SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thành công trong nghiên cứu chọn giống tăng trưởng hàu sữa và thử nghiệm nuôi thích nghi

19-09-2024

Việt Nam, hàu là một trong ba đối tượng có sản lượng tăng nhiều nhất trong giai đoạn vừa qua (TCTS 2020). Nam Bộ là nơi có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam. Hàu sữa gần đây đang ngày càng được mở rộng diện tích nuôi ở nhiều vùng biển như Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau… Bên cạnh những ưu điểm dễ nuôi, chi phí thấp, giá trị dinh dưỡng cao và giá thành ổn định thì nghề nuôi hàu sữa cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến chất lượng, khả năng tăng trưởng chậm và tỷ lệ sống thấp (Pierce và O’connor, 2014) kèm theo đó là các vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu chọn giống tăng trưởng hàu sữa (Crassostrea angulata) và thử nghiệm nuôi thích nghi hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas Thunberg, 1973) tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ”. Đề tài do ThS. Nguyễn Thành Luân là chủ nhiệm đã bước đầu thành công chọn lọc con giống hàu sữa thế hệ G1 chất lượng cao. Sự thành công của nghiên cứu này không chỉ từng bước giải quyết việc thoái hóa chất lượng con giống mà còn hiểu biết rõ hơn về đặc tính thích nghi của hàu sữa và hàu Thái Bình Dương, từ đó giúp xây dựng giải pháp, mô hình, địa điểm nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hướng đi mới và triển vọng phát triển bền vững cho ngành nuôi hàu tại Việt Nam

Trong bối cảnh ngành nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và chất lượng con giống, đề tài nghiên cứu "Chọn giống tăng trưởng hàu sữa và thử nghiệm nuôi thích nghi hàu Thái Bình Dương tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Nam Bộ" đã mở ra hướng đi mới rất triển vọng. Nghiên cứu này không chỉ nhắm đến việc cải thiện chất lượng con giống, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen hàu sữa nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho nghề nuôi hàu.

Nghiên cứu hướng tới việc chọn tạo giống hàu sữa có tốc độ sinh trưởng nhanh và khả năng thích nghi tốt với điều kiện môi trường nuôi tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực Nam Bộ. Đặc biệt, nghiên cứu đã xây dựng được bộ chỉ thị phân tử microasatellite (5 chỉ thị) đánh giá đa dạng di truyền quần thể, ước tính các thông số di truyền và chọn lọc 1.000 con hàu sữa bố mẹ chọn giống thế hệ G1 phục vụ chọn giống các thế hệ tiếp theo.

Có thể nói, đây là chương trình chọn giống mang tính thực tiễn cao, đã đúc kết kinh nghiệm, bài học từ các chương trình chọn giống hàu trong nước và quốc tế. Nghiên cứu đã thu thập được nguồn vật liệu ban đầu có tính đa dạng di truyền cao và ứng dụng tốt lý thuyết di truyền chọn giống từ đó tối ưu hóa được các kết quả nghiên cứu đề ra, đảm bảo chất lượng con giống và hiệu quả sản xuất của nghề nuôi hàu khu vực Nam Bộ. Mục tiêu xa hơn có thể phát tán con giống chất lượng cao đã được cải thiện tốc độ tăng trưởng, truy xuất được nguồn gốc phục vụ bền vững nghề nuôi hàu sữa cả nước hướng tới xuất khẩu sản phẩm chất lượng trong thời gian tới.

hau 1.jpg

hau 2.jpghau 3.jpg

hau 4.jpg

 

hau 5.jpg

hau 6.jpg

Một số hình ảnh trong quá trình thực hiện của nhóm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II

Thành tựu nổi bật trong nghiên cứu phát triển giống hàu sữa tại Việt Nam

Nhóm nghiên cứu đã xác định chính xác loài hàu đang được nuôi phổ biến tại Việt Nam là hàu sữa (Crassostrea angulata) thay vì hàu Thái Bình Dương (Crassostrea gigas) như trước đây, dựa trên chỉ thị phân tử COI. Đồng thời, nhóm đã phát triển thành công bộ chỉ thị di truyền phân tử gồm 5 chỉ thị microsatellite, phục vụ cho việc đánh giá đa dạng di truyền quần thể hàu sữa.

Một trong những thành tựu nổi bật của nghiên cứu là tỷ lệ sống của hàu sữa tại Vũng Tàu đạt mức cao nhất 72,58%, cùng với sức sinh sản vượt trội của hàu mẹ G0, với tỷ lệ thụ tinh lên tới 94,98%. Đặc biệt, sau 6 tháng nuôi thử nghiệm, hàu sữa đã cho thấy tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn hẳn so với hàu đối chứng tại các vùng nuôi thử nghiệm, đặc biệt là tại Vũng Tàu.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu đã chọn lọc được 1.400 con hàu bố mẹ hậu bị và 1.000 con bố mẹ từ 13 tổ hợp phối có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, làm nguồn vật liệu ban đầu cho các thế hệ sau. Thế hệ G1 của hàu sữa cũng đạt được tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn với mức tăng trưởng vượt trội 51,55% tại Vũng Tàu và 14,12% tại Cần Giờ, cho thấy khả năng thích nghi tốt với các điều kiện môi trường khác nhau.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình nuôi tăng trưởng nhanh đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học tại Vũng Tàu và Trần Đề (Sóc Trăng), với năng suất thu hoạch tăng từ 29,57% đến 32,45% so với hàu đối chứng.

Những thành tựu này không chỉ khẳng định hiệu quả của quá trình chọn giống mà còn mở ra triển vọng phát triển ngành nuôi trồng hàu tại Việt Nam, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt, nghiên cứu đã đưa ra khuyến nghị quan trọng về việc bổ sung loài hàu sữa Crassostrea angulata vào danh mục các loài được phép nuôi và xuất nhập khẩu thông thường, công bố lại danh pháp khoa học chính xác, và mở rộng mô hình nuôi thử nghiệm ra các khu vực khác để phát triển bền vững.

Nhóm nghiên cứu cũng đã xây dựng thành công mô hình nuôi tăng trưởng nhanh đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học trong điều kiện thực tế ở Vũng Tàu (BR-VT) và Trần Đề (Sóc Trăng) với năng suất thu hoạch tăng lên từ 29,57 - 32,45% ở hàu chọn giống so với hàu đối chứng.

Việc tiếp tục nghiên cứu, áp dụng bộ chỉ thị phân tử để đánh giá đa dạng di truyền và truy xuất phả hệ, cùng với chương trình chọn giống các thế hệ tiếp theo, sẽ là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng con giống, gia tăng năng suất, và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thủy sản Việt Nam trong tương lai.

Đưa hàu sữa Crassostrea angulata vào Trung tâm chương trình nuôi trồng: Kết quả đáng kể và tiềm năng phát triển

Nhóm nghiên cứu đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc cải thiện nuôi trồng hàu sữa tại Việt Nam, mở ra triển vọng mới cho ngành này. Đặc biệt, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng loài hàu sữa Crassostrea angulata là giải pháp hiệu quả cho sự phát triển bền vững trong ngành nuôi trồng. Các mô hình nuôi thử nghiệm đã cho thấy tiềm năng to lớn của Crassostrea angulata trong việc nâng cao sản lượng và tốc độ tăng trưởng của hàu sữa. Kết quả từ việc theo dõi và cải thiện giống qua các thế hệ cho thấy rằng giống hàu sữa này không chỉ đạt hiệu quả cao mà còn bền vững theo thời gian.

Nghiên cứu cũng đã chỉ rõ tác động tích cực của môi trường Cần Giờ đối với sự tăng trưởng và tỷ lệ sống của hàu sữa. Việc thử nghiệm tại các địa điểm khác đã khẳng định khả năng thích nghi của giống hàu sữa Crassostrea angulata, mở ra cơ hội phát triển mô hình nuôi trồng bền vững không chỉ tại TP. Hồ Chí Minh mà còn ở các vùng ven biển Nam Bộ.

Những kết quả này mở ra triển vọng cho việc phát triển mô hình nuôi hàu sữa thương phẩm bền vững, giúp nâng cao sản lượng, tốc độ tăng trưởng, và tỷ lệ sống của hàu sữa. Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc giống hàu sữa cũng tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trong tương lai.

Thông tin liên hệ

Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II

Địa chỉ: 116 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 1, Tp.HCM.

Điện thoại: (84-28) 38299592 Fax: (84-28) 38226807

Email: ria2@mard.gov.vn

Website:  www.vienthuysan2.org.vn

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378