SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

TP.HCM "đặt hàng" xây dựng ứng dụng quản lý trường học, lớp học phục vụ chuyển đổi số giáo dục

21-12-2023
Chiều 20/12, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức sự kiện kết nối sáng tạo với chủ đề "Xây dựng ứng dụng quản lý trường học, lớp học LMS thống nhất trong toàn ngành, thí điểm tại Thành phố Thủ Đức".

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương (Phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TP.HCM), sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện Inno-coffee năm 2023 nhằm kết nối, tìm kiếm các đơn vị xây dựng ứng dụng quản lý trường học, lớp học LMS thống nhất trong toàn ngành, phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động quản lý giáo dục. TP.HCM đã xác định chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục như một giải pháp mũi nhọn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và khả năng cạnh tranh của địa phương. Do đó, việc xây dựng, phát triển ứng dụng cần đáp ứng các nội dung quản lý lớp học, phân công giáo viên, thời khóa biểu; danh bạ toàn ngành, hệ thống tin nhắn OTT chỉ đạo toàn ngành giáo dục, có thể phân theo nhóm; hệ thống camera an ninh, kết nối toàn ngành; tổ chức dạy học trực tuyến, giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; thông tin kết quả học tập đến phụ huynh học sinh - ứng dụng tin nhắn OTT; kết hợp các báo cáo số liệu dựa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo; tổng hợp thông tin nhanh, tin nóng liên quan đến lĩnh vực giáo dục.

01HDKHLVketnoisangtaoLMSh6.jpg

Bà Nguyễn Thị Thu Sương (Phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TP.HCM) phát biểu tại sự kiện 

Tại sự kiện, ông Đoàn Đức Quý (Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thủ Đức) đã trình bày bài toán đặt hàng Xây dựng ứng dụng quản lý trường học, lớp học LMS thống nhất trong toàn ngành (phiên bản desktop và ứng dụng mobile). Bên cạnh đó, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng trình bày các báo cáo tham luận như Thực trạng và giải pháp chuyển đổi số ngành giáo dục; Mô hình lớp học thông minh Teamie Classroom.

Theo ông Đoàn Đức Quý, hiện nay TP. Thủ Đức có tổng cộng 34 phường với hơn 1,3 triệu dân, trong đó có hơn 700 đơn vị giáo dục với số lượng cán bộ quản lý giáo dục chỉ gần 40 người. Về cơ sở vật chất, 100% các trường trong hệ thống công lập đều có máy tính, có kết nối mạng internet tốc độ cao, máy tính có cấu hình cơ bản đủ đáp ứng cho việc số hoá các tài liệu giáo dục. Các cơ sở giáo dục đều có phần mềm quản lý học sinh, nhân sự, tài chính, thư viện,… Tuy nhiên, hệ thống trường lớp tương đối lớn, lực lượng cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách của các cơ sở giáo dục chưa đầy đủ, đa phần kiêm nhiệm,… dẫn đến khó khăn trong việc cập nhật dữ liệu trên các hệ thống quản lý. Các phần mềm đang triển khai đơn lẻ, chưa có sự liên kết, chia sẻ dữ liệu; các dữ liệu còn manh mún, rời rạc, chưa được chuẩn hóa và thống nhất, chưa liên thông được với nhau, gây khó khăn trong công tác nhập liệu, tổng hợp báo cáo phục vụ quản lý giáo dục. Do vậy, rất cần một hệ thống chung ứng dụng công nghệ để quản lý dễ dàng hơn, giảm áp lực cho đội ngũ quản lý.

01HDKHLVketnoisangtaoLMSh2.jpg

Ông Đoàn Đức Quý (Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thủ Đức) trình bày nội dung "đặt hàng" về ứng dụng quản lý trường học  

Cụ thể, phần mềm quản lý cần đáp ứng các nhu cầu sử dụng thực tế hiện tại như nhất quán các thuật ngữ, cấu trúc chức năng,... trong toàn bộ phần mềm; có tính mở, thuận tiện cho việc bảo trì, phát triển; quản trị hệ thống đơn giản và mạnh mẽ cho người điều hành trong việc thêm bớt user, cấp phát quyền, quản trị theo nhóm. Ngoài ra, cung cấp các tiện ích phục vụ cho người sử dụng; hỗ trợ khả năng phân quyền chi tiết chức năng người dùng; các thông tin được lưu trữ trong thời gian dài; hệ thống biểu mẫu báo cáo mở; các biểu mẫu báo cáo động, tùy biến theo yêu cầu của từng cấp quản lý; hệ thống tra cứu thuận tiện; giao diện thân thiện thuận tiện cho người dùng phổ thông; kết nối với hệ thống IOC của Thành phố Thủ Đức;…

01HDKHLVketnoisangtaoLMSh1.jpg

Các nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp trình bày tham luận, chia sẻ ý kiến, đề xuất giải pháp, thảo luận tại sự kiện

Ông Quý chia sẻ thêm, TP. Thủ Đức luôn chú trọng, quan tâm việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong tất cả các lĩnh vực, nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn, chất lượng đội ngũ nhân lực cũng như công tác quản lý, lãnh đạo trên địa bàn. Thông qua sự kiện này, TP. Thủ Đức đặt hàng các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp về giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục để triển khai áp dụng trong toàn ngành, hỗ trợ giải quyết tốt nhất bài toán trong quản lý giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học.

01HDKHLVketnoisangtaoLMSh5.jpg

Các ý kiến trình bày, chia sẻ, đề xuất tại sự kiện cũng cho rằng, thực trạng hiện nay tại TP.HCM, việc chuyển đổi số giáo dục đang ở mức độ đơn giản là số hóa dữ liệu phục vụ quản lý, vẫn còn những khó khăn trong quá trình kết nối, liên thông dữ liệu, sai sót dữ liệu, các đơn vị vẫn còn rất thận trọng trong việc đổi mới… Do đó, từ việc "đặt hàng" của TP. Thủ Đức, các đơn vị có thể mạnh dạn hơn khi tiếp cận vấn đề chuyển đổi số trong giáo dục. Ngành giáo dục có thể tìm kiếm các giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số, giải quyết các vấn đề như số hóa toàn bộ dữ liệu trong nhà trường, giảm thời gian làm việc thủ công của cán bộ công nhân viên, tạo kênh thông tin liên lạc chính thống giữa phụ huynh và nhà trường, quản lý vận hành nhà trường, lớp học một cách chuyên nghiệp, thuận tiện hơn. Bên cạnh đó, có thể tiếp cận các giải pháp giáo dục hướng đến các mô hình giáo dục thông minh, chuyển đổi số làm thay đổi môi trường học tập, thay đổi phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá, giúp người học chủ động tương tác và tìm kiếm tri thức; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong đổi mới phương thức quản trị cơ sở giáo dục và quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng tinh gọn, hiệu quả, minh bạch…

01HDKHLVketnoisangtaoLMSh7.jpg

Lam Vân (CESTI)


Bản quyền © 2018 Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Thiết kế và phát triển bởi HCMGIS
Tổng số truy cập: 11537378