Sáng chế khó thương mại hóa nếu đặt nặng vấn đề tiền bạc
13-07-2020Một sản phẩm thường có thời hạn từ 10 đến 15 năm là lỗi thời, hết tuổi. Nếu không được thương mại hóa thì sản phẩm sẽ phải chịu cảnh trùm mền, đắp chiếu.
PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, đã nhận xét như vậy khi đề cập đến vấn đề thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu. Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng, dù là nơi chủ yếu nghiên cứu và chế tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ, song nhiều sản phẩm sáng chế của các trường viện không ra tới thị trường trong khi doanh nghiệp rất cần cải tiến công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Thương mại hóa sáng chế có nhiều chuyển biến tích cực
Theo thống kê, năm 2019, lần đầu tiên đơn sáng chế của người Việt Nam vượt mốc 1.100 đơn (tăng 42% so với cùng kỳ năm 2018). Để đạt được số lượng đó không thể không nhắc đến sự đóng góp của các trường đại học và viện nghiên cứu thông qua các công bố quốc tế, đặc biệt là những bài báo trên các tạp chí ISI.
Hệ thống chiếu sáng thông minh do Đại học Bách Khoa TP.HCM làm chủ công nghệ.
Từ số liệu trên, chúng ta có thể nhận thấy tình hình thương mại hóa sáng chế trong các trường đại học ở Việt Nam đang có rất nhiều chuyển biến tích cực, trong đó hướng nghiên cứu khoa học đã ngày càng gắn với thực tiễn nhiều hơn.
PGS.TS Trần Doãn Sơn, Khoa Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, hiện sở hữu 9 sản phẩm được cấp bằng sáng chế. Sản phẩm đầu tiên được ông nghiên cứu và thực hiện vào năm 2002 là “Thiết bị và quy trình hấp hạt điều bằng hơi bão hòa” giúp hạt điều được tạo ra không những không bị hao hụt mà còn đạt nâng suất cao. Đến nay, đã có hơn 95% các nhà máy ở Việt Nam sử dụng công nghệ hấp hạt điều bằng hơi bão hòa. Sản phẩm giúp ông vinh dự nhận được bằng sáng chế đầu tiên vào một năm sau đó.
PGS.TS Trần Doãn Sơn giới thiệu chiếc máy làm bánh phở tự động siêu tốc.
Năm 2005, ông cho ra đời thiết bị làm bánh phở tươi nhằm thay thế phương thức sản xuất thủ công, nâng cao năng suất, đồng thời vẫn đảm bảo được chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Năm 2007, chiếc máy hoàn chỉnh đầu tiên tích hợp toàn bộ quy trình chế biến bánh phở tươi chính thức ra đời.
Mới đây, thiết bị sản xuất bún bao gồm cơ cấu ép đùn bột nước do ông chế tạo đã giành được giải nhì Giải thưởng Sáng chế TP.HCM năm 2020. Sản phẩm được chuyển giao cho 9 doanh nghiệp cả trong và ngoài nước (Mỹ, Hàn Quốc, Lào), sắp tới sẽ xuất khẩu sang châu Âu.
PGS.TS Trần Doãn Sơn nhìn nhận, hiện nay việc nghiên cứu, sáng chế đã có nhiều điều kiện hơn so với trước đây. Chính vì vậy người đã có kinh nghiệm hay sinh viên đều có thể tham gia nghiên cứu nếu có đam mê và sự kiên trì. Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi thì việc thương mại hóa sáng chế cũng còn vướng nhiều khó khăn.
“Khó khăn lớn nhất là nhiều trường Đại học tập trung vào công tác đào tạo, chưa mạnh ở khâu liên kết với doanh nghiệp để thương mại hóa công trình nghiên cứu khoa học hay phát minh, sáng chế. Kết quả là không ít nghiên cứu sau khi đã được cấp chứng nhận thì… trùm mền để đó hoặc chỉ phục vụ công tác giảng dạy”, PGS.TS Sơn nhận định.
Vì sao sản phẩm không bán được?
Giai đoạn lúc bắt đầu nghiên cứu trên giấy cho đến vận hành thử nghiệm và hoàn thiện sáng chế là một hành trình đầy gian nan, thử thách. Chính vì lẽ đó đã khiến không ít người nghiên cứu thực hiện được vài ba đề tài lại dừng lại vì không đủ khả năng và kiên nhẫn chờ đợi sản phẩm được đưa vào đời sống.
PGS.TS Dũng bên cạnh sản phẩm công nghệ sấy thăng hoa do mình sáng chế.
Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghiên cứu và sáng chế, PGS.TS Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho rằng để hoàn thiện một công trình nghiên cứu, người nghiên cứu phải đổ rất nhiều thời gian, mồ hôi và cả nước mắt. Quy trình từ nghiên cứu trên giấy, trong phòng thí nghiệm, thử nghiệm, ứng dụng vào đời sống. Bản thân ông cũng mất hơn 20 năm mới hoàn thành công trình Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam.
“Trong phòng thí nghiệm kết quả như vậy nhưng khi tiến hành thử nghiệm thì lại khác vì điều kiện khác nhau. Khi đi vào thực tế rồi thì càng phức tạp vì hàng loạt yếu tố tác động lên đối tượng nghiên cứu. Đây là một bài toán đa biến và để giải quyết nó gặp vô vàn khó khăn, phức tạp. Tôi đã chứng kiến nhiều người nghiên cứu được vài ba đề tài rồi dừng vì không có sự kiên trì để ra sản phẩm. Trong khi đó nhu cầu của doanh nghiệp rất lớn, họ rất cần được thay đổi, cải tiến máy móc để phù hợp với thời đại”, PGS.TS Dũng tâm sự.
Để sản phẩm nghiên cứu được thương mại dễ dàng, sản phẩm nghiên cứu phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ sự tiện lợi, chất lượng cho đến thẩm mỹ.
Theo PGS.TS Dũng, sản phẩm nghiên cứu phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ sự tiện lợi, chất lượng cho đến thẩm mỹ mới mong thương mại hóa dễ dàng. Đặc biệt, sản phẩm phải khác, lạ so với thế hệ trước đã nghiên cứu, chế tạo.
“Sản phẩm phải hình thành từ bài nghiên cứu do chính mình thực hiện. Không được vi phạm bản quyền, kém chất lượng hay tệ hơn những sản phẩm trước. Nhiều sinh viên ngày nay cũng đam mê nghiên cứu và sau đó khởi nghiệp nhưng thất bại vì chưa có kinh nghiệm, chưa có sản phẩm phù hợp với nhu cầu của xã hội” - PGS.TS Dũng cho biết.
Một yếu tố khác mà PGS.TS Dũng đề cập trong việc thương mại hóa sản phẩm đó là con người. Theo PGS.TS Dũng, nếu một người nghiên cứu mà đặt tiền bạc lên trên hết thì không bao giờ thành công, sản phẩm khó có thể thương mại hóa được.
PGS.TS Dũng dẫn chứng: “Có nhiều người không thỏa thuận được giá cả khi chuyển giao sản phẩm đến doanh nghiêp nên không đồng ý, khư khư giữ lấy sản phẩm đợi thời cơ kiếm tiền. Tuy nhiên, một sản phẩm khi nghiên cứu ra chỉ có thời hạn từ 10 đến 15 năm thì lỗi thời, hết tuổi… trong khi đó công nghệ rất cần được làm mới nếu chúng ta không đồng ý thương mại hóa thì tương lai sản phẩm sẽ bị đắp chiếu”.
Về vấn đề này, một số chuyên gia về khoa học công nghệ cũng cho rằng, nhu cầu và khả năng liên kết với doanh nghiệp của các trường đại học chưa cao do thiếu động lực và thiếu cơ chế gắn kết, sản phẩm còn ít và kém chất lượng, năng lực và trang thiết bị còn hạn chế, thời gian nghiên cứu dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp cần sớm có công nghệ, thiếu cơ quan chuyên trách hiểu biết và gắn kết với doanh nghiệp.
Còn từ phía doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp Việt Nam (trên 90% có vốn dưới 10 tỷ đồng) với quy mô nhỏ, quy trình sản xuất đơn giản, tài chính hạn chế, khó có điều kiện liên kết. Các doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đúng mức đến cơ chế đầu tư tài chính cho việc nghiên cứu khoa học và đổi mới công nghệ, thẩm định giá công nghệ…
Ngoài ra, còn có một vấn đề “nhạy cảm” là vấn đề bảo mật kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thật sự tin tưởng vào các trường đại học… Bên cạnh đó, nhận thức và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ còn thiếu nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại hóa sản phẩm cũng như hoạt động sáng tạo tại các trường đại học…
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội nghị công bố đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ năm 2020. Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở, những hoạt động đặt hàng trước đây chủ yếu thông qua các văn bản trao đổi giữa Sở với các trường đại học, viện nghiên cứu. Năm nay Sở quyết định tổ chức sự kiện kết nối các doanh nghiệp, đơn vị quan tâm đến các ‘đặt hàng’ của sở để cùng triển khai trong thời gian tới. "Việc đổi mới phương thức ‘đặt hàng’ được kì vọng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với việc giao hẳn một dự án cho một đơn vị trong thời gian dài rồi chỉ chờ đến 1-2 năm sau nghiệm thu là xong", ông Dũng nhấn mạnh. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, trường viện, việc đặt hàng thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ là sân chơi không chỉ giúp cho cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu thể hiện khả năng, năng lực. Điều này còn hạn chế tình trạng dự án, đề tài hay ấp ủ “cất trong ngăn kéo” và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư chọn lựa, tìm đúng nhu cầu, đơn hàng và đối tác để hợp tác. |