SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TẠO GIỐNG LÚA MÀU ĐẶC SẢN VÀ PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH SẢN XUẤT TẠI TP.HCM VÀ CÁC TỈNH ĐÔNG NAM BỘ

19-07-2024

Các giống màu cổ truyền có hàm lượng chất chống oxy hóa cao, giàu chất vi khoáng và vitamin hơn so với các giống lúa gạo trắng thông thường, nhưng không phù hợp với hệ canh tác lúa cải tiến hiện nay do chu kỳ sinh trưởng dài, năng suất thấp, cao cây nên dễ bị đổ ngã và khó cơ giới hóa. Do vậy, việc cải tiến giống lúa màu để phù hợp với kỹ thuật canh tác hiện đại và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng là rất cần thiết. Trong khi các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan đã thành công trong việc lai tạo các giống lúa màu ngắn ngày, có chất lượng cơm tốt và phù hợp với kỹ thuật canh tác hiện đại, thì Việt Nam vẫn còn rất thiếu các thành tựu về công tác chọn tạo giống lúa màu. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam đã thực hiện nghiên cứu “Chọn tạo giống lúa màu đặc sản và xây dựng mô hình sản xuất tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh vùng Đông Nam Bộ”. Đây là nhiệm vụ do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam chủ trì thực hiện và TS. Đào Minh Sô làm chủ nhiệm.

Hiện trạng lúa màu trong khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và xu hướng sử dụng giống lúa màu của người tiêu dùng

Hiện nay, sản xuất giống lúa màu trong khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ còn chưa phổ biến. Các giống lúa màu cổ truyền thường có chu kỳ sinh trưởng dài, cao cây và dễ đổ ngã. Điều này gây khó khăn trong việc cơ giới hóa sản xuất và quản lý canh tác. Gạo màu chứa chất chống oxy hóa, chất vi khoáng và vitamin và chất xơ cao, phù hợp với nhu cầu sử dụng làm cơm gạo lứt để cải thiện sức khỏe, nhất là đối tượng cư dân đô thị, người già và người có vấn đề về sức khỏe.

Các loại lúa màu thường cho ra các loại gạo màu (đen, đỏ, tím), các loại này được ghi nhận chứa chất chống oxy hóa anthocyanin nhiều hơn gạo trắng. Chất này có vai trò hỗ trợ tốt cho sức khỏe người tiêu dùng như làm hạn chế nguy cơ béo phì, giảm phản ứng viêm, chống lão hoá và tác dụng kháng virus,… Vấn đề sức khỏe xưa nay luôn luôn được người dân quan tâm hàng đầu. Ngày nay, người dân đang dần nhận thức về chế độ ăn uống vì nó liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe điều này đang thể hiện rõ hơn trong cách người tiêu dùng Việt Nam lựa chọn thực phẩm hằng ngày. Họ chú ý nhiều hơn đến các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và thay đổi cách nấu ăn để có chế độ ăn uống lành mạnh. Gạo lứt hoặc gạo huyết rồng là một xu hướng mới nổi, được cho là cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn và kiểm soát cholesterol tốt hơn, các loại gạo này nguồn gốc từ giống lúa màu.

Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ gạo màu vẫn còn mới mẻ và chưa được khai thác hết tiềm năng. Trong nhiều năm qua, công tác chọn tạo giống lúa tại các đơn vị nghiên cứu ở nước ta vẫn chỉ tập trung vào nhóm sản phẩm gạo trắng nên rất thiếu các giống lúa màu được công nhận lưu hành để phục vụ sản xuất. Do vậy, việc Chọn tạo giống lúa màu đặc sản và xây dựng mô hình sản xuất tại TPHCM và một số tỉnh vùng Đông Nam bộ  là rất cần thiết, và là nhiệm vụ khoa học công nghệ lần đầu được thực hiện ở các tỉnh phía Nam.

Kết quả mô hình sản xuất giống lúa màu và tiềm năng của giống lúa màu tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ

Tất cả các nội dung và hoạt động chuyên môn thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã được thực hiện đầy đủ, bố trí đúng địa bàn, tuân thủ phương pháp khoa học thực nghiệm và kỹ thuật phù hợp thực tiễn. Công tác báo cáo tiến độ, báo cáo định kỳ và kiểm tra, đánh giá của bộ phận chức năng đơn vị chủ trì được chấp hành chấp hành nghiêm túc. Ket quả thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch nội dung nhiệm vụ. Cả 4 nhóm sản phẩm về giống, qui trình kỹ thuật, mô hình sản xuất và bài báo khoa học đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, các chỉ tiêu sản phẩm như: “dòng thuần triển vọng“, “giống được bảo hộ“, “bài báo khoa học“ và “quy mô mô hình sản xuất“ vượt chỉ tiêu kế hoạch từ 25-104%. Bên cạnh đó, nhiệm vụ còn hỗ trợ đào tạo một học viên (Võ Minh Thư) thạc sỹ ngành Khoa học cây trồng, tốt nghiệp tháng 12/2023.

Trong thời gian thực hiện mô hình sản xuất giống lúa màu, các dòng giống lúa màu mới như SR20, SR21 và SR22 đã được nhiêu doanh nghiệp và người trồng lúa biết đến. Vì vậy, nhóm nghiên cứu Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Nông Nghiệp TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ nguồn vật liệu và qui trình canh tác để những đối tác là các doanh nghiệp có nhu cầu trồng thử nghiệm. Giống lúa SR20 đã thể hiện ưu thế tốt hơn về chất lượng cũng như giá trị canh tác nên một số các cá nhân/ đơn vị kinh doanh gạo đã sản xuất và cho ra được dòng gạo dinh dưỡng  bao gồm SR20 hoặc Mắt Rồng. Đối với giống SR21 và SR22 cũng được một vài cá nhân/ tổ chức quan tâm và đầu tư để phát triển dòng gạo dinh dưỡng mới là “gạo tím SR21” và “gạo đen SR22”. Dù giá trị canh tác giống SR21 và SR22 chưa thực sự chiếm nhiều ưu thế như SR20, nhưng đây là các giống lúa có chất lượng và tính khác biệt và khác với các loại gạo màu trên thị trường tiêu dùng hiện nay.

1.jpg

2.jpg

Hình ảnh giống lúa màu SR20 và SR21

Các sản phẩm của nhiệm vụ đã được áp dụng vào thực tiễn

STT

Tên sản phẩm KHCN

Tổ chức/cá nhẫn đã sử dụng

Nơi áp dụng

Sản phẩm thương mại

1

Giống SR20, SR21, SR22 và qui trình canh tác hướng hữu cơ

Công ty TNHH-TMDV VietRice (Thủ Đức- TPHCM)

Công ty TNHH HĐ Tuệ Hân (Thống Nhất, Đồng Nai)

Xã Tân Phú Trung, Củ Chi;

Ông Phạm Văn Minh xã Trung Lập Thượng, Củ Chi;

HTX Hưng Thuận, Trảng Bàng, Tây Ninh;

Gạo SR20, SR21, SR22 (xát dối) túi 1-5 kg

2

Giống SR20, và qui trình canh tác hướng hữu cơ

Công ty CP thực phẩm Nhà nông 4,0

HTX Hưng Thuận, Trảng Bàng; Ông Phạm Văn Minh xã Trung Lập Thượng

Gạo Mắt Rồng SR20; xát dối, túi 5 kg

3

Giống SR20, và qui trình canh tác hướng hữu cơ

Công ty CP sx TN Lúa Vàng Việt-Tây Ninh

Tây Ninh (HTX Bàu Đồn, HTX Phước Bình)

Gạo Mắt Rồng; túi 5- 10 kg.

4

Giống SR20, và qui trình canh tác hướng hữu cơ

HTX Nông nghiệp Tiến Đạt (Vũng Liêm, Vĩnh Long)

Xã Trung Ngãi, Vũng Liêm, Vĩnh Long

Túi 1-5 kg; tiêu chuẩn hữu cơ

5

Giống SR20, và qui trình canh tác hướng hữu cơ

Nông trại Nguyễn Minh Tâm

Xã Đồng Khỏi, Châu Thành, Tây Ninh

Gạo đỏ SR20; túi 5- 10 kg, xát dối.

6

Giống SR20, và qui trình canh tác hướng hữu cơ

Nông trại Nguyễn Thanh Bình.

Thị trấn Phong Phú, Tây Sơn, Bình Định

Gạo đỏ SR20; túi 5- 10 kg.

Kết quả mô hình thí điểm sản xuất giống lúa mới mang lại qua ba vụ  Hè Thu 2021 và Đông Xuân 2021-2022, vụ Thu Đông 2022 của các xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM và xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh cho thấy năng suất lúa có thể đạt tương đương tập quán canh tác truyền thồng của nông dân, ngoài ra có thể thay thế 50% đến 100 % hóa chất BVTV bằng chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh. Tại các xã Tân Phú Trung và Phước Chỉ có các hộ nông dân tham gia, qua quá trình tham gia cho thấy mô hình canh tác đều theo hướng hữu cơ hợp lý và cố định ngay từ đầu vụ sản xuất, mô hình canh tác có thể đem lại thu nhập tốt hơn đối chứng thông qua chi phí cơ hội, đến vụ Đông Xuân, năng suất ruộng mà mô hình mang lại cũng tăng cao với giá thu mua cố định trong khi giá thị trường giảm mạnh so với vụ Hè Thu nên lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận cao hơn vụ Đông Xuân rõ rệt, lãi ròng và lãi gộp của mô hình vượt rõ.

So với kỹ thuật canh tác phổ thông, canh tác theo hướng hữu cơ trên giống lúa màu cho thấy: cây lúa tỷ lệ đẻ nhánh cao, ruộng lúa ít bị sâu bệnh, khi không có sự thay đổi về giá của thị trường phân bón thì phí đầu tư không chênh lệch quá nhiều so với phương pháp canh tác kỹ thuật phổ thông, canh tác theo hướng hữu cơ thường sử dụng và phù hợp với phương pháp gieo bằng máy điều nay mang lại giá trị về mặt sức khỏe, hạn chế sử dụng sức người, mô hình mang lại giá trị trị kinh tế cao cho người dân.

3.jpg

Mô hình sản xuất lúa màu áp dụng công nghệ cao theo qui trình hữu cơ tại Củ Chi, TP HCM

4.jpg

Điểm thử nghiệm Quy trình canh tác hữu cơ giống lúa màu SR20

Kết quả của đề tài nghiên cứu này đã mang lại ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra các giống lúa màu mới, mang lại hiểu suất cao trong canh tác nông nghiệp. Tạo tiền đề cho việc phát triển nguồn lúa màu mới, tăng năng suất cho người dân khi canh tác. Ngoài ra, khi triển khai những mô hình trên, năng suất, chất lượng và lợi nhuận đều được nâng cao so với sản xuất truyền thống. Đây cũng là một trong những mục tiêu phát triển được ngành nông nghiệp hướng tới, tạo bước tiến mới cho ngành nông nghiệp tại vùng Đông Nam Bộ nói riêng và trên cả nước nói chung. Chính vì vậy nhóm nghiên cứu kiến nghị, tiếp tục thực hiện các hoạt động chọn lọc, khảo nghiệm và công nhận lưu hành đối với các dòng/giống lúa màu triển vọng. Nhân rộng mô hình sản xuất giống lúa màu và áp dụng quy trình canh tác hướng hữu cơ và công nghệ cao để có đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn trong sản xuất.

Thông tin liên hệ

Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Nghiệp Miền Nam

Địa chỉ: 121 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đakao, Quận 1, TP.HCM

Điện thoại: 028. 38234076 –  38228371

Email: iasvn@vnn.vn

Website: http://iasvn.org

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537353