SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM đặt hàng nhiều nội dung về chọn tạo giống, tự động hóa trong nông nghiệp

26-10-2023
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành nông nghiệp Thành phố, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, giá trị gia tăng, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao và thân thiện với môi trường.

Ngày 24/10/2023, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Sự kiện Kết nối sáng tạo tháng 10 chủ đề “Ứng dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống trong nông nghiệp (Trồng trọt, Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản)”. Sự kiện nhằm công bố thông tin rộng rãi đến cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với mong muốn tìm kiếm các giải pháp ứng dụng trong việc chọn tạo giống phát triển ngành nông nghiệp Thành phố. Từ đó, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống, nhằm đảm bảo cung cấp đầy đủ giống chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2030.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) cho biết, hiện nay Thành phố đang kỳ vọng nâng cao năng lực nghiên cứu công nghệ sinh học, cụ thể là chọn và lai tạo nguồn giống có chất lượng, nhằm cung cấp cho nhu cầu phát triển nông nghiệp đô thị - nông nghiệp công nghệ cao cho cả Thành phố cùng các tỉnh thành lân cận. Do đó, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM mong muốn nhận được các đề xuất, kiến nghị của nhà khoa học, chuyên gia cũng như các cơ quan – đơn vị để tiến hành đặt hàng nghiên cứu, triển khai các giải pháp, mô hình ứng dụng vào nông nghiệp trong thời gian tới.

Ketnoisangtao101.jpg

Ông Lê Thanh Minh (Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu khai mạc sự kiện

Từ những kinh nghiệm “xương máu” về quá trình nghiên cứu giống vật nuôi - cây trồng nhiều gian nan và thách thức, ông Đinh Minh Hiệp (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) gợi mở các đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp cần có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhau. Điển hình là phân bổ vị trí nuôi trồng có dự phòng, để khi chẳng may có sự cố thì vẫn còn khả năng duy trì để tiếp tục lai tạo giống.

Ketnoisangtao102.jpg

Ông Đinh Minh Hiệp (Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM) công bố các nội dung đặt hàng

Dịp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt hàng nhiều nội dung, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2030, bao gồm:

+ Chọn tạo và phát triển các giống cây trồng mới năng suất, chất lượng cao, có giá trị thương phẩm cao, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất lợi, cải tiến tính trạng các giống cây trồng như: cây rau, hoa lan, mai vàng, hoa nên, cây ăn quả và một số cây trồng khác có chất lượng cao và thích ứng với biên đổi khí hậu.

+ Ứng dụng công nghệ sinh học chọn lọc, tạo ra những giống nấm có năng suất, chất lượng cao đặc tính tốt, giá trị kinh tế và y sinh. Hoàn thiện quy trình tạo ra giống nấm gốc có giá trị.

+ Quản lý đàn heo giống bằng công nghệ thông tin (phần mềm thu thập và quản lý cơ sở dữ liệu); đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phấm.

+ Ứng dụng nhanh công nghệ chọn tạo giống tiên tiến của thế giới bằng phương pháp BLUP và GEN BLUP, xây dựng hệ thống đánh giá di truyền cho các trại giống heo thuần trên toàn địa bàn Thành phố. Từ đó, xây dựng hệ thống giống theo mô hình một tháp giống 4 cấp chung cho toàn Thành phố, bao gồm cả trang trại vệ tinh, nhằm đánh giá di truyền thông qua chỉ số EBV kết hợp ứng dụng công nghệ sinh học về gen trong chọn lọc để cải thiện nhanh chất lượng đàn giống heo của Thành phố, tổ chức liên kết trao đổi, khai thác nguồn gen tốt giữa các trại giống.

+ Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử (công nghệ gen) để đánh giá tính trạng di truyền, chọn lọc cá thể có tính trạng tốt làm giống cụ kỵ, ông bà…

+ Triển khai quản lý giống bò sữa, bò thịt theo phương pháp cải thiện chất lượng đàn bò (Dairy/Beef Herd Improvement - DHI/BHI), nhằm thu thập dữ liệu cá thể giống, các yếu tố ảnh hưởng đến cải thiện chất lượng đàn bò sữa (dinh dưỡng, chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, thú y... ), năng suất, chất lượng sữa tại các trại chăn nuôi. Tăng cường loại thải các cá thể năng suất kém, giữ lại đàn cao sản phù hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm để tiếp tục nhân giống.

+ Đánh giá hiện trạng di truyền A1 - A2 của đàn bò sữa Thành phố để chọn đàn bò hạt nhân A2 chất lượng cao.

+ Tăng cường công tác quản lý giống bò sữa, bò thịt băng cơ sở dữ liệu như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phương pháp tiên tiến trong đánh giá tiềm năng di truyền, ước tính giá trị giông (EBV), giúp việc chọn lọc và nhân giống đạt hiệu quả cao.

+ Nghiên cứu làm chủ và phát triển công nghệ chọn tạo giống bố mẹ và kỹ thuật sản xuất giống đối với giống thủy sản chủ lực nước ngọt, nước mặn lợ (tôm sú, tôm thẻ, tôm càng xanh, cá, giống nhuyễn thể...) và cá cảnh.

+ Nghiên cứu sinh sản nhân tạo một số cá cảnh có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục chọn lọc và phát triển các dòng cá bản địa; sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử để đánh giá tính trạng di truyền các loài cá cảnh, tôm giống bố mẹ.

+ Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản...) tại các quận, huyện còn diện tích đất sản xuất nông nghiệp tập trung trên 5 sản phẩm chủ lực (rau quả, hoa kiểng, heo, bò sữa, tôm) và 1 sản phẩm tiềm năng (cá cảnh) của ngành nông nghiệp Thành phố.

+ Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ tổng hợp và cơ giới hóa, tự động hóa quá trình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... và thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến các loại sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn sinh học quy mô công nghiệp, trang trại

+ Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ thủy canh, tưới nước tiết kiệm, hệ thống tưới tự động, hệ thống năng lượng mặt trời, cơ giới hóa, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, giá thể, xử lý ra hoa, điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng, chăm sóc, thu hoạch, sử dụng vật liệu trong bao gói sản phẩm; nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ thâm canh và quản lý cây trồng tổng hợp; quy trình công nghệ sản xuất cây trồng an toàn.

+ Tự động hóa quá trình chăn nuôi quy mô công nghiệp, trang trại quy mô lớn khép kín đảm bảo an toàn sinh học, thiết bị tự động hóa, hệ thống đệm lót sinh học, hệ thống năng lượng mặt trời, công nghệ thông tin,công nghệ dọn phân bằng robot, có sử dụng hệ thống chuồng kín, hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm phù hợp, hệ thống phân phối và định lượng thức ăn tại chuồng, hệ thống thu gom xử lý chất thải chăn nuôi tiên tiến, hiện đại đảm bảo điều kiện vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường...

+ Nghiên cứu phát triển quy trình công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ nano, công nghệ RAS, tự động hóa... trong nuôi thâm canh, nuôi siêu thâm canh, tạo ra vacxin thế hệ mới phòng ngừa một số bệnh trong nuôi trồng thủy sản, công nghệ xử lý môi trường trong nuôi trồng một số loài thủy sản chủ lực.

+ Tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ tự động hóa, công nghệ cảm biến, công nghệ thông tin, công nghệ số và công nghệ hiện đại, tiên tiến khác từ nước ngoài phù hợp với điều kiện nông nghiệp tại Thành phố thông qua Sàn giao dịch công nghệ Thành phố. Hỗ trợ các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân hàng năm theo hình thức hợp tác công tư (nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, xây dựng quy trình, kỹ thuật, đào tạo, quảng bá...; doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân chủ động thực hiện).

+ Thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu vùng sản xuất nông nghiệp an toàn; quản lý thông tin đất và sử dụng đất cho nông lâm nghiệp và thủy sản; giống cây trồng, phân bón; thông tin thị trường, xuất nhập khẩu hàng hóa nông lâm thủy sản; giống vật nuôi (gia súc, gia cầm, thủy sản), thức ăn chăn nuôi, thông tin chăn nuôi tại địa phương; dịch bệnh và diễn biên dịch bệnh; công nghệ cảm biến trong cảnh báo và kiểm soát ô nhiễm môi trường chăn nuôi, cơ sở giết mổ, công tác tiêm phòng dịch trong chăn nuôi và nuôi trông thủy sản; quản lý tàu cá và sổ nhật ký đánh cá; hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quản lý thông tin sâu bệnh, dịch bệnh, công tác phòng bệnh cây trồng nông lâm nghiệp; hệ thông quản lý nông nghiệp thông minh; phần mêm cơ sở dữ liệu quản lý đào tạo nghề.

Hoàng Kim (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378