TP.HCM đón đầu, tiên phong thúc đẩy mô hình đại học khởi nghiệp
18-12-2024Trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP.HCM 2024 (WHISE 2024) đã diễn ra Diễn đàn quốc tế về đại học khởi nghiệp. Tại đây, 5 trường đại học đã ký cam kết, tiên phong hưởng ứng chuyển đổi sang mô hình đại học khởi nghiệp, bao gồm: trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM (HCMUT); trường Đại học Nguyễn Tất Thành (NTTU); trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM (UEL); trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT) và trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
Các trường đại học ký kết hưởng ứng xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp TP.HCM cùng chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và các đại biểu khách mời
Với chủ đề "Đại học khởi nghiệp”. Đổi mới sáng tạo vì tương lai. Diễn đàn quốc tế về đại học khởi nghiệp, hứa hẹn sẽ mang đến những thông tin hữu ích, những góc nhìn mới về mô hình đại học khởi nghiệp trong xu hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu và những cơ hội hợp tác cho các trường đại học trên địa bàn Thành phố.
Đại học khởi nghiệp cho các cơ sở giáo dục đại học là một mô hình quan trọng thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại TP.HCM phát triển, góp phần tạo động lực thúc đẩy thương mại hóa các ý tưởng và nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực có tư duy khởi nghiệp và năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế tri thức và phát triển bền vững cho Thành phố giai đoạn 2024 - 2028.
Toàn cảnh Diễn đàn quốc tế về đại học khởi nghiệp, diễn ra trong ngày 17/12/2024
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho biết, trong những năm qua, TP.HCM đã không ngừng xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ các startup vươn xa. Để tạo nên bước đột phá, bên cạnh việc hoàn thiện hệ sinh thái, Thành phố tập trung mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng startup, hướng đến các mục tiêu: làm chủ công nghệ Việt, phát triển công nghệ sâu deep-tech và gia tăng lợi thế cạnh tranh. Trong đó, nhân tố then chốt chính là nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo, sự kết nối chặt chẽ giữa giáo dục, nghiên cứu và thực tiễn kinh tế - xã hội. Đại học khởi nghiệp được đánh giá là mô hình hiệu quả để hiện thực hóa mục tiêu này.
“Thực tế ở một số quốc gia, khoảng 70% trong số các starup “sống sót” sau 5 năm đến từ trường đại học. Bởi, thực tế trường đại học là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các kết quả nghiên cứu có cơ sở khoa học. Đây là hai thành tố quan trọng trong câu chuyện khởi nghiệp. Đại học khởi nghiệp không phải nhằm mục tiêu duy nhất là đào tạo sinh viên, giáo sư làm khởi nghiệp, mà hướng đến huấn luyện đội ngũ người học có tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần ấy, thể hiện ở ba tố chất quan trọng, đó là có tinh thần đổi mới sáng tạo, dấn thân và chấp nhận rủi ro. Với tinh thần đó, họ có thể tạo được các giá trị mới trong công việc, ngay cả khi không khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp”, ông Nguyễn Việt Dũng dẫn chứng.
Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nhận định, việc phát triển mạng lưới các đại học mang tinh thần khởi nghiệp sẽ góp phần tích cực trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thành phố dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo
Chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn đều nhận định rằng, các trường đại học không chỉ dừng lại ở vai trò giảng dạy và nghiên cứu, mà còn trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, cầu nối giữa tri thức và thực tiễn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế ở nhiều đại học trên thế giới đã khẳng định, sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp không chỉ tạo nên các startup giá trị cao mà còn nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển như Việt Nam, các đại học có nhiều cơ hội để xây dựng đại học khởi nghiệp, tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển và bền vững.
Tại Việt Nam, mục tiêu lớn nhất của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia là tạo ra ngày càng nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, từ đó đóng góp vào sự phát triển của kinh tế quốc gia.
Hiện các trường đại học tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vẫn đang định hướng theo mô hình đại học truyền thống với hai vai trò chính là đào tạo và nghiên cứu. Để có sự thay đổi đáp ứng mục tiêu trên, cần một mô hình giáo dục mới, mang tính đột phá, đó là Đại học khởi nghiệp - nơi không chỉ dừng lại ở đào tạo, nghiên cứu mà còn là bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Các trường đại học khởi nghiệp chính là "cái nôi" sản sinh ra nhiều nhất các doanh nghiệp mới như spin-off, spin-out và startup. Ba mô hình doanh nghiệp này thành công sẽ xây dựng được một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu hiệu quả.
Các diễn giả, đại biểu cùng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và giải pháp để cùng nhau xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp tại trường đại học
Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cho rằng, đại học khởi nghiệp không chỉ là vấn đề của các cơ sở giáo dục mà còn là trọng tâm chiến lược của nhiều địa phương trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết các vấn đề xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
“Trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phối hợp với các trường đại học, các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thành phố, nghiên cứu và học tập một số tiêu chuẩn của thế giới để xây dựng kế hoạch thúc đẩy phát triển mô hình đại học khởi nghiệp tại Thành phố. WHISE 2024 là một minh chứng cụ thể, khi Sở lựa chọn vấn đề đại học khởi nghiệp là chủ đề chính để cùng bàn luận sâu hơn”, ông Lê Thanh Minh chia sẻ.
Ông Lê Thanh Minh - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM chia sẻ về các giải pháp của Thành phố trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và mô hình đại học khởi nghiệp
Cũng theo ông Lê Thanh Minh sắp tới, Sở Khoa học và Công nghệ sẽ đề ra khung tiêu chí để định hướng các cơ sở giáo dục đại học phát triển mô hình đại học khởi nghiệp, đồng thời là căn cứ để đánh giá và công nhận kết quả các hoạt động đổi mới sáng tạo của các trường để tạo động lực cho các trường thúc đẩy hơn nữa các hoạt động đổi mới sáng tạo, gắn kết hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy phát kinh tế - xã hội thông qua tri thức.
Được biết, khung tiêu chí mô hình đại học khởi nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cùng các trường đại học, các tổ chức trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo xây dựng, sẽ gồm 6 nhóm tiêu chí: (1) Lãnh đạo và chiến lược khởi nghiệp, với yêu cầu các trường có chiến lược dài hạn trong việc gắn kết giáo dục, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo với nhu cầu thực tế của xã hội và doanh nghiệp; (2) Năng lực và văn hóa khởi nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, từ các chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên đến cơ cấu tổ chức, hỗ trợ khởi nghiệp; (3) Đào tạo và nghiên cứu định hướng ứng dụng với yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trẻ có khả năng khởi nghiệp, đồng thời thúc đẩy hợp tác công - tư để tạo các giá trị thực tiễn cho xã hội; (4) Hỗ trợ và tài chính nhấn mạnh đến việc đảm bảo các nguồn lực cần thiết cho hoạt động khởi nghiệp, gồm cả nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và các chính sách hỗ trợ; (5) Tài sản trí tuệ và thương mại hóa tập trung phát triển và khai thác các giá trị thương mại từ tài sản trí tuệ do trường tạo ra; (6) Sự cải tiến liên tục, nhằm đáp ứng sự thay đổi của thị trường, tạo ra giá trị bền vững cả về kinh tế - xã hội.
WHISE 2024 là sự kiện do UBND TP.HCM chỉ đạo, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM thực hiện, kéo dài từ ngày 17-18/12 với hơn 15 sự kiện nổi bật. Trong đó, điểm nhấn là triển lãm sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quy tụ hơn 150 gian hàng. Ngoài Diễn đàn quốc tế về đại học khởi nghiệp, sự kiện còn diễn ra các chương trình như: Hội thảo về trí tuệ nhân tạo và ứng dụng trong hành chính công, Hội thảo về phát triển bền vững và công nghệ giáo dục AI... WHISE 2024 cũng sẽ tổ chức chung kết Cuộc thi Smart City 2024, tìm kiếm các sáng kiến đô thị thông minh, cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 2, trao giải I-Star 2024 và nhiều chương trình kết nối hệ sinh thái khác… |
Nhật Linh (CESTI)