Thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo khu vực công ở công chức – viên chức trẻ
16-05-2022Đổi mới sáng tạo trong khu vực công đang là yêu cầu hết sức thiết thực đối với công chức, viên chức nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời giúp giải quyết các thách thức xã hội.
Làm xong người ta có dùng không?
Đây là câu hỏi của ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) đặt ra để minh chứng cho tính thiết thực của giá trị đổi mới sáng tạo đối với xã hội tại Lớp tập huấn Đổi mới sáng tạo trong khu vực công cho Đoàn viên thanh niên ở Cụm Hành chính - Sự nghiệp.
Lớp tập huấn do Đoàn Sở Khoa học và Công nghệ thuộc Đoàn Khối Dân – Chính – Đảng đăng cai tổ chức, với sự tham dự của hơn 180 công chức, viên chức trẻ. Lớp tập huấn là một trong những hoạt động chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 năm 2022, đồng thời đẩy mạnh phong trào Tuổi trẻ sáng tạo, thiết thực chào mừng Đại hội Đoàn các cấp tiến tới Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ XI và Đại hội Đoàn Toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
Tại buổi tập huấn, công chức – viên chức trẻ Cụm Hành chính - Sự nghiệp đã trao đổi, chia sẻ những thắc mắc về đổi mới sáng tạo trong công việc hàng ngày, tìm hiểu những ý tưởng, giải pháp nhằm tháo gỡ các rào cản trong công việc.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, đổi mới sáng tạo có 3 đặc trưng cơ bản là: tạo ra cái mới hoặc cải tiến đáng kể, có khả năng triển khai trong thực tế để giải quyết vấn đề, mang lại giá trị cho xã hội.
Trong giai đoạn hiện nay, đổi mới sáng tạo trong khu vực công là chìa khóa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời giúp giải quyết các thách thức xã hội. Từ đó, đổi mới sáng tạo có thể làm thỏa mãn sự hài lòng của người dân, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển khoa học - công nghệ, như phát triển đô thị thông minh và thực hiện chuyển đổi số. Đổi mới sáng tạo khu vực công nếu phát triển cũng sẽ kéo theo khu vực tư phát triển, đồng thời đổi mới sáng tạo khu vực công còn tạo ra môi trường năng động để thu hút nguồn nhân lực tài năng vào lảm việc.
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, công nghệ chỉ là công cụ, vấn đề là công chức – viên chức trẻ biết cách khơi lên vấn đề. Vì dụ trong chuyển đổi số, phải xác định vấn đề bắt nguồn từ đâu, xác định quy trình – mô hình nào bằng tư duy đổi mới sáng tạo, từ đó ứng dụng công nghệ hoặc hợp tác đổi mới sáng tạo với các nhà cung cấp giải pháp.
“Mình làm xong người ta có dùng không? Đó mới là thước đo giá trị đổi mới sáng tạo có thiết thực với xã hội hay không.”, ông Nguyễn Việt Dũng đặt ra câu hỏi để minh chứng cho tính thiết thực của giá trị đổi mới sáng tạo đối với xã hội.
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công
Nhiều báo cáo cho thấy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công gặp nhiều rào cản như: tính quan liêu, thiếu tinh thần khởi tạo (entrepreneurial spirit), thiếu chiến lược đổi mới sáng tạo… Vậy “làm thế nào để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực công nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân, trong điều kiện nguồn lực có hạn?” cũng là thắc mắc mà nhiều Đoàn viên thanh niên trăn trở.
Báo cáo tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Việt Dũng cho rằng công chức – viên chức trẻ cần xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo bằng cách xây dựng phẩm chất tinh thần khởi tạo; xây dựng phương châm hợp tác đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo mở; xây dựng phương pháp, kỹ năng thực hành đổi mới sáng tạo. Nhìn chung, cần xác định vấn đề, từ đó tiến hành xây dựng ý tưởng, giải pháp, sau đó ươm tạo giải pháp, thử sai liên tục để hoàn thiện. Triển khai và tiếp tục học hỏi để cải tiến và phát triển.
Theo đó, từng cá nhân cần tập cách nhìn vấn đề phải tự nghĩ xem có cách nào làm tốt hơn không, có dám mạo hiểm chấp nhận làm thử hay không. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị, tổ chức cũng cần xây dựng chiến lược đổi mới sáng tạo để định vị được vị trí hiện tại, xác định các bước tiến trong thời gian tới. Vai trò xung kích của Đoàn viên thanh niên cũng cần được phát huy trong hoạt động xây dựng các mô hình sáng tạo nhằm rèn luyện năng lực phản xạ, suy nghĩ những hướng đi đổi mới sáng tạo để giải quyết vấn đề, cũng như phát huy tính chủ động trong chia sẻ, học tập lẫn nhau ở thanh niên.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đang triển khai một số chính sách, chương trình hỗ trợ để thúc đẩy đổi mới sáng tạo như:
+ Inno-Coffee: sự kiện kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để trình bày vấn đề và tìm kiếm đối tác, giải pháp.
+ R&D: chính sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển giải pháp.
+ Sandbox: chính sách hỗ trợ thử nghiệm.
Thực tế cho thấy, còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết trong thực tiễn, nên đầu vào cho đổi mới sáng tạo trong khu vực công là rất nhiều. Các giải pháp về công nghệ cũng có sẵn nhưng chưa được khai thác, sử dụng hợp lý để phục vụ xã hội. Mặt khác, hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công không chỉ giới hạn thực hiện qua con đường đầu tư công, mà còn có thể thực hiện bằng các mô hình hợp tác công tư, xã hội hóa… thu hút các nguồn lực xã hội cùng tham gia.
Hoàng Kim (CESTI)