Thành tựu khoa học và thông điệp sức khỏe cộng đồng từ nghiên cứu về bệnh giun đũa chó tại Thành phố Hồ Chí Minh
23-12-2024Bệnh giun đũa chó (Toxocara canis), một bệnh nhiệt đới bị lãng quên, đang âm thầm trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt với trẻ em tại các khu vực nhiệt đới như Việt Nam. Trước thực trạng thiếu hụt các nghiên cứu chuyên sâu về tỷ lệ nhiễm bệnh, hiệu quả điều trị, và các yếu tố nguy cơ liên quan, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã thực hiện một công trình khoa học quan trọng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu không chỉ mang lại những dữ liệu khoa học mới mà còn đặt nền móng cho các chiến lược phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả hơn.
Thực trạng bệnh giun đũa chó tại Việt Nam
Bệnh giun đũa chó, hay còn gọi là bệnh ấu trùng di chuyển nội tạng, gây ra bởi ký sinh trùng Toxocara canis. Phân tích từ 250 nghiên cứu với sự tham gia của 265.327 người tại 71 quốc gia cho thấy gần 1/5 dân số thế giới (19%) có huyết thanh GĐC dương tính (+). Tỷ lệ huyết thanh cao nhất được ghi nhận tại châu Phi (37,7%) và thấp nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải (8,2%). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ GĐC (+) có sự khác biệt lớn giữa các khu vực, với Đông Nam Á đạt mức 34,1%, bao gồm các quốc gia như Indonesia, Philippines, và Việt Nam. Ước tính khoảng 1,4 tỷ người trên toàn cầu, đặc biệt ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, bị nhiễm hoặc phơi nhiễm với các loài Toxocara spp., khẳng định đây là một bệnh nhiệt đới bị lãng quên.
Bệnh này phổ biến tại các khu vực nhiệt đới, trong đó có Việt Nam, và đang dần trở thành mối đe dọa sức khỏe cộng đồng. Theo nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ nhiễm giun đũa chó ở học sinh trong độ tuổi từ 3-15 tuổi là 14,2%. Những trẻ em thường xuyên tiếp xúc với chó mèo, không rửa tay trước khi ăn, hoặc sinh sống trong môi trường vệ sinh kém có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
Ký sinh trùng này có thể di chuyển và gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như gan, não, mắt, và phổi, dẫn đến các triệu chứng như ngứa, mề đay, ban đỏ hoặc thậm chí những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Tại Việt Nam cũng như tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang rất ít nghiên cứu tập trung về tỷ lệ nhiễm ấu trùng giun đũa chó, liệu trình điều trị, theo dõi những tác dụng ngoại ý của thuốc, theo dõi sau điều trị để đánh giá sự đáp ứng của thuốc trên đối tượng chuyên biệt là trẻ em. Xuất phát từ những luận điểm trên, nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài nghiên cứu và đã đạt được một số thành tựu.
Hình chụp hội thảo tư vấn- điều trị Giun đũa chó
Hình chụp hội thảo điều trị Giun đũa chó, tại BV Nhi đồng 2
Hình chụp tại trường Tiểu học Hà Huy Tập, Bình Thạnh
Hình chụp khám bệnh trường THCS Hiệp Phước, Nhà bè
Kết quả nổi bật của nghiên cứu
Đánh giá được hiệu quả điều trị Albendazole
Albendazole, một loại thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị ký sinh trùng, đã được thử nghiệm trên nhóm trẻ em nhiễm giun đũa chó. Kết quả nghiên cứu cho thấy:
- Tỷ lệ khỏi bệnh sau khi điều trị là 28%.
- 96,2% trẻ em giảm hoặc hết triệu chứng lâm sàng.
- 71% chỉ số bạch cầu ái toan trở về bình thường.
- 57,9% chỉ số IgE trở về bình thường.
Mặc dù hiệu quả lâm sàng được cải thiện đáng kể, nhưng tỷ lệ khỏi bệnh còn thấp (khỏi bệnh là hết triệu chứng lâm sàng và mật độ quang OD âm tính sau điều trị) đặt ra yêu cầu tối ưu hóa phác đồ điều trị và tăng cường theo dõi sau điều trị. Đồng thời mở rộng các nghiên cứu tương tự trên quy mô toàn quốc sẽ giúp hiểu rõ hơn về bệnh giun đũa chó và xây dựng chiến lược kiểm soát hiệu quả hơn.
Xác định được các yếu tố nguy cơ quan trọng
Nhóm nghiên cứu đã xác định những yếu tố nguy cơ chính liên quan đến tỷ lệ nhiễm giun đũa chó, bao gồm:
- Trình độ học vấn của người nuôi dưỡng: Trẻ em sống trong gia đình có người nuôi dưỡng có trình độ học vấn thấp có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.
- Tiếp xúc với chó mèo: Những trẻ thường xuyên bồng bế, chơi đùa hoặc tiếp xúc với chó mèo có nguy cơ cao hơn.
- Vệ sinh cá nhân và môi trường: Thói quen không rửa tay trước khi ăn và xử lý phân chó mèo không đúng cách là những yếu tố góp phần lây lan bệnh.
Kết quả nghiên cứu cung cấp dữ liệu quan trọng giúp các bác sĩ và cơ quan y tế có cái nhìn toàn diện hơn về bệnh giun đũa chó. Đặc biệt, nghiên cứu đã làm rõ vai trò của các chỉ số xét nghiệm (như bạch cầu ái toan, IgE) trong việc chẩn đoán và theo dõi bệnh, từ đó hỗ trợ sàng lọc và điều trị hiệu quả hơn và tạo nền tảng cho khoa học, cho y học cộng đồng.
Ngoài ra nhóm nghiên cứu phân tích đơn biến, các yếu tố liên quan tới việc điều trị thất bại GĐC là nơi ở (quận, huyện), trình độ học vấn người nuôi dưỡng, nghề nghiệp người nuôi dưỡng. Mô hình 2 là xử lý phân chó mèo, p< 0,05. Phân tích đa biến, các yếu tố là nơi ở (quận, huyện), xử lý phân chó mèo là 2 yếu tố liên quan độc lập có khả năng gây điều trị thất bại, p< 0,05.
Hình nghiệm thu cấp cơ sở ngày 02/07/2024
Hình nghiệm thu tại SKHCN ngày 30/09/2024
Những điểm mới và tính ứng dụng của nghiên cứu về bệnh giun đũa chó tại Thành phố Hồ Chí Minh
Tỷ lệ nhiễm giun đũa chó là 14,2%, có thể nói đây là nghiên cứu chuyên biệt đầu tiên trên đối tượng là trẻ em tại thành phố Hồ Chí Minh. Trình độ học vấn người nuôi dưỡng, bồng bế chó mèo, rửa tay trước khi ăn, xử lý phân chó mèo có liên quan với nhiễm giun đũa chó. Nghiên cứu này giúp các cơ quan hữu quan cần có những chính sách, tuyên truyền về kiến thức nuôi chó, cần tẩy giun định kỳ, không thả rông, hạn chế tiếp xúc chó, rửa tay trước khi ăn, nhằm góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm về giun đũa chó trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, nghiên cứu cung cấp thông tin giá trị giúp các thầy thuốc lâm sàng có cái nhìn toàn diện hơn về nhiễm giun đũa chó, tránh bỏ sót bệnh. Trẻ em ngứa, mề đay, ban đỏ, xét nghiệm máu có tăng bạch cầu ái toan> 0,38 K/µL3, chưa rõ nguyên nhân, cần hướng đến tầm soát bệnh giun đũa chó để chẩn đoán và điều trị kịp thời. Sử dụng giá trị điểm cắt tối ưu của bạch cầu ái toan của nghiên cứu này để phát hiện và sàng lọc những trẻ em có nguy cơ cao nhiễm giun đũa chó. Xét nghiệm công thức máu trong đó có bạch cầu ái toan có thể thực hiện tại các tuyến bệnh viện, trạm y tế.
Ngoài ra, nghiên cứu còn chỉ ra rằng điều kiện sống kém vệ sinh và xử lý phân chó mèo không đúng cách là những yếu tố độc lập dẫn đến nguy cơ điều trị thất bại. Kết quả về hiệu quả điều trị giun đũa chó từ nghiên cứu này mở ra cơ hội cho các nghiên cứu tiếp theo nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tầm quan trọng của nghiên cứu
Nghiên cứu đã cung cấp một cái nhìn tổng thể về thực trạng bệnh giun đũa chó ở trẻ em tại Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời mở ra hướng đi mới cho các nghiên cứu tương lai. Tỷ lệ nhiễm bệnh và hiệu quả điều trị albendazole được xác định rõ ràng, cùng các yếu tố nguy cơ chính, là cơ sở khoa học vững chắc để đưa ra những giải pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Việc nâng cao ý thức cộng đồng, cải thiện vệ sinh môi trường và tối ưu hóa phác đồ điều trị không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ em mà còn góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh và an toàn hơn.
Nghiên cứu về bệnh giun đũa chó tại Thành phố Hồ Chí Minh đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và đưa ra giải pháp kiểm soát căn bệnh này. Kết quả nghiên cứu không chỉ cung cấp nền tảng khoa học vững chắc mà còn đưa ra những gợi ý thiết thực giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm giun đũa chó trong cộng đồng. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe thế hệ trẻ và xây dựng một môi trường sống an toàn, rất cần sự chung tay của mọi người.
Các nhà khoa học tiếp tục đóng vai trò nghiên cứu và đề xuất giải pháp, các bác sĩ lâm sàng cần cập nhật kiến thức để phát hiện và điều trị hiệu quả. Song song đó, từng hộ gia đình cần chủ động thay đổi thói quen hàng ngày: nuôi thú cưng có trách nhiệm, tẩy giun định kỳ cho vật nuôi, không để chúng thả rông, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, và xử lý phân chó mèo đúng cách.
Hãy hành động ngay hôm nay để nâng cao ý thức cộng đồng và phòng ngừa bệnh giun đũa chó! Bằng những thay đổi nhỏ, mỗi người trong chúng ta có thể góp phần bảo vệ sức khỏe cho trẻ em và mang lại một môi trường sống lành mạnh, an toàn cho tất cả mọi người. Hành động của bạn, dù nhỏ bé, sẽ tạo nên một sự thay đổi lớn cho tương lai!
Thông tin liên hệ Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Địa chỉ: Số 2 Dương Quang Trung, P.12, Q.10, TP.HCM Điện thoại: (028) 38 652 435 Fax: (028) 38 650 025 Email: dhpnt@pnt.edu.vn Website: https://www.pnt.edu.vn/ |