Tập huấn áp dụng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc và chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại TP.HCM
13-11-2024Trong 2 ngày từ 12 đến13/11/2024, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) tổ chức lớp tập huấn “Đánh giá hiệu quả công việc và chuyển đổi số”.
Quang cảnh buổi tập huấn.
Lớp tập huấn nhằm phổ biến kiến thức cũng như chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn về giải pháp nâng cao năng suất chất lượng, chuyển đổi số, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đại diện Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, tại TP.HCM, những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số bắt đầu diễn ra mạnh mẽ và rộng khắp trên mọi lĩnh vực, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của tổ chức.
Mặt khác, việc đánh giá hiệu suất công việc (KPI) là yếu tố quan trọng, một “công cụ” hiện đại giúp các nhà quản lý triển khai chiến lược lãnh đạo thành các mục tiêu quản lý và chương trình hành động cụ thể cho từng lĩnh vực, từng cá nhân nhằm đảm bảo sự hiệu quả và tiến bộ trong quản lý tổ chức. Đồng thời, giúp doanh nghiệp theo dõi tiến độ, so sánh các kết quả đạt được với mục tiêu đã đề ra, đo lường hiệu quả việc ứng dụng các công nghệ số vào hoạt động kinh doanh. Bắt nhịp xu thế đó, tính cần thiết của chương trình tập huấn về KPI và chuyển đổi số dần được quan tâm và phổ biến rộng rãi với nhiều hình thức và đa dạng khóa học.
Trong lớp tập huấn lần này, các đại biểu, khách mời tham dự sẽ được trao đổi những nội dung như: các khái niệm liên quan đến KPI; 12 bước xây dựng KPI, KVI trong doanh nghiệp; phương thức sản xuất thông minh trong nền công nghiệp 4.0; các khái niệm về chuyển đổi số; hướng dẫn xây dựng lộ trình chuyển đổi số, sản xuất thông minh cho các tổ chức. Toàn bộ những nội dung này góp phần giúp các doanh nghiệp, tổ chức được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp thêm nhiều vướng mắc trong quá trình hoạt động.
Ông Mai Ngọc Khánh (đại diện Công ty TNHH Coyosu Việt Nam) báo cáo viên tại Hội nghị cho biết, một số KPI quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp gồm các yếu tố như: mức độ tự động hóa quy trình; hiệu suất làm việc của nhân viên; chỉ số sử dụng công nghệ mới; tỷ lệ hoàn thành dự án đúng hạn; giảm chi phí vận hành; tăng doanh thu từ các kênh số; chỉ số hài lòng của khách hàng; chỉ số an ninh và bảo mật thông tin... Những KPI này giúp doanh nghiệp theo dõi và điều chỉnh chiến lược chuyển đổi số, đảm bảo rằng dự án không chỉ triển khai thành công mà còn mang lại giá trị thực tế.
Cụ thể, 12 bước xây dựng KPI, KVI trong doanh nghiệp được triển khai gồm: cam kết của đội ngũ quản lý cấp cao; thành lập đội ngũ dự án “winning KPI”; thiết lập văn hóa và quy trình “cứ làm đi”; thiết lập chiến lược phát triển KPI toàn diện; tiếp thị (marketing) hệ thống KPI đến tất cả nhân viên; xác định các yếu tố thành công quan trọng của tổ chức; ghi lại các phép đo hiệu suất trong cơ sở dữ liệu; chọn các phép đo hiệu suất ở cấp độ đội, nhóm; chọn các KPI “winning KPI” của tổ chức; phát triển khung báo cáo ở mọi cấp; tạo điều kiện thuận tiện cho việc sử dụng các winning KPIs và cuối cùng là bước tinh chỉnh KPI để duy trì sự liên quan của chúng.
Ông Mai Ngọc Khánh (đại diện Công ty TNHH Coyosu Việt Nam) trình bày các nội dung tại sự kiện.
Còn với nội dung về sản xuất thông minh – lộ trình chuyển đổi số, ông Khánh chia sẻ, đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự tích hợp về mặt công nghệ, nhờ đó xóa bỏ ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học, đem lại sự kết hợp giữa hệ thống ảo và thực thể. Thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: nhiều cá nhân/đơn vị chưa theo kịp sự thay đổi, am hiểu về các công nghệ để thực hiện chuyển đổi số; máy tính, thiết bị, hệ thống phần mềm chưa phù hợp với hoạt động chuyển đổi số; rủi ro về an ninh mạng; tốn chi phí để xây dựng cơ sở dữ liệu; thói quen của người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các công việc...
Dịp này, ông Khánh đã làm rõ các khái niệm về sản xuất thông minh, số hóa, chuyển đổi số, IoT, Bigdata, AI & Block-chains… Tại Hội nghị, ông Khánh cũng giới thiệu các phần mềm thông dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số như: MRP, MRPII, ERP, ERP II… Đồng thời hướng dẫn xây dựng lộ trình chuyển đổi số, sản xuất thông minh cho tổ chức, từ việc phổ biến công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SIRI, iBench, VDMA, ViPA), một số giải pháp công nghệ, quản lý theo lộ trình chuyển đổi số, đến đánh giá mức độ sẵn sàng trên thị trường của các nhóm giải pháp.
Được biết, sắp tới, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố hợp chuẩn, hợp quy, mã số mã vạch sản phẩm hàng hóa; tư vấn hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015, TCVN ISO/IEC 17025:2017… Gần nhất, Chi cục sẽ tổ chức các lớp tập huấn (miễn phí) dành cho doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn Thành phố, gồm:
+ Tiêu chuẩn TCVN ISO/IEC 17025:2017 (ISO/IEC 17025:2017) cho các tổ chức thử nghiệm trên địa bàn Thành phố: ngày 19-20/11/2024.
+ Các giải pháp nâng cao toàn diện về năng suất cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố: ngày 26-27/11/2024.
+ Năng suất xanh và kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố: ngày 03-04/12/2024.
Minh Nhã (CESTI)