián đoạn” và “Hướng đi nào để doanh nghiệp phục hồi hiệu quả tình hình sản xuất, kinh doanh”. Các nhóm đối tượng chính mà chuỗi hội thảo này muốn hướng đến là các doanh nghiệp đa ngành nghề, doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp ứng dụng; doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ thông tin tập trung; doanh nghiệp sản xuất, phân phối, nhà máy, kho xưởng, chuỗi bán lẻ; doanh nghiệp công nghệ thông tin, cung cấp giải pháp, sản phẩm công nghệ…
Lam Vân (CESTI)