Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng trưởng cao tại Việt Nam
30-05-2023Đây là chủ đề báo cáo của Hội thảo mà Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank tổ chức nhằm tham vấn các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố đối với dự thảo nội dung của báo cáo này trước khi nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới hoàn chỉnh báo cáo chính thức gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Ngày 30/05/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp với Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank đã tổ chức Hội thảo tham vấn Báo cáo của Ngân hàng thế giới về “Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng trưởng cao tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở, TS. Chu Vân Hải - Phó Giám đốc Sở và đại diện phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường Công nghệ cũng như một số phòng ban chuyên môn thuộc Sở. Về phía Ngân hàng thế giới World Bank có TS. Marcin Piatkowski - Nhà Kinh tế trưởng và Quản lý dự án Phát triển kinh tế tư nhân, TS. Anwar Aridi và TS. Đặng Quang Vinh - Chuyên gia cao cấp cùng gần 100 đại biểu là đại diện của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thành phố gồm các Sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân quận huyện, TP. Thủ Đức, các trường viện, các trung tâm ươm tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia, quỹ đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Hội thảo thu hút đã được gần 100 đại biểu là đại diện đến từ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thành phố cùng tham dự
Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM - Nguyễn Việt Dũng cho rằng, Khoa học và Công nghệ nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, một phần quan trọng là nhờ chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước. Chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và các đối tác trên thế giới. Hợp tác quốc tế về Khoa học và Công nghệ đã trở thành một yếu tố quan trọng trong kinh tế đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay. Nó là nguồn lực to lớn, cầu nối, kênh dẫn không thể thiếu được đối với các hoạt động Khoa học và Công nghệ của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cũng như hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng không nằm ngoài xu thế này.
TS. Nguyễn Việt Dũng - Thành ủy viên - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM phát biểu tại Hội nghị
Cũng theo TS. Nguyễn Việt Dũng trong thời gian qua, mặc dù đã có nhiều thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần nhìn nhận một sự thật là hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của nước ta vẫn có một khoảng cách nhất định so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Với mong muốn đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp cận được với môi trường quốc tế và là cầu nối cho các doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu với các nguồn lực trên thế giới, góp phần đưa doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam tới sân chơi toàn cầu. Trong khuôn khổ hợp tác giữa Ngân hàng thế giới World Bank với Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân TP.HCM, nhóm Phát triển khu vực Tư nhân của Ngân hàng thế giới do TS. Marcin Piatkowski làm trưởng nhóm đã chủ trì và phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM xây dựng báo cáo “Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng trưởng cao tại Việt Nam. Kết quả chẩn đoán hệ sinh thái khởi nghiệp”, báo cáo sẽ cho chúng ta bức tranh toàn cảnh về hiện trạng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam dưới góc nhìn của các chuyên gia quốc tế.
“Chúng tôi rất trân trọng báo cáo của Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank. Thông qua Hội thảo này, chúng tôi rất mong muốn nhận được các góp ý quý báu của đại diện các Sở, ban, ngành, các quận huyện, các chuyên gia và cộng đồng đối với dự thảo nội dung của báo cáo này trước khi nhóm nghiên cứu của Ngân hàng thế giới hoàn chỉnh báo cáo chính thức gửi Bộ Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân TP.HCM. Qua đó, thúc đẩy số lượng và chất lượng của các công ty khởi nghiệp định hướng tăng trưởng cao, giảm thiếu hụt tài chính cho đổi mới sáng tạo và giảm bớt các rào cản hiện có đối với sự phát triển của các công ty mới. Đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế với Ngân hàng thế giới trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác, nguồn lực chuyên gia để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thành phố”, ông Nguyễn Việt Dũng chia sẻ.
Tại Hội thảo, Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã giới thiệu Báo cáo “Thúc đẩy Kinh doanh tăng trưởng cao và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam từ kết quả đánh giá, dự đoán cho hệ sinh thái khởi nghiệp”.
TS. Marcin Piatkowski - Nhà Kinh tế trưởng và Quản lý dự án Phát triển kinh tế tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank - Trưởng nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tại Hội thảo
Theo TS. Marcin Piatkowski - Nhà Kinh tế trưởng và Quản lý dự án Phát triển kinh tế tư nhân - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, nhóm nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và đưa ra khuyến nghị mục tiêu nhằm cải thiện điều kiện để khởi nghiệp phát triển trong nước với 3 câu hỏi nghiên cứu chính: Tại Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư có quy trình phát triển như thế nào? Đâu là nguồn cung tài chính đổi mới sáng tạo trong vòng đời khởi nghiệp? Có những chính sách, quy định, điều kiện thị trường, mạng lưới và đơn vị trung gian nào hỗ trợ hoặc hạn chế hoạt động khởi nghiệp?
“Chúng tôi có 7 khuyến nghị về chính sách gồm: Cải thiện vị thế và việc điều phối chương trình nghị sự khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Củng cố/định hướng lại cơ cấu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và hoạt động khởi nghiệp theo hướng xây dựng hệ thống các doanh nghiệp khởi nghiệp có định hướng tăng trưởng và có thể nhận đầu tư; Cải thiện việc thực thi và hiệu quả chính sách thông qua xây dựng năng lực cho các đơn vị đổi mới sáng tạo và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; Tăng cường đóng góp của lĩnh vực nghiên cứu công vào hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính cho các doanh nghiệp khởi nghiệp định hướng tăng trưởng và doanh nghiệp vừa và nhỏ; Giải quyết các rào cản quy định về việc gia nhập, thoái vốn và tăng trưởng của doanh nghiệp thông qua các cải cách nhanh được xây dựng bằng các cuộc đối thoại công tư; Định vị TP.HCM là môi trường thử nghiệm về chính sách và là trung tâm khởi nghiệp công nghệ của khu vực”, TS. Marcin Piatkowski nói.
Dưới sự chủ trì của Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, trên tinh thần trao đổi cởi mở, thiện chí, hợp tác Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank đã cùng đại diện của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Thành phố, các trường viện, các trung tâm ươm tạo, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyên gia, quỹ đầu tư trên địa bàn Thành phố tham vấn cũng như chia sẻ những khó khăn, góp ý những nội dung mà báo cáo cần hoàn thiện, kiến nghị những giải pháp cụ thể tập trung vào chính sách, nguồn nhân lực và vốn…
Nhiều góp ý và đề xuất để hoàn thiện báo cáo được các chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố thẳng thắn trình bày tại Hội thảo
Được biết, trước đó vào hồi tháng 2/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cũng đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn Chuyên gia cấp cao của Ngân hàng thế giới World Bank nhằm tìm hiểu về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP.HCM. Đồng thời, tìm hiểu khả năng hợp tác trong các dự án nghiên cứu và hỗ trợ đầu tư, phát triển cộng đồng khởi nghiệp. Qua đó, góp phần tăng cường hợp tác quốc tế, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP.HCM với Ngân hàng thế giới World Bank.
Đại diện Nhóm phát triển Khu vực tư nhân, Ngân hàng Thế giới World Bank chụp ảnh lưu niệm với Đại diện Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các phòng ban chuyên môn thuộc Sở và các chuyên gia cũng như cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Thành phố
Nhật Linh (CESTI)