SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Tiến sỹ chế máy lọc nước siêu hấp thụ tĩnh điện đầu tiên tại Việt Nam

18-11-2019

Công nghệ lọc nước siêu hấp thụ (CDI) không chỉ giữ được đến hơn 90% nước, khử trên 99% vi khuẩn mà còn giữ lại các khoáng chất có lợi.

 

Sau 5 năm nghiên cứu công nghệ CDI nền tảng bên Mỹ, TS Đỗ Hữu Quyết, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ, và cộng sự tiếp tục nghiên cứu trong nước khoảng 2 năm để sản xuất ra máy lọc nước Vietdream bằng công nghệ siêu hấp thụ tĩnh điện CDI đầu tiên tại Việt Nam.

CDI là công nghệ mới nhất hiện nay trên thế giới để xử lý các chất hòa tan trong nước, bao gồm muối và các chất gây ô nhiễm. Công nghệ này dùng phương pháp điện phân, dùng điện cực để hút các ion hòa tan trong nước như ion kim loại nặng, các chất độc…

locnuoc2

Giới thiệu công nghệ CDI tại hội thảo trình "Xu hướng ứng dụng công nghệ lọc nước siêu hấp thu (CDI) xử lý nước đa ô nhiễm, nhiễm mặn cho nước uống, sinh hoạt và sản xuất".

TS Đỗ Hữu Quyết cho biết, chất lượng nước sinh hoạt đang là vấn đề hết sức nghiêm trọng hiện nay. Không chỉ gây hư hỏng các thiết bị như vòi nước, đường ống…, các tạp chất độc hại trong nước còn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng. Theo thống kê, 46% mẫu nước sinh hoạt TP.HCM không đạt tiêu chuẩn, trên 65% nước ngầm đồng bằng sông Hồng ô nhiễm.

Trong khi đó, các công nghệ lọc nước hiện nay như lọc thô (than, cát, sỏi) tuy giảm được chất bẩn, hữu cơ, phèn Fe, Mn, một phần As, chi phí đầu tư thấp, nhưng phải xả ngược, thay vật liệu định kỳ, không lọc được vi khuẩn và hầu hết các chất hòa tan khác. Công nghệ lọc trao đổi ion (dùng muối ăn trong hạt nhựa để trao đổi với các ion khác như Ca2+, Mg2+, Fe3+ ... chứa trong nước đầu vào) có ưu điểm như loại ion vô cơ hiệu quả, có thể tái sinh, đầu tư ban đầu không quá cao. Tuy nhiên, công nghệ này không loại được chất lơ lửng, vi sinh, các hạt nhựa có thể bong ra gây độc nước, là chỗ dựa cho vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, chi phí vận hành cao, dễ bị thoái hóa dần, cần muối đậm đặc tái sinh, làm ô nhiễm nguồn nước, đất và không lọc được nước lợ. 

Đối với các công nghệ như lọc cơ học, lọc micro (UF), lọc nano, lọc RO là sử dụng lực để ép nước nguồn qua một màng có các lỗ nhỏ để loại chất bẩn lớn, cho các chất nhỏ hơn và nước đi qua. Ưu điểm chung của các công nghệ này là có kết cấu đa dạng từ đơn giản đến phức tạp, có tính tùy chọn cao để phù hợp với từng loại nước, chi phí thấp. Nhưng nhược điểm chung là không giữ khoáng (trừ UF, nhưng không lọc được vi sinh), chưa điều chỉnh được lượng khoáng, tuổi thọ thấp, phải thay lõi thường xuyên.

locnuoc1

TS Nguyễn Hữu Quyết giới thiệu về công nghệ lọc nước CDI với khách tham quan

Trong khi đó, với công nghệ lọc nước CDI, nước cần xử lý được cho đi song song với màng điện cực, không gây áp lực cao làm rách màng gây thất thoát vi khuẩn và chất độc hại. Nhờ đó, tuổi thọ màng được nâng cao đến khoảng 10 năm. Nước qua màng điện cực được lọc sạch chất lơ lửng (> 1µm), hấp thu 100% các chất độc như thuốc trừ sâu, phân bón, kim loại nặng, chất oxi hóa gây ung thư, loại trên 99% vi khuẩn, trung tính hóa độ pH. Ngoài ra, CDI còn giúp lưu giữ trên 50% các dưỡng chất cần thiết như Na, K, Li, một phần Ca, Mg, Fe, P…

Đặc biệt, công nghệ này giữ được đến hơn 90% nước, khử trên 99% vi khuẩn mà còn giữ lại các khoáng chất có lợi. Đây là điều mà các công nghệ hiện nay như lọc RO không làm được. Chất lượng nước đã được kiểm định đạt chất lượng nước uống an toàn tại các cơ sở kiểm định uy tín.

“Nước lọc đầu ra theo công nghệ này có thể uống trực tiếp và có thể xử lý được nhiều loại nước đầu nguồn như nước sinh hoạt, nông nghiệp, nước thải công nghiệp, nước nhiễm mặn, nước lợ,… mà theo công nghệ RO không giải quyết được”, TS Quyết cho biết.

Ngoài ra, công nghệ CDI mà Vietdream sử dụng đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người sử dụng. Chi phí lọc 20l nước bằng CDI chỉ tiêu tốn 480 đồng, giảm gần 8 lần so với công nghệ lọc RO phổ biến hiện nay (gần 4.000 đồng).

Công nghệ này mới đây đã được giới thiệu tại hội thảo trình "Xu hướng ứng dụng công nghệ lọc nước siêu hấp thu (CDI) xử lý nước đa ô nhiễm, nhiễm mặn cho nước uống, sinh hoạt và sản xuất". Hội thảo do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) tổ chức.

 

Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378