TP.HCM đề xuất cơ chế thử nghiệm có kiểm soát cho các giải pháp công nghệ mới
17-08-2023Chiều 16/8, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Nghị quyết "Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM".
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM), Quốc hội đã phê duyệt Nghị quyết số 98/NQ-QH15 ngày 24/6/2023 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Trong đó, tại điểm d, khoản 1, điều 8 của Nghị quyết này quy định "Khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo".
Căn cứ Quyết định số 2856/QĐ-UBND ngày 11/7/2023 của Ủy ban Nhân dân TP.HCM về ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15, Sở KH&CN phối hợp cùng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM và Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) xây dựng dự thảo Nghị quyết "Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong phạm vi khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP.HCM".
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) phát biểu tại buổi tọa đàm
Dự thảo quy định 2 nhóm lĩnh vực công nghệ tham gia thử nghiệm có kiểm soát. Nhóm 1 gồm ba sản phẩm/giải pháp là công nghệ không dây LoraWAN, Wifi Halow; xe điện không người lái; các giải pháp công nghệ số có sử dụng drone. Nhóm 2 có chín lĩnh vực công nghệ được đề xuất cho phép thử nghiệm gồm: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, IoT, thực tế ảo, robot tự hành, vi mạch, in 3D, công nghệ sinh học (trừ sản phẩm thử nghiệm trên người).
Trong khuôn khổ tọa đàm này, Sở mong muốn tham vấn ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học về dự thảo Nghị quyết cho phép một số đơn vị, doanh nghiệp của Thành phố thử nghiệm một số giải pháp công nghệ theo chính sách (cơ chế sandbox). Các nội dung góp ý trao đổi tại tọa đàm tập trung vào 2 vấn đề chính là thiết kế mô hình/khung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sao cho hiệu quả và quy định về các đơn vị/tổ chức tham gia cơ chế sandbox. Sở sẽ hoàn chỉnh lại dự thảo để trình UBND Thành phố ban hành nhằm cụ thể hóa nội dung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới theo Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Tại buổi tọa đàm, bà Huỳnh Lưu Trùng Phùng (Phó trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, về điều kiện và tiêu chí tham gia sandbox, nội dung dự thảo có nêu các giải pháp công nghệ mới là các giải pháp mà nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, hoặc đã được quy định nhưng có thể cắt giảm thủ tục cấp phép trong phạm vi thử nghiệm. Bên cạnh đó, giải pháp được thử nghiệm phải thiết kế, xây dựng khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực cho xã hội; doanh nghiệp phải xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các vấn đề xảy ra trong quá trình thử nghiệm một cách phù hợp. Kế hoạch thử nghiệm công nghệ phải có tính khả thi, thông tin minh bạch, đầy đủ về giải pháp thử nghiệm, có thể cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành thử nghiệm. Đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TP.HCM.
Tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường, viện, sở ban ngành, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM
Về chính sách hỗ trợ, TP.HCM sẽ hỗ trợ mặt bằng, cơ sở hạ tầng trong khu công nghệ cao, khu thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo của Thành phố có mục đích sử dụng phù hợp để phục vụ việc thử nghiệm giải pháp. Doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí từ ngân sách. Các đơn vị tham gia cũng sẽ được hỗ trợ về mặt pháp lý: miễn xin phép trong trường hợp sản phẩm thử nghiệm sử dụng các công nghệ được quy định tại Nghị quyết cần có các loại giấy phép trong thẩm quyền của UBND Thành phố. Các giấy phép ngoài thẩm quyền, Thành phố sẽ xin ý kiến các bộ ngành có liên quan để quyết định cho phép thử nghiệm.
Góp ý dự thảo, PGS.TS Võ Trí Hảo (nguyên Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, sandbox nhìn ở góc độ pháp lý khi có một mô hình công nghệ mới có thể xảy ra một số rủi ro về an ninh quốc phòng, kinh tế tài chính, quản trị quốc gia, đạo đức… Do đó, việc tạo ra sandbox cần mô tả các rủi ro và đưa ra biện pháp kiểm soát rủi ro nhằm đảm bảo khi nhà nước cho doanh nghiệp thí điểm thì các mối nguy hiểm hay rủi ro có thể được kiểm soát. Sandbox được hiểu là một chiếc "hộp" có thể khoanh vùng phạm vi ảnh hưởng, tác động của công nghệ, sản phẩm thử nghiệm chỉ diễn ra trong "hộp" đó, sau thời gian thí điểm tốt có thể điều chỉnh, mở rộng lan tỏa mô hình công nghệ mới. Với cơ chế sandbox, Thành phố nên đưa ra một khung chương trình, sau đó ủy quyền cho hội đồng khoa học (gồm các chuyên gia) đánh giá thẩm định theo từng lĩnh vực, đề án cụ thể. Doanh nghiệp tham gia cần mô tả tính hiệu quả công nghệ, kết quả đầu ra công nghệ, các rủi ro và cam kết không ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, đồng thời xây dựng cơ chế kích hoạt để xử lý các yếu tố rủi ro này. Ngoài ra, cần mô tả rõ các hiệu ứng lan tỏa, kết quả, lợi ích xã hội nhận được từ công nghệ tham gia sandbox.
Các ý kiến tại tọa đàm cũng cho rằng, nên có một khung đánh giá, thẩm định các sản phẩm, giải pháp công nghệ tham gia sandbox. Để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia sandbox, cần thiết kế thêm cơ chế mở rộng ứng dụng, kinh doanh cho các sản phẩm, giải pháp ở giai đoạn tiếp theo. Trước mắt có thể áp dụng cơ chế thử nghiệm cho 1 – 2 sản phẩm cụ thể (như máy bay không người lái) với các chương trình hỗ trợ khung pháp lý, bản quyền phần mềm, giấy phép,… để khuyến khích các nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp hay startup mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển sản phẩm công nghệ.
Lam Vân (CESTI)