SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thanh thiếu niên TP.HCM làm dự án sáng tạo vì môi trường

29-06-2020

Những ý tưởng sáng tạo của các bạn trẻ mang lại mang lại tác động xã hội tích cực trước các vấn đề về môi trường, khí hậu.

 

Sáng 28/6, Ngày hội sáng tạo dành cho Thanh thiếu niên mang tên Demo Day với chủ đề Hành động vì khí hậu (Climate Action) đã diễn ra, nhấn mạnh sự tham gia tích cực và có ý nghĩa của người trẻ trong các vấn đề về xã hội và môi trường.

Sự kiện này nằm trong chuỗi các hoạt động của UPSHIFT - chương trình được thực hiện bởi UNICEF và Saigon Innovation Hub (SIHUB) thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM. Trong năm 2019-2020, UPSHIFT đã trao tài trợ ươm tạo cho 5 dự án của 24 bạn trẻ, với mục tiêu chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

ttn1

Nhóm Tofu Tree thuyết trình về sản phẩm kênh truyền thông chia sẻ kiến thức cho giới trẻ, có nội dung sử dụng thực phẩm xanh góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe.

Demo Day đánh dấu sự kết thúc 3 giai đoạn của mỗi mùa UPSHIFT, từ tiếp cận cộng đồng đến đào tạo chuyên sâu và cuối cùng là ươm tạo. Ở mỗi giai đoạn, bạn trẻ được trang bị các kỹ năng thiết yếu và hướng dẫn hỗ trợ bởi các chuyên gia những lĩnh vực liên quan.

Sự kiện quy tụ các vườn ươm khởi nghiệp, thanh thiếu niên, các tổ chức phi chính phủ và khu vực tư nhân tại TP.HCM, nhằm giới thiệu dự án của các nhóm UPSHIFT và tìm kiếm sự cộng tác và đầu tư hơn nữa.

Chia sẻ về dự án UPSHIFT, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc SIHUB cho biết, các dự án mà chương trình ươm tạo trong suốt 5 năm qua luôn mang đến cho ông rất nhiều cảm xúc.

ttn2

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc SIHUB chia sẻ tại ngày sáng tạo.

“Chương trình đã giúp trang bị trí thức trong thời đại mới cho hơn 5.000 nhóm bạn trẻ, đặc biệt là tri thức sáng tạo, tri thức kinh doanh để sống và tồn tại cùng thế giới. Mục đích hướng tới của UPSHIFT cũng như của SIHUB là đưa chương trình đổi mới sáng tạo vào giảng dạy ở mọi cấp học tại TP.HCM cũng như Việt Nam, nhằm chuẩn bị cho những thế hệ trẻ tiếp theo có thể làm chủ sự sáng tạo, kinh doanh và trách nhiệm xã hội,” ông Tước chia sẻ.

Demo Day là buổi triển lãm và thuyết trình kết quả thử nghiệm, chia sẻ quá trình thay đổi và trưởng thành của các đội. Đồng thời tại đây, các bạn trẻ có cơ hội tăng cường kết nối hỗ trợ, đồng hành để duy trì và phát triển dự án. Ngoài ra, những dự án này còn là nguồn cảm hứng, khuyến khích thanh thiếu niên tiếp tục hành trình phát triển bản thân, nuôi dưỡng tinh thần công dân tích cực để khởi xướng giải pháp mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Giảm thịt đỏ sống thêm xanh là dự án của nhóm Tofu Tree đến từ trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Theo đại diện của nhóm, mmỗi chúng ta đều có thể góp sức cứu lấy bản thân và hành tinh xanh chỉ bằng 1 hành động đơn giản - giảm ăn thịt. Ý tưởng đã tạo được rất nhiều ấn tượng với người tham dự và nhận được sự hỗ trợ của SIHUB trong thời gian tới về không gian tổ chức sự kiện. Ngoài ra Tofu Tree còn nhận thêm 10 triệu đồng tiền tài trợ của ông Huỳnh Kim Tước.

ttn3

Nhóm UPRIVER (Dự án SELSY) với sản phẩm thay thế túi nhựa bằng cách tận dụng vải vụn dành cho học sinh phổ thông.

Mang đến Demo Day các sản phẩm thay thế túi nhựa bằng cách tận dụng vải vụn dành cho học sinh phổ thông, bạn Nguyễn Như Ý Ngọc, thành viên của UPRIVER, chia sẻ nhóm nhận diện vấn đề liên quan đến khí hậu để tìm nguyên nhân và phác thảo sơ bộ ý tưởng, sau đó thực hiện nghiên cứu đối tượng mục tiêu và lập mô hình kinh doanh tinh gọn. 

Mặc dù gặp ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các bạn trẻ trong thời gian ươm tạo cũng tổ chức buổi workshop cho các em nhỏ từ 12 tuổi đến 15 tuổi tại Cơ sở Bảo trợ Xã hội Thảo Đàn. Buổi nói chuyện nhằm giúp các em hiểu rõ hơn về tác hại của việc sử dụng túi nylon cũng như team giới thiệu và giúp khách tham quan trải nghiệm sản phẩm.

Quan tâm tới cộng đồng xung quanh thông qua ý tưởng "Sức khỏe người thu gom rác", là những hoạt động của nhóm học sinh trường THCS Tân Tạo A, Quận Bình Tân tham gia chương trình UPSHIFT mùa 5.

ttn4

Đại diện nhóm Tân Tạo A thuyết trình với khách tham dự sự kiện.

Chia sẻ tại sự kiện DemoDay, bạn Nguyễn Thị Thanh Trúc, học sinh lớp 7, trường THCS Tân Tạo A, cho biết: “Dự án của nhóm với 3 giải pháp chính là thiết kế đồ bảo hộ (đôi găng tay) phù hợp với công việc thực tế; tạo lập quỹ và hoạt động thăm khám sức khỏe của những người thu gom rác có hoàn cảnh khó khăn trong hợp tác xã; đồng thời tuyên truyền tới người dân khu dân cư về phân loại rác, xử lý rác gây nguy hại tới người thu gom.”

ttn5

Những cô bé nhóm Tân Tạo A tuy còn nhỏ nhưng có ý tưởng rất tốt về môi trường sống.

Cũng tại sự kiện, nhóm Bitbo với dự án cải thiện chất lượng không khí thông qua sử dụng tảo để lọc CO2. Dự án Bitbo với kỳ vọng trong tương lai có thể giúp giúp giảm được 50% lượng khí CO2 cho 4.000 xe gắn máy tại TP.HCM.

ttn6

Mô hình nuôi trồng tảo của nhóm Bitbo.

Bạn Trần Gia Linh, trưởng nhóm chia sẻ: “Để thu khí CO2 từ màng lọc, nhóm đã dùng tảo ngâm cồn để tạo ra chất diệp lục nhân tạo. Ban ngày thực hiện quá trình quang hợp, khí sẽ được giữ lại. Trong quá trình dùng thử, nhóm đã tính toán tảo sẽ giữ lại khoảng từ 70% đến 80% khí CO2 thải ra từ pô xe máy. Ngoài việc hấp thu CO2 thải ra, màng lọc tảo còn là sản phẩm trang trí và đặc biệt là ngăn không cho nước vào bên trong pô xe khi bị ngập nước.”

ttn7

Ý tưởng độc đáo giúp giảm CO2 phát thải từ tảo nuôi.

Nhóm FRIDGE (Dự án Limifood) với mong muốn xậy dựng cộng đồng sử dụng đủ, tránh lãng phí lương thực thông qua ứng dụng kiểm soát lượng tồn thực phẩm.

ttn8

Các bạn trẻ của nhóm FRIDGE giới thiệu về ứng dụng LimitFood.

Bạn Trần Hồ Thúy Na, trưởng nhóm FRIDGE cho biết: “Ứng dụng LimitFood hiện đã có mặt trên hệ điều hành Android với những tính năng hiện có như ghi nhận thực phẩm được người dùng nhập liệu, hiển thị thông báo nhắc nhở người dùng những thực phẩm sắp hết hạn nhưng chưa được sử dụng.”

ttn10

FRIDGE tham vọng phát triển để đáp ứng nhu cầu thực tiễn cho hộ gia đình, hộ kinh doanh sản xuất.

Na cũng cho biết, hiện tại ứng dụng đã có hơn 85% các loại thực phẩm được nhập sẵn kèm theo đó là những khuyến cáo về số ngày bảo quản an toàn. Trong thời gian tới, nhóm sẽ cố gắng nâng cấp nhằm đem đến sự tiện lợi cho người dùng như hạn chế việc nhập liệu, kết hợp với các siêu thị, nhà hàng.

Được tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2015, cho đến nay, UPSHIFT đã thu hút sự tham gia trực tiếp của hàng ngàn bạn trẻ và tiếp cận hàng chục ngàn người quan tâm trên cả nước. Các hội thảo về tư duy thiết kế và xác định vấn đề của UPSHIFT trong giai đoạn tiếp cận cộng đồng đã mang lại lợi ích cho hơn 5.000 thanh thiếu niên, bao gồm những người trẻ tuổi bị thiệt thòi, dễ bị tổn thương và khuyết tật.

ttn11

Hoạt động trao đổi diễn ra sôi nổi tại ngày hội.

Việc triển khai thành công nhiều mùa UPSHIFT qua các năm vừa qua đã giúp nhân rộng phương pháp tiếp cận này tại TP.HCM và những địa phương khác trên cả nước thông qua mô hình câu lạc bộ sáng tạo xã hội nhằm tiếp cận nhiều thanh thiếu niên hơn.

Dự án UPSHIFT nằm trong khuôn khổ “Sáng kiến Thành phố thân thiện với trẻ em” đang triển khai tại TP.HCM, do SIHUB phối hợp với UNICEF tổ chức, hướng đến thanh thiếu niên từ 12 đến 24 tuổi trên địa bàn.

ttn12

Khán giả tham gia chương trình đặt câu hỏi với các nhóm dự án.

Kết thúc chương trình, bà Marianne Oehlers, Trưởng Văn phòng Hợp tác Chương trình UNICEF tại TP.HCM, gửi lời chúc mừng tất cả các bạn thanh thiếu niên đã hoàn thành giai đoạn ươm tạo dự án.

“Với sự hỗ trợ từ UNICEF và các đối tác nhằm xây dựng kỹ năng và ươm tạo, các bạn trẻ đã làm việc cùng nhau để thiết kế, xây dựng, thử nghiệm và hiện thực hóa mô hình. Các giải pháp của các bạn đã góp phần tạo nên một TP.HCM, và nói rộng hơn là đất nước Việt Nam, phát triển toàn diện, an toàn và đáng sống hơn, thông qua việc giải quyết ô nhiễm không khí, ô nhiễm chất thải nhựa và vấn đề lãng phí thực phẩm,” bà Marianne chia sẻ.

Hoàng Anh - khampha.vn


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378