Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM làm việc với Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh
28-08-2024Buổi làm việc nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của TP.HCM. Trong đó, tập trung vào các nội dung như: Thủ tục xây dựng, thành lập và vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM; Quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù cho hoạt động khoa học công nghệ mà Thành phố đang áp dụng; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực của xã hội cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; Thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế về lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Tăng cường truyền thông các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp…
Buổi làm việc giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh
Sáng ngày 28/8/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh do ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở làm trưởng đoàn; bà Vũ Thị Kim Chi - Phó Giám đốc Sở cùng đại diện một số phòng chuyên môn thuộc Sở tham dự. Cùng tham gia với lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM còn có bà Nguyễn Thị Thu Hà - Chánh văn phòng Sở; bà Huỳnh Lưu Thanh Giang - Trưởng phòng Phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ; bà Nguyễn Thị Thu Sương - Quyền Trưởng phòng Phòng Quản lý khoa học; bà Phan Thị Quý Trúc và bà Nguyễn Thị Ngọc Nhung - Phó trưởng Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo; bà Đặng Thị Luận - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cùng các chuyên viên thuộc Sở.
Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến thăm và làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Tại buổi làm việc, ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã giới thiệu các thông tin mới về chủ trương, định hướng xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia; giới thiệu tổng quan về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và các chỉ số đánh giá của thế giới đối với hệ sinh thái này. Bên cạnh đó, phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, những định hướng mới trong công tác xây dựng và phát triển lĩnh vực khoa học và công nghệ, đặc biệt là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố ở giai đoạn hiện nay cũng như trong tương lai.
Cụ thể hiện nay, TP.HCM đang hỗ trợ một số tổ chức khoa học và công nghệ công lập có tiềm lực trên địa bàn Thành phố phát triển trở thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, đổi mới sáng tạo đạt chuẩn quốc tế, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; thu hút, giữ chân các chuyên gia, nhà khoa học, người tài đến làm việc tại các tổ chức khoa học và công nghệ công lập để khơi thông mọi nguồn lực sẵn có của Thành phố. Cụ thể, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế” và “Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố” đến các tổ chức khoa học và công nghệ công lập trên địa bàn Thành phố, cũng như ban hành Kế hoạch số 721/KH-SKHCN triển khai thực hiện Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế. Tiếp đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM ban hành Kế hoạch số 2007/KH-SKHCN triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký tham gia thực hiện “Đề án xây dựng cơ chế thúc đẩy để hình thành và phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế”; tổ chức Hội nghị Phổ biến quy chế, quy định liên quan đến việc đánh giá, xét chọn các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đăng ký tham gia thực hiện Đề án.
TP.HCM còn thúc đẩy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, thúc đẩy việc phát triển bền vững và mạnh mẽ cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Thành phố trên cơ sở hỗ trợ các dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo. Hiện có 15 dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo giai đoạn tiền ươm tạo và ươm tạo, giai đoạn tăng tốc đang được hỗ trợ.
Về việc xây dựng, thành lập và vận hành Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM. Theo đó, Trung tâm có các khu vực: hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Nhà nước phụ trách (không gian làm việc chung, không gian kết nối mở, phòng đào tạo…); không gian thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư, thiết kế triển khai các chương trình ươm tạo và tăng tốc; không gian ưu tiên các lĩnh vực giải pháp công nghệ cho thành phố thông minh (Big data, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet of thing (IoT), chính phủ điện tử…); thương mại điện tử (E-commerce); công nghệ tài chính (Fintech); công nghiệp sáng tạo (điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa, truyền thông…); khoa học sự sống - Life Science.
Ngoài ra, còn có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo theo phương thức kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với cộng đồng khởi nghiệp. Hiện nay, nhiều đơn vị đã liên hệ với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM để được hoạt động tại đây, tuy nhiên thủ tục, điều kiện cho các đơn vị khởi nghiệp vẫn chưa được thông qua.
Bên cạnh đó, Đề án của Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM cũng nêu phương án khai thác hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, các thủ tục thực hiện đấu thầu, tuyển chọn theo hình thức cung cấp không gian làm việc theo giá thị trường và có ưu đãi (do HĐND TP.HCM quy định) với các đơn vị có năng lực và chức năng phù hợp với tiêu chí có đóng góp vào sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Thành phố... chưa rõ ràng khiến chức năng hoạt động của trung tâm chưa thật rõ nét.
Đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng đại diện Văn phòng Sở, Phòng Quản lý công nghệ và thị trường Công nghệ, Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Quản lý Sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ trong buổi làm việc
Cũng tại buổi làm việc các đại diện Phòng ban, Trung tâm trực thuộc Sở đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa Sở và các đơn vị trong tiến trình phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố, các chương trình ươm tạo, sự hỗ trợ của Sở và Thành phố đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, trong 5 năm gần đây, TP.HCM liên tục tổ chức các cuộc thi về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đã thu hút hơn 2.000 dự án tham gia. Bên cạnh đó, khoảng 250 dự án được lựa chọn vào các chương trình ươm tạo vườn ươm. Theo thống kê, có 61 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hỗ trợ kinh phí từ Chương trình SpeedUP dưới hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ thông qua các vườn ươm và trung tâm khởi nghiệp với kinh phí hỗ trợ mỗi dự án tối đa 2 tỷ đồng từ ngân sách, thời gian hỗ trợ tối đa 2 năm.
Năm 2024, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng cho Thành phố các chính sách thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong khu vực công. Đối với những vấn đề đã có sản phẩm, giải pháp công nghệ thì Thành phố sẽ mời gọi các Startup triển khai. Với những vấn đề Thành phố đang đặt hàng nhưng chưa có sản phẩm, dịch vụ phù hợp thì Sở sẽ chủ trì đặt hàng và lựa chọn đơn vị thực hiện.
Để thu hút các dự án đầu tư cho đổi mới sáng tạo khu vực công, Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã tham mưu cho Thành phố thực hiện cơ chế ưu đãi về thuế, miễn thuế, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các thành phần chủ chốt trong hệ sinh thái mà cụ thể ở Nghị quyết 98 vừa được Quốc hội thông qua.
Trong thời gian qua, TP.HCM cũng đã chính thức triển khai chương trình đổi mới sáng tạo trong khu vực công, kêu gọi các giải pháp, ý tưởng cải thiện hoạt động quản trị nhà nước trong lĩnh vực công và đã có 3 đơn vị là Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thuế TP.HCM triển khai tìm kiếm giải pháp từ cộng đồng khởi nghiệp vào công tác quản lý, quản trị điều hành. Thành phố đã đặt hàng triển khai 134 nhiệm vụ khoa học công nghệ. Trên 60% là các nhiệm vụ ứng dụng trực tiếp tại các Sở, ngành, quận, huyện, chủ yếu là chương trình nghiên cứu phục vụ quản lý và phát triển đô thị. Mới đây nhất, là ký kết chương trình hợp tác với Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... cũng như phát động thêm 03 Cuộc thi: Trí tuệ nhân tạo (AI.STAR 2024); Phát triển bền vững (GIC 2024); Công nghiệp văn hóa (INNOCULTURE 2024) với kỳ vọng, thu hút không chỉ các dự án tiềm năng mà còn các ý tưởng sáng tạo của sinh viên.
Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, TP.HCM cũng có các nhóm chính sách tập trung vào hoạt động tập huấn, huấn luyện nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ươm tạo cho các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua hỗ trợ các cuộc thi, chương trình tuyển chọn từ các vườn ươm; chương trình SpeedUp. Thành phố ưu tiên cho các chương trình chuyển đổi số, AI, y tế và giáo dục và các nhiệm vụ triển khai dưới 12 tháng.
Đồng thời, Thành phố cũng có nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường khoa học công nghệ kể cả trong lĩnh vực văn hóa. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đang quản lý 4 nền tảng trực tuyến nhằm đào tạo, huấn luyện nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; một sàn giao dịch khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tập trung những công nghệ, thiết bị muốn chuyển giao của các đơn vị trong và ngoài nước và nền tảng triển lãm trực tuyến giới thiệu sản phẩm của các startup. Đó là trang phổ biến kiến thức trực tuyến https://phobienkienthuc.doimoisangtao.vn/; hệ thống liên kết nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ Stinet https://stinet.gov.vn/; cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ Thành phố Techport http://techport.vn/.
Ngoài ra, các nhiệm vụ chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thành phố, Sở cũng đang triển khai vận hành và thử nghiệm “Hệ thống quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ” và “Nền tảng trực tuyến hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo tại TP.HCM (HCMC Open Innovation Platform - H.OIP)” và đang hoàn thiện nội dung đặt hàng “Phát triển nền tảng trực tuyến sáng kiến cộng đồng” và “Xây dựng công cụ cập nhật, số hóa cơ sở dữ liệu về nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ và các hoạt động liên quan hoạt động an ninh nguồn phóng xạ, ứng phó sự cố bức xa”.
'
Đoàn công tác Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Ninh chụp ảnh lưu niệm với Đại diện Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các phòng ban chuyên môn thuộc Sở
Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo được TP.HCM cho khởi công xây dựng vào ngày 01/10/2020, trên khu đất có diện tích hơn 17.000m2, tại số 123 đường Trương Định, Quận 3 với vốn đầu tư 323 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Quá trình xây dựng do trúng đợt dịch Covid-19 bùng phát năm 2021 - 2022, nên thời gian thi công có phần chậm trễ so với kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, đến nay dự án đã hoàn thiện hơn 90% và dự kiến trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay sẽ đi vào hoạt động. Tòa nhà Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo được TP.HCM có 11 tầng, trong đó 8 tầng nổi, 3 tầng hầm. Khu vực tầng 1 - 3 là nơi triển khai các hoạt động hỗ trợ của nhà nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tầng 4 - 8, dự kiến thu hút khu vực tư nhân tham gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố. Khi đi vào vận hành, Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM là đơn vị đầu tiên của cả nước ứng dụng nền tảng trực tuyến (H.O.I.P) tập trung hệ thống dữ liệu của hệ sinh thái để các doanh nghiệp, startup đăng ký và tham gia các chính sách hỗ trợ của Thành phố. Hệ thống này hiện nay đã vận hành, sẵn sàng kết nối với cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Nhật Linh (CESTI)