Thúc đẩy kinh tế số từ chiều sâu học thuật đến thực tiễn chính sách: Hợp lực giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Trường Đại học Kinh tế - Luật
16-05-2025Sáng ngày 15/5, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM có buổi làm việc với Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) nhằm thống nhất kế hoạch tổ chức “Diễn đàn Ngân hàng số, FinTech và Tài sản số 2025” trong bối cảnh Thành phố đang đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo gắn liền với lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Diễn đàn năm nay mang tầm vóc quốc gia và khu vực, dự kiến diễn ra vào ngày 18/9, quy tụ sự tham gia của Lãnh đạo UBND TP.HCM, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ…, cùng đại diện các ngân hàng thương mại, tổ chức FinTech, doanh nghiệp công nghệ, viện nghiên cứu và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo. Trong đó, chương trình tọa đàm sẽ được tổ chức tại khách sạn Rex (Quận 1, TP.HCM), với ba phiên chuyên đề xoay quanh các trụ cột của kinh tế số: Ngân hàng số, FinTech và Tài sản số.
Tại buổi làm việc sáng 15/5, ông Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng UEL - cho biết, Diễn đàn năm nay là kết quả của chuỗi hợp tác nghiên cứu và truyền thông trong lĩnh vực tài chính số giữa nhà trường, các sở ngành và doanh nghiệp suốt nhiều năm qua. Đây là thời điểm chín muồi để TP.HCM định hình tiếng nói học thuật và chính sách vững vàng trong kinh tế số.
Ông Hoàng Công Gia Khánh (bên phải) - Hiệu trưởng UEL - trao đổi các nội dung tại buổi làm việc.
Về phía Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở, nhấn mạnh vai trò tiên phong của TP.HCM trong việc tạo lập hệ sinh thái công nghệ tài chính năng động, lấy đổi mới sáng tạo làm động lực. Ông Thắng bày tỏ mong muốn, từ sự kiện lần này sẽ hình thành một nhóm các kiến nghị chính sách có giá trị thực tiễn cao, phản ánh đúng đặc thù đô thị lớn nhất cả nước trong quá trình chuyển đổi số.
Theo đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hai cấu phần còn thiếu trong phương pháp đo lường kinh tế số hiện hành là thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ - vốn chiếm tỷ trọng không nhỏ tại TP.HCM - điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết về hoàn thiện công cụ thống kê và phân tích.
Từ điểm này, ông Thắng gợi ý việc có thể nghiên cứu và công bố phương pháp đo lường kinh tế số của TP.HCM - ngay tại Diễn đàn ngày 18/9 sắp tới. Đây được kỳ vọng là lần đầu tiên Thành phố đưa ra một bộ công cụ định lượng chính thức, có cơ sở khoa học và khả năng triển khai thực tiễn, nhằm đánh giá tỷ trọng kinh tế số trong tổng thể nền kinh tế địa phương.
Buổi làm việc giữa Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM (UEL) sáng ngày 15/5.
Gắn kết với chương trình Diễn đàn là chuỗi hoạt động khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực tài chính số dành cho sinh viên toàn quốc. Theo đó, cuộc thi trong chương trình diễn ra theo các giai đoạn: đánh giá ý tưởng qua hình thức trực tuyến, xây dựng mô hình kinh doanh, và trình bày trước Hội đồng Giám khảo - với sự tham gia của các chuyên gia từ UEL, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, các ngân hàng và nhà đầu tư. Thông qua việc phối hợp với Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo - SIHUB (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), các dự án xuất sắc sẽ được ươm tạo và kết nối với doanh nghiệp thực tế. “Các hoạt động này sẽ là tiền đề cho các cuộc thi có quy mô và phạm vi lớn hơn, không chỉ dành cho đối tượng học sinh sinh viên”, ông Khánh chia sẻ thêm.
Đại diện phía UEL khẳng định, điều quan trọng không chỉ là thi và trao giải, mà là làm sao để những ý tưởng tốt được “ươm mầm” thành sản phẩm thương mại. Nhà trường mong muốn có sự đồng hành lâu dài từ chính quyền Thành phố, các trung tâm khởi nghiệp, và đặc biệt là từ Sở Khoa học và Công nghệ - nơi có nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực cho các hoạt động đổi mới sáng tạo.
Ông Lê Thanh Tâm (bên trái) - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dữ liệu quốc tế Việt Nam (đồng tổ chức sự kiện) - phát biểu tại buổi làm việc sáng ngày 15/5.
Đại diện các bên đều cho rằng đây không chỉ là cơ hội học thuật, mà là một bước đi cần thiết để các sở ngành TP.HCM chủ động đề xuất các chính sách riêng, phù hợp với thực tiễn đô thị đặc biệt. Diễn đàn cũng là dịp để TP.HCM khẳng định vai trò đầu tàu cả nước trong lĩnh vực ngân hàng số, từ kết quả đo lường đến xây dựng mô hình thử nghiệm thực tế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tổng kết cuộc họp, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và Trường Đại học Kinh tế - Luật cam kết sẽ tiếp tục đồng hành trong các hoạt động dài hạn nhằm hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế số của Thành phố. Sự kiện Diễn đàn Ngân hàng số, FinTech và Tài sản số 2025 sắp tới được kỳ vọng sẽ là bước chuyển mình của TP.HCM từ một trung tâm công nghệ - sang một trung tâm đổi mới chính sách, từ nghiên cứu - sang hành động vì cộng đồng.
Minh Nhã (CESTI)