Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đoạt 2 giải Ba Giải thưởng Sáng tạo
07-06-2019Hai công trình về xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và hệ thống thông tin địa lý ứng dụng trong việc quản lý dịch bệnh đã đoạt 2 giải Ba Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM.
Ông Chu Bá Long, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhận giải Ba, hạng mục khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Hà Thế An.
Tối 6/6 tại Nhà hát thành phố, UBND TP.HCM đã tổ chức công bố và trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM lần thứ nhất.
Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có 2 giải Ba với công trình “Mô hình hỗ trợ, kết nối, thu hút nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM” của cán bộ, nhân viên Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM ở hạng mục khởi nghiệp sáng tạo.
Công trình “WebGIS quản lý bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP.HCM” của nhóm tác giả Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và nhóm tác giả của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cũng đoạt giải Ba ở hạng mục Kinh tế - xã hội, Quốc phòng - an ninh.
Nhiều năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM với đầu mối là Saigon Innovation Hub và các đơn vị liên quan đã nỗ lực, tạo lập và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp nhằm hỗ trợ cộng đồng thúc đẩy hoạt động này không chỉ tại thành phố mà ở các địa phương lân cận.
Hàng trăm hội thảo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tổ chức, với sự tham gia của hàng chục nghìn lượt người; Chương trình đào tạo STEM cho giáo viên, học sinh cũng được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM triển khai; Chương trình đào tạo về năng suất chất lượng cho doanh nghiệp; Hỗ trợ startup về không gian làm việc, hoàn thiện sản phẩm và mô hình kinh doanh.
Mới đây, Saigon Innovaiton Hub còn đưa ra mô hình Innvation Lab hỗ trợ cho startup ngành cơ khí và tự động hóa có cơ sở vật chất thực hiện việc thiết kế và tạo mẫu sản phẩm, hỗ trợ quảng bá sản phẩm...
Năm 2017, Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nhệ TP.HCM đã hỗ trợ cấp kinh phí cho 14 dự án khởi nghiệp với số tiền gần 12 tỉ đồng trong chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016-2020 của thành phố.
Cũng từ năm 2017, Tuần lễ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM (WHISE) được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng nhiều đối tác tổ chức đã trở thành một hoạt động quen thuộc, thường niên của cộng đồng khởi nghiệp với hàng chục sự kiện về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp với nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Thụy Sỹ, Phần Lan, Đức, Hàn Quốc, Isreal, Thái Lan, Maylaysia, Singapore, Nhật Bản, Australia) để hỗ trợ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của TPHCM.
Với công trình ứng dụng hê thống thông tin địa lý trong việc quản lý dịch bệnh đã được Trung tâm hệ thống thông tin địa lý (HCM-GIS) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với các chuyên gia của Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM triển khai từ năm 2016.
Từ những bản đồ giấy, các quận huyện, phường xã cung cấp, nhóm chuyên viên phải vẽ, định vị lại từng tổ, khu phố, ấp trên máy tính. Sau khi các bước phức tạp này hoàn thành, thông qua thuật toán, phần mềm có thể khoanh vùng ổ dịch tại các phường xã một cách tự động và nhanh chóng, giúp cơ quan chức năng có thể phản ứng kịp thời với mọi tình hình, diễn biến mới của dịch, bệnh.
Hằng ngày, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM sẽ chuyển thông tin ca bệnh (tên, tuổi, địa chỉ, ngày phát bệnh, ngày nhập viện) về Trung tâm y tế dự phòng. Đơn vị này sẽ nhập dữ liệu và chuyển thông tin ca bệnh về các phường xã, quận huyện thông qua phần mềm GIS. Tùy vào thời gian mắc bệnh và mức độ nguy hiểm, vị trí của người mắc bệnh sẽ hiện lên những màu sắc khác nhau (màu đỏ: nguy hiểm, màu xanh: an toàn…).
Hiện hệ thống đã kết nối thông tin đến 79 bệnh viện, với hơn 350 tài khoản người dùng, lưu trữ gần 50.000 ca bệnh; triển khai cho toàn bộ 322 phường, xã và giám sát 17.394 tổ, khu phố.
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Khám phá tại buổi lễ, ông Chu Bá Long, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, bày tỏ niềm vui và vinh dự.
"Đây là niềm vinh dự và tự hào nhưng cũng là trách nhiệm để chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng đạt được những kết quả tốt hơn nữa, xứng đáng với niềm tin và sự kỳ vọng mà lãnh đạo thành phố gửi gắm"- ông Long nói.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhấn mạnh Giải thưởng sáng tạo TP.HCM là hoạt động hết sức ý nghĩa để tiếp tục khẳng định tiềm năng sáng tạo, không ngừng đổi mới để phát triển của TP.
Nhìn lại quá trình phát triển của TP sau hơn 40 năm qua, có thể thấy TP là nơi khởi nguồn của nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, truyền thống năng động, sáng tạo luôn là một nét đặc trưng và hiện diện trong mỗi người dân TP. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân TP vẫn luôn khẳng khái, khí phách, cần cù, sáng tạo đậm chất Nam Bộ. Chính đổi mới sáng tạo đã giúp TP giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế dù diện tích chỉ chiếm 0,6% cả nước nhưng đóng góp 24% GDP và 28% thu ngân sách.
“Chỉ có sáng tạo, chúng ta mới không bị tụt hậu. Chỉ có đổi mới, chúng ta mới có thể bắt kịp dòng chảy của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, TP sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để đổi mới sáng tạo trở thành một xu hướng tất yếu của xã hội” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Cũng tại lễ trao giải, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng sáng tạo là quá trình đem đến tri thức mới, ứng dụng trí thức mới, có phương pháp mới tạo ra cuộc sống mới. Tuy nhiên, để có thể sáng tạo, trước hết phải có những người có mong muốn, có khát vọng sáng tạo; được đài tạo cơ bản, được bồi dưỡng về phương sáng tạo.
Cùng với đó là sự hỗ trợ, cổ vũ cho sáng tạo cũng như các chính sách thúc đẩy sáng tạo, đảm bảo lợi ích cho người sáng tạo, cho đơn vị của người sáng tạo và cho cộng đồng, cho đất nước.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng nhấn mạnh, 44 công trình sáng tạo đạt giải thưởng góp phần phục vụ cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, thúc đẩy thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn.
“Thông qua giải thưởng để tạo sự lan tỏa, khuyến khích và động viên tinh thần, sự lao động nghiêm túc của các tập thể, cá nhân, khẳng định năng lực sáng tạo, tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo của thành phố. Các công trình đạt giải hôm nay sẽ thúc đẩy phong trào sáng tạo lan tỏa và phát triển trong các tổ chức, đơn vị, trong từng người dân và trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của thành phố’- Bí thư Nhân nói.
7 lĩnh vực được trao giải Giải thưởng Sáng tạo TP.HCM nhằm tôn vinh các tập thể, cá nhân có công trình sáng tạo theo 7 nhóm lĩnh vực, gồm: Kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh (lĩnh vực 1); văn hóa - nghệ thuật (lĩnh vực 2); cải cách hành chính (lĩnh vực 3); truyền thông (lĩnh vực 4); xã hội (lĩnh vực 5); khởi nghiệp sáng tạo (lĩnh vực 6) và khoa học cơ bản (lĩnh vực 7). Từ 111 hồ sơ tham gia, Hội đồng tuyển chọn 44 công trình, trong đó có 4 giải Nhất, 15 giải Nhì và 25 giải Ba. 1. Lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh: Giải Nhất thuộc về Quy trình báo động đỏ cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch. Tác giả ThS.BS Đào Trung Hiếu, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng; TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, ThS.BS Đỗ Văn Niệm thuộc Bệnh viện Nhi Đồng 1. 2. Lĩnh vực văn hóa - văn nghệ: Vở diễn Dấu xưa. Tác giả Nguyễn Thanh Bình, Đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc thuộc Nhà hát kịch Sân Khấu Nhỏ dàn dựng. 3. Lĩnh vực cải cách hành chính: Không có giải nhất. Giải nhì được trao cho công trình Hệ thống quản lý công tác cải cách hành chính TP.HCM của Sở Nội vụ. 4. Lĩnh vực truyền thông: Không có giải nhất. Giải Nhì thuộc về nhóm tác giả Lê Quốc Cường, Lê Minh Dũng, Lý Minh Tuân, Đoàn Ái Nghiệp, Lê Phương, Huỳnh Đăng Thanh, Hồ Thế Khương thuộc Sở Thông tin và truyền thông, với Cổng thông tin tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức. 5. Lĩnh vực xã hội: Không có giải nhất và giải Nhì. 2 giải ba được trao cho 2 công trình: "Tổ chức hội thi quay video clip giới thiệu “Gương sáng quanh tôi” và "Liên hoan tiếng hát ba thế hệ”. 6. Lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo: Có hai giải Nhì: Ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất khuôn mẫu kỹ thuật cao và hệ thống sản xuất tự động của Công ty TNHH Lập Phúc và Vexere - Giải pháp mua vé xe khách trực tuyến của Công ty cổ phần Vexere. 7. Lĩnh vực khoa học cơ bản: Có hai giải Nhất: Keo thông minh trong điều trị lành thương của TS. Nguyễn Thị Hiệp, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM và Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam của PGS.TS. Phạm Văn Hùng, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM. |