TP.HCM đề xuất thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp
14-12-2024Cơ chế thí điểm một số nội dung, giải pháp để các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước sử dụng Quỹ hiệu quả hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN), đầu tư hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, phát triển KH&CN và chuyển đổi số.
Ngày 13/12, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức Tọa đàm "Đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2028".
Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN), thời gian qua, TP.HCM được đánh giá là địa phương năng động nhất cả nước về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Các mô hình tăng trưởng hiện nay đều cho thấy vai trò động lực của khoa học, công nghệ và ĐMST, trong đó chủ yếu dựa vào nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ và ĐMST. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng sẵn có, Thành phố cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong việc tháo gỡ các rào cản về cơ chế sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN) phát biểu tại buổi tọa đàm
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố trong Kế hoạch số 3527/KH-UBND về triển khai Chương trình phối hợp công tác giữa Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM, Sở KH&CN xây dựng Đề án Thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025 - 2028. Đề án tập trung nghiên cứu thực trạng trích lập, sử dụng Quỹ của doanh nghiệp và công tác quản lý Quỹ trên địa bàn TP.HCM; đề xuất một số nguyên tắc, nội dung, đối tượng và giải pháp thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phù hợp với đặc thù của Thành phố. Thông qua buổi tọa đàm, Sở mong muốn lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp, kiến nghị, thảo luận và đề xuất của các doanh nghiệp để hoàn thiện hơn các chính sách, tạo cơ chế mới “thông thoáng” hơn để doanh nghiệp “mạnh dạn” sử dụng Quỹ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao sức cạnh tranh,… Từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của Thành phố trong giai đoạn mới.
Ông Phan Quốc Tuấn (Phó Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở KH&CN) trình bày một số nội dung dự thảo đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố
Báo cáo dự thảo đề xuất cơ chế thí điểm sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, ông Phan Quốc Tuấn (Phó Phòng Quản lý Công nghệ và Thị trường công nghệ - Sở KH&CN) cho biết, cơ sở pháp lý về Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đến nay khá đầy đủ, trong đó, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN và Thông tư số 67/2022/TT-BTC thay thế Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BKHCN-BTC về cơ bản đã tháo gỡ một số nội dung vướng mắc của doanh nghiệp trong việc sử dụng Quỹ cho các khoản chi tiêu lớn như chi cho đổi mới, chuyển giao công nghệ hay mua sắm nguyên vật liệu cho đổi mới công nghệ, tăng sự chủ động, tự chủ trong việc quyết định sử dụng Quỹ cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,...
Tuy nhiên, hiện nay, việc trích, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, bất cập, số lượng doanh nghiệp thành lập Quỹ chưa nhiều và số tiền sử dụng chưa cao. Theo thống kê, số tiền trích lập Quỹ trên cả nước đạt trên 23.000 tỷ đồng (tổng số 1.281 lượt doanh nghiệp) và sử dụng trên 14.000 tỷ đồng. So với tổng số doanh nghiệp hiện có, số doanh nghiệp đã thực hiện trích lập Quỹ là khá khiêm tốn. Số trích Quỹ và sử dụng Quỹ tập trung vào một số tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn. Riêng trên địa bàn TP.HCM có 127 doanh nghiệp báo cáo thành lập Quỹ, trong đó có 79 doanh nghiệp nhà nước và 45 doanh nghiệp ngoài nhà nước; 44 doanh nghiệp sản xuất và 80 doanh nghiệp thương mại – dịch vụ. Tổng số tiền trích Quỹ hơn 6.202 tỷ đồng, số tiền chi sử dụng Quỹ hơn 2.108 tỷ đồng.
Phần trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm
Một số nguyên nhân hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp khi sử dụng Quỹ có thể nhận thấy: doanh nghiệp còn lúng túng trong việc thực hiện quy định về phương thức thực hiện nhiệm vụ KH&CN (tuyển chọn hoặc giao trực tiếp theo quy định của Luật KH&CN và Nghị định số 08/2014/NĐ-CP) dẫn đến không áp dụng được mà phải chuyển sang hình thức đấu thầu lựa chọn tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ; văn bản pháp luật của Nhà nước thiếu vắng các chế tài, quy định cụ thể để khuyến khích sử dụng nguồn lực của doanh nghiệp cho khoa học, công nghệ và ĐMST. Bên cạnh đó, Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN là văn bản hướng dẫn chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp nên có một số nội dung không phù hợp và chưa cụ thể cho việc sử dụng Quỹ đối với các doanh nghiệp Nhà nước; chưa cho phép chi cho đối tượng ngoài doanh nghiệp; nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đang áp dụng đối với doanh nghiệp Nhà nước chưa thực sự phù hợp khi đầu tư khởi nghiệp ĐMST do độ rủi ro cao;… Ngoài ra, để đầu tư đổi mới máy móc thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần thực hiện theo một quy trình kỹ lưỡng nhiều giai đoạn, từ lúc có ý tưởng, lựa chọn công nghệ đến khi triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động phục vụ sản xuất kinh doanh và kéo dài nhiều năm tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, Quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư số 05/2022/TT-BKHCN và điểm c khoản 1 Điều 5 của Thông tư số 67/2022/TT-BTC cho phép doanh nghiệp được sử dụng Quỹ mua máy móc, thiết bị đổi mới công nghệ phục vụ trực tiếp sản xuất kinh doanh trong hai năm là 2022 và năm 2023 (thời gian hiệu lực của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội) về cơ bản không đủ thời gian để doanh nghiệp triển khai, thực hiện.
Theo ông Phan Quốc Tuấn, cơ chế thí điểm được đề xuất trên nguyên tắc khuyến khích doanh nghiệp chủ động thực hiện các nội dung đầu tư cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ phát triển KH&CN của doanh nghiệp, thực hiện hoạt động chuyển đổi số phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất kinh doanh; khuyến khích doanh nghiệp phối hợp với các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST triển khai nhiệm vụ. Các tổ chức, cá nhân liên quan khi tham gia triển khai cơ chế này không bị xử lý trách nhiệm, doanh nghiệp không bị thu hồi phần ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Sở cũng gợi ý đề xuất một số giải pháp thí điểm nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nội dung chi hỗ trợ từ Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố; chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST; chi thực hiện đổi mới công nghệ, chuyển đổi số; chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN.
Cụ thể, đối với nội dung chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN, đề xuất doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty nhà nước trên địa bàn Thành phố căn cứ theo Quy chế KH&CN, nhiệm vụ KH&CN của đơn vị được thực hiện theo các phương thức tuyển chọn, giao trực tiếp, xét tài trợ không thông qua đấu thầu; được thanh toán toàn bộ phần kinh phí chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN trong trường hợp nhiệm vụ bị dừng hoặc kết quả thực hiện không đạt yêu cầu đặt hàng vì nguyên nhân khách quan xác định theo Quy chế KH&CN); được tự lựa chọn các nhiệm vụ KH&CN liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không giới hạn lĩnh vực nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN, không phụ thuộc ngành nghề kinh doanh chính;... Đối với nội dung chi thực hiện đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đề xuất thí điểm áp dụng cơ chế "sandbox" với các doanh nghiệp sử dụng Quỹ cho những dự án mới, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ mới và chuyển đổi số; doanh nghiệp được mua mới máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh không kèm điều kiện thay thế bằng công nghệ tiên tiến hơn;... Về chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST, cho phép doanh nghiệp Nhà nước thực hiện đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp ĐMST nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị; doanh nghiệp được phép áp dụng hình thức chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN cho nhiệm vụ chi đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp. Ngoài ra, đề xuất Quỹ phát triển KH&CN của Thành phố được phép chi hỗ trợ nhưng không quá 30% tổng kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN/dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Việt Dũng chủ trì thảo luận và trao đổi, giải đáp một số thắc mắc của doanh nghiệp tại buổi tọa đàm
Đồng tình với những nội dung gợi ý, đề xuất của Sở KH&CN, các ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm cho rằng, doanh nghiệp còn dè dặt, cân nhắc khi sử dụng Quỹ vì thực tế triển khai còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Các quy định pháp lý về trích lập, sử dụng và quản lý Quỹ gần đây có nhiều điểm mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tuy nhiên chưa được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng và còn nhiều phức tạp, khiến chính sách ưu đãi về thuế không phát huy hết tác dụng, nếu nhiệm vụ thực hiện không thành công, chậm tiến độ sẽ bị xem xét xử lý, truy cứu trách nhiệm,… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng băn khoăn về những vướng mắc trong quy định chuyển giao tài sản hình thành từ Quỹ chưa hết hao mòn cho hoạt động sản xuất kinh doanh; về xác định mua máy móc, thiết bị như thế nào là đổi mới công nghệ; chưa nắm rõ thủ tục thanh quyết toán tài chính, lo ngại việc phải chứng minh về tính phù hợp của nội dung chi khi sử dụng Quỹ cho chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thuê/mua sắm/sử dụng các phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin,...
Vì vậy, Đề án “Thí điểm cơ chế sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố” được kỳ vọng khi triển khai sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động, tích cực chi sử dụng Quỹ hiệu quả hơn, thúc đẩy mục tiêu định hướng đến năm 2028, tổng giá trị Quỹ được sử dụng cho các nhiệm vụ KH&CN, dự án R&D, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm mới đạt ít nhất 60%; hỗ trợ 10 dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực KH&CN được nhận tài trợ từ Quỹ; tăng 30% kinh phí sử dụng từ Quỹ của doanh nghiệp được thí điểm để triển khai các dự án chuyển đổi số, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, quản lý của doanh nghiệp,… Đây cũng là một trong những nội dung, nhiệm vụ chủ yếu mà Chương trình phối hợp công tác số 51-CTPH/BCSĐBKHCN-TUTPHCM giữa Ban cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đã đề ra.
Lam Vân (CESTI)