Sản xuất đông trùng hạ thảo giá rẻ, chất lượng cao từ... gạo, mía
14-01-2019Quy trình sản xuất trùng thảo khép kín từ chọn giống, nuôi cấy trên các nguyên liệu sẵn có như gạo, mía... cho đến bảo quản, đóng gói sau thu hoạch. Tỷ lệ Cordycepin trong sản phẩm đạt mức cao.
Tuy nhiên, quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo đòi hỏi yêu cầu rất cao từ lựa chọn môi trường nuôi cấy, đảm bảo vệ sinh để tránh các loại nấm, mốc khác xâm nhập... Giá trị của đông trùng hạ thảo bị ảnh hưởng rất nhiều bởi quá trình nuôi cấy. Tùy theo từng điều kiện nuôi cấy khác nhau, thành phần và tỷ lệ dược chất trong đông trùng hạ thảo thay đổi, dẫn đến giá trị của sản phẩm có sự chênh lệch rất lớn.
Một phương pháp mà nhiều đơn vị sản xuất vẫn thường lựa chọn là sử dụng các hóa chất tổng hợp làm môi trường nuôi cấy. Nhưng theo ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật của công ty SAHA, cho biết theo cách làm này nếu hóa chất sử dụng không đảm bảo sẽ không cho sản phẩm chất lượng, tồn dư hóa chất trong sản phẩm khiến cho giá trị dinh dưỡng của đông trùng hạ thảo bị giảm, thậm chí nguy hiểm cho người dùng. Trong khi đó, những nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam như gạo, mía, khoai lang, nhộng tằm hoàn toàn có thể sử dụng làm môi trường cho trùng thảo phát triển.
ThS Nguyễn Thị Ngọc Nhi đại diện công ty SAHA trình bày tại hội thảo
Nhóm nghiên cứu của công ty đã nghiên cứu, phát triển quy trình công nghệ sản xuất trùng thảo theo hướng hữu cơ. Sau 3 năm nghiên cứu, thử nghiệm, công ty SAHA đã hoàn thiện quy trình nuôi cấy, sản xuất trùng thảo khép kín bằng các nguyên liệu sẵn có như gạo, mía... cho đến bảo quản, đóng gói sau thu hoạch. Tỷ lệ Cordycepin (hoạt chất quan trọng trong đông trùng hạ thảo) đạt 8,69 mg trên 100g sản phẩm.
Những nguyên liệu này được xử lý thủy phân và phối trộn với các dưỡng chất để làm môi trường nuôi cấy giống nấm. Sau đó, nấm được nuôi ở nhiệt độ thích hợp và qua các quá trình cấy, ủ tối cho tới hình thành quả thể nấm theo quy trình chặt chẽ.
Toàn bộ quá trình kéo dài trong khoảng 70 ngày, cho sản phẩm có chất lượng cao với giá thành cạnh tranh. Quy trình nuôi cấy này có thể áp dụng được với sản xuất quy mô nhỏ. Sản phẩm sau thu hoạch được sấy khô bằng phương pháp sấy thăng hoa, đảm bảo nguyên trạng được hình thái, màu sắc, mùi vị và dưỡng chất. Sản phẩm được Bộ Y tế chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, công ty đã nghiên cứu và nuôi cấy thành công trùng thảo trên nhộng tằm gần với cách đông trùng hạ thảo sinh trưởng trong tự nhiên cho chất lượng sản phẩm cao. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng tự chế tạo các thiết bị phục vụ nuôi cấy như nồi hấp, máy lắc, tủ cấy, hệ thống nuôi sinh khối... và hoàn thiện quy trình nuôi có thể chuyển giao cho nhiều quy mô sản xuất khác nhau.
Trùng thảo được nuôi cấy trên nhộng tằm
“Giá thành sản xuất hiện nay không chênh lệch nhiều so với phương pháp sử dụng hóa chất vì nguồn nguyên liệu hữu cơ rất sẵn có, giá thấp. Sản phẩm theo hướng hữu cơ thông thường có giá cao nhưng với phương pháp này chúng tôi hy vọng đem lại sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe người dùng vừa có giá cả cạnh tranh được”, bà Nhi cho biết.
Công nghệ sản xuất Trùng thảo theo hướng hữu cơ đã được Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Công ty TNHH TM - SX SAHA giới thiệu tại Hội thảo tổ chức ngày 11.1 mới đây.
Đông trùng hạ thảo là một loại đông dược quý có bản chất là dạng ký sinh của loài nấm Cordyceps sinensic trên cơ thể sâu Hepialus fabricius. Tên gọi "đông trùng hạ thảo" xuất phát từ quan sát thực tế khi thấy vào mùa hè nấm Cordyceps sinensic mọc chồi từ đầu con sâu nhô lên khỏi mặt đất. Vào mùa đông thì nhìn cặp cá thể này giống con sâu (côn trùng), còn đến mùa hè thì chúng trông giống một loài thực vật (thảo mộc) hơn. Các phân tích hoá học cho thấy trong sinh khối của đông trùng hạ thảo có 17 đến 19 loại acid amin khác nhau cùng với D-mannitol, lipid và nhiều nguyên tố vi lượng. Đông trùng hạ thảo cũng được chứng minh có tác dụng trong điều trị các bệnh về tim mạch, hô hấp, gan, thận, ức chế sự hình thành khối u. |
Phạm Sơn - khampha.vn