SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Sở KH&CN TP.HCM thắp lửa lòng yêu nước qua buổi giao lưu nhân chứng lịch sử và xem phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

25-04-2025
Hưởng ứng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), sáng ngày 25/4, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Sở KH&CN TP.HCM tổ chức buổi giao lưu với nhân chứng lịch sử và xem phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - một bộ phim tái hiện sinh động cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong lòng đất.

1TAPTHE.png

Dịp này, đông đảo Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, công đoàn viên, cựu chiến binh, Đoàn viên, thanh niên và người lao động thuộc Sở KH&CN không chỉ được tìm hiểu về bối cảnh lịch sử năm 1967, khi công cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn khốc liệt, mà còn được nghe những mẩu chuyện thực tế về cuộc chiến tranh qua lời kể của hai nhân chứng sống là chú Tô Văn Đực (chú Mười) và chú Hoàng Đôn Nhật Tân (chú Sáu Triều) - những người từng sống, chiến đấu ngay trên mảnh đất thép Củ Chi thành đồng năm xưa. 

2NGOAIRAP.png

Lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM và đại diện Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh Sở KH&CN TP.HCM chụp hình lưu niệm cùng nhân chứng lịch sử tại buổi xem phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.

Bước ra từ cuộc chiến tranh hơn nửa thế kỷ trước, các chú trở về với đời thường nhưng tâm trí không ngừng nghĩ suy về Đất nước - nơi có quá nhiều máu xương, nước mắt và sự hy sinh của thế hệ cha ông. Đó là mạch nguồn đã âm thầm chảy suốt nhiều thập kỷ qua trong tâm hồn các chú. Và rồi, giờ đây khi Đất nước đã trong tay, non sông đã liền một dải, các chú vẫn giữ nguyên nhiệt huyết để truyền lại cho bao thế hệ thông điệp về lý tưởng sống.

Chú Mười (nguyên mẫu của nhân vật “Tư Đạp” trong phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”) chia sẻ, chú là dân Củ Chi chính gốc. Năm 1962, chú tham gia dân quân xã đội Nhuận Đức sửa chữa súng các loại để cung cấp cho lực lượng du kích xã chống lại các trận càn địch. Các loại súng chủ yếu gồm carbin, K54, colt 12 li. Đến đầu năm 1965 xe bọc thép của địch xuất hiện nhiều trong các trận càn, chú nghiên cứu và tái sáng chế các loại mìn, bẫy mìn bằng thuốc nổ TNT chống lại xe cơ giới, xe tăng. Sau đó, chú được gia nhập lực lượng công binh của tỉnh đội Gia Định và cải tiến cấu trúc loại mìn có công tắc phát nổ khi gạt ngang. Vỏ mìn làm bằng vỏ lon sữa, kíp nổ lấy từ bom bi xịt nhồi chất nổ TNT tái chế. Một cành cây cũng có thể là công tắc nối với chốt khai hỏa bên trong thân quả mìn. Khi xe, máy, pháo địch gạt cành cây sẽ tác động vào công tắc kích quả bom bi mồi nổ trước, rồi đốt cháy thuốc nổ bên trong để tạo sức công phá. Loại mìn này có thể dễ dàng sản xuất hàng loạt ở các xưởng quân giới dưới địa đạo, dễ dàng cài đặt ở bất cứ địa hình nào và có sức công phá đủ để làm hư hỏng M.113.

3GIAOLUU.png

Chú Tô Văn Đực (bìa trái) và chú Hoàng Đôn Nhật Tân (giữa) trong buổi giao lưu nhân chứng lịch sử và xem phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” ngày 25/4.

Hai chú chia sẻ thêm, lúc nhập ngũ, các chú mới ở độ tuổi đôi mươi, chưa biết nhiều về quan điểm chính trị, chỉ biết chiến tranh nổ ra là phải lựa chọn giữa sự sống và cái chết, với các chú, cũng như nhiều thanh niên thời bấy giờ, không thể nào nhìn cảnh quê hương mình bị giày xéo bởi bom đạn chiến tranh, do đó lựa chọn theo con đường Cách mạng chính là lẽ sống. Những ngày tháng chiến đấu nơi địa đạo thiếu thốn, cơ cực trăm bề, dù có cả sợ hãi, đau đớn, nhưng chưa khi nào các chú nghĩ đến việc dừng việc cống hiến cho lý tưởng Cách mạng. 

“Giữa bom đạn mịt mù của chiến tranh, lòng đất Củ Chi không chỉ là nơi trú ẩn, mà còn là mái nhà âm thầm che chở cho bao con người, nếu không có địa đạo, chú và đồng đội đã không thể sống sót”, chú Mười nghẹn ngào.

Trong buổi giao lưu, chú Mười và chú Sáu Triều cũng rất xúc động khi kể với các bạn trẻ về những kỷ niệm thực tế tại địa đạo Củ Chi năm xưa, từ bị bom vùi, cứu đồng đội trong gang tấc, chiến thuật đánh du kích bất ngờ từ lòng đất… Mỗi mẩu chuyện nhỏ, mỗi lời tâm sự của hai chú đều gói ghém một phần ký ức về những câu chuyện đẫm nước mắt, nhưng cũng ko hề thiếu niềm tin lạc quan dành cho Cách mạng.

Hành trình dài mà các anh hùng dân tộc đã trải qua để có được toàn thắng 30/4 lịch sử, nếu xâu chuỗi lại, chính là bản đồ cảm xúc của một Đất nước mang trên mình nhiều vết thương, nhưng cũng đầy ắp nghĩa tình. 

Khi được hỏi điều gì ấn tượng nhất mà hai chú muốn chia sẻ trong buổi giao lưu này, hai chú đầy quả quyết, Người Mỹ trong chiến tranh không thua Việt Nam về bom đạn hay vũ khí hủy diệt, mà thua vì ý chí quật cường của toàn quân toàn dân ta". 

4QUANGCANH.png

Buổi chiếu phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã đem lại những cảm xúc chân thực cho khán giả.

Với những người con thời bình, không ít lần khi xem “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” đã bật khóc – không phải vì nỗi đau cụ thể, mà vì cảm giác vỡ òa trước sự hy sinh vô danh quá đỗi vĩ đại. Bộ phim không chỉ công chiếu để lưu giữ về quá khứ hào hùng, mà còn để các anh hùng dân tộc được “sống” thêm lần nữa, được con cháu đời sau nhìn, nghe, ngẫm, cảm và biết ơn. Có thể nói, mỗi phút giây trong phim là nhịp nối giữa thế hệ trẻ và thế hệ cha ông, là một lời tri ân cho những con người mãi sống – trong tâm trí, trong trái tim của bao thế hệ mai sau.  

“Thời gian tới, Sở KH&CN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ý nghĩa như lần này, đồng thời tổ chức các chương trình giao lưu thực tế với nhân chứng lịch sử. Điều này không chỉ nhằm tri ân các anh hùng, mà còn là nỗ lực để lan tỏa tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc đến thế hệ trẻ”, đại diện Sở KH&CN TP.HCM chia sẻ trong buổi giao lưu. 

5TANGQUA.png

Lãnh đạo Sở KH&CN TP.HCM tặng quà lưu niệm thay cho lời tri ân chân thành đến hai nhân chứng lịch sử.

Giữa dòng chảy hối hả của thời đại số, buổi giao lưu như một điểm dừng chân đầy ý nghĩa – nơi mà mỗi nhịp đập thổn thức là một lời nhắc nhở về giá trị của tự do và sự đánh đổi để có được hòa bình cho Tổ quốc hôm nay.

Nếu có một thông điệp đọng lại sâu sắc nhất sau buổi giao lưu và xem phim ngày 25/4, xin mượn ý từ bộ phim: “Địa đạo là chiến tranh Nhân dân, quân Mỹ không thể nào thắng được”.

Minh Nhã (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378